Vũ trụ song song là gì? Bí ẩn album đến từ vũ trụ khác của The Beatles
Mục Lục
1. Thuyết đa vũ trụ (thuyết vũ trụ song song)
Vũ trụ song song là một chủ đề quen thuộc trong các bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood. Tuy nhiên, bạn đã thật sự hiểu rõ khái niệm này chưa? Cũng như có bao nhiêu vũ trụ song song đang tồn tại xung quanh vũ trụ của chúng ta? Cùng tìm hiểu nhé!
1.1. Vũ trụ song song là gì?
Hình ảnh vũ trụ song song trong phim ảnh. (Ảnh: BBC )
Vũ trụ song song là một khái niệm ra đời dựa trên thuyết đa vũ trụ. Theo đó, một số nhà khoa học tin rằng vũ trụ mà chúng ta đang sống không phải là duy nhất. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều vũ trụ khác (có thể là vô số) tồn tại song song với vũ trụ của chúng ta. Các vũ trụ đó được gọi là vũ trụ song song, vũ trụ thay thế hay vũ trụ khác.
1.2. Nguồn gốc và lịch sử ra đời của thuyết vũ trụ song song
Hugh Everett – một nhà toán học, nhà vật lý lượng tử người Mỹ được xem là cha đẻ của thuyết đa vũ trụ. Vào năm 1954, khi còn đang là sinh viên của trường Đại học Princeton, Everett đã nảy ra ý tưởng hiệu ứng lượng tử khiến vũ trụ liên tục phân nhánh thành các vũ trụ con.
Hugh Everett – Cha đẻ thuyết vũ trụ song song. (Ảnh: newscientist.com)
Sau đó, ông phát triển ý tưởng của mình thành Luận án tiến sĩ và đưa ra lý thuyết Đa thế giới. Theo lý thuyết của Everett, chúng ta đang sống trong một đa vũ trụ bao gồm vô số những vũ trụ song song với đầy rẫy những bản sao của chúng ta. Mỗi khi chúng ta đưa ra một quyết định, ngay lập tức vũ trụ hiện tại sẽ bị phân thành các nhánh riêng rẽ, cho ra đời những bản sao của chính chúng ta.
Ví dụ, nếu bạn đang phân vân không biết nên theo học Đại học Bách Khoa hay Đại học Kinh tế. Sau đó, bạn quyết định học Đại học Kinh tế thì ngay lúc đó, vũ trụ hiện tại sẽ phân nhánh để tạo ra 2 phiên bản của bạn. Ở nhánh vũ trụ này, bạn sẽ học Đại học Kinh tế. Nhưng ở một nhánh vũ trụ khác, bản sao của bạn sẽ học Đại học Bách Khoa.
Theo thời gian, các nhánh này sẽ tiếp tục phân tách mỗi khi bạn ra quyết định. Vì vậy, khi bạn càng nhiều tuổi thì càng có nhiều bản sao của bạn.
Vũ trụ phân nhánh. (Ảnh minh họa)
Trước Everett, ý tưởng về các thế giới song song đã có trong những cuốn tiểu thuyết của HG Wells và Jorge Luis Borges. Nhưng chúng chỉ mới dừng lại ở những ý tưởng hư cấu. Everett chính là người đầu tiên trình bày ý tưởng này dưới dạng lý thuyết khoa học thực sự.
Mặc dù vậy, lý thuyết của ông không được giới vật lý thời đó ủng hộ, thậm chí còn bị chế giễu. Quá chán nản, Everett sau đó đã từ bỏ giới vật lý hàn lâm để làm việc trong lĩnh vực quân sự cho Lầu Năm Góc.
Ngày nay, lý thuyết Đa thế giới của Everett ngày càng được nhiều nhà vật lý lượng tử quan tâm và ủng hộ. Bên cạnh đó, nhiều nhà vật lý lý thuyết khác dựa trên các lý thuyết khác nhau nhưng cũng đi đến kết luận về sự tồn tại của các vũ trụ song song.
2. Câu chuyện về album bí ẩn đến từ vũ trụ khác của The Beatles
Vào ngày 09/09/2009, trong khi đuổi theo con chó của mình tại hẻm núi Del Puerto Canyon (California, Hoa Kỳ), James Richards (bút danh) đã vấp phải một hố thỏ và ngã bất tỉnh. Sau khi tỉnh dậy, James nhận ra mình đang ở trong một căn phòng cùng với những máy móc và thiết bị điện tử kỳ lạ.
Địa điểm James ngã bất tỉnh. (Ảnh: thebeatlesneverbrokeup.com)
Bất ngờ, một người đàn ông lạ mặt xuất hiện và tự giới thiệu mình là Jonas. Sau đó, anh ta giải thích với James rằng trong lúc đang đi du hành các Trái Đất song song, anh ta tìm thấy James đang nằm bất tỉnh trên đường nên đã đưa về thế giới của mình để chăm sóc. Nói cách khác, James đang ở trong một Trái Đất song song.
Sau đó, hai người trò chuyện với nhau về sự tồn tại của vũ trụ song song. Họ cùng nhau thảo luận về nhiều thứ như thực phẩm, văn hóa, công nghệ… để so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa 2 vũ trụ mà họ đang sống. Câu chuyện sau đó chuyển sang lĩnh vực âm nhạc và The Beatles.
James bất ngờ khi biết rằng trong vũ trụ song song này cũng tồn tại ban nhạc The Beatles nhưng càng sửng sốt hơn khi biết rằng John Lennon & George Harrison vẫn còn sống và ban nhạc chưa từng tan rã. Họ vẫn đang đi lưu diễn cùng nhau tại thời điểm đó.
Sau đó, Jonas bật cho James nghe một số bài hát của The Beatles trong vũ trụ của anh ta. James có thể nhận ra ngay đó đúng là The Beatles nhưng điều kỳ lạ là những bài hát đó không hề tồn tại trong vũ trụ của chúng ta. James sau đó ngỏ ý muốn xin một cuộn băng cát-xét (ở Trái Đất song song này đĩa CD không tồn tại) về làm kỷ niệm vì nghĩ đó không phải là một vấn đề to tát.
Đáp lại lời đề nghị của James là cái nhìn nghiêm túc đến mức rùng rợn của Jonas. Anh ta nói rằng James không được mang bất cứ thứ gì từ vũ trụ song song này về vũ trụ của chúng ta để đảm bảo sự an toàn của bản thân.
Tuy nhiên, nhân lúc Jonas không để ý, James đã lén lấy trộm một cuộn băng cát-xét của The Beatles. Trong đó chứa một album có tên gọi là ‘Everyday Chemistry’ với 11 bài hát của The Beatles chưa từng được phát hành trong vũ trụ của chúng ta.
Cuộn băng cát-xét đến từ vũ trụ song song. (Ảnh: thebeatlesneverbrokeup)
James sau đó đã đăng tải album cùng câu chuyện khó tin của bản thân mình lên website: thebeatlesneverbrokeup.com. Kể từ đó, album này đã thu hút sự chú ý rất lớn của những fan hâm mộ The Beatles trên toàn thế giới.
Nếu muốn nghe toàn bộ album này, bạn có thể truy cập trang web thebeatlesneverbrokeup.com. Nó hoàn toàn miễn phí. Dưới đây là Four Guys – Bài hát mở đầu trong album
Beatles – Everyday Chemistry – Four Guys
Tất nhiên, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đây chỉ là một câu chuyện hư cấu và các bài hát trong album đó thực chất chỉ là những bản mashup (phối lại) những ca khúc trước đó của The Beatles. Mặc dù vậy, đa số đều phải thừa nhận rằng đây thực sự là một album tuyệt vời và được phối rất tinh vi.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tin vào câu chuyện (có vẻ viễn tưởng) này vì họ tin vào thuyết vũ trụ song song. Và nếu bạn cũng như vậy thì đừng nên xấu hổ hay nghĩ bản thân ngớ ngẩn bởi vì có nhiều nhà khoa học cũng tin vào điều này.
3. Tại sao nhiều nhà khoa học lại tin vào thuyết vũ trụ song song?
Vũ trụ song song có thật không? Đâu là những bằng chứng vũ trụ song song có tồn tại?
Trên thực tế, các nhà khoa học chưa tìm được bất cứ bằng chứng thuyết phục nào để chứng minh sự tồn tại của các vũ trụ song song. Tất cả đều mới chỉ dừng lại ở những giả thuyết, suy đoán và lập luận logic. Tuy nhiên, dưới đây là một số lý do mà thuyết đa vũ trụ (vũ trụ song song) được nhiều nhà khoa học tin tưởng.
3.1. Cơ học lượng tử và thuyết Đa thế giới
Cơ học lượng tử là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về các đặc tính và trạng thái của các hạt hạ nguyên tử. Theo đó, các hạt này không tồn tại ở một trạng thái xác định mà tồn tại đồng thời (cùng một lúc) ở nhiều trạng thái khác nhau – một “hàm sóng” bao hàm tất cả các khả năng. Tuy nhiên, khi chúng ta tiến hành quan sát thì chỉ quan sát được một trong những khả năng đó mà thôi.
Theo cách giải thích Copenhagen của cơ học lượng tử, chúng ta chỉ quan sát được một khả năng vì khi đó hàm sóng “sụp đổ” thành một thực tế duy nhất.
Tuy nhiên, theo lý thuyết Đa thế giới của Everett, các khả năng này không hề sụp đổ. Nó vẫn tồn tại đồng thời (ngay cả khi được quan sát), chỉ là trong những thế giới song song. Và người quan sát khi đó sẽ bị kéo vào cùng thế giới đó nên sẽ chỉ quan sát được một khả năng xảy ra mà thôi.
Để cho dễ hiểu, hãy cùng giải thích nghịch lý con mèo của Schrödinger – một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất trong cơ học lượng tử.
Thí nghiệm này được thiết kế như sau: Nhốt một con mèo còn sống ở trong một chiếc hộp kín. Trong hộp, có một mẩu vật chất phóng xạ mà sau khoảng một giờ, một nguyên tử của nó có khả năng sẽ bị phân rã (nhưng cũng có thể không). Nếu nó bị phân rã, máy đếm Geiger sẽ kích hoạt chiếc búa được treo trong hộp rơi xuống và đập vỡ chiếc bình thủy tinh có chứa chất độc giết chết con mèo.
Mô tả thí nghiệm con mèo của Schrödinger. (Ảnh: Wikimedia)
Lưu ý: Đây chỉ là một thí nghiệm tưởng tượng, trong thực tế không có con mèo nào bị lôi ra làm thí nghiệm như vậy cả.
Tóm lại, nếu nguyên tử của chất phóng xạ bị phân rã, con mèo sẽ chết, còn nếu không, con mèo vẫn sống.
Theo lý thuyết cơ học lượng tử, khi chiếc hộp chưa được mở, nguyên tử của chất phóng xạ sẽ tồn tại ở trạng thái chồng chập – vừa phân rã vừa không phân rã, dẫn đến việc con mèo cũng sẽ tồn tại ở trạng thái chồng chập giữa sống và chết (vừa sống vừa chết).
Khi chúng ta mở chiếc hộp để quan sát, theo cách giải thích Copenhagen, lúc này hàm sóng sụp đổ, và chúng ta sẽ chỉ quan sát được một trong 2 khả năng: Con mèo còn sống hoặc con mèo đã chết.
Tuy nhiên, theo lý thuyết Đa thế giới của Everett, khi chiếc hộp được mở, con mèo vẫn tồn tại đồng thời cả 2 khả năng: Còn sống và đã chết. Tuy nhiên, 2 khả năng này tồn tại trong 2 vũ trụ song song. Tại sao lại có thể như vậy?
Theo lý giải của Everett, ngay khi chúng ta mở chiếc hộp ra để quan sát, vũ trụ hiện tại sẽ bị phân tách ra làm 2 vũ trụ con, tương ứng với 2 khả năng của con mèo: Còn sống và đã chết. Chúng ta – là một phần của vũ trụ cũng sẽ bị phân tách theo. Một phiên bản sẽ đi vào vũ trụ nơi con mèo còn sống. Phiên bản còn lại sẽ đi vào vũ trụ nơi con mèo đã chết. Do đó, chúng ta sẽ chỉ quan sát được một trong 2 khả năng xảy ra mà thôi.
Trạng thái sống và chết của con mèo ở 2 vũ trụ song song. (Ảnh: Wikimedia)
Nói tóm lại, theo Everett, mỗi khi chúng ta quan sát hay đưa ra các quyết định, vũ trụ hiện tại sẽ phân nhánh thành các vũ trụ con – tương ứng với các khả năng sẽ xảy ra. Các vũ trụ con này tồn tại song song và riêng rẽ, không thể tương tác với nhau.
Ngày nay, ngày càng có nhiều nhà khoa học tin vào lý thuyết của Everett.
3.2. Big Bang và lý thuyết “Sự giãn nở vĩnh cửu”
Theo các nhà khoa học, vũ trụ của chúng ta được hình thành từ khoảng 13.8 tỷ năm trước sau một Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Vậy thì điều gì đã tạo ra Big Bang? Câu trả lời là Sự giãn nở của không gian (Inflation).
Vụ nổ Big Bang tạo ra vũ trụ. (Ảnh: newscientist.com)
Các nhà khoa học tin rằng, thuở sơ khai, khoảng không gian bao quanh vũ trụ của chúng ta chỉ là một điểm kỳ dị vô cùng nhỏ. Thế rồi, khoảng không này đột ngột phình to ra theo mọi hướng với tốc độ còn nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Chỉ trong vòng một phần rất nhỏ của giây (10-32 giây), khoảng không gian này đã đạt được kích thước gấp 1026 lần kích thước ban đầu của nó và phát nổ, tạo ra Big Bang. Và sau đó, các vật chất (nguyên tử, phân tử, ngôi sao, hành tinh, thiên hà…) được hình thành, tạo nên vũ trụ của chúng ta. Quá trình này gọi là Sự giãn nở.
Như vậy, khi Sự giãn nở kết thúc ở một nơi trong không gian sẽ tạo ra Big Bang và hình thành nên vũ trụ. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Sự giãn nở không kết thúc đồng thời ở mọi nơi trong không gian?
Thật vậy, theo Alexander Vilenkin – nhà vật lý lý thuyết của Đại học Tufts (Massachusetts), Sự giãn nở không kết thúc ở mọi nơi cùng một lúc. Lý thuyết này gọi là “Sự giãn nở vĩnh cửu” (Eternal Inflation). Trong khi Sự giãn nở đã kết thúc ở vùng không gian của chúng ta 13,8 tỷ năm trước thì tại một nơi nào đó trong không gian rất xa vũ trụ của chúng ta, Sự giãn nở vẫn tiếp tục. Và khi Sự giãn nở kết thúc, một Big Bang khác sẽ diễn ra và một vũ trụ mới sẽ được hình thành.
Không chỉ có một Big Bang? (Ảnh: slashgear.com)
Nói cách khác, Big Bang không phải là một sự kiện duy nhất. Đã có rất nhiều Big Bang xảy ra ở khắp mọi nơi trong không gian vô tận, có thể trước hoặc sau Big Bang ở vũ trụ của chúng ta. Chỉ có điều, nó nằm ngoài tầm quan sát của chúng ta. Kết quả là, đã có rất nhiều vũ trụ khác được hình thành mà chúng ta không biết, tạo nên Đa Vũ Trụ.
3.3. Không gian chứa vũ trụ của chúng ta là vô hạn
Nhiều nhà khoa học tin rằng khoảng không gian chứa đựng vũ trụ của chúng ta là vô hạn. Và nếu điều đó là đúng thì có khả năng rất lớn sẽ tồn tại không gian đa vũ trụ với vô số các vũ trụ song song ở trong đó.
Nguyên nhân là do số lượng vật chất trong vũ trụ là hữu hạn (mặc dù số lượng có thể rất lớn). Giống như 52 quân bài trong một bộ bài, nếu bạn xáo bài với số lần đủ nhiều thì đến một lúc nào đó, các quân bài cũng sẽ phải lặp lại trình tự cũ. Điều này cũng xảy ra tương tự với không gian vô tận, khi số lượng các vũ trụ song song là vô hạn thì rồi sẽ đến lúc, vật chất phải lặp lại trình tự sắp xếp để tạo ra các vũ trụ song song gần giống với vũ trụ của chúng ta.
Chúng giống đến mức mà chúng ta có thể xem đó như một bản sao của vũ trụ của chúng ta. Nghĩa là trong các vũ trụ đó, rất có thể sẽ tồn tại một Thái Dương hệ, một Mặt Trời và một Trái Đất giống hệt với của chúng ta hoặc chỉ có một vài khác biệt nhỏ. Và ở những Trái Đất song song đó, có vô số các bản sao của bạn, của tôi, và của cả nhân loại.
Liệu có Trái Đất song song? (Ảnh: pixabay.com)
Hãy tưởng tượng ở một Trái Đất song song nào đó, nơi bạn có một cái tên khác, nơi bạn trúng xổ số hàng tỷ đồng, nơi khủng long chưa hề tuyệt chủng… Thật thú vị, phải không nào?
4. Các mô hình đa vũ trụ
Nhiều nhà khoa học tin vào thuyết đa vũ trụ. Nhưng mỗi người lại có những cách giải thích khác nhau về khái niệm vũ trụ song song, từ đó dẫn đến các mô hình đa vũ trụ khác nhau.
Theo Max Tegmark – nhà vật lý, giáo sư vũ trụ học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ), có thể chia ra làm 4 mô hình đa vũ trụ.
4.1. Các vũ trụ vô hạn (Infinite Universes)
Trong mô hình đa vũ trụ này, các vũ trụ song song sẽ cùng tồn tại trong một không gian đa vũ trụ vô tận. Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn được hình dạng của khoảng không này. Rất có thể nó phẳng (chứ không phải có hình cầu như nhiều người vẫn nghĩ) và nó kéo dài vô tận.
Và như đã giải thích ở trên. Vì không gian là vô hạn, trong khi vật chất lại hữu hạn nên đến một lúc nào đó, các vật chất này sẽ phải lặp lại trình tự sắp xếp để tạo thành các vũ trụ song song (gần giống với vũ trụ mà chúng ta đang sống). Đây là mô hình đơn giản nhất của các vũ trụ song song.
Các vũ trụ song song trong không gian đa vũ trụ vô tận (Ảnh minh họa)
4.2. Các vũ trụ bong bóng (Bubble Universes)
Mô hình đa vũ trụ này dựa trên lý thuyết “Sự giãn nở vĩnh cửu” như chúng ta đã nói ở trên. Theo đó, toàn bộ vũ trụ rộng lớn mà chúng ta đang sống thực chất chỉ tồn tại trong một bong bóng khổng lồ. Bên cạnh nó, còn có vô số các vũ trụ khác cũng đang tồn tại trong vô số các bong bóng khác, được xếp đặt song song với bong bóng vũ trụ của chúng ta. Và ở các vũ trụ song song này, các định luật vật lý và các hằng số cơ bản có thể rất khác so với ở vũ trụ của chúng ta.
Các vũ trụ bong bóng. (Ảnh: socratic.org)
4.3. Các “vũ trụ con” (Daughter Universes)
Mô hình đa vũ trụ này dựa trên cơ học lượng tử và lý thuyết Đa thế giới của Everett. Theo đó, mỗi quyết định của con người sẽ khiến vũ trụ phân nhánh thành các vũ trụ con. Do đó, có thể tồn tại vô số các bản sao của chúng ta ở các vũ trụ song song. Các vũ trụ song song này tồn tại riêng rẽ, và không thể tương tác với nhau.
Vũ trụ phân tách thành 2 vũ trụ con. (Ảnh minh họa)
4.4. Các vũ trụ toán học (Mathematical Universes)
Các nhà khoa học đã tranh luận về việc liệu toán học có phải chỉ đơn giản là một công cụ hữu ích để mô tả vũ trụ hay bản thân toán học chính là vũ trụ? Và những quan sát của chúng ta về vũ trụ chỉ là những nhận thức không hoàn hảo về bản chất toán học thực sự của nó.
Vũ trụ toán học. (Ảnh minh họa)
Nếu trường hợp thứ hai là đúng thì có lẽ cấu trúc toán học cũng có thể tồn tại thành những vũ trụ riêng biệt.
Nhà vật lý học Max Tegmark của MIT, người đã đề xuất ra lý thuyết này cho biết: “Một cấu trúc toán học là thứ mà bạn có thể mô tả theo cách hoàn toàn độc lập với nhận thức của con người. Tôi thực sự tin rằng có những vũ trụ ở ngoài kia có thể tồn tại độc lập với tôi và sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi không có con người”.
Thuyết vũ trụ song song (hay thuyết đa vũ trụ) vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta chỉ đang lãng phí thời gian và công sức vào một giả thuyết không bao giờ có thể kiểm chứng được. Nhưng số khác lại tin rằng chỉ trong vòng một trăm năm nữa thôi, giả thuyết này sẽ được chứng minh và lúc đó sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc sống của con người.
https://soha.vn/vu-tru-song-song-la-gi-bi-an-album-den-tu-vu-tru-khac-cua-the-beatles-20220310144632483.htm