Vĩnh Phúc: Thuê doanh nghiệp Bưu chính cung cấp dịch vụ thủ tục hành chính cho 10 sở ngành, địa phương
Nhằm giảm số lượng công chức của các sở ngành làm việc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh và tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, tăng sự chuyên nghiệp hoá và năng suất lao động, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung cứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 1.
7 sở ngành và 3 huyện, thành phố thực hiện đợt này là: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Ngoại vụ; các huyện: Vĩnh Tường, Sông Lô và thành phố Phúc Yên.
Mục tiêu là hướng đến việc chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện. Giai đoạn 1 của Đề án triển khai trong 24 tháng kể từ khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án. Sau đó tổng kết rút kinh nghiệm và đề xuất UBND tỉnh quyết định triển khai Đề án giai đoạn II.
Theo đó, tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, bố trí nhân viên bưu điện làm thay công chức, viên chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Cụ thể, bố trí 3 nhân viên thuộc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh đối với 7 sở ngành; bố trí 3 nhân viên (mỗi huyện, thành phố 1 nhân viên) đảm nhận các phần việc nêu trên đối với một số lĩnh vực thuộc các phòng: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Kinh tế – hạ tầng (Quản lý đô thị), Văn hoá – Thông tin tại Bộ phận Một cửa của 3 huyện, thành phố.
Tinh gọn bộ máy, hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả
Học tập mô hình đã được một số tỉnh thành khác triển khai có hiệu quả, Đề án nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu cải cách hành chính, công khai, minh bạch, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công cho tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền hành chính phục vụ, văn minh, thân thiện, hiện đại.
Thực hiện Đề án, cán bộ, chuyên viên 7 sở ngành đang làm việc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng sẽ được quay trở về cơ quan để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn quản lý nhà nước – Ảnh: Vinhphuc.gov.vn
Hình thức thuê dịch vụ là đấu thầu. Căn cứ kết quả trúng thầu, các hợp đồng thuê dịch vụ, doanh nghiệp bưu chính công ích trúng thầu chủ động chi tiền lương/tiền công cho nhân viên thực hiện nhiệm vụ. Khái toán kinh phí chi cho các nhân viên làm nhiệm vụ là 8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, ngân sách tỉnh chịu trách nhiệm chi trả kinh phí thuê dịch vụ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Ngân sách huyện chi trả kinh phí thuê dịch vụ ở Bộ phận Một cửa cấp huyện.
Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng HĐND&UBND 3 huyện, thành phố có trách nhiệm ký Hợp đồng thuê dịch vụ và chi trả cho doanh nghiệp, thanh quyết toán kinh phí với cơ quan quản lý tài chính.
Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập tháng 1/2020 đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2021 lên thứ hạng 05/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động vẫn còn một số bất cập như phải huy động một số lượng không nhỏ công chức từ các cơ quan chuyên môn của sở, ngành và cán bộ của đơn vị chuyên môn thuộc UBND các cấp ra Bộ phận Một cửa các cấp (31 công chức cấp tỉnh, 72 công chức cấp huyện).
Thực trạng này làm thiếu hụt một phần công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các đơn vị trên. Trong khi hiệu quả sử dụng một số công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp chưa cao. Bởi lẽ, không phải lĩnh vực nào cũng thường xuyên phát sinh yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Khá nhiều lĩnh vực, số lượng hồ sơ phát sinh rất ít, gây lãng phí biên chế và nguồn nhân lực của bộ phận chuyên môn ở sở, ngành…
Theo tính toán, Đề án giai đoạn I được triển khai sẽ tiết giảm được 8 công chức chính thức từ các cơ quan chuyên môn của các sở, ngành ra làm việc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh nói riêng và các công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa cấp huyện; tiết kiệm được trang thiết bị và các chi phí khác; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).