WTO: Hiệp định TRIMs

Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: Các thành viên WTO đã ký kết khoảng 30 hiệp định khác nhau điều chỉnh các vấn đề về thương mại quốc tế. Tất cả các hiệp định này nằm trong 4 phụ lục của Hiệp định về việc Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới được ký kết tại Marrakesh, Maroc vào ngày 15-4-1994.

Hiệp định về: Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) là một trong các hiệp định của WTO mà các thành viên gia nhập tổ chức này phải ký kết. Hiệp định TRIMS có hiệu lực từ ngày 1-1-1995.

Năm 1995, các nước thành viên WTO ký kết Hiệp định TRIMS chấp nhận ràng buộc rằng các biện pháp TRIMS của nước mình phải phù hợp với GATT (tiền thân của WTO); các thành viên của tổ chức WTO có ba tháng để khai báo TRIMS của mình cho WTO, có hai năm để loại bỏ các ràng buộc không tương thích với các quy định của WTO, và thời gian quá độ là năm năm để thực hiện loại bỏ ràng buộc.

Cùng với quá trình phát triển của thương mại thế giới, dòng lưu chuyển vốn đầu tư cũng tăng không ngừng. Thực tế đã vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại giữa các nước. Cho đến nay, 1/3 thương mại trên thế giới là trao đổi giữa các công ty có liên hệ với nhau về sở hữu, hay nói một cách khác, 1/3 thương mại thế giới ngày nay gắn liền với đầu tư.

Cuối thập niên 40 khi xây dựng nên hệ thống thương mại đa biên, người ta cũng nghĩ đến cơ chế điều tiết đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên ý tưởng trên khi đó chưa thực hiện được.

Cho đến tận Vòng đàm phán Uruguay thì vấn đề đầu tư mới được đề cập như là vấn đề riêng trong WTO. Hiệp định TRIMs là một bước tiến lớn, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng Hiệp định này chưa giải quyết thỏa đáng lợi ích của tất cả các nước, kể cả các nước phát triển hay đang phát triển.

Hiệp định TRIMs chỉ áp dụng cho thương mại hàng hóa mà không áp dụng cho các lĩnh vực khác. Hiệp định TRIMs cấm áp dụng một số biện pháp bị coi là vi phạm nguyên tắc “Đãi ngộ quốc gia” và các biện pháp có tác dụng hạn chế thương mại bao gồm:

– Các biện pháp bắt buộc hay điều kiện về quy định một “tỷ lệ nội địa hóa” đối với doanh nghiệp;

– Các biện pháp “cân bằng thương mại ” buộc doanh nghiệp phải tự cân đối về khối lượng và trị giá xuất nhập khẩu, về ngoại hối….

Theo quy định của Hiệp định TRIMs, các nước có nghĩa vụ phải thông báo các biện pháp này và phải tiến hành loại bỏ trong vòng 2 năm đối với các nước đang phát triển, 5 năm đối với các nước đang phát triển, 7 năm đối với các nước chậm phát triển. Tính từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực, tức là tính từ ngày 1-1-1995. Trong giai đoạn chuyển đổi nêu trên các nước thành viên không được sửa đổi các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại đã thông báo theo hướng làm tăng sự không phù hợp của chúng.

Nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp đã thành lập đang chịu tác động của một số biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, Hiệp định TRIMs có một điều khoản quy định cho phép nước thành viên trong giai đoạn chuyển đổi được áp dụng những biện pháp đó đối với các doanh nghiệp mới thành lập nếu sản phẩm của những doanh nghiệp này là tương tự với những sản phẩm của các doanh nghiệp đã thành lập, và việc áp dụng những biện pháp đó là cần thiết để tránh làm méo mó điều kiện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã thành lập và các doanh nghiệp mới thành lập. Những biện pháp áp dụng đối với cả 2 loại doanh nghiệp này sẽ được loại bỏ đồng thời.

Các nước thành viên phải thông báo cho WTO tất cả các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không phù hợp với Hiệp định TRIMs, cũng như các tài liệu, thông tin liên quan, kể cả các biện pháp được áp dụng ở cấp chính quyền địa phương.

Nước thành viên có trách nhiệm cung cấp thông tin và tạo điều kiện để tiến hành tham vấn nếu có nước thành viên khác yêu cầu. Một Ủy ban về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại đã được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện Hiệp định TRIMs.

Trên đây, chúng tôi tổng hợp sơ lược thông tin về TRIMs, bạn có thể tham khảo và tìm thêm tư liệu tại: www.wto.org, hay www.niciec.gov.vn (Trang web của UBQG về hợp tác kinh tế quốc tế).

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY để đọc thêm các thông tin thường thức về tổ chức thương mại thế giới, BẤM VÀO ĐÂY để theo dõi quá trình VN gia nhập WTO.