Viêm dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phòng ngừa

Viêm dạ dày là nguyên nhân dẫn đến các tình trạng đau, nóng vùng thượng vị, ợ hơi ợ chua nhiều và xuất huyết dạ dày trong trường hợp nặng. Viêm dạ dày cấp về cơ bản là một bệnh có thể điều trị dứt điểm bằng phương pháp nội khoa đơn giản. Tuy nhiên, bệnh viêm dạ dày mạn tính khó để khỏi bệnh hoàn toàn.

viêm dạ dày là gì

Viêm dạ dày là gì?

Viêm dạ dày hay còn được biết là viêm niêm mạc dạ dày là một bệnh lý điển hình thuộc sức khỏe tiêu hóa. Bệnh là tình trạng bề mặt niêm mạc bị tổn thương, bào mòn do vi khuẩn hoặc những tác nhân khác. Viêm dạ dày đặc trưng là sự thấm nhập các tế bào viêm, chính vì vậy bác sĩ cần kết quả xét nghiệm mô bệnh học dạ dày để có thể chẩn đoán và kết luận bệnh.

Niêm mạc dạ dày là một lớp mỏng có chức năng bảo vệ thành dạ dày khỏi những tác động kích thích từ acid hoặc tấn công của vi khuẩn. Theo cơ chế bệnh sinh của viêm dạ dày, khi niêm mạc dạ dày bị vi khuẩn từ bên ngoài tấn công sẽ khiến phần niêm mạc dạ dày bị tổn thương, khả năng cao phát triển thành viêm loét dạ dày. Ngoài ra, niêm mạc cũng có thể bị tổn thương bởi sự bài tiết acid bất thường bên trong cơ thể. Điều này là hệ lụy của một thói quen ăn uống không điều độ và chế độ dinh dưỡng không lành mạnh kéo dài.(1)

Bệnh có hai loại viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính thường đi kèm với các triệu chứng lâm sàng về đường ruột, hệ tiêu hóa và dạ dày bất thường.

1. Viêm dạ dày cấp

Viêm dạ dày cấp là tình trạng trạng dạ dày bị viêm cấp tính do nhiều nguyên nhân: thuốc, rượu, ….Người bệnh thường sẽ nhận biết được viêm dạ dày cấp tính ngay khi các triệu chứng phát ra.

Những triệu chứng chủ yếu là cơn đau thượng vị, gây ra những bất tiện khó chịu trong hoạt động ăn uống. Đây là các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh và cũng sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn, dao động từ 5 – 7 ngày.

Người bệnh viêm dạ dày cấp tính có thể không cần điều trị, chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng để giảm thiểu và hỗ trợ dạ dày phục hồi tổn thương.

bệnh viêm dạ dày

2. Viêm dạ dày mạn

Viêm dạ dày mạn xảy ra phần lớn là do vi khuẩn HP. Bệnh diễn biến từ khi nào không rõ, bệnh thường không có triệu chứng, chủ yếu là phát hiện được do khi nội soi dạ dày. Viêm dạ dày mạn có thể tiến triển thành viêm teo, dị sản ruột, và tiến triển thành các tổn thương tiền ung thư dạ dày cũng như tăng nguy cơ ung thư dạ dày cho người bệnh.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Viêm dạ dày cấp có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng và lứa tuổi nào. Tuy nhiên, đây không phải là một bệnh phổ biến, dễ mắc phải. Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa viêm dạ dày cấp bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh.(2)

Mặt khác, viêm dạ dày cũng có thể dễ xuất hiện với một số đối tượng nhất định. Những đối tượng này gồm những người sống tại những môi trường không đảm bảo vệ sinh, từ đó tăng khả năng bị nhiễm vi khuẩn H.pylori, một loại vi khuẩn gây viêm dạ dày.

Bên cạnh đó, người lớn tuổi cũng được xét là đối tượng có nguy cơ mắc viêm dạ dày cao hơn những người trẻ vì có thời gian bị nhiễm HP lâu dài . Hơn nữa, người lớn tuổi cũng là nhóm người sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDS). Đây cũng là lý do để niêm mạc ở người lớn tuổi gặp nhiều rủi ro bị tổn thương do sử dụng thuốc NSAID trong thời gian dài.

Triệu chứng viêm dạ dày

Triệu chứng viêm dạ dày điển hình nhất là cơn đau vùng thượng vị, ngoài ra bệnh còn gây ra cảm giác buồn nôn, chán ăn, khó chịu trong bụng và ợ chua, ợ hơi.

Một số dấu hiệu viêm dạ dày có thể nhận biết bệnh bao gồm:

  • Đau bụng vùng thượng vị, có thể đau nhiều nhiều khi đói hoặc sau ăn hoặc cả hai
  • Cảm giác trướng bụng ậm ạch sau ăn nên không ăn được nhiều như bình thường
  • Ơ hơi, ợ chua, ợ nóng
  • Chán ăn
  • Buồn nôn và nôn

Cần lưu ý rằng những triệu chứng này tương đồng với những bệnh tiêu hóa khác như trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày tá tràng hoặc thậm chí như ung thư dạ dày. Vì thế, khi người bệnh gặp những triệu chứng kể trên cần đi đến bệnh viện khám ngay lập tức để được chẩn đoán chuyên sâu và kết luận bệnh. Việc thăm khám sẽ giúp cho người bệnh nhận được phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý. Từ đó, phục hồi chức năng dạ dày và chữa lành tổn thương.

Nguyên nhân viêm dạ dày cấp

  • Thuốc: Aspirin, thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDS)
  • Rượu
  • Do vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P) (3)
  • Do stress, chấn thương nặng, bỏng, nhiễm khuẩn huyết….

Nguyên nhân viêm dạ dày mạn

  • Phổ biến là nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori
  • Nguyên nhân ít gặp: do tự miễn, bệnh crohn…

chẩn đoán viêm dạ dày

Cách chẩn đoán bệnh viêm dạ dày

Chẩn đoán xác định là hoạt động chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày ở người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng, thói quen ăn uống trong thời gian gần và dài hạn để có thể nắm được tình hình của người bệnh. Nội soi là phương pháp chẩn đoán tốt nhất, giúp phân biệt với các bệnh dạ dày khác đặc biệt là ung thư dạ dày.

Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng. Phương pháp này bác sĩ sẽ đưa ống nội soi có gắn camera chuyên dụng vào dạ dày của người bệnh. Camera sẽ ghi lại và hiển thị tình trạng viêm và sưng niêm mạc dạ dày. Khi cần làm xét nghiệm chẩn đoán HP, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô niêm mạc dạ dày để xét nghiệm.(5)

Ở một số trường hợp cần thiết, thông thường là những trường hợp nghi ngờ tiền ung thư, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết dạ dày để loại trừ một số bệnh liên quan. Sinh thiết có thể được thực hiện trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô niêm mạc dạ dày và xét nghiệm.

chẩn đoán nguyên nhân gây viêm dạ dày

Khi nào thì cần gặp bác sĩ

Viêm dạ dày cấp có thể tự khỏi mà không cần điều trị, hoặc điều trị giảm tiết a xít .Viêm dạ dày cấp dù không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng cũng có thể gây xuất huyết tiêu hóa . Vì vậy, việc đi gặp bác sĩ là cần thiết khi các triệu chứng không thuyên giảm sau điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt

triệu chứng viêm dạ dày

Biến chứng tình trạng viêm dạ dày

1. Bệnh viêm dạ dày có lây không?

Bệnh viêm dạ dày vốn không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, đối với những người bị viêm dạ dày do nhiễm trùng vi khuẩn H.pylori thì sẽ có thể lây nhiễm.

Cần lưu ý, việc lây nhiễm ở đây là lây nhiễm vi khuẩn H.pylori thông qua đường ăn uống. Đây là loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm dạ dày phổ biến nhất, nên khi vi khuẩn này lây nhiễm từ người sang người sẽ dễ gây ra bệnh viêm dạ dày.

2. Viêm dạ dày có nguy hiểm không?

Viêm dạ dày cấp tính không phải là một bệnh nguy hiểm. Mặt khác, viêm dạ dày có thể điều trị nội khoa dứt điểm bằng uống đường uống. Tuy nhiên, có thể gây xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, ỉa phân đen, thiếu máu…

Viêm dạ dày mạn tính cũng là một nguyên nhân dẫn đến như teo niêm mạc dạ dày dẫn đến dị sản ruột , loạn sản và nặng nhất là ung thư dạ dày.

Điều trị viêm dạ dày

Điều trị viêm dạ dày chủ yếu là với viêm dạ dày cấp, điều trị nội khoa bằng thuốc đường uống. Tùy vào từng triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp với từng trường hợp bệnh. Những loại thuốc thông dụng được sử dụng để điều trị viêm dạ dày gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Điều trị cho những trường hợp bị viêm dạ dày vi khuẩn HP (4)
  • Thuốc trung hòa axit: Thuốc này có công dụng là giảm sự tiếp xúc của acid vào niêm mạc và thành dạ dày.
  • Hạn chế được tình trạng viêm làm dịu nhanh các triệu chứng khó chịu
  • Thuốc ức chế bơm proton: đây là thuốc giảm tiết axit giúp kiểm soát và làm giảm lượng acid mà dạ dày tạo ra.
  • Được chỉ định cho những ca viêm dạ dày cấp.
  • Viêm dạ dày mạn thường không có triệu chứng, nếu do HP có thể dùng thuốc diệt vi khuẩn HP.

cách chữa viêm dạ dày

Làm thế nào để phòng ngừa viêm dạ dày?

  • Không lạm dụng hoặc hạn chế rượu bia
  • Luôn sử dụng thuốc giảm đau NSAID theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý sử dụng các loại thuốc này.
  • Hạn chế các thức ăn quá cay nóng
  • Chú ý vệ sinh trong ăn uống

phòng ngừa viêm dạ dày

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc bệnh ống tiêu hóa: như viêm dạ dày, loét dạ dày… các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

Viêm dạ dày là một trong những bệnh tiêu hóa phổ biến. Bệnh thường là nguyên nhân của sự nhiễm trùng vi khuẩn H.Pylori hoặc quá trình ăn uống không điều độ và chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học. Người bị viêm dạ dày sẽ có những triệu chứng đau vùng thượng vị, ợ chua, ợ hơi và trướng bụng. Bệnh có thể được điều trị dứt điểm bằng thuốc, phác đồ điều trị ngắn và không quá phức tạp. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý chăm sóc sức khỏe tiêu hóa tốt để giảm tối đa nguy cơ gặp biến chứng hoặc bị viêm dạ dày mạn tính.