V/v hướng dẫn thực hiện thu học phí và các khoản thu khác trong nhà trường năm học 2021-2022
Nhằm tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong nhà trường, chấm dứt tình trạng huy động đóng góp sai quy định và việc quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022 như sau:
2568 CV cac khoan thu _ 2021_2022_Chinh thuc.doc.pdf
1. Tất cả các đơn vị phải thực hiện công khai các khoản thu theo quyết định của cấp có thẩm quyền, nội dung và hình thức công khai được quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách đối với các đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ; Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
2. Mức thu học phí, chế độ miễn, giảm thu học phí và hỗ trợ chi phí học tập:
a) Mức thu học phí năm học 2021-2022 thực hiện Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện mức thu học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 theo Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc Quy định mức thu học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Triển khai thực hiện nội dung Công văn số 1689/SGDĐT-KHTC ngày 18/8/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh Bình Định. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp vào Kho bạc nhà nước, tất cả các khoản chi phải được thực hiện kiểm soát chi tại Kho bạc, hóa đơn thu học phí được sử dụng theo quy định của Bộ Tài chính.
b) Chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
– Thời gian từ tháng 9/2021 đến hết ngày 14/10/2021 chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc quy định mức thu học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
– Thời gian từ ngày 15/10/2021 trở về sau (Nghị định có hiệu lực), chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện theo điều 14; điều 15; điều 16; điều 17 và điều 18 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
c) Việc quản lý, sử dụng nguồn thu học phí
Quy định về tổ chức thu và sử dụng học phí được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
4. Các khoản thu khác trong nhà trường.
a) Về khoản thu giá dịch vụ dự tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy (trước đây là phí dự thi, dự tuyển); khoản thu tiền bán hồ sơ đấu thầu, đấu giá (nếu có): được thực hiện theo Công văn số 13373/BTC-QLG ngày 23/9/2016 của Bộ Tài chính về việc triển khai Luật phí và lệ phí đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang cơ chế giá thị trường mà Nhà nước không định giá; Công văn số 883/CT-THNVDT ngày 17/5/2018 của Cục thuế Bình Định về việc chính sách thuế đối với hoạt động bán hồ sơ thầu và phí dự thi, dự tuyển:
– Các khoản thu giá dịch vụ dự tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy (trước đây là phí dự thi, dự tuyển); khoản thu tiền bán hồ sơ đấu thầu, đấu giá thuộc đối tượng kê khai nộp thuế GTGT và thuế TNDN như sau:
+ Về thuế GTGT: kê khai nộp theo tỷ lệ 2% trên doanh thu (hoạt động kinh doanh khác);
+ Về thuế TNDN: nếu đơn vị không xác định được chi phí, thu nhập từ hoạt động này thì kê khai nộp thuế theo tỷ lệ 2% trên doanh thu (áp dụng đối với hoạt động giáo dục và hoạt động khác);
+ Trích 40% trên số thu (số thu sau khi đã thực hiện các khoản nộp thuế cho nhà nước) để tạo nguồn cải cách tiền lương;
+ Các khoản chi và nội dung chi thực hiện theo quy định của Nhà nước và được hạch toán và quyết toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
b) Về thu tiền dạy thêm, học thêm:
Các cơ sở giáo dục được cấp có thẩm quyền cho phép dạy thêm, học thêm trong trường học phải thực hiện đúng các quy định tại Công văn số 798/SGDĐT-GDTrH ngày 06/5/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường; thực hiện nộp thuế TNDN bằng 2% trên tổng số thu tiền dạy thêm, học thêm (các cơ sở giáo dục phải xây dựng mức thu, nội dung, tỷ lệ chi theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền cho phép và được thể hiện nội dung cụ thể vào Quy chế chi tiêu nội bộ và đảm bảo không trái với pháp luật Nhà nước);
c) Các khoản thu mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như áo quần đồng phục, quần áo thể dục – thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường… các trường học cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với Ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp, nhà trường không được tổ chức thu tiền và trực tiếp mua sắm.
d) Các khoản đóng góp được thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, thiết bị phục vụ bán trú, tiền nước uống…yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh về chủ trương, mức thu, phương thức thu, nội dung chi (kế hoạch) đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi và được thông qua Hội đồng nhà trường (biên bản). Niêm yết công khai mức thu, nội dung chi theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách đối với các đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ; Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
đ) Các trường tổ chức thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh theo đúng qui định của Luật Bảo hiểm y tế và Hướng dẫn số 1342/HDLN-BHXH-SGDĐT ngày 20/8/2021 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định và Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2021-2022.
e) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc, do cha mẹ học sinh đóng góp và do Ban đại diện cha mẹ học sinh trực tiếp quản lý, sử dụng. Nhà trường chỉ đề xuất ý kiến để hỗ trợ cho phù hợp theo quy định. Kế hoạch thu, quản lý và sử dụng theo đúng quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học; vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
g) Bảo hiểm thân thể do tổ chức Bảo hiểm triển khai thu, đây là khoản thu tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh (nhà trường không được thu và không giao giáo viên chủ nhiệm thu).
h) Các khoản tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Nguyên tắc và yêu cầu tài trợ: Trong trường hợp ngân sách nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được hết các nhu cầu tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp, hỗ trợ hoạt động dạy và học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, các cơ sở giáo dục được huy động tài trợ cho giáo dục theo nguyên tắc tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật…của các tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với học sinh. Bên tài trợ không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản và kinh phí đã tài trợ cho cơ sở giáo dục.
– Quy trình quản lý và sử dụng các khoản tài trợ:
+ Thống nhất chủ trương và xây dựng kế hoạch triển khai trong Lãnh đạo nhà trường, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh;
+ Nhà trường lập Kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm: dự kiến nguồn huy động tài trợ, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể) để thực hiện. Trong đó kế hoạch công việc phải xác định rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các khoản tài trợ, cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện, chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành. Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhà tài trợ;
+ Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo phân cấp quản lý để xin chủ trương thống nhất bằng văn bản theo quy định và tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng và mua sắm trước khi triển khai thực hiện;
+ Việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị trường học được thực hiện theo quy định hiện hành. Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí huy động tài trợ và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã tài trợ. Khoản kinh phí này phải đưa vào sổ sách kế toán và hạch toán, thanh quyết toán theo quy định. Các tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm… phải hạch toán tăng tài sản và sử dụng đúng mục đích trong nhà trường (thực hiện hạch toán và tính hao mòn hoặc khấu hao tài sản theo đúng qui định hiện hành);
+ Đối với các trường hợp nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện: Trong trường hợp nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới, mua sắm mới tài sản hoặc tổ chức các hoạt động hỗ trợ dạy và học cho nhà trường, nhà trường có trách nhiệm: hướng dẫn và giúp nhà tài trợ sử dụng khoản tài trợ đáp ứng đúng nhu cầu và phù hợp với kế hoạch phát triển của nhà trường; phối hợp với nhà tài trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật, quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện để đảm bảo chất lượng, mỹ quan của sản phẩm, công trình; nghiệm thu, tiếp nhận sản phẩm, công trình do nhà tài trợ tự thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo sản phẩm, công trình được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
i) Các khoản viện trợ
Viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (viết tắt là PCPNN) là viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận của Bên tài trợ để thực hiện các mục tiêu phát triển và nhân đạo. Bên tài trợ bao gồm các tổ chức PCPNN, kể cả các tập đoàn, công ty có vốn nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, có thiện chí, cung cấp trực tiếp viện trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và nhân đạo của tỉnh Bình Định.
Việc quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ được thực hiện theo Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 24/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.
5. Về thời điểm thu học phí: trong đầu năm học cha mẹ và gia đình học sinh phải mua sắm nhiều khoản như quần áo, sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập… Để giảm bớt khó khăn cho học sinh và gia đình học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường học không thu học phí trong tháng 9/2021 và giãn thời gian thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 vào các tháng cuối năm 2021.
6. Về cam kết không thu các khoản thu ngoài quy định: cam kết và nghiêm túc thực hiện không thu các khoản thu ngoài quy định; tự chịu trách nhiệm về các vi phạm, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thực hiện cam kết không thu các khoản thu ngoài quy định và nộp bản cam kết về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố, đối với các đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố (thời gian nộp do các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố quy định). Các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nộp về Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng KHTC) trước ngày 15/9/2021.
7. Các cơ quan quản lý cấp trên không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.
8. Tất cả các khoản thu trong nhà trường đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép thu phải được ghi sổ kế toán đầy đủ để theo dõi riêng từng khoản thu và thực hiện công tác hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán của đơn vị hàng năm theo quy định (đối với các khoản thu hộ, chi hộ phải hạch toán vào tài khoản phải thu, phải trả).
9. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện đơn vị nào thực hiện sai các khoản thu (như đã cam kết) trong nhà trường so với quy định của cấp có thẩm quyền sẽ kiến nghị UBND tỉnh có hình thức xử lí nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục cố ý thực hiện trái với quy định của Nhà nước.
Các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và quản lý việc tổ chức, thực hiện đối với cơ sở trực thuộc.