Vụ Hồ Duy Hải giống vụ Hàn Đức Long trước kia ở điểm nào? – BBC News Tiếng Việt
Vụ Hồ Duy Hải giống vụ Hàn Đức Long trước kia ở điểm nào?
- Luật sư Ngô Ngọc Trai
- Gửi tới BBC từ Hà Nội
7 tháng 6 2022
Nguồn hình ảnh, Nguyen Thi Loan
Chụp lại hình ảnh,
Hồ Duy Hải trong một phiên tòa
Mới đây bà Nguyễn Thị Loan mẹ tử tù Hồ Duy Hải đã tìm đến tôi nhờ giúp đỡ trong việc kêu oan.
Người phụ nữ đã ròng rã 14 năm theo đuổi kêu oan cho con, không còn gì có thể nghi ngờ về ý chí quyết tâm và tình thương của người mẹ dành cho con trong trường hợp này, cũng không gì có thể ngăn cản những nỗ lực kiên trì kêu oan.
Trong khi đó, hai năm trước Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao, cơ quan xét xử cao nhất nước, sau phiên họp giám đốc thẩm cũng đã ra một phán quyết rất công khai rõ ràng và cương quyết rằng bị cáo có tội.
Vậy giờ đây khi được nhờ đến thì luật sư có thể làm gì?
Sau 16 năm hành nghề luật sư, 12 năm viết báo, đã có được tư cách của một chuyên gia pháp lý, một nhà hoạt động về quyền con người phản đối án tử hình, nhưng sự việc này thật sự là rất khó khăn.
Tôi nói với bà Loan là hiện cũng chưa biết có thể làm gì, nhưng có một điều chắc chắn muốn nói với bà đó là quá trình kêu oan cho Hồ Duy Hải phải là một quá trình dựng xây. Dựng xây cho nền pháp quyền.
Nếu một ngày con bà được tự do trở về nhà thì đó cũng phải là ngày mà nền tư pháp có được những bước phát triển tiện bộ mới.
Đó là kinh nghiệm rút ra từ quá trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long trước kia, quá trình kêu oan ở thời điểm các văn bản pháp luật hình sự được đặt ra sửa đổi, gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam.
Sau thời gian bàn thảo thì các luật đã được thông qua vào năm 2015, đến năm 2016 tử tù Hàn Đức Long được trả tự do.
Suốt quá trình tham gia thảo luận về các chế định tư pháp qua những bài báo ủng hộ cho quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, nâng cao vai trò quyền hạn của luật sư bào chữa, cải thiện môi trường giam giữ .v.v.
Để từ đó chỉ ra nguyên nhân gây oan nằm ở sự thiếu vắng những chế định pháp lý tiến bộ và khuôn khổ nhận thức chung hãy còn nhiều trói buộc lạc hậu.
Không được quyền im lặng
Nguồn hình ảnh, Thang The Le
Chụp lại hình ảnh,
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua
Thời điểm bắt đầu tham gia bào chữa cho tử tù Hàn Đức Long khi ấy tôi mới có 5 năm làm việc. Đã từng tham gia bào chữa cho một số vụ án hình sự nhưng bản thân chưa phải là người có bề dày kinh nghiệm.
Trong khi vụ án khi ấy cũng đã xảy ra được 5 năm và bị cáo đã hai lần bị tuyên có tội với án tử. Tham gia bào chữa có những luật sư hình sự hàng đầu và nhiều luật sư nguyên là cán bộ tư pháp nên có rất nhiều kinh nghiệm.
Khi nghiên cứu hồ sơ thì thấy hàng loạt bản khai của bị cáo mô tả rõ ràng hành vi phạm tội, những tài liệu khác như thực nghiệm hiện trường cũng cho thấy sự ăn khớp bị cáo là thủ phạm.
Đó là bộ hồ sơ rất có sức thuyết phục cho việc kết tội theo quan niệm tư pháp truyền thống khi ấy, và thật ra bây giờ cũng vậy. Chẳng thế mà tòa án hai cấp trước đó đều đã tuyên có tội, các cơ quan tư pháp liên quan như điều tra, kiểm sát cũng đều thống nhất nhận thức như thế.
Và có thể hiểu là bộ hồ sơ chứng cứ như vậy cũng rất khó bác bỏ đối với các luật sư bào chữa, càng những người lâu năm thâm niên kinh nghiệm làm việc gắn bó với nền tư pháp sẽ càng thấy khó khăn để gỡ tội.
Nhưng khi ấy tôi may mắn là thời gian làm việc chưa đủ lâu để hình thành lên những thành kiến quan niệm nghề nghiệp, thời gian chưa đủ lâu để tạo lên những lối mòn nhận thức. Đầu óc khi đó nhận thức còn tươi mới sáng láng nên đã có được những hoài nghi và đặt ra những nghi ngờ hợp lý.
Quá trình suy nghĩ đã tự hỏi nếu bảo ông này là thủ phạm thì có bằng chứng không? Nghiên cứu hồ sơ thì thấy là không có.
Hành vi giết hiếp cháu bé nạn nhân xảy ra lúc chập tối một ngày mùa hè nhưng không có ai chứng kiến bị cáo phạm tội, bởi vậy vụ án không có nhân chứng.
Hành vi hiếp dâm cũng không để lại công cụ phương tiện phạm tội, thứ duy nhất cơ quan điều tra thu giữ được ở hiện trường là một số lông tóc mẫu máu và tinh trùng, nhưng đưa đi giám định lại không cho ra kết quả.
Như thế bản thân lúc đó với những kiến thức hiểu biết tuy còn hạn chế nhưng lại rất căn bản đã thấy được như vậy là không có chứng cứ.
Vậy thì các cơ quan kết tội dựa vào đâu, thì đó là những bản khai nhận tội, những bức thư thú tội gửi về cho vợ con và thư xin lỗi gửi về nhà bị hại, cùng với những biên bản thực nghiệm điều tra thì tất cả đều xuất phát từ một nguồn duy nhất là chính bị cáo.
Từ đó tôi mơ hồ nhận ra có gì đó không đúng, nhưng điều đó cũng không giúp được bao nhiêu trong việc tham gia bào chữa tại phiên tòa khi đó. Tòa vẫn tuyên là có tội.
Chỉ cho đến giai đoạn về sau, quá trình kêu oan nhiều năm tiếp theo, đó cũng là quá trình trau dồi thêm kiến thức và làm được nhiều việc hơn, đã viết hàng loạt bài báo phân tích các vấn đề pháp lý về chứng cứ, về bức cung nhục hình, về quyền im lặng và nhiều vấn đề khác.
Những ý kiến ban đầu đã giúp vụ án nhận được sự quan tâm chú ý, theo thời gian qua những bài báo chất lượng và tinh thần trách nhiệm xây dựng đã tạo được niềm tin, cho đến cuối cùng thì đã được minh oan.
Nay nhìn vào vụ án Hồ Duy Hải thì cũng thấy bản chất câu chuyện là bị cáo đã phải tự chứng minh mình có tội.
Toàn bộ cơ sở căn cứ kết tội dẫn dựa vào lời khai bị cáo. Trong hồ sơ được cho là có tới 25 biên bản lời khai nhận tội.
Từ những lời khai nhận tội đó cơ quan điều tra mới tìm mua lại những con dao cái thớt mà trước đó đã tiêu hủy hoặc tìm kiếm dấu vết đống tro tàn sau vườn nhà mà bị can khai đã đốt bộ quần áo mặc khi gây án.
Cơ sở kết tội cũng dựa vào sự ăn khớp giữa lời khai và những vật dụng có ở hiện trường gây án mà người ta cho rằng nếu không phải là thủ phạm thì không thể nào biết được, ví như có hai túi hoa quả đặt trên bàn tiếp khách hoặc vị trí con gấu bông ở ghế xa lông.
Hoặc cơ sở kết tội cũng dựa vào sự phù hợp giữa lời khai về hành vi thao tác tấn công với cơ chế hình thành vết thương trên người nạn nhân.
Nhưng sự thể sẽ khác nếu bị can được quyền im lặng, thì khi đó có thể hình dung là cơ sở kết tội trong vụ án này sẽ không còn gì.
Thực tế cơ sở kết tội đã không dựa vào một chứng cứ vật chất khách quan nào được thu thập một cách độc lập mà không qua dẫn nguồn từ lời khai của bị cáo.
Khung pháp lý rủi ro
Kể từ sau bản án sơ thẩm năm 2008 và phúc thẩm năm 2009, nói là Hồ Duy Hải kêu oan nhưng suốt mười mấy năm qua tử tội chưa khi nào được tiếp xúc với luật sư.
Luật thi hành án hình sự không ấn định rõ ràng cho phép phạm nhân được mời luật sư cho các vụ việc pháp lý của mình, bởi vậy quá trình kêu oan luật sư không được tiếp cận với tử tù.
Đây là một bất cập pháp lý bởi một người đã bị kết án không có nghĩa rằng họ không còn các vấn đề pháp lý cần tư vấn.
Trong khi các công dân tự do bên ngoài không bị hạn chế việc mời luật sư cho bất kỳ khi nào cần tư vấn, thì ngược lại các phạm nhân vốn là những người có nhiều vấn đề pháp lý hơn lại rất khó được tiếp cận được luật sư.
Bởi thế mà những vụ của tử tù Hồ Duy Hải hoặc Hàn Đức Long trước kia thì trong nhiều năm kêu oan luật sư đều không được gặp trao đổi với tử tù.
Khung pháp lý rủi ro không chỉ có vậy, luật sư giúp kêu oan cũng chưa khi nào được tiếp cận với bộ hồ sơ vụ án đầy đủ hiện đang được các cơ quan tư pháp lưu trữ.
Tất cả những tài liệu mà các luật sư có được đều chỉ là sự thu thập gom nhặt vất vả theo các nguồn khác nhau.
Những cơ chế thiếu vắng như vậy rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của việc kêu oan và ảnh hưởng tới chất lượng của nền công lý.
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội