Xây dựng Chính quyền điện tử – Thực trạng và đề xuất một số giải pháp

Để thực hiện thành công “Chính quyền diện tử”, cần có sự quyết tâm cao của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.

       Có nhiều định nghĩa về “Chính quyền điện tử”, ở đây chúng tôi chỉ đưa ra khái niệm mang tính tương đối: “Chính quyền điện tử” là môi trường quản lý, trong đó các cơ quan của Chính phủ sử dụng công nghệ điện tử trong hoạt động giúp cho người dân/doanh nghiệp tiếp cận các thông tin và dịch vụ công do Chính phủ cung cấp một cách thuận tiện, cải thiện chất lượng dịch vụ công và mang lại cơ hội tốt hơn cho người dân/doanh nghiệp trong cuộc sống, trong sản xuất, kinh doanh, trong việc đóng góp các ý kiến với các cơ quan của Chính phủ.

       1. Mục đích của “Chính quyền điện tử”

       – Người dân có thể đóng góp ý kiến dễ dàng hơn đối với các cơ quan của Chính phủ;

       – Người dân có thể nhận được các dịch vụ công tốt hơn từ các cơ quan của chính phủ bất kỳ lúc nào (24h x 7 ngày) tại bất kỳ đâu và vì bất kỳ lý do chính đáng nào;

       – Người dân có thể nhận được nhiều dịch vụ tích hợp hơn từ các cơ quan Chính phủ, bởi các cơ quan này sẽ phối hợp một cách hiệu quả hơn với nhau;

       – Người dân có được thông tin một cách tốt hơn vì họ có thể nhận được các thông tin cập nhật toàn diện về các chính sách và dịch vụ của Chính phủ.

       2. Cơ sở pháp lý xây dựng Chính quyền điện tử

       – Luật giao dịch điện tử năm 2005;

       – Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

       – Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

       – Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư;

       – Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

       – Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025;

       – Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

       Một trong những nội dung quan trọng của các văn bản quy phạm pháp luật nói trên là việc quy định tài liệu điện tử có giá trị pháp lý như tài liệu giấy, cụ thể như sau:

       – Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tư về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số  quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số; Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức”;

       – Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 về công tác văn thư quy định: “Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy”.

       3. Cơ sở hạ tầng thông tin quản lý phục vụ tin học hoá của các cơ quan Chính phủ hướng tới “Chính quyền điện tử”

       Khái niệm về nền kinh tế tri thức: khi thông tin và tri thức trở thành một dạng sản phẩm hàng hoá có giá trị cao trong nền kinh tế quốc dân thì những hàng hoá này tạo ra giá trị thặng dư rất lớn, hơn nữa nó được kết tinh trong giá trị sản xuất của tất cả các sản phẩm hàng hoá vật chất khác và có các đặc trưng sau:

       – Về dạng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế tri thức là kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia;

       – Về dạng sản phẩm: sản phẩm của kinh tế tri thức có hình thái thông tin, vì vậy cả 2 thuộc tính (giá trị và giá trị sử dụng) của loại hàng hoá sản phẩm này đều có ý nghĩa lớn trong sự phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức;

       – Về dạng nguyên liệu: để tạo ra sản phẩm của hàng hoá này là các loại thông tin được số hoá;

       – Về dạng lao động: ở đây đòi hỏi phải là loại hình lao động lành nghề được đào tạo công phu.

       Chiến lược số hoá hoạt động quản lý được coi là bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở các quốc gia. Trên cơ sở đó nhanh chóng hình thành cơ sở hạ tầng thông tin quản lý của Chính phủ nhằm:

       – Trợ giúp quá trình chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong hoạch định chính sách, phân tích tiến trình thực thi chính sách, kịp thời điều chỉnh định hướng chính sách quản lý một cách hữu hiệu;

       – Tích hợp và chuyển các hoạt động dịch vụ của Chính phủ đến người dân, mà không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian.

       4. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Chính phủ hướng theo mô hình “Chính phủ điện tử” – Xu thế chung của quốc tế

       Chính sách và biện pháp nhằm chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin ở các nước tuy có những điểm khác nhau tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước, nhưng cũng có điểm chung đó là:

       – Xây dựng một kết cấu hạ tầng thông tin vững chắc trên cơ sở phát triển các trung tâm dữ liệu điện tử và mạng máy tính với siêu xa lộ thông tin (Super Hight Way Infomation);

       – Phổ cập nền “Văn hoá thông tin” trong dân chúng, tạo tiền đề hình thành xã hội tri thức;

       – Phát triển phương thức kinh doanh mới dựa trên công nghệ thông tin và tri thức để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hình thành nền kinh tế thông tin và môi trường thương mại điện tử;

       – Đào tạo lại nguồn lao động và tạo ra những ngành nghề, việc làm mới trong lĩnh vực kinh tế tri thức;

       – Cơ cấu lại hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước (về bộ máy, nhân sự, thông tin chính sách), số hoá các quy trình nghiệp vụ và thủ tục quản lý nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, hoàn thiện chức năng phục vụ của các cơ quan Chính phủ theo hướng “Chính phủ điện tử”.

       Các biện pháp thực hiện:

       – Đào tạo đội ngũ công chức, viên chức làm quen với kỹ năng làm việc trong môi trường điện tử;

       – Kết nối các cơ quan Chính phủ, từng bước phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin theo yêu cầu;

       – Đẩy nhanh việc cung cấp thông tin của Chính phủ cho người dân và doanh nghiệp thông qua môi trường mạng;

       – Triển khai hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ, làm cho thông tin của Chính phủ có khả năng đến được với người dân và doanh nghiệp nhiều hơn;

       – Thúc đẩy việc tin học hoá các dịch vụ công;

       – Nghiên cứu cách thức đưa ra các điểm giao dịch một cửa của Chính phủ, cho phép người dân có thể thực hiện các giao dịch công trên môi trường mạng.

       5. Thực trạng xây dựng “Chính quyền điện tử” hiện nay

       a) Một số kết quả đạt được

       Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như: tham mưu, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu như Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…; một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng được nâng cao, đặc biệt một số kết quả nổi bật đã đạt được trong thời gian qua như sau:

       – Khai trương và đưa Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) vào hoạt động: Xây dựng Cổng DVCQG là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng “Chính phủ điện tử”, kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng DVCQG hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

       Cổng DVCQG đi vào vận hành đã thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay đã có các bộ, ngành, địa phương kết nối, tích       hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; 9 tỉnh/thành phố: Thành phố Hà Nội,  Thành phố Hồ Chí Minh,  Quảng Nam, Nam Định,  Ninh Thuận, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Hà Tĩnh,  Quảng Ninh; cơ quan khác gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Vietnamobile, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam…

       – Khai trương và đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào hoạt động: E-Cabinet chính thức đi vào hoạt động là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

       – Khai trương và đưa vào hoạt động Trục liên thông văn bản quốc gia: đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

       Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước.

       b) Khó khăn, vướng mắc

       – Thiếu khung pháp lý về phát triển Chính phủ điện tử và một số cơ chế, chính sách quan trọng;

       – Thiếu pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức và các giao dịch trên môi trường mạng, đặc biệt khi cung cấp dịch vụ hành chính công;

       – Thiếu quy định về tiêu chuẩn hóa thông tin và quy trình hóa công việc để tiến tới điện tử hóa;

       – Thiếu CSDL Quốc gia phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ và thiếu cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan tổ chức trong hệ thống hành chính công;

       – Người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai xây dựng “Chính quyền điện tử;

       – Phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện và bảo đảm nguồn lực còn yếu;

       – Thiếu công cụ đánh giá, giám sát việc triển khai của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương;

       – Thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin;

       – Chất lượng cổng dịch vụ công triển khai ở địa phương và Bộ ngành hạn chế, công bố dịch vụ công trực tuyến nhưng thực tế rất ít thực hiện; quy trình vẫn từ giấy đến điện tử – điện tử đến giấy gây phiền hà thêm cho người dân, doanh nghiệp;

       – Thiếu kỹ năng quản lý và kỹ năng công nghệ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

       – Đầu tư phân tán, nhỏ giọt không đi kèm các chương trình kinh tế – xã hội trọng tâm trọng điểm của quốc gia hay địa phương; đầu tư cho quá trình vận hành, duy trì và phát triển hệ thống chưa thật sự được chú trọng;

       – Thiếu định danh điện tử của cá nhân, tổ chức; chi phí chứng thư số còn cao so với thu nhập của người dân (1 triệu/người/năm). Để có “Chính quyền điện tử” thì người dân và doanh nghiệp phải thực hiện các giao dịch điện tử trên các hệ thống dịch vụ công của Chính phủ. Tuy nhiên, người dân/doanh nghiệp có khi một năm chỉ có một vài giao dịch hoặc không thực hiện giao dịch nào, nhưng vẫn phải có chứng thư số (theo quy định và chi phí trên), như vậy rất khó khả thi.

       6.  Một số giải pháp về công nghệ thông tin để tiến tới “Chính quyền điện tử”

       – Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Chính quyền điện tử;

       – Cần tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu xây dựng “Chính phủ điện tử”;

       – Xây dựng chương trình đào tạo theo từng đối tượng chủ thể:

       + Cán bộ, công chức, viên chức chung;

       + Công chức, viên chức quản lý vận hành các hệ thống mới;

       + Người dân, doanh nghiệp.

       – Thiết kế, xây dựng giải pháp “đơn giản hóa ứng dụng công nghệ”;

       – Đầu tư có chỉ đạo tập trung, theo ưu tiên với một số hệ thống và cơ sở nền tảng cho “Chính phủ điện tử”; ngân sách đầu tư chú trọng ngân sách hàng năm cho duy trì, vận hành, phát triển;

       – Rà soát, tìm điểm nghẽn để chỉ đạo tháo gỡ;

       – Bổ sung CSDL phục vụ chỉ đạo điều hành:

       + Một số CSDL quốc gia thiết yếu liên quan đến người dân (y tế, giáo dục, việc làm…)

       + Chuẩn hóa CSDL về thủ tục hành chính làm nền tảng cho triển khai dịch vụ công trực tuyến.

       Trong môi trường “Chính quyền điện tử”, người dân có thể bị phân hoá nhanh chóng thành hai nhóm: Nhóm những người có kỹ năng và có công cụ để sử dụng công nghệ mới và nhóm những người không có những điều kiện nói trên. Mục đính của “Chính quyền điện tử” là đưa mọi người xích lại gần nhau, chứ không phải tách họ ra, do vậy Chính phủ phải hoạch định kế hoạch tổng thể, chương trình và lộ trình để khắc phục những bất cập này như:

       – Tạo điều kiện truy cập Internet công cộng cho những ai, vì lý do nào đó không có khả năng truy cập Internet tại nhà riêng;

       – Sử dụng các chương trình giáo dục và thông tin công cộng để giúp những người dân dù trẻ hay già sử dụng được các công nghệ mới.

       Trong giai đoàn đầu của “Chính quyền điện tử”, người dân có thể thực hiện được những việc sau:

       – Đăng ký thông tin điện tử với Chính phủ;

       – Tiến hành giao dịch tài chính với các cơ quan tài chính qua phương tiện điện tử;

       – Điền và gửi toàn bộ các mẫu giấy tờ từ một nơi trên trang Web của Chính phủ;

       – Đóng góp ý kiến về các chính sách của Chính phủ trên môi trường mạng;

       – Giảm thời gian trong các giao dịch bởi thông tin về các giao dịch đã được số hoá và các giao dịch có thể được tiến hành qua các phương tiện điện tử;

       – Cập nhật về những thay đổi cá nhân, qua đó chỉ một lần cập nhật trên Internet có thể bảo đảm việc sử dụng, xác thực thông tin cá nhân đó trong các giao dịch sau này với các cơ quan của Chính phủ.

       Để đạt được các mục tiêu trên, cần phải thực hiện qua các giai đoạn sau:

       Giai đoạn 1: Phát hành/phân phối thông tin.

       Giai đoạn 2: Giao dịch hai chiều chính thức.

       Giai đoạn 3: Tạo lập các cổng truy cập đa chiều.

       Giai đoạn 4: Cá nhân hoá các cửa dịch vụ.

       Giai đoạn 5: Phân cụm các dịch vụ công.

       Giai đoạn 6: Hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công.

       Để thực hiện được các nội dung công việc trên đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sự phối hợp của các cơ quan có liên quan nhằm mục tiêu xây dựng “Chính phủ điện tử” theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025./.

 

Ths. Lê Văn Năng (Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia tài liệu điện tử, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước)

 

Theo: https://luutru.gov.vn/