Viết đoạn văn nêu suy nghĩ gì về cái chết của lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao>

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đoạn 1

      Cái chết của nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao đã để lại cho người đọc một niềm thương cảm sâu sắc. Lão xin Binh Tư ít bả chó với lý do bắt chó nhà khác – một lý do làm Binh Tư nghĩ lão giả bộ hiền lành như thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người đã  “khóc vì trót lừa con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”. Vậy nhưng hóa ra, lão ăn bả chó để tự tử. Lão đã chọn cái chết trong còn hơn sống khổ, sống nhục khi bị dồn vào đường cùng. Lão chết vật vã, quằn quại trong đau đớn để chuộc tội với cậu Vàng: “vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc… chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên”. Chỉ có bằng cách này lão mới khỏi phạm vào mảnh đất thiêng dành cho con mình, mới có thể chấm dứt kiếp sống mòn lay lắt, héo úa. Cái chết của lão Hạc khiến ta đau đớn nhận ra một tình phụ tử thiêng liêng, thăm thẳm. Lão chết để cấy cái sống cho đứa con trai đang đi phu đồn điền biền biệt, vì lão sống ngày nào tức là ăn vào tiền, vào đường sống của con ngày ấy. Xưa nay, không ít người cha người mẹ hi sinh cơm ăn, áo mặc vì con, hi sinh một phần thân thể vì con nhưng hi sinh cả mạng sống của mình như lão Hạc lại là một trường hợp hiếm thấy. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng trân trọng: lòng tự trọng của một lão nông nghèo nhưng trong sạch. Cái chết của lão đã nói lên tình cảnh và số phận của người nông dân trước cách mạng tháng Tám: đói khổ, bế tắc, cùng đường,… Đồng thời, cũng có ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy người nông dân nghèo vào cuộc sống tăm tối, tàn tệ. Quả thực, cái chết của lão Hạc góp phần làm nên thành công về giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.

Đoạn 2

       Cái chết của lão Hạc không phải là sự manh động, tiêu cực. Lão đã rất bền bỉ, đã gắng để sống: “Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc” mà không được. Bi kịch là thế đấy. Nếu không muốn sống thì lão đã không phải cố duy trì sự sống bằng mọi cách như thế. Lão có thể tự sát ngay sau khi ủy thác cho ông giáo mảnh vườn và tiền làm tang. Dường như, trong mòn mỏi, lão vẫn cố chờ điều gì… Chờ con trai trở về. Biết đâu trong những ngày gắng sống ấy nó trở về! Không thể chờ thêm được nữa, cuối cùng (tận đến cuối cùng) thì lão Hạc phải chấp nhận một sự thật của chính mình, để lão không vi phạm lẽ sống của lão: muốn sống mà vẫn tự chết. Tại sao lão tự trọng đến “hách dịch” như thế cơ chứ? Lão có thể cậy nhờ để sống qua ngày cơ mà, dân gian chẳng đã từng nói “hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” là gì! Đến ngay tiền làm ma cho mình lão còn không động đến nữa là cậy nhờ! Thế mới là lão Hạc. Cậu Vàng chết để có thêm năm đồng vào hai lăm đồng thành ba mươi đồng lão gửi ông giáo làm tang nếu lão có mệnh hệ nào. “Đâu vào đấy” là cay đắng thế ư? Khi con chó phải chết, lão Hạc mong hóa kiếp cho nó; đến khi lão chết, con chó còn là 5 đồng để tiễn đưa hương hồn lão. Cơ cực đến thế là cùng. Chẳng gì khác, xã hội thực dân nửa phong kiến đen tối đã đẩy cuộc sống người nông dân đến đường cùng; cái nghèo khó, cùng cực đã đẩy lão Hạc đến một lựa chọn đau đớn, nghiệt ngã.

 Loigiaihay.com