Xác định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính những vấn đề cần lưu ý – Tin mới – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) là một bước trong quy trình thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Một biên bản được coi là hợp pháp phải đảm bảo đúng thẩm quyền, nội dung, hình thức, tính kịp thời của việc lập biên bản

…theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và khoản 7 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP. Trong các yêu cầu để thiết lập biên bản hợp pháp thì thẩm quyền lập biên bản VPHC có vai trò quan trọng. Vì nếu người không có thẩm quyền lập biên bản VPHC mà tiến hành lập biên bản VPHC thì biên bản được coi là không hợp pháp và không được dùng làm căn cứ để ban hành quyết định xử phạt VPHC. Vì vậy, trong bài nghiên cứu này tôi phân tích sâu các chủ thể có thẩm quyền lập biên bản VPHC và hướng xử lý vướng mắc khi lập biên bản theo thẩm quyền từ thực tiễn thi hành.

1. Căn cứ pháp lý xác định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Về thẩm quyền quy định chủ thể có thẩm quyền lập biên bản VPHC: Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính”. Như vậy, Chính phủ quy định thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

– Về thẩm quyền lập biên bản VPHC: Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm. Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga”. Để cụ thể hóa nội dung trên, Chính phủ đã quy định thẩm quyền lập biên bản VPHC tại Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 97/2013/NĐ-CP liệt kê các chủ thể có thẩm quyền lập biên bản VPHC bao gồm:

+ Người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

+ Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định trên chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

+ Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, thẩm quyền lập biên bản gồm: công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản. Lưu ý khi lập biên bản những chủ thể trên phải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc theo văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền giao nhiệm vụ. Ngoài quy định chung trên, trong từng lĩnh vực chuyên ngành cũng quy định cụ thể thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, vì vậy để xác định cụ thể thẩm quyền lập biên bản đối với từng lĩnh vực cụ thể trong quản lý hành chính nhà nước cần căn cứ vào Nghị định chuyên ngành được ban hành kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2017 (ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).

Ví dụ: Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai tại khoản 2 Điều 40 quy định những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra viên chuyên ngành đất đai được giao thực hiện nhiệm vụ đang thi hành công vụ; Chánh Thanh tra Sở TNMT, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai; Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai; Thanh tra chuyên ngành xây dựng; Thanh tra Bộ Quốc phòng); Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai; Công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng rừng được lập biên bản- vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác. Công chức, viên chức Cảng vụ hàng không được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất cảng hàng không, sân bay dân dụng.

2. Xác định VPHC thuộc thẩm quyền lập biên bản của mình

– Công chức, viên chức khi thi hành công vụ phát hiện VPHC thì phải xác định ngay  VPHC đó có thuộc thẩm quyền lập biên bản của mình không, nếu thuộc thẩm quyền thì tiến hành lập biên bản như thế nào, trường hợp không thuộc thẩm quyền thì xử lý như thế nào.

– Nếu công chức, viên chức đang thi hành công vụ phát hiện ra VPHC thuộc thẩm quyền của mình tiến hành lập biên bản VPHC cần phải lưu ý: xác định hành vi VPHC có thuộc trường hợp phải lập biên bản VPHC hay không; xác định chính xác lĩnh vực hành vi VPHC xảy ra, hành vi VPHC đó có được quy định xử phạt vi phạm hành chính không, đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức, người vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hay không, …..

– Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì xử lý theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 97/2013/NĐ-CP như sau: Công chức, viên chức khi thi hành công vụ nhưng không có thẩm quyền xử phạt chỉ được lập biên bản VPHC thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản VPHC của mình.

– Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ đồng thời là người lập biên bản VPHC thì tiến hành lập biên bản VPHC đối với các vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của mình, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản VPHC đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt đế tiến hành xử phạt.

Như vậy, đối với VPHC được phát hiện, trước tiên, người có thẩm quyền cần xác định tính chất, mức độ của hành vi VPHC để tránh tình trạng nhầm lẫn lĩnh vực pháp luật điều chỉnh và xác định sai thẩm quyền lập biên bản. Khi đủ cơ sở để khẳng định hành vi là hành vi VPHC, có căn cứ pháp lý áp dụng thì chủ thể có thẩm quyền lập biên bản VPHC .

3. Yêu cầu đối với chủ thể có thẩm quyền lập biên bản VPHC

Khi phát hiện ra VPHC người có thẩm quyền đang thi hành công vụ được giao nhiệm vụ phải xác định tính chất hành vi vi phạm để phân định xem thuộc trường hợp lập biên bản hay không (không lập biên bản VPHC áp dụng đối với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thực tế đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ). Nếu thuộc trường hợp lập biên bản VPHC người có thẩm quyền phải tiến hành lập ngay biên bản VPHC. Trong luật Xử lý vi phạm hành chính. không quy định cụ thể về các vụ việc vi phạm thuộc trường hợp phải lập biên bản VPHC mà thiết kế theo phương pháp loại trừ nên có thể xác định cụ thể các trường hợp xử phạt VPHC phải lâp biên bản VPHC bao gồm:

Thứ nhất, có mức phạt tiền thực tế trên 250.000 đồng đối với cá nhân và trên 500.000 đồng đối với tổ chức.

Thứ hai, trong quyết định xử phạt VPHC có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ hoạt động có thời hạn; hình thức xử phạt trục xuất và biện pháp khắc phục hậu quả;

Thứ ba, VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ;

Thứ tư, vụ việc vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến nhưng  không xác định cụ thể hành vi vi phạm, chủ thể thực hiện hành vi không thật sự rõ ràng hoặc có vụ việc nhiều người thực hiện hành vi nhưng tính chất, mức độ khác nhau, có người mặc dù thực hiện hành vi vi phạm nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này cần lưu ý: nếu hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến mà trong hồ sơ đã thể hiện rõ hành vi vi phạm, điều, khoản, điểm xử phạt vi phạm hành chính… thì cơ quan hành chính nhà nước không phải lập biên bản vi phạm hành chính mà căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

– Trường hợp hành vi VPHC đã bị lập biên bản VPHC, nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phát hiện ra những sai sót trong biên bản VPHC xử lý như sau:

Thứ nhất, hủy biên bản VPHC nếu xác định sai thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (người không có thẩm quyền lập biên bản VPHC nhưng tiến hành lập biên bản VPHC), lập biên bản VPHC nhưng sau đó xác định hành vi vi phạm hành chính đó không được Chính phủ quy định bị xử phạt hành chính. Vì trong hai trường hợp này biên bản VPHC không dùng làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt VPHC nhưng đã phát sinh hệ quả pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi của người vi phạm, nên cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phát hiện ra sai sót trong trường hợp trên cần phải xử lý kịp thời bằng hình thức ban hành quyết định để hủy biên bản. Trường hợp nếu sai thẩm quyền lập biên bản VPHC thì phải xem xét đến tính chất của hành vi vi phan phân công người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản VPHC mới để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nguyên tắc mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính áp dụng đối với trường hợp: thông tin trong biên bản VPHC không đầy đủ, chính xác theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mẫu biên bản xử phạt vi phạm hành chính (Mẫu biên bản số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) và các quy định của Nghị định chuyên ngành về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ ba, khi biên bản bị sai sót người có thẩm quyền lập biên bản tuyệt đối không tự sửa chữa, tẩy xóa trực tiếp vào biên bản vi phạm hành chính mà phải tiến hành xác minh các tình tiết bị sai sót. Việc xác minh phải được thực hiện bằng văn bản theo mẫu biên bản số 15 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP. Khi căn cứ ban hành Quyết đinh xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào cả biên bản vi phạm hành chính và biên bản xác minh, đồng thời lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ tư, không lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp VPHC bị xử phạt theo thủ tục không lập biên bản VPHC (xử phạt tại chỗ) quy định tại Điều 56 Luật XLVPHC: VPHC đã quá thời hiệu xử phạt theo quy định tại Điều 6 Luật XLVPHC (trừ trường hợp vẫn phải áp dụng hình thức xử phạt tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật VPHC thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC).

Kết luận: Một trong những yêu cầu khi thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đó là phải đúng thẩm quyền, trong đó thẩm quyền lập biên bản VPHC có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định biên bản VPHC có được dùng làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không. Vì vậy, khi lập biên bản VPHC người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải xác định ngay hành vi vi phạm đó có thuộc thẩm quyền lập biên bản của mình hay không, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính như thế nào để đảm bảo đúng quy định pháp luật và dự liệu những trường hợp có sai sót có thể xảy ra đến loại trừ rủi ro pháp lý trong khi lập biên bản VPHC. Một trong những lưu ý khi lập biên bản VPHC là chủ thể có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chỉ lập biên bản VPHC khi đủ cơ sở để khẳng định hành vi vi phạm pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, có căn cứ pháp lý áp dụng. Đây là kết quả của áp dụng pháp luật cho một trường hợp cụ thể, chính thức ghi nhận một hành vi vi phạm pháp luật và căn cứ pháp lý để xác định hành vi đó, đồng thời phải đảm bảo tính hợp pháp của biên bản vi phạm hành chính đã được lập trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.

Thủy Bích