“Với phim lịch sử chiến tranh, xét ở góc độ nào cũng cần tiền”

Hiền Hương (thực hiện)

  –  

Thứ bảy, 30/04/2022 07:56 (GMT+7)

Luôn có những nghịch lý trong dòng tiền “chảy” ở các phim lịch sử, chiến tranh khi số tiền đầu tư lớn, nhưng đa số đều không bán được vé. Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng về những tồn tại ở dòng phim này.

"Với phim lịch sử chiến tranh, xét ở góc độ nào cũng cần tiền”
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chỉ đạo một cảnh quay trong dự án phim lịch sử mới. Ảnh: ĐPCC

“Ai cũng biết là tại ai, tại sao”

Anh vừa bắt tay vào một dự án phim lịch sử về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, anh đã chuẩn bị tư liệu lịch sử như thế nào cho bộ phim này? 

– Tư liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thì khá nhiều, ở dạng lý lịch tiểu sử. Nếu dùng để viết một bài báo thì dễ, làm một bộ phim thì khó, làm phim truyền hình dài tập như “Bình minh phía trước” thì cực khó.

Tôi phải tham khảo nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực trong đó có Chính trị Xã hội, Văn học, Nghệ thuật… trước khi xây dựng kịch bản. Sau khi hoàn thành kịch bản, nhà sản xuất cũng mời thêm các chuyên gia khác nhận xét, để tôi điều chỉnh cho kịch bản hoàn thiện hơn.

Tôi bám vào các dấu mốc lịch sử của xã hội và các cá nhân rồi sáng tạo, hư cấu ở tiến trình, sao cho tác phẩm đảm bảo tính hấp dẫn của một bộ phim truyện mà vẫn mang đậm dấu ấn lịch sử ở trong mỗi tập phim, mỗi trường đoạn, mỗi cảnh quay…

Việc phục dựng lại bối cảnh lịch sử, thiết kế phục trang… luôn là câu chuyện gây tranh cãi muôn thuở trong các phim lịch sử. Với anh thì sao?

– Tôi là nhà làm phim chứ không phải lý luận phê bình nên không rơi vào những tranh cãi đó. Trong nghề, khi làm phim lịch sử, tôi không cố mô phỏng những sự kiện lịch sử mà để nó thấm vào đời sống nhân vật từ chi tiết, thiết kế phục trang, đạo cụ… cho đến hành vi nhân vật ở mỗi cảnh quay cho đến tổng thể bộ phim.  

Tôi có nhiều năm nghiên cứu Văn hoá hành vi, Triết học, Tôn giáo, Trào lưu xã hội, Xu hướng chính trị… của nhiều giai đoạn lịch sử. Đó là nền tảng của nghề đạo diễn, vì thế đưa bất cứ thứ gì vào phim tôi cũng đều tính toán rất kĩ, dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhất.

Tôi cũng chỉ đưa vào phim những gì tôi biết, nếu không biết hoặc không chắc chắn thì tôi sẽ không đưa vào dù là chi tiết vật thể hay phi vật thể. Giống như “Thầu Chín ở Xiêm”, một phim về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã làm trước đây cùng thủ pháp, “Bình minh phía trước” vẫn khước từ hiện thực.

Với tôi, mọi hiện thực trong phim luôn phải ở dưới một giác độ với rất nhiều thủ pháp nghề nghiệp của ngôn ngữ điện ảnh bao gồm cả hình ảnh, âm thanh và dựng phim.

Nhiều người từng kỳ vọng, các nhà làm phim có thể sẽ mang đến những phim lịch sử hoành tráng, sinh động, có thể khơi gợi niềm tự hào dân tộc từ thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà làm phim vẫn “than thở” thiếu kịch bản, thiếu tư liệu lịch sử, thiếu tiền đầu tư… Góc nhìn của anh về câu chuyện này?

– Vấn đề giáo dục và môn học lịch sử chắc chắn còn nhiều quan điểm bi hài. Tôi không phải nhà quản lý hay phân tích xã hội nên không muốn có ý kiến về điều này. Tôi chỉ biết làm phim thôi, và mỗi bộ phim, dù là đề tài nào cũng đều được ê kíp của tôi chăm chút kỹ lưỡng để có một tác phẩm nghiêm túc và hấp dẫn.

Tôi cũng chắc chắn là những bộ phim lịch sử tôi làm có thể minh hoạ tốt cho những bài học lịch sử cùng chủ đề.

Phim lịch sử từ xưa tới nay thường là phim tuyên truyền, được đặt hàng, sản xuất vào các dịp lễ. Xong kỷ niệm chào mừng, nhiều phim cũng đắp chiếu. Làm phim hàng triệu USD, chiếu một thời gian ngắn rồi mang cất kho từng bị cho là sự lãng phí. Nhất là khi chất lượng phim không tương xứng với kỳ vọng và đầu tư. Với anh, đây là lãng phí, hay là việc phải làm?

– Tôi nghĩ là do cách quản lý và phát hành. Nếu bộ phim quản lý tốt từ khâu sản xuất thì chất lượng phim cũng tốt và phát hành được. Mấy phim của tôi làm trước đây cũng phát hành tốt. “Những người viết huyền thoại” là một phim chiến tranh nhưng được BHD phát hành và Netflix mua chiếu online thì đâu có tệ.

Tất nhiên, Netflix không mua tất cả. Rất nhiều phim tuyên truyền, được đầu tư tiền khủng, thậm chí có phim phá giá, lập kỷ lục tiền đầu tư… nhưng khi ra rạp vẫn bị chê khô cứng, khuôn sáo, chỉ phụ họa cho các câu chuyện trong sách giáo khoa. Đây là sự bế tắc của các nhà làm phim, của góc nhìn về lịch sử, hay là sự bế tắc của tài năng, theo anh?

– Tôi nghĩ bạn biết câu trả lời. Tư nhân sản xuất cũng nhiều phim bom tấn mà thành bom xịt. Tôi nghĩ nếu buộc trách nhiệm này cho ai cũng khó nhưng với các nhà chuyên môn hay quản lý thì bộ phim thất bại do đâu cũng dễ đánh giá. Ai cũng biết là tại ai, tại sao nhưng vẫn luôn hỏi đi hỏi lại câu hỏi muôn thủa.

Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại“. Ảnh: ĐPCCCảnh trong phim “Những người viết huyền thoại“. Ảnh: ĐPCC

“Sự thật và tình yêu là khởi đầu tốt cho phim lịch sử, chiến tranh”

Phim lịch sử ở Việt Nam đa phần kén khán giả. Anh có nghĩ đó là do góc nhìn và cách kể cứng nhắc?

– Xem phim lịch sử sắp tới của chúng tôi đi, bạn sẽ suy nghĩ khác. Phim lịch sử không chỉ kể về những sự kiện lịch sử mà phải cho con người ta hình dung về một thời đại với những sinh hoạt xã hội đậm chất văn hoá với nhiều dấu ấn xã hội, con người, giai tầng, sinh hoạt được nhìn nhận ở một giác độ mĩ học thú vị nào đó.

Tôi luôn muốn mỗi bộ phim của mình có một chìa khóa khác nhau mở ra không gian câu chuyện với những thế giới nhân vật khác nhau.

Để “cởi thoát” cho phim lịch sử, phim chiến tranh…, theo anh nên bắt đầu từ đâu?

– Sự thật. Sử thì phải thật. Rồi sẽ có nhiều nguồn để tra cứu và sự thật thì luôn vẫn là sự thật. Tuy nhiên, sự thật nào cũng có một góc nhìn thuận nhãn từ góc độ mang tính xây dựng.

Tôi luôn tôn trọng sự thật nhưng tôi luôn có một góc nhìn, từ trái tim và lòng yêu nước, yêu dân tộc của riêng tôi. Nghe có vẻ khuôn sáo nhưng cho đến tuổi này, tôi nghĩ, sự thật và tình yêu nhân loại luôn là những khởi đầu tốt cho bất kì bộ phim lịch sử, chiến tranh hay hậu chiến nào, mặc kệ góc nhìn của bạn từ đâu.

Thế giới đã có những phim lịch sử ăn khách nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, thể loại phim lịch sử ở Việt Nam hiện vẫn chưa có quá nhiều dấu ấn. Nhiều ý kiến cho rằng: khó thu hồi vốn. Trên thực tế, phim tệ sẽ khó thu tiền. Phim đủ tốt với một chiến lược truyền thông đủ hay, phim thể loại nào cũng sẽ bán được vé. Anh có nghĩ như vậy?

– Tôi đã từng ngây thơ nghĩ vậy, may mà không phải nhà đầu tư chứ không phá sản lâu rồi. Với số lượng rạp, cơ chế nhập khẩu và phát hành phim như hiện nay, sản xuất phim rạp là mạo hiểm.

Vậy, anh lý giải thế nào về 400 tỉ của “Bố Già”, 200 tỉ của “Hai Phượng”… ?

– Đó là sự phối hợp tốt giữa chất lượng thương mại của phim, cách PR và quan trọng nhất là thời điểm phát hành. Gu khán giả Việt rất khó lường. Một phim như vậy vào thời điểm đó thì ăn khách chứ vào thời điểm khác có khi lại rất khó khăn. Hàng chục phim ra rạp nhưng chỉ 1-2 phim thu hồi vốn.

Tuy nhiên, ai cũng muốn ước mơ thành hiện thực, phim ảnh luôn là vùng ánh sáng chói loà hút người làm phim. Điện ảnh nghiệt ngã là vậy đó.

Tiền có thể quyết định độ hoành tráng của phim, phục trang lộng lẫy, bối cảnh chân thực, nhưng cảm xúc, tầm vóc lịch sử của phim phải do tài năng của đạo diễn, biên kịch và diễn viên mang lại. Thứ chúng ta đang thiếu là vế 1 hay vế 2, theo anh?

– Vế thứ nhất hay vế thứ hai thì cũng cần tiền, thậm chí vế thứ hai cần nhiều tiền hơn. Tại sao tiền trả cho con người lại ít hơn trả cho bối cảnh, phục trang được?

Cái chúng ta thiếu là một chính sách cho ngành điện ảnh, chính sách đó là con đường để nó tự phát triển chứ không chỉ là một khoản tiền để chi mỗi năm làm vài bộ phim.