Website Sở Tư Pháp tỉnh Hải Dương

           Ngày 01/11/2022, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã ban hành Công văn số 1956/STP-TTr hướng dẫn nội dung, quy trình xử lý vi phạm Luật nghĩa vụ quân sự, cụ thể:

I. NHÓM CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

1. Hành vi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự

– Mức phạt: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả như sau (nếu bị phạt tiền): buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị; buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; buộc đăng ký tạm vắng.

– Quy định: Tại Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 120/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).

– Thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp xã, Thanh tra viên quốc phòng đang thi hành công vụ (chỉ phạt cảnh cáo); Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra quốc phòng quân khu, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành quân khu.

* Xử lý hình sự: Người không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự có thể bị xử lý theo Điều 332 Bộ luật Hình sự.

2. Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sc khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

– Mức phạt: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.

– Quy định: Tại Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2022/NĐ-CP.

– Thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra quốc phòng quân khu, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành quân khu.

3. Hành vi vi phạm quy định về chấp hành lệnh gọi nhập ngũ

– Mức phạt: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Quy định: Tại Điều 7 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2022/NĐ-CP.

– Thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành Bộ Quốc phòng.

* Xử lý hình sự: Người không chấp hành đúng quy định của pháp luật về chấp hành lệnh gọi nhập ngũ có thể bị xử lý theo Điều 332 Bộ luật Hình sự.

4.  Hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự

– Mức phạt:

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Báo cáo không đầy đủ hoặc cố ý báo cáo không chính xác danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; báo cáo không đầy đủ hoặc không chính xác số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không báo cáo danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm, công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; Không báo cáo số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định.

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận trở lại trường học; không tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.

Ngoài ra, còn phải áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: buộc thực hiện việc báo cáo theo quy định; buộc tiếp nhận trở lại trường học, tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.

– Quy định: Tại Điều 9 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2022/NĐ-CP.

– Thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra quốc phòng quân khu, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành quân khu.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Lập biên bản vi phạm hành chính

a) Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực NVQS

– Theo Điều 43 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, người có thẩm quyền lập biên bản gồm:

+ Những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 37, 38 của Nghị định.

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

+ Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản.

– Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền để giải quyết. Biên bản làm việc (theo mẫu MBB02 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP), là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.

– Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản.

b) Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính

– Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.

– Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.

– Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.

c) Lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp cụ thể

– Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập một biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi thì khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền có thể áp dụng tình tiết tăng nặng: “Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó”.

– Trường hợp một cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính.

– Trường hợp nhiều cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính hoặc nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính đối với từng cá nhân vi phạm.

d) Nội dung của biên bản vi phạm hành chính

– Biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

+ Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;

+ Họ và tên, chức vụ người lập biên bản;

+ Thông tin về cá nhân vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

+ Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm;

+ Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm;

+ Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

+ Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền);

+ Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có);

+ Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản;

+ Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc;

+ Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp.

– Biên bản vi phạm hành chính được lập theo mẫu MBB01 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

đ) Ký biên bản vi phạm hành chính

– Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm.

– Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản.

– Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

e) Giao biên bản vi phạm hành chính

– Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân vi phạm hành chính.

– Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải gửi cho cá nhân vi phạm. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối nhận hoặc có căn cứ cho rằng cá nhân vi phạm trốn tránh không nhận biên bản, thì việc giao biên bản vi phạm hành chính được thực hiện bằng việc giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm như sau:

+ Đối với trường hợp biên bản vi phạm được giao trực tiếp mà cá nhân vi phạm cố tình không nhận thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận biên bản vi phạm có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là biên bản vi phạm đã được giao.

+ Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày biên bản vi phạm đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân vi phạm cố tình không nhận; biên bản vi phạm đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận biên bản vi phạm thì được coi là biên bản vi phạm đã được giao.

* Lưu ý khi lập biên bản vi phạm hành chính

– Xác minh tình tiết vụ việc VPHC:

+ Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính hoặc thực hiện trưng cầu giám định.

+ Nội dung xác minh: Có hay không có vi phạm hành chính; Cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.

+ Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản (theo mẫu MBB05 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP). Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.

– Chuyển giao vụ việc với cơ quan tiến hành tố tụng:

+ Trong quá trình xem xét để quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm.

+ Đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

a) Những trường hợp không ban hành quyết định xử phạt

Không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:

– Trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính (theo Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

– Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;

– Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt;

– Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.

b) Xác định thẩm quyền xử phạt

– Căn cứ xác định thẩm quyền:

+ Mức tối đa của khung hình phạt chính để xác định thẩm quyền;

+ Các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

– Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và cụ thể trong Nghị định số 120/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2022/NĐ-CP. Đối với lĩnh vực NVQS chỉ bao gồm Chủ tịch UBND các cấp và Thanh tra Quốc phòng.

– Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

– Trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:

+ Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

+ Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

+ Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

c) Giao quyền xử phạt

– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

– Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc, đồng thời là việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.

– Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

d) Thời hạn ra quyết định xử phạt

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

– Đối với vụ việc thông thường, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

– Đối với vụ việc mà cá nhân có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

– Những vụ việc thuộc trường hợp 2 mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

đ) Ra quyết định và nội dung quyết định xử phạt

– Trường hợp một cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt.

– Trường hợp nhiều cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính hoặc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt.

– Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.

– Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung chính sau đây:

+ Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định;

+ Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có);

+ Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

+ Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ và họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức vi phạm;

+ Hành vi vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

+ Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;

+ Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);

+ Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

+ Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt;

+ Họ tên, chữ ký của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

+ Trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.

– Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được lập theo mẫu MQĐ01 hoặc MQĐ02 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

3. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

a) Thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

– Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

– Trường hợp cá nhân bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.

– Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp cá nhân bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

b) Thi hành quyết định xử phạt

– Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt, cá nhân bị xử phạt phải nộp tiền phạt một lần tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng thương mại được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

– Trường hợp xử phạt ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt. Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân nộp tiền phạt.

c) Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

– Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định.

– Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

+ Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân vi phạm;

+ Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

+ Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân khác đang giữ trong trường hợp cá nhân sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

– Thi hành quyết định cưỡng chế:

+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân có liên quan.

+ Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.