XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO

XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO

Xóa đói, giảm nghèo là một hệ thống các chính sách, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đói nghèo của một quốc gia.
Đói là tình trạng không được đáp ứng nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm trong cuộc sống thường ngày (hay trong một giai đoạn nào đó).
Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người mà nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế – xã hội và phong tục tập quán của địa phương hay tiêu chí của một quốc gia (theo định nghĩa của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP). Các nước thường sử dụng mức thu nhập (hoặc chi tiêu) bình quân đầu người làm tiêu chuẩn để xác định tình trạng nghèo. Người nghèo hoặc hộ nghèo là những người hoặc hộ có thu nhập (hoặc chi tiêu) bình quân đầu người thấp hơn chuẩn nghèo hoặc ngưỡng nghèo theo quy định.
Trên thế giới đưa ra hai khái niệm nghèo tuyệt đối (hay nghèo cùng cực) và nghèo tương đối. Nghèo tuyệt đối để chỉ những người, những hộ có mức thu nhập thấp hơn một chuẩn nghèo quy định được coi là mức thấp nhất. Ngân hàng Thế giới đưa ra mức chuẩn nghèo tuyệt đối  hiện nay là thu nhập bình quân đầu người dưới 2 USD/người/ngày (theo sức mua tương đương). Chuẩn nghèo tuyệt đối còn được gọi là nghèo về lương thực, thực phẩm và thường được xác định bằng giá trị của một rổ hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu để đảm bảo khẩu phần ăn duy trì với nhiệt lượng tiêu dùng khoảng 2.100 kcal/người /ngày. Còn nghèo tương đối là việc cung cấp không được đầy đủ các nhu cầu về vật chất và phi vật chất cho những nhóm người nhất định trong xã hội so với mức độ sung túc của xã hội. Như vậy, nghèo tương đối không chỉ xác định về mức nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm mà còn cả về mức chi tối thiểu cho các nhu cầu khác gồm nhà ở, quần áo, đồ dùng gia đình, học tập, văn hóa, giải trí, y tế, đi lại, thông tin liên lạc,…
Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ mức chuẩn nghèo trở xuống. Tỷ lệ hộ nghèo là tỷ lệ (%) số hộ nghèo so với tổng số hộ hiện có. Tỷ lệ hộ nghèo có thể tính cho cả nước, theo khu vực (thành thị và nông thôn), theo các vùng kinh tế và theo tỉnh, thành phố
Như vậy, chuẩn nghèo có thể cũng có sự khác nhau giữa các nước, chuẩn nghèo cao hay thấp phụ thuộc vào điều kiện cụ thể và thay đổi theo thời  gian, không gian và trình độ phát triển của mỗi nước.
Trong những thập niên vừa qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã rất quan tâm, đã huy động nhiều nguồn lực trong nước và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, triển khai nhiều chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Từ năm 1993 đến năm 2015, Chính phủ đã năm lần thay đổi, ban hành chuẩn nghèo mới theo hướng nâng cao hơn mức thu nhập của người nghèo, hộ nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã được Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên cả ba mặt: 1- Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở, nước sinh hoạt…; 2- Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông – lâm – ngư, phát triển ngành nghề…; 3- Phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (điện, đường, trường học, trạm y tế,…) nhằm giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, được quốc tế đánh giá cao. Số hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn khoảng 6% năm 2014 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015). Trong những năm gần đây, khi thực hiện Chương trình 30a giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở 63 huyện nghèo (là những huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% vào năm 2010) giảm bình quân 5%/năm (xuống còn 35% năm 2014).
Đời sống vật chất và tinh thần của đa số Nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 2.028 USD.
Tuy nhiên, thành quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn còn cao, số  hộ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở 63 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước, vẫn còn có những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60% – 70%; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo. Chuẩn nghèo dù được nâng lên qua các thời kỳ song vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới, mức độ tiếp cận nghèo đa chiều còn thấp. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn. Tình trạng thiếu việc làm còn nhiều. Việc đảm bảo đời sống cho dân cư và lao động ở khu vực phi chính thức còn nhiều khó khăn, bất cập.
Bước vào giai đoạn chiến lược mới, Đảng và Nhà nước vẫn xác định xóa đói, giảm nghèo vừa là một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, đặc biệt là phải tập trung vào các vùng, các đối tượng khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo phải có một cách tiếp cận mới, tính đến đầy đủ hơn nhu cầu tối thiểu về vật chất và tinh thần của người dân (cả về ăn ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần,…).
Để thực hiện được các nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra, Đảng và Nhà nước  tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp để xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phướng pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản” (1); “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Thực hiện tốt chính sách việc làm công, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ có thời  hạn cho người lao động mất việc khu vực công. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, học nghề và đưa lao động đi làm việc ở nước  ngoài. Mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao hiệu quả của hệ thống, đổi mới cơ chế tài chính, bảo đảm phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, khuyến khích tham gia của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội. Thực hiện chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin” (2).

Chú thích:

(1), (2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 137, 300-301.