Vốn đầu tư là gì? Đặc điểm, ưu điểm của vốn đầu tư?

Khi tiến hành đầu tư kinh doanh của một dự án thì cần nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư đó, được gọi là vốn đầu tư. Bài viết xoay quanh vấn đề tìm hiểu về vốn đầu tư.

1. Vốn đầu tư là gì ?

Vốn đầu tư là số tiền vốn được huy động tập chung được sử dụng trong quá trình tái sản xuất và duy trì mục đích phát triển, đây được xác định là số tiền vốn được tích lũy của xã hội, của các tổ chức sản xuất kinh doanh trong nước hoặc do nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Hay hiểu một cách đơn giản thì vốn đầu tư chính là toàn bộ chi phí mà một nhà đầu tư sẽ bỏ ra để tiến hành thực hiện các hoạt động đầu tư đã được lên kế hoạch từ trước, được hình thành từ hai nguồn tài chính chủ yếu là nguồn vốn trong nước và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Ngoài ra tại Luật Đầu tư năm 2005 thì đưa ra định nghĩa về vốn đầu tư là tiền và các loại tài sản được pháp luật công nhận để thực hiện các hoạt động đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp.

Trước khi tiến hành thực hiện một dự án nhất định thì bắt buộc phải có nguồn vốn để thực hiện được dự án đó, vốn đầu tư dự án được xác định chính là tổng nguồn góp vốn, gồm các khoản như: Vốn điều lệ của công ty, vốn vay, nguồn vốn được huy động từ các cá nhân, tổ chức của công ty được chuẩn bị trước khi triển khai thực hiện dự án.

Trong cùng một khoảng thời gian, một công ty có thể thực hiện đồng thời một hoặc nhiều dự án đầu tư khác nhau, chỉ cần đảm bảo được quyền lực tài chính ổn định của công ty đó trong suốt quá trình thực hiện các dự án.

 

2. Đặc điểm của vốn đầu tư

Vốn đầu tư là một thuật ngữ thường được sử dụng phổ biến trong những nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài, nó sẽ có những đặc điểm như sau:

– Điểm quan trọng nhất của nguồn vốn đầu tư chính là đem lại khả năng tìm kiếm và thu về khoản lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp đầu tư bắt buộc phải góp đủ số vốn tối thiểu trong vốn pháp định hoặc vốn điều lệ của công ty nhận đầu tư để có thể thực hiện các quyền kiểm soát hoặc tham gia vào hoạt động kinh doanh của công ty nhận đầu tư.

– Đa số các nước nhận đầu tư đều đã và đang tạo ra hành lang pháp lý nhằm thu hút vốn đầu tư, từ đó đã tạo ra động lực để thúc đẩy nền kinh tế, xã hội pháp triển một cách ổn định và đồng đều vì mục đích lâu dài.

– Phần trăm góp vốn đầu tư của các doanh nghiệp sẽ tương ứng với tỷ lệ các quyền và nghĩa vụ mà các bên được hưởng, đồng thời là các rủi ro từ hoạt động đầu tư mà các bên sẽ phải gánh chịu.

– Khoản thu nhập mà các chủ đầu tư thu được từ hoạt động đầu tư phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, tuy nhiên nó mới chỉ mang tính chất thu nhập kinh doanh chứ chưa phải lợi ích.

– Toàn bộ hoạt động đầu tư được diễn ra trên nguyên tắc tự nguyện nên các chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi từ hoạt động kinh doanh.

 

3. Ưu điểm của vốn đầu tư

Vốn đầu tư có thể linh hoạt tùy từng trường hợp thực hiện dự án đầu tư cụ thể. Doanh nghiệp khi tiến hành từng dự án thì vốn đầu tư sẽ khác nhau, do đó không thể đồng nhất vốn đầu tư là vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Do đó để đảm bảo hoạt động đầu tư thực hiện dự án thì doanh nghiệp thực hiện có thể góp vào vốn đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của doanh nghiệp mình bên cạnh các nguồn vốn huy động đầu tư khác.

 

4. Sự khác nhau của vốn đầu tư và vốn điều lệ

Đối với những doanh nghiệp trong nước thì chúng ta chỉ quen với khái niệm vốn điều lệ.

Có một khái niệm quen thuộc đi liền với các doanh nghiệp FDI đó là vốn đầu tư. Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.Trong vốn đầu tư có cả phần vốn góp và vốn huy động hoặc vốn vay.

Có một câu hỏi đặt ra cho rất nhiều người đó là vốn góp thực hiện dự án có phải là vốn điều lệ của doanh nghiệp hay không?

Một số trường hợp thì 2 số vốn này bằng nhau. Cụ thể như sau:

+ Trường hợp những doanh nghiệp FDI, khi thành lập công ty ở Việt Nam với dự án đầu tiên, số vốn phải góp ít nhất bằng vốn Điều lệ trong thời hạn ghi trên giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy có thể hiểu thông thường thì vốn điều lệ của công ty cũng đồng thời là vốn góp để thực hiện dự án.

+ Trường hợp không bằng đó là Vốn điều lệ là phần vốn cam kết góp trong một thời hạn và được ghi vào Điều lệ của Công ty. Trong khi đó, vốn đầu tư được quy định đối với từng dự án đầu tư của doanh nghiệp, trong đó có phần vốn góp của các nhà đầu tư cho dự án.

Như vậy, khi một doanh nghiệp FDI lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, số vốn góp tối thiểu phải bằng vốn điều lệ, hay nói cách khác, thông thường số vốn góp thực hiện dự án sẽ bằng vốn điều lệ trong trường hợp này. Tuy nhiên số vốn góp này không bị giới hạn, nếu nhà đầu tư muốn triển khai nhiều dự án hơn trong tương lai. Vì vậy, không nên hiểu, trong mọi trường hợp, vốn điều lệ đều bằng vốn góp thực hiện dự án.

 

5. Nhà đầu tư thường đầu tư vào đâu để sinh lời ?

Vốn đầu tư thực chất chính là tất cả các nguồn lực mà nhà đầu tư bỏ ra để đầu tư sinh lời. Nguồn lực có thể là của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên, sức lao động và tất cả các tài sản vật chất khác. Trong nền kinh tế thị trường thì vốn đầu tư chính là toàn bộ giá trị ứng ra ban đầu phục vụ cho quá trình sản xuất/đầu tư tiếp theo của doanh nghiệp.

Như vậy, vốn là điều kiện đầu tiên và là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi một doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất hoặc thực hiện các dự án của mình, họ sẽ tiến hành huy động vốn từ các nhà đầu tư. Nhưng làm thế nào để nhà đầu tư tin tưởng bỏ tiền ra khi mà đầu tư giống như một “canh bạc”, sẽ có lúc được lúc mất?

Cần nhấn mạnh rằng đầu tư không phải là một canh bạc. Cờ bạc là bỏ tiền để đặt cược vào một kết quả mơ hồ rằng bạn có thể thắng tiền. Trong khi đó đầu tư là bỏ tiền ra nghiên cứu giá trị doanh nghiệp trước khi đi đến quyết định đầu tư sinh lời. Do đó, nhà đầu tư thường đầu tư vào đâu thì câu trả lời nằm ở tiềm năng của doanh nghiệp.

Một công ty có nền tảng giá trị tốt và cơ hội tăng trưởng rộng mở trong tương lai thường sẽ thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Điều này lý giải vì sao cổ phiếu của những công ty tốt thường đạt giá trị cao trên sàn giao dịch chứng khoán. Và lý giải vì sao nguồn vốn của Passion Investment lại đầu tư vào các công ty giá trị dài hạn. Có thể khi thị trường chung giảm điểm, cổ phiếu đó sẽ phải rớt giá nhưng ngay khi thị trường hồi phục, nó sẽ dần trở về giá trị thực của mình.

Để đầu tư tài chính hiệu quả, nhà đầu tư mới không chỉ cần hiểu rõ về vốn đầu tư là gì mà còn cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và trau dỗi kỹ năng đầu tư. Thông thường, đầu tư vào giá trị doanh nghiệp sẽ giúp hạn chế rủi ro hơn là đầu tư “bầy đàn”, đầu tư theo cảm tính. Còn tất nhiên lựa chọn cuối cùng vẫn nằm ở quyết định của chính nhà đầu tư.

 

6. Thực trạng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam hiện nay

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn này, ngay từ năm 1987, Chính phủ đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó, việc thu hút nguồn vốn này đã đạt những thành tựu quan trọng.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2012, cả nước có 14.198 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là hơn 208,1 tỷ USD. Quá trình thu hút FDI có thể chia ra các giai đoạn sau:

– Giai đoạn 1988-1990, Luật Đầu tư nước ngoài vừa mới ra đời. Vì vậy, việc thu hút vốn FDI lúc này chưa tác động rõ rệt đến kinh tế – xã hội Việt Nam.

– Giai đoạn hai từ 1991-1997 là những năm diễn ra làn sóng FDI thứ nhất. Giai đoạn này đã thu hút được 2.130 dự án với vốn đăng ký là hơn 33,4 tỷ USD, vốn thực hiện 12,34 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,115 tỷ USD, gấp gần 9,5 lần năm 1991.

– Giai đoạn 1998-2004, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, nên trong số 3.968 dự án mới trong giai đoạn này, phần lớn có quy mô nhỏ. Nếu năm 1998 có hơn 5 tỷ USD vốn đăng ký, thì sang năm 1999 đã giảm còn một nửa với 2,565 tỷ USD và hồi phục dần đến năm 2004 là 4,547 tỷ USD.

– Giai đoạn 2005-2009, bắt đầu một làn sóng FDI thứ hai vào Việt Nam. Đỉnh điểm là năm 2008 khi vốn đăng ký đạt hơn 71 tỷ USD.

– Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, tình hình thu hút có chiều hướng giảm xuống. Cụ thể, năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt mục tiêu thu hút khoảng 20-21 tỷ USD vốn FDI, nhưng kết quả là chỉ đạt 14,7 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù đã giảm mục tiêu thu hút xuống còn 15-17 tỷ USD, nhưng tính đến hết tháng 11, Việt Nam mới thu hút được 12,181 tỷ USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, việc đạt mục tiêu này đang trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với Việt Nam.

Có thể thấy, giai đoạn 2010 – 2020 Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút vốn FDI vào phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù có được kết quả đầu tư FDI ấn tượng, nhưng Việt Nam vẫn chưa phải là quốc gia hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất khu vực ASEAN. Thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Thái Lan, Malaysia, Indonesia… để đầu tư vì có môi trường đầu tư cạnh tranh nhất ASEAN và có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh thu hút vốn FDI có giá trị gia tăng cao hơn. Điều này nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Để thực hiện được điều đó, Chính phủ cần chú trọng tới các chính sách sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư nước ngoài đảm bảo môi trường và điều kiện thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, nhưng vẫn phải phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ cho các dự án đầu tư nước ngoài. Phải thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư để vừa khuyến khích các nhà đầu tư vừa đảm bảo phù hợp với các quy định chung của Nhà nước. Các thủ tục hành chính cần công khai hoá, minh bạch hoá và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo thông tin đến với các nhà đầu tư nước ngoài một cách thuận lợi nhất.

Thứ ba, cần chú trọng và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)