Xây dựng chính phủ điện tử – Bước phát triển tất yếu trong quá trình cải cách hành chính
Xây dựng chính phủ điện tử – Bước phát triển tất yếu trong quá trình cải cách hành chính
1. Chính phủ điện tử – phương tiện quan trọng để đạt được mục tiêu của cải cách hành chính ở Việt Nam
Hiện nay, sự nghiệp Đổi mới đất nước, trong đó đặc biệt là đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, thì vấn đề cải cách hành chính trở thành một nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Tuy nhiên, muốn công việc đó thành công, xây dựng CPĐT phải được coi là một giải pháp cấp bách, một bước đi tất yếu. Vậy CPĐT là gì ? Nó mang lại những thay đổi, tiện ích nào mà được coi là “điểm nút”của quá trình cải cách hành chính?
Do những tiện ích to lớn mà nó mang lại, CPĐT là vấn đề “nóng”, được nhiều người quan tâm và cũng có rất nhiều định nghĩa về nó. Hiểu một cách đơn giản, CPĐT là chính phủ ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của công nghệ thông tin – truyền thông để “số hóa”các thủ tục,“tự động hóa”các quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, quản lý của mình và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân, doanh nghiệp.
Để thực hiện chức năng quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, trong CPĐT tồn tại 4 dạng giao dịch chính: Chính phủ với công dân (G2C); Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); Chính phủ với các cơ quan trong chính phủ (G2G); Chính phủ với công chức, viên chức (G2E).
Trong hoạt động của CPĐT, cung cấp dịch vụ công điện tửlà một nhiệm vụ chủ chốt và nó được vận hành theo 4 mức độ sau đây. Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử đưa ra các thông tin đầy đủ về quy trình thực hiện dịch vụ. Mức độ 2: Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải các mẫu đơn, hồ sơ để in ra giấy hoặc điền vào các mẫu. Mức độ 3: Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại hồ sơ đó tới địa chỉ có trách nhiệm thụ lý hồ sơ. Mức độ 4: Người sử dụng dịch vụ có thể thanh toán chi phí trực tuyến và việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. Khi dịch vụ công trực tuyến “chạy”hiệu quả ở mức độ 3 và mức độ 4 tức là CPĐT đã đạt chỉ số phát triển cao.
Cho dù đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin vào hoạt động của chính phủ là đặc điểm của CPĐT nhưng CPĐT không đơn thuần là sự “tin học hóa”, “số hóa”. Xây dựng CPĐT không bao giờ là mục đích “tự thân” mà là để phục vụ cho các mục tiêu cải cách. Cũng không thể tiến hành nó một cách đơn độc mà phải gắn nó với công cuộc cải cách hành chính. Thực tế cho thấy, không thể xây dựng một CPĐT khi vẫn duy trì một nền hành chính yếu kém, không vận hành theo một quy trình khoa học. Vì thế, trước khi triển khai việc xây dựng CPĐT, chính phủ phải tổ chức lại hoạt động của mình, phải tối giản hóa, khoa học hóa các quy trình, thủ tục hành chính. Chính phủ cũng phải phân định rõ chức năng, trách nhiệm của từng ban, ngành trong hệ thống chính phủ để mỗi bộ phận thực hiện đúng chức năng đã “mã hóa”của họ. Ngược lại, với sự trợ giúp của các phương tiện và quy trình công nghệ thông tin hiện đại, CPĐT sẽ giúp công cuộc cải cách hành chính đạt được mục tiêu đề ra là tăng cường năng lực, hiệu quả điều hành của chính phủ, mang lại sự hài lòng của dân chúng, tăng cường sự minh bạch của nền hành chính quốc gia, tinh gọn bộ máy để giảm chi tiêu của chính phủ và nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Nói một cách khác, chính phủ điện tử mang lại những lợi ích sau đây.
Thứ nhất, Chính phủ điện tử góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – người xây dựng nền dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á đã khẳng định: Dân chủ nghĩa là “dân là chủ và dân làm chủ”. Trong quá trình Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi dân chủ là một giá trị cần hướng tới, là một đặc trưng bản chất của CNXH ở Việt Nam. Từ nhận thức đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm quyền làm chủ cho người dân là mục tiêu hàng đầu của công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam. CPĐT chính là phương tiện hữu hiệu để đạt mục tiêu đó.
Trước hết, CPĐT cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho người dân. Thời đại ngày nay, nhu cầu tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mỗi người là rất cao. CPĐT với sự cập nhật thường xuyên tin tức sẽ giúp người dân nhanh chóng tiếp cận khối lượng thông tin chuẩn xác một cách dễ dàng và thường xuyên.
CPĐT còn cung cấp dịch vụ công trực tuyến nên giúp người dân và doanh nghiệp giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí đi lại. Khi có CPĐT, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện việc cần làm qua cổng thông tin điện tử ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào mà không phải chờ đợi tại các trụ sở cơ quan nhà nước trong giờ hành chính như trước kia. Điều đó đã làm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sống của người dân và “sức khỏe”của doanh nghiệp.
Trong chế độ dân chủ, nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước nhưng muốn kiểm soát thì nhân dân phải có thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Với khối lượng thông tin do CPĐT mang lại, người dân có điều kiện thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, kiểm tra của mình; đồng thời có thể tham gia phản biện, xây dựng chính sách, tố cáo các hành vi sai trái của đội ngũ cán bộ, công chức để Chính phủ hoạt động ngày càng tốt hơn. Tóm lại, CPĐT đã nâng cao vai trò làm chủ của người dân, đã đưa chính phủ tới gần dân và đưa dân tới gần chính phủ.
Thứ hai, Chính phủ điện tử góp phần minh bạch hóa nền hành chính quốc gia.
Minh bạch, công khai là đặc tính của nền hành chính hiện đại nên cải cách hành chính phải hướng tới mục tiêu đó. CPĐT với việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, cho doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch sẽ hạn chế sự phiền hà, sách nhiễu, các việc làm tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. Sự minh bạch, công khai trong phương thức quản lý và phục vụ của CPĐT sẽ góp phần đẩy lùi căn bệnh tham nhũng, quan liêu, độc quyền, lười biếng của đội ngũ cán bộ, công chức. Bằng sự truy cập, kiểm tra các dữ liệu điện tử, người đứng đầu các cơ quan công quyền có thể biết chính xác chuyên viên nào làm việc tận tâm, nhanh gọn, chuyên viên nào “ngâm”văn bản, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Đơn giản như việc chấm công, giám sát giờ giấc của đội ngũ công chức trước đây phải thực hiện một cách thủ công thì nay các thiết bị điện tử hiện đại kết nối mạng Internet sẽ chuyển dữ liệu về máy chủ để phục vụ cho công tác quản lý nhân sự. Đó là về mặt lý thuyết còn trên thực tế, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu xây dựng một chính phủ “liêm chính”thì yêu cầu về tính minh bạch, công khai, trong sạch của nền hành chính càng được nâng cao. Phương tiện đặc hiệu để đạt mục tiêu đó chính là đẩy nhanh hoạt động của CPĐT.
Thứ ba, Chính phủ điện tử góp phần tinh giản biên chế và nâng cao năng lực điều hành của chính phủ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng bộ máy nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho dân nên tinh giản bộ máy hành chính luôn là mục tiêu cần hướng tới. Nghị quyết 01/NQ-CP Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 1-1-2018 đã xác định mục tiêu trong năm 2018 phải giảm 1,7% biên chế công chức so với năm 2015. Một trong những biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu đó chính là đẩy mạnh việc xây dựng CPĐT. Nếu Chính phủ truyền thống cần nhiều công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, giấy tờ và sau đó chuyển lên quản lý cấp cao hơn thì trong CPĐT, người dân và doanh nghiệp sẽ tương tác trực tiếp với người có thẩm quyền quyết định. CPĐT với các chương trình tự động đã được “mã hóa”sẽ nâng cao tốc độ xử lý văn bản, các số liệu cần tính toán nên năng suất lao động của cán bộ sẽ tăng lên nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây. CPĐT cho phép thực hiện việc giao ban điện tử, họp trực tuyến, nên giảm được nạn giấy tờ. Với những tiện ích đó, chi phí hoạt động của Chính phủ sẽ được giảm đi đáng kể mà năng lực quản lý của Chính phủ lại được nâng lên.
Thứ tư, Chính phủ điện tử tạo tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ nên để có thể tiếp cận xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một giải pháp quan trọng là áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Trong thời đại cách mạng 4.0, yêu cầu đặt ra không chỉ là xây dựng CPĐT mà CPĐT ấy phải có công nghệ tiên tiến nhất, tức là đơn giản nhất, thuận tiện nhất, phổ biến nhất để người dân dễ dàng tiếp cận. Khái niệm “Chính phủ điện tử thế hệ mới”đã ra đời là vì thế.
Tóm lại, sự ra đời của CPĐT thực sự là một cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển hành chính công.Nó tạo ra một phong cách lãnh đạo, điều hành hiện đại, hiệu quả và minh bạch, nâng cao mức độ hài lòng cho nhân dân và doanh nghiệp, khắc phục những điểm yếu cố hữu của hệ thống hành chính truyền thống như nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, bưng bít thông tin. Sự hoạt động của CPĐT sẽ chuyển nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ; chuyển từ quan hệ “xin – cho”sang quan hệ phục vụ, cung ứng dịch vụ hiện đại. Là phương tiện hữu hiệu để đạt được các mục tiêu mà công cuộc cải cách hành chính đặt ra, xây dựng chính phủ điện tử là bước đi tất yếu trong tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam. Nói cách khác, nếu không đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT, công cuộc cải cách hành chính ở nước ta sẽ không thể thành công.
2. Một số giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay
Sớm nhận ra sức mạnh to lớn của cuộc cách mạng công nghệ – thông tin, Chương trình Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã được Nhà nước Việt Nam triển khai từ năm 1996 với tên gọi ban đầu là “Tin học hóa các hoạt động cơ quan nhà nước”. Đến năm 2015, chương trình được đổi tên thành “Xây dựng chính phủ điện tử”. Nghị quyết số 36a/ NQ – CP của Chính phủ Về chính phủ điện tử đề ra chủ trương “ứng dụng công nghệ thông tin kết chặt với công cuộc cải cách hành chính”. Trong nghị quyết đó, Chính phủ đã chỉ ra một số nhiệm vụ cấp bách sau đây: Xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và ngược lại; 100% dịch vụ công sẽ được cung cấp trực tuyến; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc giatại địa chỉ duy nhất trên Internet, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với tính năng của CPĐT…
Vấn đề xây dựng CPĐT càng trở nên cấp bách khi vào tháng 5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành nghị quyết số 35/NQ – CP với chủ trương “đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát hành chính, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ”.
Các nghị quyết của Chính phủ đã buộc các bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dựng CNTT trong công tác quản lý, nhất là trong xử lý hồ sơ hành chính, quản lý ngân sách, thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm xã hội… Kết quả là, năm 2016, dựa vào 3 nhóm tiêu chí là hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến, Liên Hợp quốc đánh giá chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam ở hạng thứ 89/193 quốc gia, trong đó, chỉ số dịch vụ công trực tuyến đứng ở thứ hạng 74/193. Tính đến tháng 4-2017, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, trừ một số bộ, cơ quan đặc thù. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết 36a mới đạt 61,9%. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan còn ở quy mô nhỏ, xử lý công việc qua mạng chưa nhiều, dịch vụ công đạt mức độ 3 và mức độ 4 còn ít(1). Có thể thấy: một CPĐT đúng nghĩa vẫn chưa có ở Việt Nam. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do:
Trước hết, do hạ tầng công nghệ thông tin ở nước ta còn yếu kém nhưng kinh phí dành cho các việc này rất hạn hẹp. Hệ lụy của Đề án 112 – đề án “Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước”(2001- 2005) chưa được giải quyết triệt để đã tạo ra sự nghi ngờ về tính hiệu quả của việc đầu tư cho CNTT. Cho đến nay, trong hệ thống danh mục ngân sách nhà nước vẫn chưa có mục chi riêng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin. Chỉ ở nơi nào người lãnh đạo quan tâm và hiểu rõ sức mạnh của Chính phủ điện tử thì họ mới bố trí kinh phí cho công việc này. Không chỉ nguồn ngân sách hạn chế mà việc phân bổ nguồn vốn xây dựng hạ tầng CNTT theo kiểu “dàn đều”đã dẫn đến kết quả: nơi làm tốt thì không có đủ nguồn lực để hoàn thiện; nơi thì dự án CNTT bị “đắp chiếu”, không có người vận hành, khai thác.
Chúng ta chưa có đủ nguồn lực con ngườiphù hợp với tính năng của CPĐT. Các chuyên gia về CPĐT trên thế giới đã chỉ ra rằng: Công nghệ là thứ ít quan trọng nhất trong việc xây dựng CPĐT; CPĐT không bao giờ là “cuộc dàn trận”về công nghệ; sự đầu tư đồng loạt về công nghệ chỉ là khâu cuối cùng. Để có một CPĐT thực thụ thì việc chuyển đổi tư duy điều khiển, mệnh lệnh, ban phát sang tư duy phụng sự người dân của đội ngũ công chức các cấp mới là điều quan trọng nhất(2).
Bên cạnh đó, sự thiếu quyết tâm của một số người đứng đầu trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và quy trình, thủ tục hành chính chưa ổn định (do đang trong quá trình cải cách) cũng là rào cản đối với việc xây dựng CPĐT ở Việt Nam.
Trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những mục tiêu quan trọng của công cuộc cải cách hành chính, việc xây dựng CPĐT cần được tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ với một số nhóm giải pháp chính sau đây:
– Nhóm giải pháp về mặt nhận thức.
Chính phủ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của công nghệ thông tin đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong việc phục vụ nhân dân theo phương thức hiện đại. Cán bộ, công chức các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ sở phải có quyết tâm chính trị chuyển đổi nền hành chính “mệnh lệnh”, cơ chế “xin cho”, sang nền hành chính “phục vụ”, coi người dân thực sự là đối tác, khách hàng mà mình cần phục vụ thông qua sự trợ giúp của các phương tiện CNTT hiện đại.
– Nhóm giải pháp về mặt chủ trương, chính sách.
Về mặt luật pháp, cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, dịch vụ điện tử, chữ ký điện tử và công tác bảo mật; nhanh chóng hoàn thiện các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT; tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển thị trường CNTT tại Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật, cần tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng Dịch vụ công quốc giatrên cơ sở dữ liệu chung. Muốn vậy, phải kiên quyết tránh nạn “cát cứ thông tin”.
Về mặt tổ chức, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng CPĐT. Thực tế cho thấy, muốn có CPĐT phải có các nhà “lãnh đạo điện tử”.Cán bộ đứng đầu phải là người thấu hiểu công năng và tính cần kíp của CPĐT nên luôn coi đó là một nhiệm vụ chính trị và luôn nỗ lực điều hành công việc trong môi trường mạng. Đây là điều không đơn giản vì thực tế cho thấy không ít cán bộ đứng đầu rất ngại thay đổi phương thức điều hành cũ; “ngại”sự minh bạch, giản tiện trong môi trường mạng sẽ làm giảm quyền hành, cơ hội trục lợi và làm tăng mức độ giám sát của người dân, của tổ chức đối với các hoạt động của họ. Nếu đội ngũ cán bộ đứng đầu không quyết tâm, không nỗ lực tiếp cận cái mới, xác định đây là một nhiệm vụ bắt buộc thì việc xây dựng CPĐT sẽ khó tiến triển.
Về công tác đào tạo,cần đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức đáp ứng những yêu cầu của CPĐT. Trước hết, chúng ta đang rất cần đội ngũ chuyên gia về chuyên ngành CNTTđể làm công tác lập trình, tư vấn, điều chỉnh kỹ thuật cho các cơ quan chính phủ. Đội ngũ chuyên gia này phải làm tốt công tác an toàn, bảo mật, phải biết kết hợp hài hòa giữa tính an toàn và tính tiện ích vì hai đặc tính đó thường đối lập nhau. Để đề phòng nguy cơ mất dữ liệu, sửa đổi thông tin thì các biện pháp bảo đảm an ninh phải được thực hiện ở tất cả các tầng truy nhập. Công nghệ luôn đổi mới rất nhanh chóng nên việc hoàn thiện CPĐT sẽ là liên tục, không có điểm dừng. Do đó, cán bộ chuyên trách về CNTT phải không ngừng học tập và sáng tạo.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, Chính phủ cần thường xuyên tổ chức các khóa học về hành chính công hiện đại, CNTT để họ có được sự thành thục các kỹ năng làm việc trong CPĐT. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, họ phải cam kết thay đổi cách thức làm việctheo quy chuẩn mà CPĐT yêu cầu.
Muốn có CPĐT thì phải có công dân điện tử. Để có được điều này thì Nhà nước phải có chiến lược giáo dục phù hợp để không ngừng nâng cao dân trí và bồi dưỡng kiến thức tin học cho nhân dân. Đặc biệt phải đẩy mạnh công tác phổ cập tin học cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để họ có thể khai thác được những tiện ích do CPĐT mang lại.
Ngoài ra, công tác thí điểm, tổng kết, nhân rộng mô hình tiên tiến và việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc xây dựng CPĐT cũng là những giải pháp quan trọng cần thực hiện.
Đẩy mạnh việc xây dựng CPĐT để có một nền hành chính hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước đang là một nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ Việt Nam. Do cách mạng khoa học công nghệ luôn phát triển với tốc độ rất lớn nên cả hạ tầng CNTT lẫn tri thức về CNTT của con người luôn đứng trước nguy cơ tụt hậu. Vì thế, việc xây dựng, vận hành, hoàn thiện CPĐT sẽ là một quá trình liên tục, không có điểm dừng. Lúc này, Chính phủ cần có quyết tâm chính trị rất lớn, các chuyên gia phải có sự sáng tạo không ngừng, nhân dân phải tích cực ủng hộ, hợp tác bởi xây dựng CPĐT hiện là bước đi tất yếucủa công cuộc Đổi mới ở Việt Nam.
PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết – Học viện Báo chí và Tuyên truyền
—————————–
(1) Nghị định 36a mới thực hiện được 61,9%, enternews.vn.
(2) Xây dựng Chính phủ điện tử – công nghệ không phải là tất cả, quantrimang.com.
Theo: lyluanchinhtri.vn