Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật phát triển của dân tộc, của đất nước hôm qua, hôm nay và mai sau; là hai nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Xây dựng Tổ quốc hùng mạnh sẽ là điều kiện hết sức cơ bản để bảo vệ Tổ quốc. Đến lượt mình, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được thực hiện trọn vẹn sẽ bảo đảm cho đất nước bình yên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân yên tâm chung lòng, chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, dân tộc ta, đất nước ta đã lập nên nhiều kỳ tích: Cách mạng Tháng Tám thành công, giành độc lập, tự do cho dân tộc; đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ đem lại hòa bình, thống nhất đất nước; chiến thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược tại biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; đạt thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới. Đó là những bản anh hùng ca bất hủ, là minh chứng hùng hồn về lòng quật cường và sức mạnh vô song của dân tộc ta, đất nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược trọng yếu, thường xuyên, luôn được thực hiện trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Trong khoảng 10 năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều chuyển biến căn bản.
Bối cảnh thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng khi trật tự của thế giới chưa được xác lập, các mâu thuẫn cơ bản và các nguy cơ xung đột giữa các thế lực và các khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Chạy đua vũ trang và chiến tranh lạnh kiểu mới, chiến tranh thương mại đang ngày càng phức tạp giữa các nước, tại các khu vực và cả quy mô thế giới. Chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy gia tăng. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra ở nhiều khu vực, căng thẳng, quyết liệt. An ninh phi truyền thống ngày càng nguy hiểm hơn và khó kiểm soát.
Trong khi đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng và đảo lộn nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu, cần nhiều thời gian mới có thể hồi phục, thì những thách thức ngày càng gay gắt về biến đổi khí hậu, khủng hoảng về nguồn năng lượng, khủng hoảng môi trường, an ninh mạng, an ninh con người có chiều hướng tăng lên. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia – dân tộc.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược trọng yếu, thường xuyên luôn được thực hiện trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.
Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng được tăng cường, cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như hôm nay. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa bền vững; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cùng với những tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là những thách thức lớn ảnh hưởng đến nước ta trong thời gian tới.
Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, nhãn quan khoa học, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình cùng những định hướng và giải pháp hợp lý, chúng ta đã và đang tạo dựng được môi trường chiến lược thuận lợi đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Môi trường chiến lược đó đang được xác lập bởi các tố chất sau:
Thứ nhất, những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện tạo tiền đề quan trọng cho môi trường chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về nội dung của nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta xác định: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ tổng thể của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta trong tất cả các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, nhằm đưa nước ta thành một nước tiên tiến với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ to lớn, trọng đại, là một quá trình lâu dài, phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và những cái còn lạc hậu.
Quan điểm về bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta xác định: Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trên cơ sở những chủ trương, định hướng lớn nêu trên, Đảng, Nhà nước đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược quân sự, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược an ninh, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các chiến lược chuyên ngành cùng với hệ thống luật pháp, các chính sách cụ thể về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đó là những tố chất quan trọng hàng đầu trong môi trường chiến lược của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, tiềm lực và sức mạnh của đất nước đã không ngừng tăng lên, trở thành lực lượng vật chất vững chắc cho môi trường chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiềm lực và sức mạnh quốc gia là nhân tố cốt lõi nhất, quyết định trực tiếp nhất đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu không có nội lực thì không thể phát triển đất nước bền vững, không thể bảo vệ Tổ quốc một cách chủ động, vững chắc.
Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục, quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, cơ sở vật chất – kỹ thuật ngày càng hiện đại và vững chắc hơn.
Việt Nam đã có tích lũy lớn từ nội bộ nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, dự trữ ngoại tệ gia tăng, khả năng thích ứng của nền kinh tế ngày càng được củng cố và tăng cường. Văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta từng bước được cải thiện, xã hội ổn định, an toàn, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tiềm lực và sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước được tăng cường đáng kể. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng vững chắc, chính quy, tinh nhuệ và nhiều bước hiện đại, có đủ điều kiện để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và hoạt động hiệu quả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Thứ ba, sức mạnh của hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường, hoạt động của bộ máy ngày càng hiệu quả.
Hệ thống chính trị của nước ta bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó Đảng, Nhà nước là lực lượng hoạch định, điều khiển và tổ chức thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của Nhà nước thể hiện ở khả năng phân tích, nắm bắt, dự báo chính xác và xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề đối nội, đối ngoại. Để thực hiện tốt điều đó, Đảng ta thường xuyên tiến hành công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực nhận thức, tư duy lý luận, nắm bắt các xu thế, quy luật khách quan để có những chủ trương, định hướng đúng đắn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước không ngừng hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Hoạt động của Quốc hội, Chính phủ ngày càng chủ động, tích cực, tập trung vào việc quản lý, điều hành vĩ mô, tháo gỡ các rào cản để hỗ trợ phục vụ mục đích phát triển đất nước bền vững.
Thứ tư, sức mạnh tổng hợp của đất nước và sức mạnh quốc tế
Sức mạnh của Việt Nam hiện nay là sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh bên trong và sức mạnh bên ngoài. Sức mạnh bên trong là thế và lực của đất nước đã ở tầm vóc mới, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đó là sức mạnh của chế độ chính trị ưu việt, là bản lĩnh, trí tuệ của Đảng với kinh nghiệm dày dạn đã tích lũy qua 90 năm lãnh đạo cách mạng, là hiệu lực hiệu quả quản lý của Nhà nước và sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là sức mạnh của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; sức mạnh của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận lòng dân.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gia tăng việc đan xen lợi ích đưa tới khả năng tăng cường những nguồn lực to lớn cho mọi quốc gia.
Sức mạnh quốc tế được hình thành bởi các yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển đang là hướng đi lớn trong quan hệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nước. Xu hướng dân chủ hóa đời sống quốc tế cùng với những thể chế, luật pháp quốc tế ngày càng đồng bộ và hoàn thiện theo hướng tiến bộ.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gia tăng việc đan xen lợi ích đưa tới khả năng tăng cường những nguồn lực to lớn cho mọi quốc gia. Về nhân tố chủ quan, chúng ta kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thực hiện chủ động, tích cực và hiệu quả trong quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tranh thủ cao nhất các nguồn ngoại lực, nhất là vốn và khoa học công nghệ để tăng cường sức mạnh và tiềm lực đất nước, đã kết hợp ngày càng hiệu quả hơn sức mạnh đất nước với sức mạnh quốc tế, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ làm chệch hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước.
Sáu là, nâng cao khả năng nắm, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để có những chủ trương, giải pháp ứng phó hiệu quả.
Như vậy, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chính là tạo lập các điều kiện tốt nhất để đất nước phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng đất nước hùng mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc bởi chúng ta có một chế độ chính trị vững mạnh, ưu việt, được nhân dân ủng hộ; có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, hiện đại, hội nhập quốc tế, đủ sức đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội; có một đất nước thanh bình, ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc biệt, có một nhà nước vững mạnh thực sự của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo đầy bản lĩnh và sáng tạo của Đảng.