Viêm tụy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị | Pacific Cross

This post is also available in:
English

Tình trạng viêm tụy kéo dài có thể gây nên nhiều ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng của cơ thể. Vậy cụ thể tuyến tụy nằm ở đâu? Chúng nằm ở phía sau dạ dày và bên cạnh ruột non, vừa có khả năng ngoại tiết vừa có khả năng nội tiết.

Tụy tiết ra các men tiêu hóa như trypsin, chymotrypsin, amylase để tiêu hóa protein và tinh bột. Ngoài ra, tụy còn tiết ra các hormone như insulin, glucagon để điều hòa mức đường huyết trong cơ thể. Bệnh viêm tụy có thể cấp hoặc mạn, trong có tuyến tụy bị viêm và bị phá hủy một phần.

viêm tụy

Bệnh viêm tụy là gì?

Viêm tụy là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng viêm ở tuyến tụy. Tụy tạng là một tuyến phẳng dài nằm ẩn phía sau dạ dày ở vùng bụng trên.

Tụy phóng thích các men tiêu hóa vào ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn và tiết ra hormone insulin và glucagon để điều chỉnh đường huyết (glucose). Có hai loại viêm tụy: cấp tính và mãn tính.

  • Viêm tụy cấp là gì? Đây là tình trạng viêm đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi từ mức gây khó chịu nhẹ cho đến gây nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp tính đều hồi phục hoàn toàn sau khi được điều trị đúng cách. Trong trường hợp bệnh nặng, viêm tụy cấp tính có thể dẫn đến xuất huyết tụy, tổn thương mô nghiêm trọng, nhiễm trùng và hình thành nang giả tụy. Viêm tụy nặng cũng có thể gây tổn hại cho cơ quan quan trọng khác như tim, phổi, thận;
  • Viêm tụy mạn tính là viêm tụy lâu dài và thường xảy ra sau một đợt viêm tụy cấp tính: Uống rượu nhiều cũng là một nguyên nhân chính gây bệnh. Thiệt hại đến tuyến tụy từ việc sử dụng nhiều rượu có thể không gây ra triệu chứng trong nhiều năm nhưng sau đó đột nhiên phát triển các triệu chứng viêm tụy nặng.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm tụy?

Những triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp tính:

  • Cơn đau bắt đầu từ bụng phía trên, sau đó lan sau lưng. Cơn đau bụng có thể trầm trọng hơn khi ăn uống, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm giàu chất béo;
  • Sưng và chướng bụng;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Sốt;
  • Tăng nhịp tim.

Những triệu chứng của viêm tụy mạn tính:

Các triệu chứng của viêm tụy mạn tính tương tự như của viêm tụy cấp tính. Bên cạnh đó, các triệu chứng khác là sụt cân do khả năng hấp thu thức ăn kém, điều này xảy ra bởi vì các tuyến không tiết ra đủ lượng enzyme để tiêu hoá thức ăn. Ngoài ra, bệnh này có thể phát triển nếu các tế bào sản xuất insulin của tụy bị hư hỏng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy liên lạc với bác sĩ nếu bạn bị đau bụng dai dẳng. Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bị đau bụng nghiêm trọng mà không thể ngồi yên hoặc không có tư thế giảm đau.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm tụy?

Một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy bao gồm:

  • Nghiện rượu;
  • Sỏi mật;
  • Phẫu thuật ổ bụng;
  • Một số loại thuốc;
  • Hút thuốc lá;
  • Xơ nang;
  • Nội soi ngược dòng (ERCP), được sử dụng để điều trị sỏi mật;
  • Bệnh sử gia đình mắc viêm tụy;
  • Nồng độ canxi cao trong máu (tăng canxi máu), có thể do một tuyến cận giáp hoạt động quá mức;
  • Tăng triglyceride;
  • Nhiễm trùng;
  • Chấn thương ở bụng;
  • Bệnh ung thư tuyến tụy.

viêm tụy

Những ai thường mắc phải bệnh viêm tụy?

Viêm tụy có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tụy?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nguy cơ mắc bệnh viêm tụy, chẳng hạn như:

  • Uống nhiều rượu trong một khoảng thời gian dài;
  • Một số điều kiện di truyền, chẳng hạn như bệnh xơ nang;
  • Sỏi mật;
  • Các tình trạng như tăng triglycerides.

Điều trị bệnh viêm tụy

Các thông tin cung cấp trên không thể thay thế lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm tụy?

Trong khi hỏi về bệnh sử và tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để hỗ trợ trong việc chẩn đoán. Đối với viêm tụy cấp tính, trong máu có chứa nồng độ amylase và lipase, các enzyme tiêu hóa được hình thành trong tuyến tụy ít nhất cao hơn 3 lần bình thường.

Các thay đổi có thể xảy ra trong các hóa chất khác của cơ thể như glucose, canxi, magiê, natri, kali và bicacbonat. Sau khi tình trạng sức khỏe cải thiện, mức độ sẽ trở lại bình thường.

Chẩn đoán viêm tụy cấp tính thường khó khăn vì vị trí sâu của tuyến tụy. Các bác sĩ có thể sẽ tiến hành một hoặc nhiều hình thức xét nghiệm sau:

  • Siêu âm bụng;
  • Chụp cắt lớp vi tính(CT scan);
  • Siêu âm nội soi (EUS);
  • Chụp cộng hưởng từ đường mật-tụy(MRCP).

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm tụy?

Điều trị bệnh viêm tụy thường đòi hỏi phải nhập viện. Một khi tình trạng của bạn tại bệnh viện ổn định và viêm tụy được kiểm soát, các bác sĩ có thể điều trị các nguyên nhân cơ bản của bệnh viêm tụy. Các phương pháp điều trị bệnh viêm tụy bao gồm:

  • Nằm viện để ổn định viêm tụy. Nếu bạn đang mắc bệnh viêm tụy, bác sĩ có thể khuyên bạn đến bệnh viện để được chăm sóc. Các phương pháp điều trị ban đầu để giúp kiểm soát tình trạng viêm ở tuyến tụy và làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn bao gồm:
  • Nhịn ăn. Bạn sẽ ngừng ăn trong một vài ngày tại bệnh viện để tuyến tụy có thời gian để hồi phục. Một khi tình trạng viêm tuyến tụy được kiểm soát, bạn có thể bắt đầu uống chất lỏng trong suốt (ví dụ như nước lọc) và ăn thức ăn nhạt. Dần dần, bạn có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường. Nếu bệnh viêm tụy vẫn còn và bạn vẫn bị đau bụng khi ăn, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng dung dịch dinh dưỡng tĩnh mạch để giúp bạn có được chế độ dinh dưỡng tốt;
  • Thuốc giảm đau. Viêm tụy có thể gây ra cơn đau dữ dội. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các loại thuốc giúp kiểm soát cơn đau;
  • Thuốc truyền tĩnh mạch (IV). Viêm tụy nặng có thể làm bạn bị tràn dịch ổ bụng và mất nước do nôn mửa nhiều. Vì vậy, bạn sẽ được truyền nhiều dung dịch điện giải thông qua tĩnh mạch ở cánh tay trong thời gian nằm viện.

viêm tụy

Khi bệnh viêm tụy đã được kiểm soát, bác sĩ có thể điều trị các nguyên nhân cơ bản của bệnh viêm tụy. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy, có thể bao gồm:

  • Can thiệp lấy sỏi đường mật;
  • Phẫu thuật túi mật;
  • Phẫu thuật tụy;
  • Điều trị bệnh nghiện rượu.

Viêm tụy mạn tính có thể cần các biện pháp bổ sung, tùy thuộc vào tình hình của bạn. Phương pháp điều trị khác cho viêm tụy mạn tính có thể bao gồm:

  • Kiểm soát cơn đau;
  • Phẫu thuật;
  • Bổ sung các enzyme để cải thiện tiêu hóa;
  • Những thay đổi trong chế độ ăn uống.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm tụy?

Bạn có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Ngừng uống rượu: Nếu bạn không thể ngừng uống rượu, hãy hỏi bác sĩ để được giúp đỡ. Bác sĩ có thể giới thiệu các biện pháp giúp bạn ngừng uống rượu;
  • Bỏ thuốc lá: Nếu bạn có thói quen hút thuốc thì hãy bỏ. Nếu bạn không thể bỏ thuốc, hãy hỏi bác sĩ để được giúp đỡ. Bác sĩ có thể giúp bạn ngừng hút thuốc;
  • Chọn một chế độ ăn uống ít chất béo: Bạn hãy chọn một chế độ ăn uống hạn chế chất béo và ăn nhiều các loại trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein không mỡ;
  • Uống nhiều nước: Viêm tụy có thể gây mất nước, bạn hãy uống nước đều đặn. Bạn có thể mang một chai nước bên mình khi đi đâu đó.

viêm tụy

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Viêm tụy cấp thường xảy ra trong bệnh cảnh sau một bữa ăn thịnh soạn hoặc uống nhiều rượu. Người bệnh sẽ có cảm giác đau bụng rất dữ dội và ói liên tục. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây viêm tụy như sỏi tụy, tăng triglyceride máu, tăng canxi máu.

Viêm tụy mạn ngược lại diễn ra trong âm thầm, người bệnh chỉ thỉnh thoảng thấy đầy bụng, khó tiêu. Nếu hiện tượng viêm diễn ra lâu dài, tụy bị phá hủy dần dần và chức năng nội tiết cũng như ngoại tiết bị suy yếu.

Để ngừa viêm tụy, bạn nên bỏ rượu, ăn chế độ ăn ít béo, giàu chất xơ và điều trị rối loạn mỡ máu. Nếu bạn có thắc mắc gì về bệnh, hãy liên hệ thêm với bác sĩ để có thêm những tư vấn cần thiết.

Để bảo vệ sức khỏe tốt hơn từ hôm nay, bạn đã từng nghĩ đến việc tích lũy một khoản tiền cho bản thân hay chưa? Các gói bảo hiểm sức khỏe được ra đời nhằm giúp mọi người chăm lo nhiều hơn cho bản thân.

Thấu hiểu được nỗi lo chung của khách hàng, Pacific Cross xin giới thiệu cùng bạn đọc những gói bảo hiểm sức khỏe phù hợp với mọi đối tượng. Hãy liên hệ cùng chúng tôi hôm nay để nhận được tư vấn và hướng dẫn đăng ký dịch vụ TẠI ĐÂY.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Nguồn tham khảo

  • Pancreatitis. http://www.healthline.com/health/pancreatitis#Overview1. Ngày truy cập 03/10/2016.
  • Pancreatitis. https://medlineplus.gov/pancreatitis.html. Ngày truy cập 03/10/2016.
  • Pancreatitis. https://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/liver-disease/pancreatitis/Pages/facts.aspx.