Vụ “thầy chùa ăn thịt chó”: Ông Phúc tự cạo đầu, tự mặc pháp phục rồi lấy tên Thích Tâm Phúc
Vụ “thầy chùa ăn thịt chó”: Ông Phúc tự cạo đầu, tự mặc pháp phục rồi lấy tên Thích Tâm Phúc
Nhiều ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước những đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông tên Nguyễn Minh Phúc mặc áo của tu sĩ Phật giáo, tự nhận là trụ trì của chùa Hoằng Pháp, vừa ăn các loại thịt (trong đó có thịt chó) vừa khen ngon.
Ông Nguyễn Minh Phúc tự cạo đầu, tự mặc pháp phục rồi lấy tên Thích Tâm Phúc. (Ảnh qua phatgiao.org.vn)
Trước những thông tin này, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi đã đưa ra thông báo về việc ông Nguyễn Minh Phúc giả mạo là tu sĩ và có những phát ngôn trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
‘Thầy chùa ăn thịt chó’ Nguyễn Minh Phúc từng đi học và quy y tại chùa Hoằng Pháp
Trên trang web Phatgiao.org.vn của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, sư Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến ‘thầy chùa ăn thịt chó’ Nguyễn Minh Phúc.
Cụ thể, sư Thích Chân Tính cho biết, Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ tại nhà số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) có đến chùa Hoằng Pháp, xin được ở lại chùa và xin chùa giúp đỡ việc ăn học vì hoàn cảnh gia đình của Phúc khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Phúc trong một cửa hàng bán lễ phục Phật giáo ở một quận trung tâm TP.HCM. (Ảnh qua doanhnghieptiepthi)
Chùa Hoằng Pháp sau đó đã nhận ‘chú Phúc’ vào chăm lo cho ăn học trong suốt 3, 4 năm. Trong thời gian ở chùa Hoằng Pháp, ‘chú Phúc’ có Quy Y Tam bảo, lấy pháp danh là Tịnh Phúc.
Những năm đầu chú Phúc vẫn bình thường, tuy nhiên, sau một thời gian, nhà chùa thấy chú nói năng không được bình thường, sau đó Phúc tự bỏ chùa về nhà.
Khi bỏ về nhà, một thời gian sau, Phúc tự cạo đầu, tự mặc pháp phục của người xuất gia và bắt đầu đi thăm các tự viện, trải dài từ Nam ra tới Bắc, khi đi đến chùa nào cũng tự xưng là Thích Tâm Phúc, chư tăng của chùa Hoằng Pháp và lấy địa chỉ của chùa Hoằng Pháp.
Phúc cứ đi như vậy dần dần ra tới miền Bắc, rồi qua Trung Quốc, qua Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ. Một thời gian sau Phúc trở về Việt Nam, vào chùa xin thầy làm chứng nhận tăng ni cho mình. Tuy nhiên trong khoảng thời gian ở chùa tập sự (ít nhất 6 tháng), xuất gia để xin được giấy chứng nhận trên, chỉ 3, 4 ngày Phúc đã từ bỏ vì không thể ép mình gò theo khuôn phép của nhà Phật.
Phúc trở về nhà dựng lên căn chùa đặt tên là Ngộ Chân Tử – chính là căn nhà mà người mẹ của Phúc đang ở. Sư Thích Chân Tính sau đó có liên lạc với Phúc nói không được lấy tên sư Ngộ Chân Tử để đặt cho chùa của mình vì sư Ngộ Chân Tử là tổ khai sáng chùa Hoằng Pháp.
Phúc sau đó đã đổi tên “chùa” của mình từ Ngộ Chân Tử thành Ngộ Chân Tự (chỉ khác một từ).
“Sau 3 – 4 năm chú Phúc trở về nhà, nhà chùa cũng không biết chú Phúc làm gì. Một thời gian sau, chú Phúc có nói là thăm một số chùa ở nhiều nơi, sau đó chú Phúc tự cạo đầu, tự mặc pháp phục của người xuất gia và tự đặt tên là Thích Tâm Phúc.
Đồng thời chú Phúc còn tự nhận là trụ trì chùa Hoằng Pháp, tự in danh thiếp cho mình. Khi biết được sự việc, chùa Hoằng Pháp đã lên tiếng thì người này bày tỏ sự sám hối, đồng thời hứa sẽ không tái phạm”, sư Thích Chân Tính cho biết.
Nguyễn Minh Phúc là tu sĩ giả danh
Liên quan đến sự việc này, ngày 3/3, sư Thích An Thường, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) huyện Củ Chi đã một lần nữa khẳng định rằng, đối tượng Nguyễn Minh Phúc trong các clip “Thầy chùa ăn thịt chó” đăng tải trên mạng là tu sĩ giả danh.
Những clip trên youtube quay về “thầy chùa ăn thịt chó” gây bức xúc cho cộng đồng. (Ảnh chụp màn hình)
Sư Thích An Thường cho biết, nếu anh Phúc thực sự là người xuất gia thì phải được sự đồng thuận của GHPGVN huyện Củ Chi hoặc ở quận, huyện nào đó chấp thuận, phải có giấy xuất gia, thọ giới…, nhưng anh Phúc không có giấy tờ chứng minh.
“Năm 2014, chúng tôi đã có văn bản gửi phòng Nội vụ, gửi UBND huyện, Công an… rằng GHPGVN huyện không quản lý anh Nguyễn Minh Phúc và giao cho chính quyền quản lý.”
Hiện Văn phòng II Trung ương GHPGVN cũng đã xác nhận các giấy tờ tu học của Nguyễn Minh Phúc đều là giả mạo, do người này tự làm.
Về địa chỉ nhà số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi là địa chỉ nhà ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là chùa Hoằng Pháp Trung Ương.
Nơi này trước đây từng có đăng ký thành lập 6 doanh nghiệp do Nguyễn Minh Phúc làm người đại diện pháp luật nhưng không hoạt động, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có quyết định thu hồi tất cả giấy phép thành lập doanh nghiệp tại địa chỉ này.
Trường hợp ông Nguyễn Minh Phúc được đề nghị xử lý nghiêm để trả lời cho công luận và cộng đồng Phật tử.
Vũ Tuấn
Theo Tinh Hoa