Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về “giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện” theo quy định tại Điều 124 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyê

 

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Qua 06 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật Tố tụng hành chính góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Tuy nhiên, thực tiễn khi áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án hành chính, nhận thấy khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật về giải quyết theo quy định tại Điều 124 thông qua vụ án hành chính sau:

 

Ngày 23/3/2022, ông Nguyễn Đức H gửi đơn đến TAND khởi kiện yêu cầu Huỷ bản đồ địa chính của Sở TNMT tỉnh T lập; Huỷ Giấy CNQSD đất do UBND huyện S cấp cho hộ ông H bà N.

 

Sau khi tiếp nhận đơn, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh T đã phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

 

Quá trình nghiên cứu đơn, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện thấy đơn khởi kiện không đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 1, Điều 118 Luật Tố tụng hành chính. Ngày 31/3/2022 Thẩm phán đã có thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Điều 122 Luật Tố tụng hành chính, nhưng ông H không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu.

 

Căn cứ vào điểm g, khoản 1, Điều 123 Luật Tố tụng hành chính, ngày 06/5/2022, Thẩm phán đã ra thông báo trả lại đơn khởi kiện cho ông H. Ngày 08/6/2022 ông H nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện.

 

Ngày 10/6/2022 ông H có đơn khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện gửi TAND tỉnh T theo quy định tại khoản 1, Điều 124 Luật Tố tụng hành chính. Ngày 10/6/2022, Toà án ra thông báo thụ lý đơn khiếu nại và ra quyết định mở phiên họp. Tuy nhiên trước khi mở phiên họp ngày 16/6/2022 ông H có đơn xin rút đơn khiếu nại, cùng ngày Toà án ra Quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện.

 

Điều 124 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị… và căn cứ vào tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện…; nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án”.

 

Qua công tác kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện của ông H và trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết khiếu nại của Toà án nhận thấy: Toà án đã thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Tuy nhiên về nội dung giải quyết đã dẫn đến có 02 quan điểm khác nhau:

 

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp người khiếu nại có đơn xin rút đơn khiếu nại trước khi mở phiên họp thì thẩm phán chỉ ra thông báo không tiến hành mở phiên họp và nêu lý do không mở phiên họp gửi cho người khiếu nại và Viện kiểm sát cùng cấp biết; Trường hợp tại phiên họp người khiếu nại rút khiếu nại thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết phiên họp.

 

Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp người khiếu nại có đơn xin rút đơn khiếu nại trước khi mở phiên họp hoặc tại phiên họp thì thẩm phán đều ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện.

 

Căn cứ vào Điều luật nêu trên thấy rằng, Luật Tố tụng hành chính chỉ quy định trình tự, thời hạn xem xét, mở phiên họp giải quyết đối với khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện.

 

Trong thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của người khởi kiện, quá trình nghiên cứu hồ sơ xét khiếu nại, chuẩn bị mở phiên họp hoặc tại phiên họp giải quyết khiếu nại như trường hợp nêu trên, ông H rút đơn khiếu nại, nhưng không có điều luật cũng như văn bản nào quy định giải quyết trong trường hợp rút khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện

 

Quan điểm của tác giả bải viết cũng nhất trí với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên khi xem xét giải quyết trong từng trường hợp cụ thể (rút đơn trước khi mở phiên họp hay rút tại phiên họp) thì Luật Tố tụng hành chính cũng không có điều luật làm căn cứ để áp dụng trong các trường hợp nêu trên. Dẫn đến mỗi thẩm phán ban hành một văn bản giải quyết khác nhau, khó khăn trong công tác kiểm sát giải quyết các quyết định giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện của Toà án.

 

Trên đây là vướng mắc, trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật về việc giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện (trong trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại) đề nghị các cơ quan liên ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn thực hiện, để khi ban hành văn giải quyết trong các trường hợp nêu trên, cần phải có căn cứ pháp luật để áp dụng và giải quyết được đảm bảo thống nhất.

 

Rất mong sự quan tâm trao đổi từ các đồng nghiệp./.