Việt Nam có bao nhiêu Di sản thế giới được UNESCO công nhận?

Di sản thế giới là gì?

Di sản thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia như rừng, núi, hồ, sa mạc, quần thể kiến trúc, công trình nghệ thuật… được công nhận và quản lý bởi UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc). Những đề cử Di sản của các quốc gia sẽ được UNESCO lập danh mục, đặt tên và bảo tồn. Di sản thế giới được phân thành ba loại: Di sản văn hóa, Di sản thiên nhiên và Di sản hỗn hợp.

UNESCO

Di sản văn hóa thế giới là gì?

Di sản văn hóa thế giới là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

Trong đó, giá trị nổi bật toàn cầu là sự biểu hiện những ý nghĩa văn hóa và thiên nhiên đặc biệt của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đối với các thế hệ hiện tại và tương lai. Đây là tiêu chí quan trọng để xác định một Di sản có thể được công nhận là Di sản văn hóa thế giới hay không.

Di sản văn hóa thế giới gồm:

  1. Di tích kiến trúc (monuments): các công trình kiến trúc, các công trình điêu khắc và hội họa kiến trúc, các bộ phận hoặc kết cấu có tính chất khảo cổ học, các bi ký, các hang động cư trú và những bộ phận kết hợp, mà xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.

  2. Nhóm công trình xây dựng (groups of buildings): các nhóm công trình riêng lẻ hoặc liên kết mà, do tính chất kiến trúc, tính chất đồng nhất hoặc vị thế của chúng trong cảnh quan, xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.

  3. Các di chỉ (sites): các công trình của con người hoặc công trình kết hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như các khu vực có các di chỉ khảo cổ học mà xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.

Di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế

Di sản văn hóa phi vật thể thế giới là gì?

Di sản văn hóa phi vật thể  là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần Di sản văn hóa của họ.

Di sản văn hóa phi vật thể được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.

Di sản văn hóa phi vật thể thế giới còn có tên gọi khác là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Mỗi Di sản văn hóa phi vật thể muốn có tên trong Danh mục Di sản văn hóa thế giới phải được một hoặc nhiều quốc gia đề cử cho UNESCO trước khi được một ủy ban của tổ chức này xem xét đưa vào danh mục.

Di sản văn hóa phi vật thể thường được thể hiện ở những hình thức sau:

  1. Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của Di sản văn  hóa phi vật thể.

  2. Nghệ thuật trình diễn.

  3. Tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội.

  4. Tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ.

  5. Nghề thủ công truyền thống.

Di sản thiên nhiên Vườn quốc Phong Nha Kẻ Bàng - Hang Sơn Đoòng Quảng Bình

Di sản thiên nhiên thế giới là gì?

Di sản thiên nhiên thế giới là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về thiên nhiên được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới. Trong đó, giá trị nổi bật toàn cầu là sự biểu hiện những ý nghĩa văn hóa và thiên nhiên đặc biệt của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đối với các thế hệ hiện tại và tương lai. Đây là tiêu chí quan trọng để xác định một Di sản có thể được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới hay không.

Di sản thiên nhiên thế giới gồm:

  1. Các cấu tạo tự nhiên (natural features) bao gồm các thành tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm có thành tạo thuộc loại đó mà, xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học, có giá trị nổi tiếng toàn cầu.

  2. Các thành tạo địa chất và địa văn (geological and phystographical formations) và các khu vực được khoanh vùng chính xác làm nơi cư trú cho các loài động vật và thảo mộc bị đe dọa mà, xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn, có giá trị nổi tiếng toàn cầu.

  3. Các di chỉ tự nhiên (natural sites) hoặc các khu vực tự nhiên đã được khoanh vùng cụ thể mà, xét theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên, có giá trị nổi tiếng toàn cầu.

Di sản hỗn hợp thế giới là gì?

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí của cả Di sản văn hóa thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới, được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

Trong đó:

  1. Di sản văn hóa thế giới là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

  2. Di sản thiên nhiên thế giới là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về thiên nhiên được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

Tràng An - DI sản hỗn hợp của thể giới được UNESCO công nhận

Danh sách Di sản thế giới tại Việt Nam

Tính đến năm 2019 Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa được Unesco công nhận

Tính đến năm 2019 Việt Nam hiện tại có 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong số đó có 5 Di sản văn hoá, 2 Di sản tự nhiên và 1 Di sản hỗn hợp.

2 Di sản thiên nhiên gồm: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long.

5 Di sản văn hóa là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ.

Di sản hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, và là một trong số ít 38 Di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận.

Quần thể di tích cố đô Huế

Năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa: 1993

Khu Di tích cố đô Huế (thuộc tỉnh Thừa thiên Huế) là một bằng chứng nổi bật của quyền lực của các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng có, đỉnh cao nhất là vào đầu thế kỷ XIX. Quần thể di tích Huế là một ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông với những kiến trúc điển hình như: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, Ngọ Môn Quan, Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung…

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc… 

Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival tổ chức hai năm một lần. Huế là một Di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Ngày 7 tháng 11 năm 2003, Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Các Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại.

  • Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch cố đô Huế

Vịnh Hạ Long- Quảng Ninh nổi tiếng với vô vàn cảnh đẹp nên thơ, trữ tình

Di sản Vịnh Hạ Long

Năm được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên: 1994 

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, diện tích khoảng 1.553km2 với 1.969 hòn đảo lô nhô tạo nên những cảnh sắc kỳ thú.

Sự hiện diện của Vịnh Hạ Long và những hòn đảo là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của vỏ trái đất. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới.

Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo toàn cầu, trong khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển …

  • Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vịnh Hạ Long

Những mái nhà lô xô trong phố cổ Hội An

Di sản thế giới – Phố cổ Hội An (Đô thị cổ Hội An)

Năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa: 1999

Phố cổ Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam) là một hình ảnh tiêu biểu, đại diện cho một thương cảng của Đông Nam Á vào thế kỷ XV tới thế kỷ XIX. Các kiến trúc đô thị và đường sá của phố cổ Hội An là sự giao thoa của văn hóa bản địa và ngoại quốc đã tạo nên sự độc đáo cho Di sản này.

Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam. Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thịnh đạt trong thế kỷ 17-18, và còn là một cảng thị trọng yếu của Champa (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15).  

Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ …và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính.

Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ được nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể với các lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng các làng nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.

  • Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quảng Nam

Di sản thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn

Di sản Thánh địa Mỹ Sơn

Năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa: 1999

Kem chống nắng xịt chống nắng

Thánh địa Mỹ Sơn (thuộc tỉnh Quảng Nam): Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo vào văn hóa bản địa. Di sản này cũng phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.

Đền tháp ở Mỹ Sơn tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Chămpa. Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13), các đền tháp nơi đây có nhiều kiểu thức kiến trúc phong phú, song nhìn chung các đền tháp có tư thế vút lên cao biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêru (Ấn Độ).

Tuy chỉ là những công trình xây dựng có kích thước vừa và nhỏ, nhưng kiến trúc của Thánh địa Mỹ Sơn đã chắt lọc được những tinh hoa của người nghệ sĩ, sự kết hợp giữa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí người Chămpa xưa đã tạo cho các đền tháp một vẻ uy nghiêm và kỳ bí.

Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng

Năm được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên: 2003

Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) có diện tích 126.236 ha, bao gồm các cao nguyên đá vôi và rừng nhiệt đới. Bao gồm các đa dạng địa lý tuyệt vời, nhiều hang động và sông ngầm, vườn quốc gia có một hệ sinh thái phong phú cùng nhiều loài sinh vật đa dạng.

Khu hệ núi đá vôi của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có tuổi địa chất trên 400 triệu năm. Quá trình kiến tạo địa chất đã tạo nên hệ thống hang động và các suối ngầm rất đặc trưng với trên 300 hang động lớn nhỏ.

Về Đa dạng sinh học:

Về thực vật: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có 8 kiểu thảm thực vật. Các cuộc điều tra khảo sát ban đầu đã ghi nhận được khoảng 2.500 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 208 loài lan và nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới.

phong nha kẻ bàng

Về động vật: Khu Động Phong Nha bao gồm những sinh cảnh cực kỳ quan trọng cho các loài linh trưởng có nguy cơ bị tiêu diệt và những loài thú lớn đã được liệt kê trong sách đỏ của IUCN 1996. Sơ bộ đã ghi nhận được 1074 loài động vật có xương sống.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng cũng đang chứa đựng nhiều Di tích lịch sử và văn hóa quan trọng.

Đặc biệt, hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: Có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, có những thạch nhũ đẹp nhất.

  • Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Quảng Bình

Di sản thế giới - Hoàng thành Thăng Long

Di sản Hoàng thành Thăng Long

Năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa: 2010

Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội là minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam. Là nơi đánh dấu nền độc lập của Đại Việt, đại diện cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, cũng là là một trung tâm chính trị và quyền lực của Đại Việt suốt 13 thế kỷ.  

Tổng quan mô hình đô thị, kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật của Thăng Long – Hà Nội mang giá trị độc đáo và tiêu biểu cho sự phát triển liên tục của một trung tâm quyền lực chính trị kiểu Châu Á. Rất nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế, bao gồm sự phát triển của các nhà nước độc lập, các hình mẫu nhà nước kiểu Châu Á, ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, phương Tây, của chủ nghĩa thực dân và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ II đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm và còn có thể nhìn thấy được trong không gian chung của khu Di sản.

  • Xem thêm: Kinh nghiệm khám phá Hoàng thành Thăng Long Hà Nội

Thành nhà Hồ

Di sản thế giới – Thành nhà Hồ

Năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa: 2011

Thanh nhà Hồ (Thanh Hóa) là kinh đô của nhà Hồ, được Hồ Quý Ly tiến hành xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). 4 bên mặt thành được bao quanh bằng tường đá với tổng khối lượng đá xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp.

Khu Di sản Thành Nhà Hồ là biểu hiện rõ rệt những sự giao thoa trao đổi quan trọng các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV. 

Khu Di sản cũng là ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc Hoàng thành biểu tượng cho quyền lực Hoàng gia tiêu biểu ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm. 

  • Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa

Di sản thế giới Tràng An

Di sản thế giới – Quần thế danh thắng Tràng An

Năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới: 2014

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) nằm ở cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam, có diện tích 6.172 ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, với ba khu vực liền kề nhau là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố Đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.

Chiếm gần như toàn bộ khối đá vôi Tràng An, với tuổi địa chất hơn 250 triệu năm, một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa. Đan xen trong các dải đá vôi Tràng An là hệ thống đa dạng các thung lũng, hố sụt các-xtơ cùng phương hoặc vòng cung, vách dựng đứng, đáy khá bằng phẳng ở các độ cao khác nhau. Nhiều thung lũng, hố sụt như ở đền Trần – Tràng An, Trường Yên, Bái Đính,… đã phát triển đến tận cơ sở xâm thực địa phương, trở thành các trũng các-xtơ đầm lầy, thông với nhau bởi mạng lưới thủy văn khá phát triển với nhiều hang động xuyên thủy.

Di sản thế giới Tràng An Ninh Bình

Quần thể danh thắng Tràng An là một thí dụ nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường ở khu vực Đông Nam Á trải qua hơn 30.000 năm lịch sử phát triển của con người t

Về vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp các-xtơ của Tràng An nằm trong số những khu vực đẹp mê hồn thuộc kiểu này trên Trái đất. Ngự trị cảnh quan là một dãy các tháp đá vôi và núi hình nón bao bọc bởi các vách cao 200m. Chúng nối liền nhau ở nhiều chỗ bởi các sống núi sắc cạnh bao trọn các hố sụt sâu và các thung lũng ngập nước, nối với nhau bởi vô số các dòng suối và hang động ngầm.

Về địa chất-địa mạo: Quần thể danh thắng Tràng An nổi bật trong số các cảnh quan tháp các-xtơ đá vôi của thế giới và không có gì sánh bằng trên phạm vi toàn cầu, minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa các-xtơ trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Tràng An nổi bật toàn cầu một cách rõ ràng và tổng quát về đặc trưng cảnh quan các-xtơ đá vôi nhiệt đới ẩm, bao gồm các nón các-xtơ, tháp các-xtơ, các hố sụt, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích trong đó.

  • Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Tràng An Ninh Bình

13 Di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam

Việt Nam hiện có 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào các danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và cần được bảo vệ khẩn cấp, bao gồm:

  1. Hát then là thể loại dân ca tín ngưỡng của người dân tộc Choang, Tày, Nùng được công nhận năm 2019.

  2. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được công nhận năm 2017, phạm vi trên 7 tỉnh miền Trung gồm Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

  3. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được công nhận năm 2016. Phạm vi di sản gồm 21 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

  4. Nghi lễ Kéo co ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại năm 2015. Riêng Việt Nam, kéo co được các cộng đồng người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy… và nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Nội, Bắc Ninh cùng nhiều tỉnh trên cả nước Việt Nam thực hành từ lâu đời, trao truyền cho tới ngày nay.

  5. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào năm 2014. Phạm vi di sản gồm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

  6. Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào năm 2013. Phạm vi di sản 21 tỉnh: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

  7. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào năm 2012.

  8. Hát xoan (Phú Thọ) là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, được công nhận năm 2011.

  9. Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được công nhận năm 2010.

  10. Ca trù là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, được công nhận năm 2009. Phạm vi di sản 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

  11. Dân ca Quan họ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được công nhận năm 2009. Phạm vi di sản 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

  12. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến năm 2008 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phạm vi di sản 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.

  13. Nhã nhạc cung đình Huế, di sản văn hóa thế giới phi vật thể đầu tiên tại Việt Nam, được công nhận năm 2003, đến năm 2008 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

__

Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:

Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn

Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan

Advertisements

Loading…