Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam – bất cập và giải pháp

(LLCT&TT) Ngày nay, chính phủ điện tử (CPĐT) là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, quá trình xây dựng CPĐT vẫn gặp phải nhiều vấn đề bất cập. Bài viết tìm hiểu về tình hình áp dụng CPĐT ở Việt Nam và kiến nghị một số giải pháp cho vấn đề CPĐT ở Việt Nam với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả của CPĐT trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.

1. Khái quát về chính phủ điện tử

Từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế thế giới đánh dấu những bước tiến quan trọng với cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT), với sự ra đời của thương mại điện tử (e-commerce) và doanh nghiệp điện tử (e-business). Chính điều này đã đặt ra thách thức lớn với chính phủ rằng làm thế nào để các chủ trương, chính sách công đến được với người dân và cộng đồng doanh nghiệp một cách hiệu quả, minh bạch nhất và ngược lại tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước của mình. Và các nước phát triển trên thế giới đã tìm ra được chìa khóa cho thách thức đó là phát triển chính phủ điện tử (e-government).

Tại Việt Nam, khái niệm CPĐT vẫn còn là một khái niệm tương đối mới mẻ. Theo World Bank “CPĐT là việc các cơ quan của chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT – TT) để thực hiện quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhờ đó giao dịch của các cơ quan chính phủ với công dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí”(1).

Nói một cách ngắn gọn, CPĐT là chính phủ hiện đại, đổi mới, vì dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng CNTT – TT.

Trước đây, việc giải quyết các vấn đề xã hội của hầu hết chính phủ các nước đều không có sự tham gia của CNTT. Cơ cấu bộ máy chính phủ của một quốc gia có khoảng 50-70 bộ hoặc các cơ quan tương đương và mỗi đơn vị lại có một chức năng riêng, với việc có quá nhiều ban ngành tạo ra sự phức tạp và làm cho khu vực công kém hiệu quả. Như vậy, sự ra đời của CPĐT là một điều thiết yếu nhờ áp dụng Internet và các thành tựu của ứng dụng khoa học công nghệ, giúp cải thiện hoạt động của bộ máy nhà nước.

Nhìn chung, mục tiêu cụ thể khi xây dựng CPĐT mà một quốc gia hướng tới là:

– Nâng cao hoạt động có hiệu quả trong quản lý và phục vụ người dân của chính phủ và các cơ quan chính quyền khác thông qua việc cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công như trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử.

– Người dân có quyền tham gia, đóng góp xây dựng chính sách, quá trình xây dựng luật pháp và quá trình điều hành của chính phủ một cách chủ động và tích cực.

– Giảm thiểu chi phí cho khu vực công và tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho các đối tượng sử dụng dịch vụ công của chính phủ.

– Nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan cầm quyền.

2. Một số lợi ích mà CPĐT mang lại

2.1. Đưa chính phủ tới gần người dân và đưa dân tới gần chính phủ cũng như phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Người dân sẽ được cung cấp một lượng thông tin vững chắc và cần thiết thông qua việc cập nhật thường xuyên từ CPĐT để phân tích, đánh giá một cách đúng đắn các vấn đề có liên quan giữa chính phủ và người dân. Trong khi đó thông tin về chính sách công là vô cùng quan trọng, xã hội phát triển dẫn tới nhu cầu tìm kiếm thông tin và xử lý thông tin càng cao.

Bên cạnh đó người dân và các doanh nghiệp còn tiết kiệm được thời gian chờ đợi và chi phí đi lại thông qua việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ có Internet và các ứng dụng CNTT mà người dân có thể thao tác các việc cần làm qua cổng thông tin điện tử ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào mà không phải phụ thuộc vào giờ làm việc hành chính của các cơ quan nhà nước. Chi phí được giảm thiểu góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân cũng như hiệu quả công việc của các doanh nghiệp.

Mặt khác, phát huy quyền làm chủ của người dân thông qua việc thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, kiểm tra của họ cũng như tham gia đánh giá, xây dựng chính sách, tố cáo các hành vi sai trái của cán bộ nhà nước từ những thông tin do CPĐT mang lại.

2.2. Minh bạch hóa các hoạt động của chính phủ, giải trừ tham nhũng, độc quyền

Khi mọi thông tin được công khai, minh bạch qua CPĐT thì những sự phức tạp, sách nhiễu và tiêu cực của cán bộ trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ sẽ được hạn chế tối đa. Qua việc truy cập và kiểm tra các dữ liệu điện tử, người đứng đầu các cơ quan công quyền có thể biết được cấp dưới nào của mình làm việc tận tâm, chuyên viên nào sách nhiễu người dân để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp. Việc này góp phần giải trừ tham nhũng, quan liêu, độc quyền của độ ngũ cán bộ, công chức.

2.3. Nâng cao hiệu quả trong quản lý và phục vụ dân của chính phủ

Trước kia, chính phủ truyền thống cần trải qua nhiều bước như tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, giấy tờ và sau đó chuyển lên cấp cao hơn thì trong CPĐT, người dân và doanh nghiệp sẽ tương tác trực tiếp với người có thẩm quyền quyết định. CPĐT với các chương trình tự động đã được “mã hóa” sẽ nâng cao tốc độ xử lý văn bản, các số liệu cần tính toán nên năng suất lao động của cán bộ sẽ tăng lên nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây. CPĐT cho phép thực hiện việc giao ban điện tử, họp trực tuyến, nên giảm được nạn giấy tờ. Với những tiện ích đó, chi phí hoạt động của chính phủ sẽ được giảm đi đáng kể mà năng lực quản lý của chính phủ lại được nâng lên.

3. Tình hình áp dụng CPĐT ở Việt Nam

Vai trò và tầm quan trọng của CPĐT đã được Nhà nước nhấn mạnh qua Nghị quyết 36a ban hành ngày 14.10.2015 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển CPĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về CPĐT theo xếp hạng của Liên hợp quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết, tính đến năm 2017, rất nhiều chuyển biến rõ nét đã được ghi nhận từ nhận thức đến hành động, tích cực triển khai ứng dụng CNTT, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a trong năm 2017 nêu rõ:  “CPĐT dần đi vào thực chất, các bộ, ngành, địa phương cùng với việc tích cực triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.

Theo số liệu thống kê được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong Sách trắng CNTT-TT 2017, tính đến cuối năm 2016, tổng số dịch vụ công trực tuyến đã là 109.644 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 3 là 10.872 dịch vụ, chiếm gần 10% tổng số dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến mức 4 là gần 1.400 dịch vụ(2).

Thông tin về kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong năm 2017, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay, trong 3 tháng cuối năm 2017, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chính thức triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương với người dân và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường kết nối dịch vụ công trực tuyến với cơ chế một cửa quốc gia.

Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị đang tiếp tục triển khai, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định 846 của Thủ tướng Chính phủ; công văn 2779 của Văn phòng Chính phủ và quyết định triển khai chủ động của bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, trong năm 2017, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương đã được người dân, doanh nghiệp thực hiện với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn. Đơn cử như, Bộ Công an là hơn 8,8 triệu hồ sơ (cấp hộ chiếu và khai báo tạm trú); Bộ Công Thương là gần 772.000 hồ sơ; Bộ Giáo dục và Đào tạo là 270.000 hồ sơ; Bộ Giao thông Vận tải là 144.1189 hồ sơ (cấp giấy phép lái xe và giấy phép kinh doanh vận tải); Thành phố Hà Nội là 225.173 hồ sơ; tỉnh Lâm Đồng là 110.625 hồ sơ; Cà Mau trên 95.000 hồ sơ; Thái Nguyên là 91.201 hồ sơ; Hà Nam gần 82.000 hồ sơ…(3).

Trong những năm qua, việc xây dựng CPĐT cũng như phát triển ứng dụng CNTT đã được Chính phủ quan tâm và chú trọng. Theo Thông tấn xã Việt Nam, chỉ số phát triển CPĐT của Liên hợp quốc được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Năm 2016, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2014 (xếp vị trí 89/193). Từ vị trí 89 năm 2016, Việt Nam đã tăng 1 hạng trong Báo cáo Chỉ số phát triển CPĐT 2018 của Liên hợp quốc(4).

Báo cáo Đánh giá và xếp hạng CPĐT Việt Nam 2017 của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã chỉ ra nhiều điểm đáng chú ý. Ở hạng mục xếp hạng cấp bộ và cơ quan ngang bộ, việc cung cấp dịch vụ công của các bộ và cơ quan ngang bộ chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ phân theo các mức tốt (chỉ số đạt từ 0,8 trở lên), khá (chỉ số đạt từ 0,65 đến dưới 0,8) và trung bình (chỉ số đạt dưới 0,65) về Chỉ số tổng hợp được thể hiện như sau:

Bộ Tài chính: 0,7; Bộ Khoa học và Công nghệ: 0,692; Bộ Tư pháp: 0,678; Bộ Nội vụ: 0,663; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 0,652; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 0,651; Bộ Thông tin và Truyền thông: 0,648;…(5).

Ở hạng mục tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai CPĐT. Tiếp sau đó và Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh chưa cao. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển CPĐT hiện nay cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm(6).

4. Một số khó khăn, trở ngại trong quá trình xây dựng CPĐT tại Việt Nam

4.1. Bất cập từ các dự án công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông còn yếu kém

Mạng cáp quang FTTH hiện đang phủ sóng 97%, sóng 4G phủ sóng 95% Việt Nam. Tốc độ đường truyền nước ta thuộc loại trung bình: 5,46 Mb/s – xếp thứ 74 trên thế giới; trên Indonesia, Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng so với Đài Loan (34,4 Mb/s), Thuỵ Điển (40 Mb/s) và Singapore (55,13 Mb/s) thì còn kém rất xa. Theo khảo sát của WE ARE SOCIAL vào tháng 1.2018, có 64 triệu người dùng Internet ở Việt Nam – chiếm 67% dân số. Để được coi là nước có độ phổ cập viễn thông cao, con số này phải vào khoảng 80%. Sở dĩ chúng ta chưa thể phổ cập viễn thông là do nước ta có nhiều vùng sâu, vùng xa nên gặp khó khăn trong việc phổ cập Internet. Tuy nhiên theo thống kê thì trong 1 năm qua chúng ta đã tăng 27% về số người sử dụng Internet (đứng đầu thế giới) – điều này chứng tỏ rằng cơ sở hạ tầng CNTT đang dần phát triển nhanh ở Việt Nam.

4.2. Năng lực của người dân để phát triển và sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp

Theo lý thuyết thì 98% dân số nước ta biết chữ thì đều có năng lực sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhưng thực tế thì không như vậy, có nhiều người khi đến những điểm làm thủ tục hành chính thì lúng túng trong việc điền hồ sơ và phần đông họ là người già và trung niên. Tuy nhiên tình hình khả quan hơn ở phía doanh nghiệp, do đặc tính là cơ quan ngoài nhà nước nên khả năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến của họ khá tốt (như khai báo thuế điện tử, hải quan điện tử…). Ngược lại thì người trẻ ở Việt Nam lại ít gặp khó khăn trong vấn đề sử dụng dịch vụ công và hành chính công do trình độ CNTT có phần được nâng cao và mọi thông tin về giấy tờ để thực hiện các thủ tục hành chính thì đều có đầy đủ trên mạng Internet (CPĐT cấp độ 1 và 2).

4.3. Trình độ nhận thức và kỹ năng công nghệ thông tin của cán bộ công chức, viên chức bị hạn chế

Đa số các cán bộ công chức, viên chức của cơ quan nhà nước giải quyết các thủ tục hành chính còn thủ công, vẫn giữ thói quen làm việc dựa trên giấy tờ, ngại áp dụng công nghệ mới do lo sợ mất quyền kiểm soát và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bộ phận kỹ thuật có tâm lý cục bộ, không liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, muốn được toàn quyền quyết định việc mua sắm các thiết bị từ phần cứng đến phần mềm… Chính vì vậy kỹ năng CNTT của công chức, cán bộ trong khu vực công còn hạn chế.

4.4. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin thiếu sự liên thông, kết nối

Điều này có thể thấy rõ khi bên ngành công an, có dữ liệu về công dân, song ngành tư pháp cũng có dữ liệu này của mỗi người, ngành thuế hay ngân hàng cũng lưu giữ những dữ liệu khi mỗi cá nhân sử dụng các dịch vụ có liên quan. Và tồn tại ở đây là cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành này lại không liên thông nhau nên việc đối soát hay tham chiếu trong từng trường hợp gây nhiều khó khăn dẫn đến mất thời gian, có những trường hợp các các nhân đều phải khai báo chi tiết lại từ đầu  khi đến mỗi cơ quan.

5. Giải pháp kiến nghị

5.1. Phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình

Có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng việc xây dựng và phát triển CPĐT thành công phần nhiều là do nhận thức, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Cụ thể hơn là lãnh đạo các bộ, ngành cũng như địa phương phải có nhận thức rõ ràng về việc xây dựng CPĐT thì bộ, ngành, địa phương đó mới có sự đầu tư thích đáng về cả tài chính và nhân lực cho vấn đề này…

5.2. Nâng cao trình độ nhận thức của cả cán bộ công chức và người dân thông qua các trung tâm tư vấn và hỗ trợ về CPĐT

Năng lực sử dụng CPĐT ở Việt Nam có thể chia làm 2 nhóm: nhóm người lớn tuổi gặp khó khăn với việc đổi mới và nhóm người trẻ thích nghi nhanh. Dân số nước ta là dân số trẻ vì vậy trong tương lai CPĐT có thể được xem sẽ được sử dụng một cách thuận lợi. Tuy nhiên nhóm những người cao tuổi cũng cần sự quan tâm nhất định. Một ví dụ điển hình quốc gia hàng đầu về chỉ số phát triển CPĐT là Singapore, họ đã chú trọng xây dựng những trung tâm hỗ trợ người dân, đặc biệt là người cao tuổi ngay từ giai đoạn đầu trong việc xây dựng CPĐT. Do đó, để phát huy hết tiềm năng phát triển CPĐT, Việt Nam cần có những chương trình kích hoạt từ cấp chính phủ.

5.3. CPĐT cần có chương trình truyền thông hiệu quả đến người dân

Những trang web cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 và 4 tiềm năng như egov.hanoi.gov.vn; dichvucong.hochiminhcity.gov.vn; dichvucong.thuathienhue.gov.vn lại ít được phổ biến đủ rộng rãi. Điều đó chứng tỏ Việt Nam vẫn đang chậm chạp trong việc truyền thông và hướng dẫn người dân tiếp cận với chính phủ truyền thống lẫn CPĐT. Như vậy Chính phủ cần tăng cường truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về CPĐT, kinh tế số, hạ tần số… để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển CPĐT.

5.4. Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người

Trong những năm qua, Việt Nam đã có những ưu tiên trong đầu tư triển khai ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vẫn còn phân tán nên không có sự thay đổi rõ rệt nào về xây dựng CPĐT. Trong tương lai gần, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển CPĐT, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho CNTT, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công – tư trong công tác này. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp và nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển CPĐT, cần phải có cơ chế, tài chính để xây dựng, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT… phục vụ phát triển CPĐT. Nếu không làm được điều đó hoặc mỗi ngành, mỗi địa phương làm theo cách không đồng nhất,  không liên thông với nhau về cơ sở dữ liệu, công nghệ, thì không thể xây dựng và phát triển CPĐT đúng nghĩa.

5.5. Nhà nước cần ban hành một số văn bản về kết nối, chia sẻ dữ liệu, ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin

Để nâng cao nhận thức ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng CPĐT, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và hoạt động quản lý có hiệu quả của cơ quan nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành, trong đó tập trung tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển CPĐT như xây dựng, ban hành một số văn bản về kết nối, chia sẻ dữ liệu, ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin; Nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06.11.2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị quyết về CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025;…

Như vậy có thể khẳng định việc xây dựng và phát triển CPĐT ở Việt Nam không chỉ là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công cuộc đổi mới hệ thống chính trị của đất nước mà còn là một nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu hội nhập và xu thế phát triển tất yếu của các mô hình chính phủ tiên tiến trên thế giới. Công cuộc xây dựng mang tính cách mạng này sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý hiệu quả của nhà nước và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, những khó khăn trước mắt sẽ dần được khắc phục. Bên cạnh đó, việc nâng cao quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm phát huy những thành công mà một số địa phương đã đạt được đặc biệt trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến thì Việt Nam sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu này. Trong tương lai gần, khi CPĐT được hoàn thành, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống điện tử kết nối liên thông xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Hệ thống CNTT được ứng dụng mạnh mẽ, phát triển dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao nhất, an ninh và thông tin được bảo đảm an toàn và đặc biệt việc nắm bắt cơ hội để phát triển trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ là triển vọng mang tới nhiều thành công mới không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn trên tất cả các lĩnh vực khác của đất nước ta./.

 _____________________________________________________ 

(1).https://www.worldbank.org/en/topic/digitaldevelopment/brief/e-government. Trang thông tin của Ngân hàng thế giới.

(2) Bộ Thông tin và Truyền thông (2017), Sách trắng CNTT-TT 2017, Nxb. Thông tin  và Truyền thông, tr.12.

(3) http://cchc.cinet.vn/articledetail.aspx?sitepageid=590&articleid=893. Trang thông tin cải cách hành chính ngành văn hóa, thể thao và du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.(4).http://baochinhphu.vn/Xay-dung-Chinh-phu-dien-tu/ Viet-Nam-tang-10-bac-ve-phat-trien-Chinh-phu-dien-  tu/283328.vgp. Trang thông tin Báo điện tử của Chính phủ.

(5)(6) http://www.huecit.vn/Portals/3/TinTuc/2018/DanhGiaVaXepHangChinhPhuDienTuVietNam20 17.pdf Trang thông tin của Trung tâm Công nghệ Thông tin, tỉnh Thừa Thiên Huế.