Vitae là gì? Mạng xã hội Vitae có phải lừa đảo, đa cấp không?

Thời gian gần đây mạng xã hội Vitae là cái tên nổi lên được truyền thông nhắc đến với những cơ hội kiếm tiền nhanh chóng và đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một hình thức lừa đảo, đa cấp mới hay không.

Để giải đáp thắc mắc này, hãy cùng lamchutaichinh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vitae là gì?

Mạng xã hội Vitae chính thức ra mắt vào ngày 26/12/2018 tại Thụy Sĩ bởi Michael Weber cùng những người cộng sự.

Vitae là gì?

Về cơ bản, Vitae cũng giống như những trang mạng xã hội khác. Tại đây bạn có thể thực hiện những thao tác quen thuộc như đăng bài, chia sẻ, bình luận, thích bài viết, tag bạn bè, xem quảng cáo,… Điểm khác biệt lớn nhất là chế độ phân quyền và theo như lời giới thiệu từ người sáng lập thì bạn sẽ nhận được tiền khi sử dụng trang này.

Xem thêm: Làm giàu không khó với 7 bí quyết đắt giá

Lý do có thể kiếm được tiền khi tham gia vào Vitae

Những trang mạng xã hội ngày nay như Facebook, Twitter, Instagram, Tiktok… đang dần trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Đây không chỉ là nơi để giải trí, giao lưu, gặp gỡ mà còn là nơi để học tập, làm việc và cập nhật tin tức.

Người dùng luôn bị hấp dẫn bởi các trang mạng xã hội có những tính năng nổi trội, độc đáo. Bởi vậy, với cơ chế phân quyền mà Vitae sở hữu thì người dùng càng bị lôi cuốn hơn khi có thể kiếm thêm thu nhập chỉ bằng cách tham gia mạng xã hội.

Đây chính là lợi thế cạnh tranh của Vitae so với các trang mạng xã hội khác trên thị trường. Nếu bạn đầu tư chất xám để tạo ra những nội dung thu hút có tính sáng tạo cao thì bạn sẽ nhận được tiền thưởng từ hệ thống nếu có người khác chia sẻ nội dung của bạn.

Cách kiếm tiền từ mạng xã hội Vitae

Theo như giới thiệu, người dùng sẽ được trả tới 90% số tiền thu được từ hoạt động của Vitae. Chính vì vậy, mọi thao tác như post bài, comment, like hay share mà bạn thực hiện đều có thể kiếm ra tiền. Đặc biệt, trang mạng này khuyến khích người dùng mời gọi những người dùng mới sử dụng.

Vitae chi trả lương cho người dùng theo 4 loại cơ chế ma trận thu nhập gồm: ma trận mục đích 3×8 ma trận vườn 5×5, ma trận định mệnh 2×10 và cuối cùng là ma trận đảo ngược.

  • Ma trận 5×5: Mỗi thành viên khi tham gia vào Vitae sẽ được xếp ngẫu nhiên trên phạm vi toàn cầu vào ma trận 5×5. Khi ma trận này có đủ người, bạn sẽ có thể thu về số tiền 346 USD.
  • Ma trận 3×8: Khi ma trận 5×5 đầy, hệ thống sẽ tự động trừ 200 USD và chuyển bạn sang loại ma trận mục đích 3×8. Bạn cũng có thể lựa chọn chuyển từ ma trận 5×5 lên ma trận 3×8 ngay lập tức bằng cách nâng cấp gói 200 USD và lúc này bạn sẽ thu được số tiền tối đa là 28.000 USD/ tháng.
  • Ma trận 2×10: Những thành viên mới vào từ cuối tháng sẽ được hệ thống xếp vào ma trận 2×10.
  • Ma trận đảo ngược: Người tham gia sau cùng sẽ được đảo lên vị trí đầu tiên và ngược lại. Khi ma trận này đầy, người tham gia sẽ nhận 9.300 USD.

Bản chất thật sự của Mạng xã hội Vitae: có phải lừa đảo, đa cấp không?

Bởi cách thức kiếm tiền nhanh chóng chỉ cần chơi thì sẽ có tiền này, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một dự án lừa đảo tiềm ẩn nhiều rủi ro hay không. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ta cần phân tích một số khía cạnh dưới đây:

Bản chất thật sự của Mạng xã hội Vitae

Mô hình kinh doanh

Như đã kể đến ở trên, Vitae có cơ chế hoạt động tương tự như những mạng xã hội có tên tuổi như Facebook, Instagram, LinkedIn,… Thế nhưng, trang mạng này được mô tả là có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các mạng xã hội khác trên thị trường.

Cụ thể, định vị của Vitae là mạng xã hội phân quyền chia sẻ 90% doanh thu của mình cho các thành viên tham gia. Ngoài ra, mạng xã hội này còn phát hành đồng tiền điện tử riêng mang tên Vitae Token được giao dịch chủ yếu tại HitBTC – một sàn giao dịch không mấy uy tín đối với cộng đồng người dùng crypto tại Việt Nam.

Ngoài ra, mô hình kinh doanh của nó còn nhiều điểm đáng ngờ với kế hoạch phát triển có phần thiếu thực tế.

Bởi vậy những gì mà Vitae có thể đạt được với viễn cảnh họ vẽ ra hoàn toàn xa vời. Hơn nữa, việc hứa hẹn sẽ chi trả tới 90% doanh thu cho người dùng là điều cực kỳ phi lý. Tỷ lệ doanh thu khổng lồ như vậy thường chỉ thấy ở các dự án lừa đảo như Crowd 1 với 80% và My Aladdinzs đang bị tố lừa đảo mà mức hoàn tiền khi mua sắm cũng chỉ dừng lại ở 80%,…

Nguồn tiền của mạng xã hội Vitae

Tiếp nối vấn đề ở trên, thử hỏi nguồn tiền của họ đến từ đâu khi hứa hẹn 90% doanh thu sẽ được chia sẻ cho người sử dụng?

Theo số liệu thống kê của Similarweb – trang web chuyên thống kê những chỉ số của hơn 80 triệu website trên thế giới, mỗi tháng trang Vitae chỉ có chưa đầy 200.000 người truy cập. Trong đó có tới 70% lượng truy cập đến từ Việt Nam.

Nếu tính theo giá hiện nay của lượt xem Youtube tại Việt Nam thì Vitae sẽ nhận được 50 đồng/ lượt truy cập.

Ta thực hiện phép tính: 200.000 x 50 đồng = 10.000.000 đồng

Như vậy, có thể thấy với 200.000 lượt truy cập, mỗi tháng trang này chỉ thu về được khoảng 10 triệu đồng tiền quảng cáo. Đây thậm chí cũng chỉ là một con số tương đối bởi không phải lúc nào trang Vitae cũng có khách hàng quảng cáo và nó cũng không có bất cứ hành động kêu gọi vốn nào từ những nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức.

Nếu đem 10 triệu đồng đó chia cho 200 nghìn người dùng thì lợi nhuận mà những người tham gia nhận được cũng là một con số không đáng kể. Do vậy, việc chi trả lợi nhuận hấp dẫn là một điều bịa đặt. Qua đó, ta có thể nhận ra Vitae có dấu hiệu đi theo mô hình Ponzi – một phương thức lừa đảo đa cấp bằng cách lấy tiền của người sau để trả tiền cho người trước.

Hệ thống đa cấp

Có thể thấy với cơ chế kiếm tiền như trên thì ma trận thu nhập của Vitae được xây dựng dựa trên mô hình đa cấp. Người tuyến trên sẽ nhận được hoa hồng từ việc lợi dụng người tuyến dưới xây dựng hệ thống các cây ma trận và cứ như vậy, hoa hồng sẽ được chuyển hết về người ở tuyến trên cùng – leader của hệ thông.

Đây quả thực là một đặc điểm nhận dạng quen thuộc của các mô hình đa cấp lừa đảo mà TV, báo đài đã luôn cảnh cáo.

Tính pháp lý

Vitae là trang mạng xã hội hoạt động theo mô hình đa cấp. Tuy không thể quy chụp mô hình đa cấp nào cũng là lừa đảo nhưng hầu hết các dự án đa cấp khi về Việt Nam đều bị biến chất trở thành những dự án lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Về mặt pháp lý, Vitae cũng tồn tại nhiều điểm đáng ngờ khác. Minh chứng là dù hoạt động thu hút vốn của nó rất mạnh mẽ thông qua việc mua những vị trí trong các cây ma trận theo hình thức đa cấp, nhưng Vitae hầu như không chịu bất kỳ sự quản lý của cơ quan chức năng nào mà chủ yếu chỉ diễn ra trong cộng đồng thông qua một số cá nhân tự xưng là “leader” của hệ thống.

Đội ngũ sáng lập

Trong phần giới thiệu về Vitae, lamchutaichinh.vn đã giới thiệu cha đẻ của trang mạng xã hội này là Michael Weber. Không kể đến 5 người cộng sự còn lại, nếu chỉ tìm kiếm thông tin về CEO Weber thôi bạn cũng sẽ thấy kẻ này thật sự không thể tin tưởng được.

Trước Vitae, Weber từng sáng lập ra nhiều dự án lừa đảo kiểu mô hình Ponzi và thu nhập ma trận khác nhau. Năm 2014, Weber từng thành lập X100K, hứa hẹn trả thưởng cho người tham gia theo 4 loại ma trận với mức thưởng từ 0,25 – 25 USD. Ở thời điểm hiện tại trang X100K bị lật tẩy là dự án lừa đảo và không còn truy cập được nữa.

Không lâu sau, năm 2016, Weber tiếp tục tham gia dự án PIF2 Cash, dự án được mô tả là sẽ mang lại cơ hội kiếm 3.000 USD cho người dùng khi họ bỏ ra số vốn chỉ 27 USD. Một lần nữa, PIF2 Cash bị người dùng tố là mô hình đa cấp lừa đảo dạng kim tự tháp Ponzi.

Năm 2017, Weber tiếp tục thành lập Coin Nuggets và dự án cũng hoạt động theo mô hình Ponzi. Sau Coin Nuggets, người này tham gia BitConnect cùng Trevon James, dự án mà sau này đã trở thành phi vụ lừa đảo thế kỷ ở lĩnh vực tiền mã hóa. Theo số liệu điều tra, Việt Nam là quốc gia có lượng tiền đổ vào BitConnect cao thứ 2 trên thế giới với khoảng 18 triệu USD mỗi tuần.

Rõ ràng, nhà sáng lập Vitae – Michael Weber là một chuyên gia lừa đảo có tiếng với thủ đoạn quen thuộc là vẽ ra những dự án với tiền thưởng hậu hĩnh cho người tham gia. Như vậy, thử hỏi đứa con tinh thần của hắn có đáng để tin tưởng không? Hay đây cũng lại là một chiêu trò lừa đảo tinh vi mới?

Vai trò của người giới thiệu

Nhiệm vụ của những người giới thiệu là thu hút càng nhiều người tham gia vào mạng xã hội Vitae càng tốt. Tuy không phải những người có kiến thức về tài chính, đầu tư hay công nghệ nhưng họ lại tự tin đưa ra những con số hấp dẫn, những lời hứa hẹn trả thưởng, lương bổng đánh vào lòng tham của mọi người để mời gọi tham gia.

Không ít người trong số này đã từng giới thiệu, mời gọi cho các dự án lừa đảo khét tiếng khác như Crowd 1, My Aladdinz…

Nguồn thông tin tham khảo về Mạng xã hội Vitae

Nguồn thông tin tham khảo về Mạng xã hội Vitae

Để có thêm thông tin về tính thực hư cũng như nghi vấn lừa đảo của trang mạng này, bạn có thể tham khảo những nguồn sau:

  • VTV từng cảnh cáo người dân về ứng dụng này: https://vtv.vn/video/canh-giac-tham-gia-mang-xa-hoi-tu-xung-vitae-cho-thu-nhap-khung-459226.htm
  • Thông tin từ Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Tuyên Quang: https://tuyenquangtv.vn/kinh-te/202009/su-that-ve-mang-xa-hoi-tu-xung-vitae-7f92554/
  • Thông tin từ baodautu.vn: https://baodautu.vn/mang-xa-hoi-da-cap-vitae-mua-goi-like-thu-nhap-khung-va-cai-bay-duoc-giang-san-d129894.html

Kết luận

Trên đây, lamchutaichinh.vn đã cung cấp thông tin về mạng xã hội Vitae, cũng như những khía cạnh khác nhau về trang mạng này. Từ tất cả những phân tích trên có thể khẳng định mạng xã hội Vitae là một dự án đa cấp lừa đảo được xây dựng dựa trên mô hình kim tự tháp Ponzi. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn bao quát hơn để phòng tránh những chiêu trò lừa đảo.

Bài viết được biên tập bởi: Lamchutaichinh.vn

5/5 – (1 bình chọn)