Việt Nam có bao nhiêu hầm đường bộ? – Bạn Nên Biết
Hầm đường bộ là gì? Hầm đường bộ ở Việt Nam có bao nhiêu hầm? Các hầm đường bộ ở Việt Nam? Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng 6 hầm đường bộ:
1. Hầm đường bộ A Roàng
Hầm đường bộ A Roàng là hệ thống 2 hầm nằm trên Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) nối huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên – Huế với huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Hệ thống 2 hầm gồm hầm A Roàng 1, A Roàng 2, cách nhau 7 km, nằm ở vùng đất xã A Roàng. Hầm A Roàng được xây dựng từ năm 2001 đến năm 2003.
2. Hầm đường bộ Đèo Ngang
Hầm đường bộ Đèo Ngang là hầm trên quốc lộ 1A xuyên qua dãy Hoành Sơn tại vùng giáp ranh của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Cửa hầm phía Bắc ở vùng đất xã Kỳ Nam huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh; cửa hầm phía Nam ở vùng đất xã Quảng Đông huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình.
3. Hầm Hải Vân
Hầm Hải Vân nằm trên quốc lộ 1, hầm hải vân nối liền 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Hầm Hải Vân xuyên qua núi, thay thế cho đường đèo Hải Vân vốn có nhiều đoạn nguy hiểm cho giao thông. Chiều dài hầm Hải Vân là 6,28 km , hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Việt Nam và hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á.
4. Hầm đường bộ Đèo Cả
Hầm đường bộ Đèo Cả là một hệ thống đường hầm thay thế cho Đèo Cả vốn rất hiểm trở và nguy hiểm. Đường hầm này nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A huyết mạch của cả nước. Tổng chiều dài dự kiến của hầm Đèo Cả dài 13,5 Km, trong đó hầm xuyên núi Đèo Cả dài 4,1Km, xuyên núi Cổ Mã dài 500m, còn lại là đường dẫn và cầu trên tuyến (9Km).
5. Đường hầm sông Sài Gòn
Đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm) là một đường hầm vượt qua sông Sài Gòn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hầm Thủ Thiêm dài 1490m, cao 9m, với 5 phần chính bao gồm: 2 lối vào hầm (400m), 2 nhánh và miệng hầm (700m) và phần chìm 24m dưới lòng sông dài 370m.
Hầm Thủ Thiêm là một kiến trúc đặc biệt, nằm dưới lòng sông Sài Gòn, trực thuộc Đại Lộ Đông Tây với điểm đầu nằm ở Quận 1 và điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Quận 2. Cụ thể hơn nữa, điểm đầu đặt ngay trên đường lớn Võ Văn Kiệt, gần bến Chương Dương. Điểm cuối tọa lạc tại cung đường từ Đại Lộ Đông Tây dẫn ra ngã ba Cát Lái.
6. Hầm đường bộ Cù Mông
Là hầm trên Quốc lộ 1 xuyên qua dãy núi Cù Mông, nối liền hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đây là hầm đường bộ dài thứ ba tại Việt Nam, sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Hầm Cù Mông gồm hai đường hầm có chiều dài là 2.600 m, chiều rộng là 10 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Cửa hầm phía bắc thuộc địa phận phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; cửa hầm phía nam thuộc địa phận xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Công trình có tổng mức đầu tư là 3.921 tỷ đồng, được thực hiện từ nguồn vốn tiết giảm của dự án hầm đường bộ Đèo Cả, theo hình thức BOT do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 26 tháng 9 năm 2015 và thông xe toàn tuyến vào ngày 21 tháng 1 năm 2019 với giai đoạn 1 lưu thông hai chiều ở đường hầm phía tây.
Trước khi hầm được đưa vào sử dụng, nhiều ô tô, xe tải từng gặp tai nạn khi qua đèo Cù Mông, một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam.
4.5/5 – (4 bình chọn)