Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới
Thực tiễn hơn 92 năm hoạt động của Đảng ta cho thấy việc củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là một nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn của Đảng và cách mạng nước ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng của đảng viên và đội ngũ đảng viên trong công tác xây dựng Đảng: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”.
Trong những năm qua, đội ngũ đảng viên đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 1986, toàn Đảng mới có 1,9 triệu đảng viên, đến năm 2000 có hơn 2,479 triệu đảng viên, đến năm 2020 đã có hơn 5,2 triệu đảng viên (tỷ lệ đảng viên trên dân số cả nước là 5,4%). Về học vấn, năm 2000, tỷ lệ đảng viên có trình độ trung học phổ thông là 50,4%, cao đẳng, đại học trở lên là 19,3%, đảng viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chính trị là 3,09%; đến nay, tỷ lệ này nâng lên là 78%, 30,09%, 5,03%. Về cơ cấu, phân bố đội ngũ đảng viên sinh hoạt ở nông thôn chiếm 42,1%, ở phường, thị trấn chiếm 19,1%, trong cơ quan hành chính chiếm 9,38%, trong lực lượng vũ trang chiếm 12,3%, trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm 5,9%… Cùng với đó, Đảng ta luôn chú trọng củng cố, phát triển TCCSĐ, với nhiều loại hình phù hợp từng loại hình tổ chức để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng ở cơ sở cũng như toàn hệ thống chính trị. Đến 31/12/2020, toàn Đảng có 51.988 TCCSĐ, trong đó số TCCSĐ ở khu vực xã, phường, thị trấn là 10.710; trong cơ quan hành chính là 14.670, đơn vị sự nghiệp là 8.010, doanh nghiệp có vốn nhà nước là 5.600, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 3.346…
Việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và củng cố xây dựng TCCSĐ góp phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc giữ vững và không ngừng củng cố vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội; đồng thời là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, của đất nước và dân tộc.
Tuy vậy, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít TCCSĐ còn hạn chế, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Một số TCCSĐ chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chậm sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; chất lượng sinh hoạt đảng, tinh thần tự phê bình và phê bình hạn chế; chưa phân công thường xuyên và kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Một số cấp ủy cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên.
Bên cạnh đó, mô hình của một số loại hình TCCSĐ còn bất cập, chậm được kiện toàn, sắp xếp, chất lượng chưa theo kịp yêu cầu của quá trình phát triển. Hoạt động của một số TCCSĐ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ở ngoài nước… còn khó khăn. Xây dựng TCCSĐ khu vực ngoài Nhà nước còn hạn chế, một số nơi còn tình trạng “trắng” đảng viên. Thực tế cho thấy, một số TCCSĐ còn buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chưa nắm chắc tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên; đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên ở một số nơi còn hình thức, chạy theo thành tích; chưa thường xuyên, kiên quyết rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Đáng chú ý, công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng; nhận thức, động cơ phấn đấu vào Đảng, chất lượng của một số đảng viên mới còn hạn chế; cơ cấu đảng viên chưa hợp lý, tỷ lệ đảng viên trẻ chưa tương xứng với tiềm năng. Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thậm chí phai nhạt lý tưởng, thiếu bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm, giảm sút ý chí phấn đấu, tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình yếu, chưa gương mẫu, chạy theo lối sống thực dụng; bảo thủ, trì trệ; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng. Đáng báo động là một số cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chỉ lo vun vén cho quyền lợi riêng của cá nhân, gia đình mình. Tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy vị trí công tác”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”… còn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong xã hội. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhiều đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thí dụ điển hình như vụ việc sai phạm trong thực hiện gói thầu mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty CP Công nghệ Việt Á, đã có nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên sai phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước và đã bị thi hành kỷ luật đảng, xử lý hình sự; trong đó có cả cán bộ cao cấp.
Từ thực tế trên cho thấy, việc xây dựng, củng cố TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là đòi hỏi tất yếu và có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành một nghị quyết chuyên đề về tăng cường củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của TCCSĐ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để đạt được mục tiêu nói trên đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình TCCSĐ, kiện toàn TCCSĐ đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Nghiên cứu, xây dựng mô hình TCCSĐ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để bảo đảm phù hợp với từng loại hình tổ chức. Cùng với đó rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình TCCSĐ. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của TCCSĐ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở. Đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên; tăng cường công tác quản lý đảng viên; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ngay ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách.
Một giải pháp thiết thực là các cấp ủy phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên đối với TCCSĐ; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp ủy cơ sở về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kịp thời xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên.
NGUYỄN VĂN ĐỊNH
Ban Tổ chức Trung ương