Vissan: Đối mặt với thách thức vì chậm thay đổi

Vissan: Đối mặt với thách thức vì chậm thay đổi

Là doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu Việt Nam, nhưng CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan, mã VSN) đang đối mặt thách thức khi nhiều công ty đẩy mạnh đầu tư nhằm gia tăng thị phần, còn mô hình kinh doanh của Vissan lại ít thay đổi.

Mô hình kinh doanh của Vissan được đánh giá là ít thay đổi 	ảnh: lê toàn

Mô hình kinh doanh của Vissan được đánh giá là ít thay đổi ảnh: lê toàn

Vang bóng

Vissan tiền thân là công ty 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn –  TNHH MTV (Satra). Tháng 3/2016, Công ty được cổ phần hóa với toàn bộ số cổ phần chào bán được tranh mua với khối lượng đặt mua gấp 6,5 lần khối lượng chào bán và giá đấu giá thành công đạt 80.053 đồng/cổ phần, gấp gần 7 lần giá khởi điểm.

Báo cáo của Vissan cho biết, đối với mặt hàng thịt heo tươi sống, nếu như năm 2017, mức tăng trưởng đạt 12,6% so với 2016, thì sang năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt 2,33%, năm 2019 chỉ còn 1,23%.

Năm 2020, kế hoạch điều chỉnh được Công ty đưa ra lấy ý kiến cổ đông bất thường cuối tháng 11/2020 thì sản lượng tiêu thụ thịt heo cả năm chỉ ở mức 18.250 tấn, giảm đến 25% so với năm 2019 và thấp hơn 14,4% so với kế hoạch đề ra.

Sức hấp dẫn của Vissan là không thể phủ nhận đến từ vị thế là một trong những doanh nghiệp thực phẩm tươi sống và chế biến từ thịt heo hàng đầu Việt Nam, sở hữu 2 trang trại, 3 nhà máy với 5 dây chuyền giết mổ gia súc, chế biến 28.000 tấn thực phẩm mỗi năm và hệ thống kho lạnh với sức chứa trên 2.000 tấn.

Sau nhiều năm gây dựng thương hiệu, Vissan đã sở hữu hệ thống phân phối mạnh tại hầu hết các siêu thị lớn (Co-oop mart , Big C, Metro…) và các cửa hàng tiện lợi, đặc biệt lợi thế từ hệ thống phân phối của công ty mẹ (Satra), ngoài ra, Công ty còn có hàng chục cửa hàng giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu Vissan.

Báo cáo của Vissan cho biết, Công ty chiếm 65% thị phần xúc xích, 70% thị phần lạp xưởng, 20% thị phần đồ hộp, 40% thị phần hàng đông lạnh, 10% thị phần thịt nguội và 30% thị phần giò trong năm 2019.

Sau khi IPO, cơ cấu cổ đông của Công ty đã đón nhận thêm nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp như CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (ANCO) – công ty con của Masan, đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vissan với tỷ lệ sở hữu 24,94%, công ty mẹ Satra vẫn giữ vai trò chi phối với sở hữu 67,74%. Một cổ đông nước ngoài cũng trúng đấu giá khi đó là Công ty TNHH CJ Vina Agri – công ty con của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), với tỷ lệ 4,1% và nhiều khả năng vẫn giữ nguyên đến hiện nay bởi từ sau IPO, không có giao dịch đột biến của khối ngoại được ghi nhận.

Chậm thay đổi mô hình

Với vị thế sẵn có và sự tham gia của các ông lớn trong lĩnh vực thực phẩm (bao gồm cả tươi sống và chế biến sẵn) từng được kỳ vọng sẽ giúp Vissan tiếp tục phát triển và giữ vững vị thế dẫn đầu thị phần trong phân khúc thực phẩm tươi sống và chế biến từ thịt heo, bò… Tuy vậy, gần 5 năm từ khi cổ phần hóa, mô hình kinh doanh của Công ty vẫn gần như không có gì thay đổi khi tiếp tục tập trung vào phân khúc giết mổ và chế biến truyền thống. Cũng trong thời gian đó, nhiều đối thủ cạnh tranh đã xuất hiện và vươn lên mạnh mẽ với nhiều phân khúc sản phẩm mới hấp dẫn người tiêu dùng.

Đơn cử trong số này là Masan. Nắm bắt nhu cầu về các sản phẩm cao cấp nhờ thu nhập cao hơn, ý thức về sức khỏe và những thay đổi trong lối sống của người tiêu dùng, Masan đã thông qua công ty con là CTCP Masan Meatlife (MML) cho ra thị trường thương hiệu thịt mát MeatDeali từ cuối năm 2018 và nhanh chóng có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Cũng cần nói thêm rằng, trong các doanh nghiệp trên thị trường, Masan được đánh giá có nhiều lợi thế nhất, hiện Masan sở hữu một loạt thương hiệu như Anco, Proconco, Masan Nutri-Science… Sức mạnh của Masan càng gia tăng sau khi sáp nhập 2 công ty VinCommerce và VinEco từ Vingroup. Không lâu sau khi sáp nhập, các sản phẩm thịt MeatDeali của MML đã xuất hiện trên các kệ hàng của chuỗi bán lẻ Vinmart.

Nhiều ông lớn khác như CP Việt Nam, CJ… cũng đang đẩy mạnh tìm các giải pháp gia tăng thị phần trên thị trường Việt Nam, vốn được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng khi đứng thứ 4 trong danh sách 10 quốc gia sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu, nhập khẩu thịt heo lớn nhất thế giới năm 2020.

Khó khăn của Vissan phần nào có thể thấy qua tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo, thịt bò đều đã chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2017-2019, trước khi giảm mạnh trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh đẩy giá thịt tăng cao.

Bên cạnh sự chậm đổi mới, sản phẩm chủ yếu cạnh tranh với sản phẩm thịt giết mổ và chế biến truyền thống tại các chợ, sức cạnh tranh của Vissan được đánh giá còn có điểm yếu nằm ở khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu.

Trong bối cảnh giá heo liên tục biến động bất thường “giảm sâu, tăng sốc” như trong 3 năm trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục biến động khó lường, sự kém tự chủ về nguyên liệu đầu vào sẽ là khó khăn trong bài toán kinh doanh trước biến động bất thường của thị trường.

Trên thị trường, thị giá cổ phiếu VSN đã liên tục giảm kể từ sau khi IPO và đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (Upcom) từ năm 2016 và hiện được giao dịch quanh mức 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 63% so với giá IPO bình quân. Tỷ lệ cổ tức những năm qua cũng ở mức khá thấp, với chỉ 5% mệnh giá mỗi năm.