Xe đạp – biểu tượng giàu nghèo của một quốc gia
Khi xe đạp chuyển từ cần thiết sang sự lựa chọn, nó đại diện cho sự thay đổi lớn về xã hội học.
Rất nhiều hãng xe quảng cáo rằng phương tiện bạn lái phản ánh đúng con người bạn. Nhưng điều đó không đúng ở Thái Lan. Xe đạp trở thành biểu tượng về sự phát triển của quốc gia này.
Khách du lịch đạp xe ở Thái Lan. Ảnh: Real Gap Experience.
Người Thái dùng xe đạp để giải trí một cách chẳng giống ai. Mỗi cuối tuần, hàng trăm nghìn người từ mọi tầng lớp xã hội đi dạo bằng xe Lycra. Từng lớp người nối nhau, đội mũ bảo hiểm đạp xe quanh khu sân bay và công viên, lên xuống những ngọn đồi và xuyên qua những con đường trong rừng rậm. Khi chính phủ muốn thực hiện một chiến dịch truyền thông, họ tổ chức một chiến dịch đạp xe. Những dịp quan trọng như vậy, ngay cả thành viên nội các và gia đình hoàng gia đều tham dự.
Xu hướng sử dụng xe đạp ở Thái Lan cho thấy sự chuyển đổi xã hội học đầy thú vị. Ở thập niên 1980, người dân đi xe đạp bởi họ không có quyền lựa chọn. Xe đạp dùng để vận chuyển hàng hóa, ngoại trừ một số nơi có xe ba bánh.
Nền kinh tế đi lên khiến xe máy và xe tuk tuk lên ngôi, đẩy xe đạp lui dần về quá khứ. Bất cứ ai đủ điều kiện đều mua một chiếc xe máy. Các chuyên gia mô tả Thái Lan mắc “bệnh của Nhật Bản”, do Nhật Bản đạt được những vượt bậc trong việc phổ thông hóa xe máy. Trên thế giới, xe máy thường được coi là nấc thang đầu tiên của nền kinh tế.
Nhưng xe đạp ở Myanmar là một câu chuyện rất khác. Myanmar thuộc danh sách những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, theo Liên Hợp Quốc xếp hạng. Xe đạp – chủ yếu nhập từ Trung Quốc – vẫn là thứ phương tiện chính yếu cho cuộc sống của nhiều người dân. Dịch vụ di chuyển phần lớn dùng xích lô, với kiểu thiết kế xe đạp gắn 2 ghế ngồi bên tay phải, một hành khách hướng mặt về trước, và một quay lưng lại.
Có những vùng tệ hại hơn, như Mandalay, một thành phố ảm đạm phía Bắc Myanmar. Nơi đây dường như không có bóng dáng ôtô. Đôi lúc có một chiếc môtô 500 phân khối của Anh vội vã chạy qua những con đường bụi bặm. Khái niệm “taxi” khác biệt với phần còn lại thế giới, do loại hình dịch vụ này vận hành bởi những chiếc xe ngựa.
Xe đạp cũng từng thống trị ở Việt Nam. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, giờ cao điểm ở Hà Nội dày đặc những người đi làm mặc bộ đồ màu xanh lá cây ngồi trên xe đạp. Họ dừng lại ở các nút giao thông theo đèn báo, rồi sau đó đồng loạt di chuyển, tạo nên tiếng “cót két” – thứ âm thanh vốn không dành cho một đô thị lớn.
Giống như người Myanmar, người Việt thời kỳ trước sử dụng xe đạp như một lựa chọn duy nhất. Vì thế, việc sở hữu một chiếc xe đạp Peugeot của Pháp chẳng khác nào ước mơ.
người Việt thời kỳ trước sử dụng xe đạp như một lựa chọn duy nhất. Ảnh: Pinterest.
Trong chiến tranh, xe đạp được gọi với cái tên “con lừa thép”. Bộ đội Việt Nam – dưới sự chỉ huy của đại tướng Võ Nguyên Giáp – dùng 60.000 chiếc xe đạp để vận chuyển quân trang và vật dụng để đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Và vẫn chiếc xe đạp, nó đã góp sức không nhỏ vào chiến thắng Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Bước sang thế kỷ 21, sự tương quan khí hậu dẫn đến sự khác nhau về việc sử dụng xe đạp hàng ngày. Hầu hết người châu Âu có thể đạp xe thoải mái đến nơi làm việc do khí hậu lạnh, nhưng các quốc gia Đông Nam Á thì không thể.
Như ở Thái Lan, việc đạp xe tiêu khiển đang phổ biến, nhưng chẳng mấy ai dùng chúng để đi làm, ngoại trừ 4 giờ sáng hoặc các nhà sư. Bangkok là thành phố có nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhất thế giới, ở mức 28 độ C.
Tuy nhiên, do tính chất thân thiện với môi trường, xe đạp ở vùng nhiệt đới là loại hình kinh doanh hái ra tiền. Khách du lịch đến Bangkok sẵn sàng trả tiền để đạp xe thăm thú quanh thành phố. Còn với người dân địa phương, họ không hề muốn đạp xe dưới thời tiết oi nóng, những con đường ô nhiễm khói bụi và đối mặt với vật nguy hiểm như ống cống hay ổ gà.
Như một quy luật, sự phát triển của một quốc gia sẽ thúc đẩy nhu cầu lựa chọn xe đạp của người dân. Để chứng minh một quốc gia giàu nghèo, người ta chỉ cần thực hiện một phép tính đơn giản, lấy số người lựa chọn đi xe đạp (A) chia cho số người buộc phải sử dụng xe đạp (B).
A/B = [nghèo] < 1 < [giàu]
Chỉ số này có thể coi là một chỉ số khách quan về kinh tế của một quốc gia. Các quốc gia còn nghèo thường có kết quả nhỏ hơn 1, và trên 1 đối với các quốc gia giàu có.