Xác định trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm

Đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP.HCM thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhất là trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng quản lý chồng chéo như hiện nay khiến khi sự việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra thì khó xác định trách nhiệm thuộc cơ quan nào.

Mới đây, Thanh Niên có một chuyên đề xung quanh đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) trực thuộc UBND TP.HCM. Lý giải vì sao trình đề án này lên Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết sau 6 năm thí điểm Ban quản lý ATTP TP.HCM, kết quả cho thấy có nhiều điểm tích cực, trong đó việc tập trung vào một đầu mối đã không còn gây chồng chéo, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa 3 sở: Y tế, Công thương và NN-PTNT; các vụ ngộ độc thực phẩm giảm… Thanh Niên cũng đã phỏng vấn lấy ý kiến đại diện nhiều bộ, ngành (Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế…) cho thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu thành lập sở này.

KHÁNH TRẦN

Không chỉ là phần “ngọn”

Dưới góc độ cần một cơ quan chuyên trách để quản lý chất lượng thực phẩm đảm bảo, vệ sinh hơn đối với người tiêu dùng, nhiều bạn đọc (BĐ) nhấn mạnh đề án là cần thiết.

BĐ Võ Trọng đánh giá “đến hôm nay mới có đề án thành lập là muộn”. BĐ này nêu ý kiến: “Người dân cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng, rất quan tâm vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong tình hình nhiều cơ quan chồng chéo nhau nhưng không ai chịu trách nhiệm…”.

BĐ Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng vấn đề ATTP hiện nay rất hệ trọng vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên việc thành lập Sở ATTP là hợp lý.

Còn theo BĐ Nguyen Huan, gần đây ở một số tỉnh, thành đã xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, thậm chí đã có nạn nhân tử vong, như trường hợp xảy ra tại một trường học ở Nha Trang (Khánh Hòa). Thực trạng này cho thấy quản lý ATTP không chỉ là giải quyết, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra vụ việc mà còn đặt ra vấn đề về “chiến lược” bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, từ việc kiểm tra, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm “sạch”, giám sát quá trình thực phẩm được phân phối đến các chuỗi cung ứng, bảo quản và đến tay người tiêu dùng… Khoa học đã chứng minh rằng thực phẩm không an toàn là một trong những lý do gây ra bệnh tật cho người dân. Như vậy, quản lý ATTP không chỉ thực hiện ở phần “ngọn” mà còn ở phần “gốc”.

“Cha chung không ai khóc”

“Các chuyên gia trả lời phỏng vấn của Thanh Niên có đề cập đến việc Ban quản lý ATTP là mô hình thí điểm tại TP.HCM đã qua nhiều năm hoạt động, đã giải quyết hiệu quả một số vấn đề chồng chéo trước đây, khi lồng ghép được công việc của các ngành nông nghiệp, công thương và y tế. Có thể thấy rằng “chồng chéo” trách nhiệm dễ dẫn đến tình trạng “tại anh, hay tại ả” hoặc “cha chung không ai khóc”. Ý kiến của các bộ, ngành khác nêu lên các “lo ngại vướng mắc về pháp lý” cũng là vấn đề cần lưu ý. Thế nhưng, nếu một mô hình được triển khai trong thực tế cho thấy có thể khắc phục được điểm yếu của cách thức quản lý hiện tại, thì cũng rất đáng xem xét. Điều quan trọng hơn, dù ở mức tiếp tục “thí điểm” hoặc được nâng lên cấp “sở”, những “người lính” làm chức năng nhiệm vụ về ATTP cần được trang bị “vũ khí”. Đó là cơ sở pháp lý để những người thực thi có đủ thẩm quyền theo quy định pháp luật thực hiện tốt chức năng của mình; có những trang thiết bị đo lường hiện đại nhằm phát hiện thực phẩm không an toàn; đội ngũ chuyên môn có năng lực và đặc biệt tránh tình trạng thiếu cán bộ thực thi”, BĐ Tuyết Lê phân tích.

Nhiều BĐ cũng thẳng thắn góp ý: Nếu thành lập được Sở ATTP, “phải đáp ứng được kỳ vọng của người dân”. Cụ thể, phải đảm bảo quản lý được nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo thực phẩm trên mâm cơm của mỗi gia đình phải là thực phẩm “sạch”; hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc tập thể.

Điểm chung mà tôi thấy được qua đánh giá của cơ quan chức năng khi thí điểm mô hình Ban quản lý ATTP ở TP.HCM, Đà Nẵng là hợp nhất chức năng quản lý ATTP, vốn hiện đang thuộc các sở Y tế, Công thương và NN-PTNT. Từ đó giảm được chồng chéo, đùn đẩy, “đá” trách nhiệm.

Tùng Châu

Công khai đường dây nóng để dân báo nữa thì may ra giảm được thực phẩm bẩn.

Phúc Sơn

Nếu Sở ATTP chỉ có chức năng quản lý nhà nước chung chung, không sát thực tế và cũng không rõ, không sát các quy trình sản xuất, chế biến như ngành nông nghiệp và công thương hiện nay đã nhận diện rồi… thì phải có cách “giải” cho sát, cho rõ để vận hành. Đối với người dân, dù là cấp “sở” hay “ban”, miễn làm tốt chức năng, nhiệm vụ; người dân có thực phẩm sạch, an toàn để sử dụng; hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm là được.

Vũ Tiến Nhật