Xâm hại trẻ em là gì? Các hành vi xâm hại trẻ em

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, bị bóc lột và cần được chăm sóc trong xã hội. Nhưng hiên nay trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều. Vậy Xâm hại trẻ em là gì? Nhận diện hành vi xâm hại trẻ em như thế nào? Pháp luật xử lý như thế nào? Cùng Luật Hoàng Phi tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.

Xâm hại trẻ em là gì?

Xâm hại trẻ em là hành vi của một chủ thể sử dụng các hình thức khác nhau như bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục gây tổn hại tới thể chất, tinh thần, tâm lý, danh dự, nhân phẩm đối với người dưới 16 tuổi.

Để hiểu rõ hơn Xâm hại trẻ em là gì? chúng ta cần hiểu đúng về khái niệm trẻ em. Trẻ em là người dưới 16 tuổi và đối tượng áp dụng của luật sẽ bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.

Theo từ điển Tiếng Việt, xâm hại trẻ trẻ em được hiểu là bất cứ hành động (hoặc không nhất thiết là hành động) có chủ ý và làm tổn thương hoặc gây nguy hại cho trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa: Xâm hại trẻ em bao gồm mọi hình thức ngược đãi về thể chất và tinh thần, xâm hại tình dục, xao nhãng, bóc lột gây ra những thương tổn về sức khỏe, tính mạng, khả năng phát triển hay phẩm giá bằng cách lợi dụng chức phận, lòng tin hoặc quyền hạn.

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới diễn giải xâm hại trẻ em theo hướng đưa ra các hình thức xâm hại trẻ em mà không giải thích nó là gì.

Dưới góc độ pháp lý, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác (theo khoản 5 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016).

Các hành vi xâm hại trẻ em

Căn cứ theo quy định tại Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, chúng ta có thể liệt kê các hành vi xâm hại trẻ em bao gồm:

+ Mua bán trẻ em;

+ Bỏ rơi trẻ em;

+ Bạo lực với trẻ em, dẫn đến trẻ em bị rối loạn tâm thần, hành vi, hạn chế khả năng giao tiếp, học tập hoặc khả năng tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày;

+ Bắt buộc trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật về lao động;

+ Rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trình diễn hoặc bị sử dụng trong sản xuất các sản phẩm khiêu dâm;

+ Rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động du lịch mà bị xâm hại tình dục;

+ Trẻ em bị cho, nhận hoặc cung cấp để hoạt động mại dâm;

+ Rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động vận chuyển, mua bán, sản xuất, tàng trữ chất gây nghiện và các hàng hóa khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật;

+ Rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trục lợi khác;

+ Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô, sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Hành vi xâm hại trẻ em bị xử lý như thế nào?

Sau khi đã hiểu rõ Xâm hại trẻ em là gì? chúng ta nên và cần biết quy định pháp luật về xử lý hành vi xâm hại tới trẻ em để bảo vệ trẻ em được sống và phát triển đúng với lứa tuổi.

Chế tài xử lý đối với những hành vi xâm hại trẻ em sẽ tùy theo mức độ, tính chất  của hành vi và hậu quả mà hành vi đó gây ra, có thể bị :

– Xử phạt hành chính; hoặc

– Truy cứu trách nhiệm hình sự

1/ Đối với xử phạt hành chính

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, người thực hiện một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:

+ Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em;

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.

Bên cạnh việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi còn phải chịu thêm về chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

2/ Đối với truy cứu trách nhiệm hình sự

Các tội phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em bị trừng trị trong những điều luật riêng trong Bộ luật hình sự 2015 như:

+ Điều 142.Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;

+ Điều 144 .Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

+ Điều 145.  Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi;

+ Điều 146. Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi;

+ Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Ví dụ: Người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình theo bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).

Nguyên nhân xâm phạm trẻ em?

Thảo luận về những nguyên nhân tiêu biểu cho tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, do sự phân hóa giàu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống, những rạn vỡ trong gia đình và sự sói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng.

Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình… dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc Xâm hại trẻ em là gì? để bạn đọc tham khảo. Nếu Quý khách còn thắc mắc gì vấn đề này hoặc muốn biết thêm thông tin chi tiết thì vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số tổng đài tư vấn 1900 6557.