Vực dậy niềm tin
Tiến trình Brexit đi đúng hướng
Trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh EU lần này là các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về việc London thoái lui khỏi liên minh (tiến trình Brexit), với nhiều tín hiệu lạc quan. Đàm phán về Brexit đã được khởi động đúng kế hoạch vào ngày 19.6, mặc dù trước đó có nhiều nghi ngại về việc tiến trình này có thể bị trì hoãn sau thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Anh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Thủ tướng Anh Theresa May đã đề ra những nguyên tắc trong lập trường đàm phán của Chính phủ Anh liên quan tới các quyền tương lai của công dân châu Âu ở Anh. Hiện, có khoảng 3,5 triệu công dân EU đang sinh sống, học tập và làm việc ở xứ sở sương mù. Thủ tướng May cam kết, những đối tượng đến Anh trước thời điểm kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trong tháng 3 vừa qua, sẽ được trao quy chế “ổn định” và có thể ở lại Anh lâu dài. Ngoài ra, những công dân khác của châu Âu ở Anh cũng sẽ không bị tự động trục xuất khỏi nước này, khi thời hạn của tiến trình Brexit kết thúc, dự kiến vào tháng 3.2019. Thay vào đó, những công dân này sẽ có 2 năm để xin giấy phép lao động ở Anh hoặc phải trở về quê hương. Chính phủ Anh khẳng định, sẽ bảo đảm các quyền lợi chính đáng như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ cấp và hưu trí cho các công dân châu Âu ở Anh sau Brexit.
Nói với các nhà lãnh đạo EU ngày 22.6, Thủ tướng Anh cho biết, những đề xuất mới của Anh cho thấy một thỏa thuận công bằng và nghiêm túc hơn, nhằm bảo đảm sự ổn định, chắc chắn nhất có thể đối với các công dân châu Âu đang sinh sống ở Anh, xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho xã hội nước này. Tuy nhiên, bà May lưu ý về việc EU có trao cho khoảng một triệu công dân Anh đang sống ở châu Âu những quyền tương tự hay không.
Những đề xuất mới của London là sự nhượng bộ của Chính phủ Anh trong vấn đề được EU ưu tiên. Điều đó đã phần nào giúp xóa tan bầu không khí u ám bao trùm các cuộc đàm phán được dự báo sẽ đầy gian nan, khi Thủ tướng Anh từng cảnh báo sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán mà không cần đạt được thỏa thuận nào. Bình luận về động thái tích cực của Anh, Thủ tướng Áo Christian Kern cho rằng, các đề xuất của bà May là bước đi đầu tiên để đàm phán Brexit đi đúng hướng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá, đây là sự khởi đầu tốt đẹp, mặc dù vẫn còn rất nhiều vấn đề khác cần giải quyết trước khi Anh và EU có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Củng cố đoàn kết và sức mạnh
Bên cạnh đàm phán về Brexit, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này còn thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác liên quan tới các lĩnh vực đối ngoại, an ninh, quốc phòng, chống khủng bố, kiểm soát nhập cư, thương mại…
Cụ thể, các nhà lãnh đạo EU đã ấn định thời điểm chính thức công bố kế hoạch quốc phòng chung, do Đức và Pháp khởi xướng, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên hậu Brexit. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, kế hoạch này sẽ được quyết định trong vài tuần hoặc vài tháng tới; đồng thời mô tả, đây là bước tiến lịch sử trong lĩnh vực quốc phòng của EU sau nhiều năm. Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho hay, các đề xuất của kế hoạch này sẽ hiện thực hóa ý tưởng các nước thành viên EU tham gia và thực hiện sứ mệnh quân sự trên khắp thế giới. Liên minh châu Âu cũng nhất trí, vào tháng 11 tới sẽ quyết định địa điểm mới để di dời các cơ quan chủ chốt của EU trong lĩnh vực ngân hàng và dược phẩm, hiện có trụ sở tại London, sau khi Anh rời khỏi EU.
Về chính sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng và gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Crimea, nhằm phản đối việc Moscow sáp nhập bán đảo này năm 2014. Bên cạnh đó, EU cũng tái khẳng định quyết tâm thực hiện thỏa thuận chung Paris về chống biến đổi khí hậu, bất kể việc Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.
Các nhà quan sát cho rằng, những quyết định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua cho thấy liên minh đang cố gắng khẳng định sự đoàn kết nội khối trước sự kiện Brexit, cũng như trước việc Mỹ và Nga tiếp cận đơn phương với các vấn đề quốc tế, qua đó nhằm vực dậy niềm tin vào EU, nhất là trong bối cảnh kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua đã giúp khẳng định sự thắng thế của xu hướng hội nhập châu Âu. Kết quả cuộc khảo sát do công ty Pew của Mỹ công bố ngày 15.6 vừa qua cũng cho thấy, sau một năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh, tỷ lệ ủng hộ EU đã tăng từ 13 – 18 điểm ở các nước: Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Đức…