Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam hiện nay theo định hướng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 – Báo Lâm Đồng điện tử

(LĐ online) – Sự ra đời của Đề cương về Văn hóa Việt Nam vào tháng 2 năm 1943 là một dấu mốc lịch sử quan trọng, khởi nguồn cho một đường lối đúng đắn nhất quán “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Dù mới ở dạng phác thảo, nhưng bản Đề cương Văn hóa đã thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén và sự trưởng thành về lý luận văn hóa của Đảng ta. 

Trong suốt 80 năm qua, những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, những giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển, làm kim chỉ nam định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam hiện nay.

Văn hóa là kết tinh của quá trình lao động, tiến hóa lâu dài của con người các quốc gia, dân tộc, bao gồm những giá trị bền vững liên tục được sáng tạo, trao truyền, kế thừa, bổ sung và phát triển. Hệ thống các giá trị văn hóa ấy không chỉ là kết quả của tiến trình phát triển dân tộc, nhân loại, nó cũng chính là yếu tố quan trọng vừa hình thành, vừa phát triển và hoàn thiện năng lực, nhân cách của con người. 

Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện, phát triển. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Theo dòng chảy truyền thống văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc ta, sớm ý thức được trọng trách lãnh đạo, từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2 năm 1943, Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua Đề cương về Văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đây là Bản Cương lĩnh văn hoá đầu tiên của Đảng ta, là văn kiện quan trọng về văn hóa, phản ánh ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, thật sự nhân văn và dân chủ; thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cách mạng còn chưa giành được chính quyền và có tính chất mở đường cho quá trình phát triển các quan điểm, các văn kiện của Đảng về văn hóa.

Dù là một văn kiện nhỏ, nhưng Đề cương lại là một công trình khoa học lần đầu tiên trình bày văn hóa Việt Nam và những vấn đề có liên quan như một hệ thống cấu trúc với một phương pháp tiếp cận nhất quán. Bằng thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng duy vật, Đề cương Văn hóa không chỉ nêu mục tiêu, nhiệm vụ bức thiết trước mắt của cuộc vận động văn hoá mới, xác định văn hoá là một trong ba mặt trận của cách mạng Việt Nam mà còn đề ra 3 nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam đó là: “Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa”. Ba nguyên tắc đó có quan hệ khăng khít với nhau, bổ sung cho nhau và có giá trị định hướng cho sự phát triển lâu dài của văn hóa, con người Việt Nam.

Nguyên tắc dân tộc hóa là nguyên tắc hàng đầu, hướng mọi hoạt động của giới trí thức, văn nghệ sĩ và toàn dân đến việc bảo tồn, xây dựng một nền văn hóa độc lập, gắn với truyền thống văn hóa từ ngàn xưa với những bản sắc độc đáo của một dân tộc có truyền thống văn hóa xóm làng ở phương Đông. Để nền văn hóa giữ được bản chất dân tộc, chúng ta cần phải kiên quyết vạch trần và đấu tranh chống lại những tư tưởng “sùng ngoại”, tư tưởng “lai căng”, tư tưởng coi thường nền văn hóa dân tộc dưới mọi màu sắc.

Nguyên tắc đại chúng hóa đã hướng trí thức, văn nghệ sĩ và mọi tầng lớp Nhân dân vào những hoạt động phục vụ Nhân dân lao động, bởi vì đó là lực lượng cách mạng đông đảo, và đó cũng chính là những người làm nên lịch sử, góp phần tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật bất hủ. Chỉ khi nào cách mạng văn hóa hướng tới quần chúng nhân dân để phản ánh, để phục vụ và thực hiện trọn vẹn quyền làm chủ của Nhân dân về văn hóa thì nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa mới được khẳng định và trở thành hiện thực.

Nguyên tắc khoa học hóa khẳng định hướng đi đúng đắn, hợp quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam, giúp cho văn hóa Việt Nam nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, mê tín, đấu tranh thắng lợi với các trào lưu văn hóa phản động, văn hóa phong kiến và văn hóa thực dân mới. Nguyên tắc này đã mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển một cách tự chủ, tiến bộ; vừa có tính dân tộc, vừa có tính quốc tế, tính nhân loại và hiện đại để đưa văn hóa Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, hội nhập với nền văn hóa thế giới mà vẫn giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. 

Ba nguyên tắc trên là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Từ sau bản Đề cương về Văn hoá Việt Nam, tư duy lý luận của Đảng về văn hoá ngày càng được bổ sung, phát triển hoàn thiện hơn cùng tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị về văn hóa (7/1948), qua báo cáo với tiêu đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh đã làm rõ, cụ thể hơn ba nguyên tắc trên và phát triển thêm một số vấn đề về văn hóa. Tiếp theo đó, cũng với tinh thần cầu thị, đường lối văn hóa của Đảng còn tiếp tục được mở rộng, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện bằng nhiều chủ trương, nghị quyết về văn hóa và văn nghệ của Đảng. Và do khả năng định hướng, tập hợp, đưa tất cả đội ngũ trí thức tham gia cách mạng, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, động viên, cổ vũ Nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng tiếp tục khẳng định: Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó tập trung tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa” .

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, với tư duy đổi mới toàn diện, Đảng đã chủ trương đổi mới tư duy trên lĩnh vực văn hóa. Ngày 28 tháng 11 năm 1987, Bộ Chính trị (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới, Nghị quyết đã xác định những định hướng lớn chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học – nghệ thuật; công tác quản lý văn học – nghệ thuật và một số nhiệm vụ văn hóa – văn nghệ. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng xác định một trong sáu đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa làm cho thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí, vai trò chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đồng thời, kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong nước, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người; chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tháng 7 năm 1998, đã ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát triển ba nguyên tắc tính dân tộc, đại chúng, khoa học của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Đảng xác định những quan điểm cơ bản; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội; nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng.

Kế thừa nội dung trong các nghị quyết, văn kiện, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về  xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” .

Thực chất, việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là quá trình kết hợp nhuần nhuyễn, vừa sáng tạo, xác lập những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức mới, vừa khơi dậy, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, chuẩn mực đạo đức, tinh thần và ý chí quyết tâm, tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Quá trình này còn bao hàm việc bảo tồn giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc không để lai căng, mai một, mất gốc; chủ động, tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa, đạo đức nhân loại để bổ sung, làm giàu giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với thực tiễn đất nước. 

Xuất phát từ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người, con người với văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” ; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đây là nội dung được nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước.

Khi đề cập đến phát huy giá trị văn hóa, khác với từ dùng trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, lần này, Đảng ta không sử dụng từ phát triển, mà sử dụng từ “phát huy”, phát huy giá trị văn hóa là nhằm lan tỏa, đưa các giá trị văn hóa vào trong thực tiễn xã hội, trở thành tiềm năng và nội lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, mang lại những lợi ích vật chất lẫn tinh thần của cá nhân và cộng đồng dân tộc. Dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tạo ra một kho tàng các di sản văn hóa, đó là thứ tài sản vô giá của dân tộc. Đảng ta ý thức rất rõ điều đó nên trong các chủ trương, đường lối, thể hiện trong các nghị quyết, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xem đó là “sức mạnh mềm”, là “tài sản vô hình”, là “nguồn lực nội sinh quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước”. Những giá trị văn hóa mà cha ông để lại, không phải chỉ để cho chúng ta ngắm, chúng ta tự hào, chiêm ngưỡng mà chúng ta cần phải phát huy tác dụng, khai thác, sử dụng những giá trị đó để phát triển đất nước. 

Để khai thác và phát huy giá trị văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” . Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa là một nội dung mới được đề cập trong Nghị quyết số số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển bền vững đất nước”. Những giá trị văn hóa truyền thống chính là nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp này. 

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, chỉ phục vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu tinh thần, phi kinh tế, mà ngày nay, văn hóa chính là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa ở trong kinh tế, văn hóa gắn kết với du lịch: “gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau” . Như vậy, trong quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, kinh tế là một quan điểm xuyên suốt, nhưng ở đây, Đảng ta còn nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, nghĩa là việc khai thác tài nguyên văn hóa cần chú ý đến “các thế hệ mai sau”. Không phải khai thác một cách bừa bãi, triệt để mà vừa khai thác, vừa tìm cách bảo tồn, giữ gìn.

Khi đề cập đến phát huy sức mạnh con người Việt Nam, khác với các đại hội trước, đại hội lần này, trong Báo cáo chính trị đã nêu lên hệ quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm thứ 4 đã định hướng tạo động lực phát triển: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước” . Có lẽ, chưa bao giờ Đảng ta lại đề cập nhiều đến việc khơi dậy tinh thần dân tộc nhiều đến thế. Tinh thần dân tộc đó chính là lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn dân tộc, là ý chí, khát vọng vươn lên, là sự chia sẻ, đoàn kết, tự hào… tất cả đều tiềm ẩn trong mỗi người con Việt Nam. Làm sao để lan tỏa, để thắp lên tinh thần đó, biến nó thành sức mạnh vô hình vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa đất nước đi lên? Lòng yêu nước, tự hào dân tộc không chỉ là thứ tình cảm tự nhiên mà trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã hun đúc nên, nó thấm sâu vào tình cảm, vào tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam trong mọi thời đại, tạo nên một sức mạnh linh thiêng. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII xác định rất rõ việc “khơi dậy”, thức tỉnh những giá trị văn hóa đang nằm sâu trong mỗi con người để biến nó thành sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững đất nước.

Trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, phần Quan điểm phát triển, Văn kiện Đại hội XIII xác định: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững” . Cha ông ta đã từng đúc kết: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Mỗi con người, cá nhân cụ thể thì sẽ khó có thể làm được việc lớn, nhưng nhiều con người chung sức, chung lòng, đồng thuận thì không có việc gì là không thể không làm được. Đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Trên cơ sở đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, hình thành con người mới với những phẩm chất, đặc tính cơ bản là: “giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, đức tính cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại” . Từ việc xây dựng con người phát triển toàn diện, tại Đại hội XIII, Đảng ta tập trung vào việc phát huy sức mạnh của con người. Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” , “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Như vậy, có thể thấy trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định rõ vai trò hết sức quan trọng của văn hóa, con người Việt Nam, mối quan hệ giữa văn hóa, con người. Sự cần thiết phải phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con ngườiViệt Nam để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước. 
Tám mươi năm đã trôi qua, tình hình đất nước và thế giới đã trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử song những giá trị lý luận và thực tiễn cũng như tính chiến đấu, tính thời sự của Đề cương về Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, có tính chất mở đường cho quá trình phát triển ngày càng hoàn thiện và làm sâu sắc hơn các quan điểm của Đảng ta về văn hóa, tạo cơ sở định hướng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong tình hình mới.

1. Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 604.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr. 202.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr. 34.
4.Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr. 145.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr.145 – 146.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr.110.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr. 215-216.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr. 263.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, Hà Nội, tr. 215 – 216.