Xem chi tiết – Trường Chính Trị Hậu Giang – Hậu Giang Portal

 

                                           

1. Đặt vấn đề

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng M ời, phong trào cách mạng thế giới tuy đã phát triển thành cao trào, nhưng nhìn chung đều thất bại, chỉ có cách mạng Mông Cổ giành được thắng lợi. Điều đó chứng tỏ rằng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang đứng trước một sự bế tắc về đường lối cách mạng. Xuất phát từ tình hình trên, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvich Nga đã nhận thấy sự cần thiết phải thành lập Quốc tế Cộng sản. Tháng 3 năm 1919, Quốc tế Cộng sản (hay Quốc tế III) đã ra đời với tư cách là tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa và các nước thuộc địa, phụ thuộc.

Đại hội thành lập Quốc tế III tổ chức ở Mátxcơva từ ngày 2 đến 6-3-1919, có 51 đại biểu thay mặt cho 30 nước tới dự. Đại hội được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Lênin. Tại Đại hội, Đề cương Về dân chủ tư sản và chuyên chính vô sản của Lênin đã được thông qua. Đề cương vạch trần bản chất giai cấp của dân chủ tư sản, giải thích ý nghĩa của chính quyền Xô viết – một hình thức chuyên chính vô sản. Lênin khẳng định: chỉ có nền dân chủ tư sản và dân chủ vô sản, không có nên dân chủ thứ ba. Dân chủ vô sản là nền dân chủ cao nhất, do vậy nhiệm vụ của Quốc tế III là phải xác lập được dân chủ vô sản.

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển (3/1919 – 5/1943), Quốc tế Cộng sản đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp lực lượng cách mạng chân chính, phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào phong trào công nhân, cổ vũ tinh thần đấu tranh của công nhân và các dân tộc bị áp bức, góp phần quan trọng trong việc ra đời các Đảng Cộng sản ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng; định hướng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đi theo mục tiêu cao cả là xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

2. Vai trò của Quốc tế III đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và xác định đường lối cách mạng Việt Nam

Quốc tế Cộng sản có vai trò to lớn đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng Việt Nam. Quốc tế Cộng sản luôn theo sát, giúp đỡ kịp thời và chỉ đạo cụ thể đối với Đảng và cách mạng Việt Nam để cách mạng Việt Nam thực sự là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Nhờ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành.

Trước khi Quốc tế III thành lập, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhân sĩ, trí thức, sĩ phu yêu nước đã anh dũng, mưu lược trong tập hợp lực lượng ở trong nước để đấu tranh chống Pháp và đi ra nước ngoài “cầu viện”, tìm chỗ dựa. Các xu hướng giải phóng dân tộc theo lập trường dân chủ tư sản, theo xu hướng quân chủ lập hiến và theo con đường cách mạng vô sản đã xuất hiện. Tuy nhiên, việc cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường nào thì vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trong khi phải đối phó với kẻ thù hùng mạnh hơn, có kinh nghiệm xâm lược, có tiềm lực kinh tế – quân sự và có cả sự liên kết quốc tế của các nước đế quốc thực dân thì sự thiếu liên kết, thậm chí chia rẽ bởi những khuynh hướng khác nhau trong phong trào giải phóng dân tộc, sự thiếu liên hệ quốc tế, định hướng tư tưởng đã dẫn đến thất bại.

Do vậy, việc Quốc tế III coi vấn đề dân tộc, thuộc địa, vấn đề tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ toàn diện, phối hợp hành động giữa cách mạng chính quốc với cách mạng thuộc địa là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, nằm ở vị trí trung tâm chú ý của Quốc tế Cộng sản đã định hướng cho các lực lượng yêu nước và cách mạng Việt Nam, đoàn kết họ lại với nhau để tìm ra một con đường cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam, thoát khỏi tư tưởng đi tìm chỗ dựa của những người yêu nước đương thời.

Nguyễn Ái Quốc chú trọng nghiên cứu kỹ những văn kiện cơ bản và tư tưởng chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng nước ta, đặc biệt đánh giá cao những tư tưởng vĩ đại của V.I.Lênin trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Người cho rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin” và “Việt Nam muốn cách mạng thành công thì tất phải nhờ đệ tam quốc tế”.

Quốc tế III đã tạo ra môi trường hoạt động quốc tế thuận lợi giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc và những người yêu nước Việt Nam trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, nghiên cứu khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm của các đảng, các phong trào, tạo diễn đàn đấu tranh để các đảng cộng sản ở chính quốc quan tâm đúng mức đến việc giúp đỡ cách mạng thuộc địa. Quốc tế Cộng sản đã giao nhiệm vụ cho các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Tiệp Khắc giúp đỡ in ấn tài liệu, chuyển tài liệu về Việt Nam. Tổ chức nhiều lớp học ở trường Đại học phương Đông và các lớp ở Quảng Châu để bồi dưỡng đào tạo cán bộ trong phong trào. Chính nhờ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản thông qua các phân bộ của mình, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam có một bước chuyển biến căn bản từ tự phát sang tự giác, từ lẻ tẻ rời rạc đi đến có tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thảo luận, thông qua. Chánh cương chỉ rõ, về chính trị: Ðánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông. Về kinh tế: Thủ tiêu hết các thứ quốc trái; tịch thu hết các sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng…) của tư bản Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý; tịch thu ruộng đất của tư bản Pháp và đại địa chủ để làm của công chia cho dân cày nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang phát triển công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ. Về xã hội: Dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, thực hiện phổ thông giáo dục theo công nông hóa. Cùng với Chánh cương vắn tắt, Bác còn soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thông qua Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Ðiều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Ðảng. Tất cả những tài liệu này đã trở thành những văn kiện quan trọng có tính kinh điển của Ðảng ta, xác lập đường lối chiến lược, sách lược cơ bản của cách mạng Việt Nam và tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

3. Kết quả thắng lợi của đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Hơn 90 năm qua (03/02/1930-03/02/2022), nhờ vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo đường lối chung của Quốc tế Cộng sản, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mang lại độc lập cho dân tộc, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và vững bước trên con đường xây dựng XHCN.

Với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã tập hợp sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc tiến hành các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và liên tục giành được những thắng lợi vĩ đại. Nhân dân cả nước ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám là kết quả sự phát triển cách mạng trong 15 năm, trải qua 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 – 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh; cao trào cách mạng dân tộc dân chủ 1936 -1939 và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939 – 1945. Cách mạng tháng Tám đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Sau Cách mạng tháng Tám, Đảng ta và nhân dân ta thiết tha mong muốn kiến thiết đất nước trong hòa bình, chủ trương giao hảo với tất cả các nước gần xa. Song đế quốc thực dân lại đem quân xâm lược nước ta lần nữa. Tất cả vì độc lập tự do, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành thắng lợi vĩ đại. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nền kinh tế lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh. Những thành tựu Nhân dân ta đã thực hiện trong giai đoạn 1975 -1985 là đáng kể. Đảng ta đã có nhiều nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định mục tiêu và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, những hạn chế, khuyết điểm trong giai đoạn này đã được Đảng ta nhận thức rất kịp thời, đầy đủ và có những chiến lược đổi mới đúng đắn, đột phá. Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, có tính nguyên tắc của Đảng; nhờ có tinh thần yêu nước và sự phấn đấu kiên cường của Nhân dân, công cuộc đổi mới đã thu được những thắng lợi quan trọng. Thắng lợi nổi bật nhất là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; tiếp tục đưa đất nước ta phát triển, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của cách mạng Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. Trải qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 1996, Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội; năm 2008, ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, có mức thu nhập trung bình và năm 2020, với gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Diện mạo đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp nhiều lần so với trước đổi mới; đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt về vật chất, văn hóa, tinh thần, mức sống và chất lượng cuộc sống; các nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, dịch vụ cuộc sống của người dân được đảm bảo. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, kết hợp nội lực với ngoại lực, nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển… Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu rõ và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, kế thừa tư tưởng tiến bộ của Quốc tế III, chúng ta cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ, thống nhất tư tưởng và hành động; tiếp tục kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội – con đường duy nhất đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Cần kiên quyết, kiên trì chống khuynh hướng “tả khuynh”, “hữu khuynh” trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới. Không ngửng học tập, rèn luyện thế giới quan và phương pháp luận cách mạng, khoa học, nâng cao niềm tin về chủ nghĩa xã hội. Nâng cao trí tuệ, giữ vững bản lĩnh chính trị, sẵn sàng đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn các quan điểm sai trái phủ nhận vai trò của Quốc tế III, phủ nhận vai trò của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Đảng ta trong việc vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm của Quốc tế III vào hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, nhất là trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; phủ nhận đóng góp của cách mạng Việt Nam đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hà Thư – Một sự kiện chính trị bậc nhất của thế kỷ XX, Trang thông tin điện tử Tạp chí Xây dựng Đảng, 15/3/2011.

ThS. Nguyễn Ngọc Hương Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng, Tác động của Quốc tế Cộng sản với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, Trang thông tin điện tử Tạp chí Xây dựng Đảng, 16/8/2021

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Hệ thống tư liệu văn kiện Đảng (quốc tế III 1919 – 1943)

Giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị – Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nhà xuất bản LLCT 2021