Viết blog chủ đề gì để có tiền trong năm 2022 – Viết Blog Kiếm Tiền

Vậy là gần 02 tuần lễ tuần tiên của năm 2021 (aka năm COVID thứ 2) đã trôi qua, và Quyên đã bắt đầu quay trở lại chia sẻ thường xuyên hơn trên blog. Nếu năm 2020 đã qua mà bạn vẫn còn đang trăn trở với việc tạo cho mình một con blog riêng thì 2021 có thể sẽ là một khởi đầu tốt hơn chăng?

Nếu vẫn còn ấp ủ dự định trở thành blogger trong năm mới 2021 này và muốn tối đa hóa khả năng kiếm thêm thu nhập thụ động từ blog thì đây chính là những chủ đề mà bạn có thể cân nhắc để theo đuổi!

Những chủ này hoàn toàn là do quan sát cá nhân của Quyên, thông qua việc những blogger trong chính lĩnh vực đó chia sẻ về thu nhập và tiềm năng của niche mà họ đang theo đuổi.

Bên cạnh đó, vì Quyên cũng đang trên con đường trở thành một blog flipper chuyên nghiệp và có theo dõi sát sao các sàn giao dịch blog lớn trên thế giới, nên cũng có thể dễ dàng nhận thấy một số chủ đề/xu hướng nổi bật hiện nay trên thị trường blogging.

Năm mới, viết blog chủ đề gì để… có tiền?

Viết blog chủ đề gì

Lưu ý: Trong bài này có link tiếp thị liên kết (affiliate links). Khi bạn sử dụng dịch vụ, Quyên sẽ được hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp. Điều này không ảnh hưởng đến giá cuối bạn phải trả. Cảm ơn bạn đã ủng hộ nhé!

1. Tài chính cá nhân

Tài chính/tiền bạc/đầu tư nói chung luôn là đề tài thu hút nhiều người đọc, đơn giản là vì… ai mà không thích tiền, đúng không nè!

Tuy nhiên, chỉ khi COVID-19 càn qua khiến biết bao nhiêu người mất việc, hoặc nhẹ hơn là bị cắt giảm thu nhập, phải chuyển ngành nghề, v.v… thì đề tài tài chính cá nhân mới bắt đầu được quan tâm một cách đặc biệt hơn nữa.

Trong cộng đồng blogger tại Việt Nam, Quyên để ý thấy rất nhiều blogger mới xuất hiện trong mảng này. Cả người có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính/tài chính cá nhân cũng có, mà blogger chia sẻ dựa trên kinh nghiệm cá nhân cũng có luôn.

Cũng là blog tiếng Việt nhưng blog của bạn Ngân Jones (dân tài chính kế toán, sống ở Anh) và Chi Nguyễn (dân làm nghiên cứu về giáo dục, sống ở Mỹ) cũng có chia sẻ khá đầy đủ và chi tiết về đề tài tài chính cá nhân.

Các blog tiếng Anh thì nhiều vô số kể. Chỉ cần tìm với từ khóa finance blog hoặc personal finance blog là bạn sẽ ngộp trong nguồn tư liệu online từ Google luôn!

Những chủ đề ngách (niche content) có thể triển khai từ chủ đề này bao gồm:

  • Lối sống tiết kiệm (tiếng Anh là frugal living, hiện Quyên cũng đang đầu tư “nuôi” một chú blog
  • Về hưu sớm (hướng dẫn làm sao để đạt được cảnh giới tự do tài chính và có thể về hưu trước tuổi)
  • Thu nhập thụ động (thường hợp với các mẹ bỉm sữa chăm con toàn thời gian)
  • Đầu tư (chứng khoán, cổ phiếu, Bitcoin…)
  • Side-hustle (cái này tiếng Việt Quyên không biết diễn giải như thế nào, nhưng nôm na là theo tinh thần “from hobby to money”

Như bạn thấy đó, tiềm năng phát triển và nhu cầu của độc giả cho thể loại blog này là cực kỳ lớn! Nếu bạn có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm, ngại gì không thử liền trong năm 2021 này!

2. Sức khỏe & Fitness

Bên cạnh tiền bạc thì sức khỏe là cái mà tất cả chúng ta luôn đặt ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, đây là một chủ đề có thể thu hút một lượng lớn độc giả (tất nhiên nếu bạn làm cho ra ngô ra ngoai), kéo theo đó là tiềm năng tạo ra thu nhập cũng lớn theo.

Fitness (nôm na là “giữ dáng”) thì hơi kén người đọc một chút, vì thật sự không phải ai cũng quan tâm tới chuyện body có fit hay không mà chủ yếu tập trung vào sống khỏe, ngừa bệnh, ăn uống lành mạnh là chính.

Tuy nhiên, với Gen Y và Gen Z thì lại khác. Người đọc ở độ tuổi này tương đối còn trẻ, và họ quan tâm nhiều với vóc dáng/vẻ bề ngoài cũng nhiều hơn là thế hệ trước (từ Gen X trở về trước). Họ cũng chính là nhóm đối tượng có thói quen tiêu dùng và mua sắm online khủng nhất nữa chứ.

Vì vậy, nếu bạn có ý định lập một chiếc blog về fitness dành cho nhóm độc giả này thì tiềm năng kiếm tiền từ blog rất lớn nha!

Một số chủ đề ngách:

  • Ăn uống lành mạnh mà không cần tốn kém
  • Luyện tập thể lực (chạy bộ, gym, yoga…)
  • Các hình thức ăn kiêng phổ biến kèm công thức (Keto, Paleo, Low-carb…)
  • Dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ nhỏ

3. Ẩm thực

Là một trong “tứ khoái” của con người, mà nếu không “khoái” đi chăng nữa thì không ai có thể sống mà không ăn uống, nên blog ẩm thực luôn là một chủ đề bền vững với thời gian, trường tồn qua đại dịch!

Các chủ đề ngách để khai thác:

  • Hướng dẫn nấu ăn (có thể là hướng dẫn riêng một loại thực phẩm nhất định như bánh, chocolate, món chay, món mặn… hoặc hướng dẫn chung toàn bộ về các món ăn)
  • Review ẩm thực
  • Một phong cách ẩm thực nhất định (món ăn Hàn Quốc, ẩm thực Nhật Bản, món Âu…)
  • Ăn uống tiết kiệm
  • Nấu ăn nhanh cho gia đình bận rộn
  • Ẩm thực kết hợp du lịch (đi tới đâu thì ăn những món truyền thống, học nấu các món ăn truyền thống ở nước đó…)

4. Phong cách sống (lifestyle)

Trái ngược với những kiểu viết blog và/hoặc lời khuyên về viết blog khác rằng “bạn cần phải có niche” thì mới có thể thành công, lifestyle blog là cả một vùng trời hoàn toàn khác, nơi bạn có thể viết kết hợp vài chủ đề cùng một lúc mà vẫn có thể tạo được sự khác biệt so với những blog khác!

Nghe ảo quá chứ ha!

Hiện tại, ở Việt Nam Quyên chưa tìm thấy một trang blog nào có thể gọi là một lifestyle blog thứ thiệt theo style chung của cộng đồng lifestyle blogger quốc tế. Chủ yếu các blogger vẫn trung thành với kiểu chia sẻ tâm tình dạng như một trang nhật ký online hơn là một lifestyle blog chỉn chu về mặt nội dung và có thể tạo ra doanh thu từ đó.

Trong các blog tiếng Anh thì Quyên thường xuyên theo dõi Advice From a Twenty Something, Advice From a Thirty Something (cả 02 trang này đều do một người thành lập, nhưng dành cho 02 nhóm đối tượng độc giả khác nhau & bạn có thể thấy liền thông qua domain của blog), The Elgine Avenue, The Every Girl, That Scandinavian FeelingLife Goals Mag.

5. Blog làm cha mẹ

Thông thường, blog này phổ biến với tên gọi mom blog hơn là parenting blog, mặc dù cũng có rất nhiều các ông bố bỉm sữa hiện nay cũng tham gia viết blog về chủ đề nuôi dạy con và sự nghiệp bố bỉm sữa toàn thời gian tại nhà.

Sự xuất hiện của trào lưu làm việc online, làm freelancer, làm việc tại nhà (đặc biệt từ sau COVID-19), bán hàng online, v.v… khiến cho ngày càng có nhiều ông bố bà mẹ quyết định ở nhà nuôi con toàn thời gian, kèm theo homeschooling (nếu muốn). Và cũng từ đó, blog làm cha mẹ ra đời và nhanh chóng trở thành một trong những chủ để viết blog dễ kiếm lợi nhuận nhất hiện nay.

Những blog thành thường tập trung chia sẻ về việc nuôi dạy con, hành trình mang thai/thai giáo, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, ăn uống (từ lúc sinh đến quá trình ăn dặm, tập cho con ăn như người lớn), vân vân và mây mây.

Tại Mỹ, rất nhiều blogger mẹ bỉm sữa có xuất phát điểm từ một sở thích cá nhân lúc nghỉ thai sản (viết blog & chia sẻ) và trở thành những blogger có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đô/năm từ blog của mình!

Tại Việt Nam, hiện tại Quyên cũng chưa tìm thấy được một blog làm cha mẹ nào ưng ý để có thể giới thiệu cùng bạn đọc. Hy vọng một ngày không xa sẽ ất hiện một chiếc blog thật ngon lành trong chủ đề này nha!

Một số chủ đề ngách:

  • Làm cha/mẹ và làm việc tại nhà
  • Du lịch cùng con
  • Homeschooling
  • Làm cha mẹ theo một phong cách nào đó (VD: dạy con kiểu Anh/Pháp/Mỹ/Nhật/Hàn/Do Thái…)
  • Nuôi dạy con theo từng độ tuổi (sơ sinh, mầm non, tuổi teen…)

6. Blog marketing

Blog marketing có thể bao gồm marketing kiểu truyền thống, digital marketing, content marketing hoặc bất cứ những chia sẻ gì có liên quan đến lĩnh vực này.

Cá nhân Quyên có đang theo dõi blog của bạn Hoàng Hạnh – một marketer với 10 năm kinh nghiệm trong ngành, hiện tại đã chuyển qua làm freelance và điều hành một công ty nhỏ của riêng mình. Bên cạnh blog thì Hạnh còn có một khóa học về marketing căn bản với tên gọi Marketing Foundation (giá khuyến mãi chỉ 29USD), cung cấp cho người học toàn bộ những kiến thức nền tảng để có thể bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này.

Cùng với sự phát triển của công nghệ và MXH thì Digital Marketing và Content Marketing luôn được dự báo sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, nếu bạn đang lăn tăn với việc viết blog chủ đề gì để ra tiền thì hãy thử sức trong lĩnh vực này coi sao nè!

Một số chủ đề ngách:

  • Marketing cho doanh nghiệp nhỏ/start-up
  • Marketing ít tốn kém
  • Những dự báo và tin tức mới trong ngành
  • Chiến lược Digital Marketing (SEO, email marketing, phân tích website…)

7. Blog DIY

Năm 2020 chứng kiến sự lên ngôi của trào lưu “nghiện nhà”, sửa sang cải tạo lại nhà ở cũ từ xập xệ thành lung linh, từ ban-công xơ xác thành khu vườn nhỏ xanh mát… Đi kèm với đó thì ở nước ngoài, các blog về DIY (nói chung) phát triển cực mạnh. Còn ở Việt Nam thì… Quyên vẫn chưa thấy!!!

Những blog như thế này thường đánh vào tâm lý thích cái đẹp và thích tự tay mình làm được điều đó, kèm với visual cực gắt kiểu before – after siêu cấp sống ảo khiến dân tình tha hồ trầm trồ khen ngợi.

Với những kiểu blog như vầy, chỉ cần blogger nắm vững các tuyệt chiêu về affiliate marketing thì đảm bảo nguồn doanh thu từ tiếp thị liên kết cho blog sẽ không hề nhỏ.

Ngoài ra, tuổi đời của blog DIY cũng sẽ rất lâu và hầu như không chịu nhiều ảnh hưởng từ những yếu tố khách quan (so với những blog khác, điển hình là blog du lịch).

Một số chủ đề ngách:

  • Sửa sang, cải tạo (một phần hoặc toàn bộ) nhà cửa/ban-công, sân vườn…
  • Thủ công mỹ nghệ, có thể kết hợp với việc bán luôn sản phẩm như quà tặng, thiệp, trang sức handmade…
  • Mỹ phẩm handmade

Làm sao để kiếm tiền với những chủ đề này?

Không phải chỉ cần chọn chủ đề và viết không thôi là blog của bạn có thể làm ra tiền ngay lập tức. Để blog có thể tạo ra được lợi nhuận, bạn cần phải bỏ thêm chút công sức để làm tiếp những việc sau đây:

Tạo ra nội dung có giá trị

Một trang blog với chủ đề hot như tài chính cá nhân mà nội dung bên trong hoàn toàn không có chút giá trị/mang đến quá ít giá trị cho người đọc thì cũng khó có thể kiếm tiền được nếu so với một blog trong một lĩnh vực kém hot hơn mà blogger lại đầu tư content có tâm hơn!

Ngày nay, nội dung có giá trị có thể được hiểu như sau:

  • Tập trung vào người đọc, thay vì cố gắng SEO từ khóa
  • Trình bày rõ ràng, giao diện sáng sủa, font chữ không bị lỗi.
  • Cuối cùng tất nhiên vẫn phải SEO, nhưng một lần nữa, không phải SEO từ khóa vô tội vạ để được lên top (và cũng sẽ mau chóng… xuống luôn)!

Google Adsense

Google Adsense là cách đơn giản nhất để bạn có thể bắt đầu tạo ra doanh thu với blog. Chỉ cần một blog có nội dung đầy đặn, long-form, các trang (pages), chuyên mục (categories) và bài viết được sắp xếp hợp lý và rõ ràng, nội dung của blog không vi phạm ToS của Google là bạn đã có thể đăng ký chạy quảng cáo với Google Adsense.

Tuy nhiên, điểm trừ của Google Adsense là mức chi trả không cao, nếu không muốn nói là… quá ít. Sau một thời gian làm blog, nếu bạn có thể đạt được lượt view tối thiểu 10.000 lượt/tháng thì có thể chuyển ngay qua Ezoic – cũng là một platform chạy quảng cáo, với mức chi trả cao hơn nhiều.

Hiện tại chỉ trong vòng chưa tới một tháng khởi động mà chính trang lethingocquyen.com này đã đạt được số lượt view đó và hiện đang chạy quảng cáo với Ezoic đây nè. Cho dù khiêm tốn cách mấy thì Quyên cũng phải tự vỗ vai khen mình một cái luôn đó!

Tiếp thị liên kết (affiliate marketing)

Nếu có ý định muốn trở thành blogger chuyên nghiệp hoặc thậm chí là đang đi trên con đường này thì hẳn là bạn cũng đã biết, tiếp thị liên kết là một trong những chìa khóa để tạo ra thu nhập thụ động bền vững từ blog.

Thế nhưng biết là một, còn áp dụng nó vào blog như thế nào cho đúng và hiệu quả thì lại là một chuyện khác. Với riêng cá nhân Quyên và những thể loại blog mà Quyên đang theo đuổi (blog du lịch, blog về viết blog) thì để có thể áp dụng thành công những kiến thức về affiliate marketing vào blog & nhìn thấy được thành quả từ nó đòi hỏi blogger phải tốn ít nhất 3 – 6 tháng.

Một số bài viết liên quan đến đề tài này:

Mong rằng những chia sẻ và giải đáp cho câu hỏi viết blog về chủ đề gì trong năm 2021 sẽ giúp bạn phần nào có thêm sự tự tin và định hướng cho sự nghiệp viết blog kiếm tiền của mình nhé!

Share this: