WB cảnh báo châu Phi đối mặt nguy cơ lạm phát đình trệ
Đây là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo “Phân tích các vấn đề định hình tương lai kinh tế châu Phi” công bố ngày 4/10; trong đó WB nhấn mạnh, những “cơn gió ngược” toàn cầu đang làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này, khi các quốc gia tiếp tục đối mặt với lạm phát gia tăng, cản trở tiến độ xóa đói giảm nghèo tại đây.
Theo báo cáo được công bố 6 tháng một lần về triển vọng kinh tế vĩ mô khu vực trong ngắn hạn, WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Phi cận Sahara (SSA), từ mức 4,1% vào năm 2021 xuống còn 3,3% trong năm nay, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo 3,6% được đưa ra trong ấn bản cập nhật gần nhất hồi tháng 4 vừa qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, bao gồm cả nhu cầu suy giảm từ Trung Quốc đối với các mặt hàng được sản xuất ở châu Phi. Bên cạnh đó, xung đột ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã tăng cao và ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, khi làm suy giảm cả đầu tư kinh doanh và tiêu dùng hộ gia đình.
Theo báo cáo của WB, tính đến tháng 7/2022, 29 trong số 33 quốc gia trong khu vực được khảo sát có tỷ lệ lạm phát trên 5%, trong khi 17 quốc gia ghi nhận mức lạm phát 2 con số.
Hơn 1/5 dân số châu Phi lâm vào nạn đói và ước tính có khoảng 140 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng vào năm 2022, tăng 20 triệu người so năm 2021.
Giá lương thực tăng cao đang gây ra hậu quả nặng nề ở một trong những khu vực mất an ninh lương thực nhất thế giới. Nạn đói đã tăng mạnh ở SSA trong những năm gần đây do các cú sốc kinh tế, bạo lực và xung đột cũng như thời tiết khắc nghiệt. Hơn 1/5 dân số châu Phi lâm vào nạn đói và ước tính có khoảng 140 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng vào năm 2022, tăng 20 triệu người so năm 2021.
Nợ công của SSA được dự báo sẽ ở mức 58,6% GDP trong năm 2022. Tám trong số 38 quốc gia trong khu vực đủ điều kiện nhận các khoản tài trợ và cho vay lãi suất thấp từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) đang lâm vào tình trạng nợ nần, đồng thời 14 quốc gia khác cũng có nguy cơ cao rơi vào tình cảnh tương tự.
Ngoài ra, WB cũng lưu ý rằng chi phí đi vay đang tăng lên khiến các quốc gia châu Phi khó tiếp cận các khoản vay hơn, trong khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt đang làm suy yếu các đồng nội tệ khu vực và càng làm tăng thêm chi phí vay nước ngoài của các quốc gia châu Phi.
Andrew Dabalen, chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực châu Phi cho biết, những xu hướng này làm tổn hại đến các nỗ lực xóa đói giảm nghèo vốn đã bị cản trở bởi tác động của đại dịch Covid-19 ở châu Phi.
“Điều đáng lo ngại nhất là tác động của giá lương thực tăng cao đối với người dân đang chật vật nuôi sống gia đình, đe dọa sự phát triển lâu dài của con người. Các nhà hoạch định chính sách cần hành động khẩn cấp để khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các hộ gia đình nghèo nhất, trong khi định hướng lại chi tiêu cho nông nghiệp và ngành thực phẩm để đạt được khả năng phục hồi trong tương lai”, chuyên gia của WB khuyến nghị.
Các nhà hoạch định chính sách cần hành động khẩn cấp để khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các hộ gia đình nghèo nhất, trong khi định hướng lại chi tiêu cho nông nghiệp và ngành thực phẩm để đạt được khả năng phục hồi trong tương lai.
Andrew Dabalen – chuyên gia kinh tế trưởng WB khu vực châu Phi
Ngoài hạ triển vọng tăng trưởng chung toàn khu vực SSA, WB cũng cắt giảm dự báo đối với Nigeria và Nam Phi, hai trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Phi, cùng với Ghana, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Tại Ghana, quốc gia đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong bối cảnh lạm phát chạm mức 33,9% trong tháng 8 và đồng cedi suy yếu, tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại, giảm xuống còn 3,5% trong năm nay, so với mức dự báo 5,5% mà WB đưa ra hồi tháng 4.
Định chế tài chính này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với Nigeria và Nam Phi, lần lượt từ 3,8% và 2,1% xuống còn 1,9% và 3,3%. Ngược lại, triển vọng đối với Angola, vốn được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, đã được nâng lên 3,1% so với mức dự báo 2,9% trong tháng 4.
WB cho biết Bờ Biển Ngà sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Tây Phi trong năm nay với mức tăng trưởng 5,7%, nhưng Senegal sẽ sớm vượt qua nước này với mức tăng 4,8% cho cả năm 2022, trước khi tăng tốc lên 8% vào năm 2023 và 10,5% trong năm tiếp theo.
Dự báo cho Kenya, nền kinh tế lớn nhất Đông Phi, được giữ nguyên ở mức 5% so với báo cáo công bố hồi tháng 4.