Vòng luẩn quẩn với trẻ em bị bán làm “gái karaoke”, “gái ngành”
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra thông báo truy nã Nguyễn Thị Thanh Huyền (27 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh) về tội Mua bán người dưới 16 tuổi.
Huyền được xác định, vào cuối tháng 12/2020, đã bán 2 bé gái (thời điểm đó mới 14 và 12 tuổi) cho một đối tượng, để đưa 2 nạn nhân vào quán karaoke làm phục vụ.
Tương tự, tại Bắc Kạn, công an địa phương mới đây đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Vy Văn Sắc về tội Mua bán người dưới 16 tuổi. Theo cơ quan chức năng, Sắc nhận mua một bé gái về làm nhân viên quán karaoke của đối tượng, với gái 25 triệu đồng.
Trước đó, cuối tháng 9/2022, Công an tỉnh Tuyên Quang bắt tạm giam 3 bị can cũng về tội danh trên. Các đối tượng bị cáo buộc đã “giao dịch” 2 bé gái sinh năm 2008, bán cho một số quán karaoke tại Tuyên Quang.
Vấn nạn mua bán trẻ em gái làm dịch vụ nhạy cảm?
Chia sẻ với Dân trí, Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội) cho biết, tình trạng mua bán trẻ em, đặc biệt là các bé gái vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage thậm chí ổ mại dâm không hề mới, mà đã trở thành vấn nạn.
Khi còn công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, ông Vân đã nhiều lần thụ lý các vụ án trên và nhận định, phương thức hoạt động của nhóm tội phạm mua bán trẻ em hiện đã thay đổi.
Theo ông Vân, trong thời gian trước, loại tội phạm này thường hoạt động thành nhóm 2-3 đối tượng, tới những vùng cao hẻo lánh, nơi chỉ có người dân tộc thiểu số sinh sống, nhắm tới những bé gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đi học hoặc những thiếu nữ đua đòi, nghịch ngợm.
Thượng tá Trịnh Kim Vân (Ảnh: NVCC).
Nhưng ngày nay, tội phạm tận dụng sự phát triển của công nghệ, thông qua mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân. Thủ đoạn của chúng là giăng bẫy tình yêu, bẫy “việc nhẹ – lương cao”. Khi rơi vào lưới của đối tượng, nạn nhân sẽ bị lôi kéo về các thành phố, khu vực trung tâm và bị chăn dắt, bán vào các quán karaoke, massage, ổ mại dâm.
“Nạn nhân thường là các bé gái từ 12 đến 16 tuổi”, Thượng tá Vân nói.
Ông kể việc từng tiếp nhận điều tra một vụ án mà bé gái 14 tuổi bị dụ bỏ nhà ở Đà Nẵng, một mình đi “đi theo tiếng gọi tình yêu” ra tận Hà Nội mà không biết bản thân đang bị lừa.
Một đặc điểm khác của nhóm tội phạm này, theo ông Vân, là luôn thay đổi, tức các đối tượng chăn dắt, bán các bé gái vào quán karaoke, massage… sau một thời gian thì “luân chuyển” nạn nhân từ nơi này sang nơi khác và ngược lại.
Nguyên điều tra viên đưa ví dụ, các đối tượng “tuyển” những bé gái ở miền Tây, sau đó bán vào các cơ sở dịch vụ ở TPHCM. Sau một thời gian chúng lại “làm mới hàng” bằng cách chuyển các nạn nhân ra Hà Nội và đưa các bé gái ở Hà Nội vào TPHCM. Chính vì vậy, vừa qua, Công an TP Hà Nội mới phát lệnh truy nã đối tượng ở Tây Ninh mà mua bán trẻ em tại Quảng Nam.
Theo ông Vân, điều nguy hiểm của các vụ án này chính là các nạn nhân có thể bị chăn dắt, thành “biến chất”. Vị Thượng tá công an giải thích, các bé gái sau một thời gian bị chăn dắt lại “quen” với môi trường, với công việc thiếu lành mạnh mà “nhàn thân”, dễ thành những “gái ngành” chuyên nghiệp, sau đó còn quay lại tham gia đi chăn dắt, lừa những bé gái khác vào đường dây của mình.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Bình luận về vấn đề trên, luật sư, tiến sĩ Đặng Văn Cường – Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, chính sách và pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em đang ngày càng được hoàn thiện và đảm bảo thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên mặt trái của cơ chế thị trường, tính chất phức tạp của xã hội thời kỳ quá độ khiến cho công tác bảo vệ trẻ em gặp nhiều khó khăn.
“Trẻ em không chỉ là những đối tượng dễ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do ở độ tuổi bồng bột, suy nghĩ không chín chắn, dễ bị lôi kéo, kích động, mà trẻ em còn là dễ bị bạo hành, bị xâm hại và trở thành nạn nhân trong các vụ án hình sự”, ông Cường nói.
Đưa ra quan điểm về hướng hạn chế, ngăn chặn việc xâm hại trẻ em nói chung và những vụ mua bán trẻ em nói riêng, ông Cường nhận định, để thực hiện nhiệm vụ này cần có sự quan tâm, chung tay, giúp sức của cả cộng đồng chứ không phải trách nhiệm là riêng của ai.
Ông Đặng Văn Cường, ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em (Ảnh: Hải Nam).
Theo vị tiến sĩ, có nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em, như giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật; giải pháp về giáo dục, trang bị kiến thức pháp luật, giáo dục kỹ năng sống; giải pháp về xây dựng, củng cố lực lượng chuyên trách có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em; giải pháp về tăng cường cơ chế phối hợp giữa gia đình nhà trường và xã hội, giữa các cơ quan tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em…
Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, đầy đủ thì mới đạt hiệu quả, theo ông Cường.
Đặc biệt, vị chuyên gia còn nhấn mạnh vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
“Mức độ bảo vệ trẻ em ở mỗi quốc gia chính là một chỉ số đánh giá sự phát triển của xã hội, sự văn minh và tiến bộ của chế độ xã hội, thể hiện uy tín của cơ quan lãnh đạo, cầm quyền”, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói.
Dưới góc nhìn pháp lý, ông Cường phân tích, Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định về tội Mua bán người dưới 16 tuổi, tại Điều 151.
Cụ thể, người nào thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác; bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp sẽ đối mặt với khung hình phạt 7-12 năm tù.
Nếu, hành vi trên được xác định là có tổ chức, có tính chuyên nghiệp hoặc gây án với 6 nạn nhân trở lên thì người thực hiện phải đối diện với mức phạt 18-20 năm tù hoặc tù chung thân.