Việc xử lý người nước ngoài vi phạm gặp vướng mắc
Sáng 25-2, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã làm việc tại Công an TP để khảo sát về tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn TP HCM giai đoạn từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2019. Tại buổi làm việc, vấn đề về người nước ngoài vi phạm đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu.
Đại diện Công an TP HCM báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội TP một số vấn đề vướng mắc và đề xuất hướng tháo gỡ
Chỉ rõ vướng mắc và giải pháp
Theo thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn – Đội trưởng Đội Xử lý vi phạm người nước ngoài Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP – việc xử lý người nước ngoài vi phạm ở TP còn nhiều bất cập. Cụ thể, hiện nay có nhiều biện pháp XLVPHC như phạt cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, trong Luật Xuất nhập cảnh có thêm hình thức xử lý không nằm trong Luật XLVPHC, đó là buộc xuất cảnh. Hình thức buộc xuất cảnh là quyết định hành chính và thẩm quyền ký quyết định xử lý thuộc về trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh.
“Vậy thì buộc xuất cảnh có đồng nghĩa với trục xuất hay không bởi hai khái niệm này gần giống như nhau, cũng là đưa người nước ngoài vi phạm ra khỏi lãnh thổ? Vậy khi nào áp dụng trục xuất, khi nào áp dụng buộc xuất cảnh? Vì cùng một hành vi quá hạn cư trú ở Việt Nam có thể buộc xuất cảnh theo Luật Xuất nhập cảnh thì trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh ký quyết định; còn áp dụng biện pháp trục xuất thì thuộc về giám đốc công an cấp tỉnh, thành trở lên” – thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn phân tích và kiến nghị xem buộc xuất cảnh là hình thức xử lý mới, vì vậy cần có khái niệm rõ ràng để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, hiện nay xuất hiện người nước ngoài lang thang mà chúng ta không xác định được nhân thân ngày càng nhiều, trong khi thời gian để xác minh thuộc quốc tịch nước nào khá lâu. Vấn đề đặt ra là khoảng thời gian xác minh nhân thân thì người nước ngoài được lưu giữ ở đâu, bởi nếu áp dụng theo Nghị định 112 để giữ người theo thủ tục hành chính thì không được (không thể lưu giữ người nước ngoài không giấy tờ tùy thân ở công an phường). Với những phân tích này, thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đưa người nước ngoài không giấy tờ tùy thân vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Theo ông Tuấn, Công an TP đã làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP thống nhất quy trình lưu giữ để chờ xác minh quốc tịch.
Đối tượng John David Ablett (SN 1976, quốc tịch Anh) bị bắt giữ do có hành vi dùng dao cướp tài sản ở cửa hàng tiện lợi tại quận 1, TP HCM
Cần nơi lưu giữ riêng
Theo Công an TP HCM, ngoài số lượng người nước ngoài lang thang gia tăng thì số người nước ngoài vi phạm pháp luật tại TP HCM qua các năm có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Việc những người nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng chưa củng cố chứng cứ để khởi tố đang làm đau đầu các cơ quan liên quan bởi thả ra thì trốn, còn giữ lại thì không có chỗ lưu giữ.
Công an TP phân tích hiện nay, Bộ Công an có 2 nhà lưu giữ người nước ngoài vi phạm pháp luật trong thời gian chờ trục xuất. Theo đó, từ Đà Nẵng trở vào miền Nam chỉ có 1 nhà lưu giữ đặt ở Long An. Vì thiếu chỗ nên để đưa người nước ngoài phạm pháp vào cơ sở lưu giữ này phải làm thủ tục rất nhiêu khê và khó khăn. Từ đó, Công an TP kiến nghị Bộ Công an cho Công an TP có nơi lưu giữ người nước ngoài vi phạm riêng với cơ chế rõ ràng.
Về kiến nghị có nhà lưu giữ dành riêng cho người nước ngoài, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng tình và cho rằng đây là một quyết định cần thiết. Bởi theo ông, TP HCM có khoảng 13 triệu người sinh sống và làm việc, trong đó có rất nhiều người nước ngoài, chưa kể lưu lượng người nước ngoài nhập cảnh để du lịch, làm việc. Trong trường hợp phát sinh, có nhu cầu lưu giữ mà nhà lưu giữ ở Long An lại quá tải thì đây là thiếu sót lớn.
Tội phạm núp trong căn hộ cho thuê
Theo thống kê, TP HCM có hơn 60.700 căn hộ cho thuê. Nơi đây, không ít đối tượng lợi dụng để phạm tội mại dâm, bay lắc, tội phạm công nghệ cao. Trong năm 2019, lực lượng chức năng phát hiện 1.081 trường hợp sai phạm liên quan đến căn hộ cho thuê.
Trong khi đó, theo trung tá Nguyễn Văn Thơ – Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM – việc quản lý các căn hộ cho thuê là rất khó khăn vì Nghị định 96 năm 2016 quy định việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thuộc về lực lượng công an. Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở hiện nay thì quy định không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích khác ngoài việc để ở. Việc cấp giấy đăng ký kinh doanh thì các cơ quan chức năng xác định loại hình cho thuê lưu trú ngắn ngày, theo giờ tại căn hộ chung cư là trái quy định Luật Nhà ở. Do đó, khi cấp giấy phép kinh doanh, các cơ quan cấp theo loại hình dịch vụ cho thuê nhà để ở nhưng loại trừ dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn ngày. Vì vậy, cơ quan công an không thể cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Từ đó, trung tá Nguyễn Văn Thơ kiến nghị Đoàn ĐBQH TP HCM xem xét để giải thích việc áp dụng quy định pháp luật trong việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày có phải là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Nhà ở hay không.
Thí điểm cơ chế phạt “nguội” ở lĩnh vực giao thông
Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH TP HCM cũng đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về tình hình thi hành Luật XLVPHC trên địa bàn TP, giai đoạn từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2019.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, giai đoạn trên, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chiếm tỉ lệ cao nhất, với 83,36%; kế đến là đường thủy (9,5%) và hạ tầng giao thông đường bộ (7,14%). Tuy nhiên, việc XLVPHC bộc lộ nhiều bất cập và khó khăn. Cụ thể, XLVPHC phạm vi rộng, trách nhiệm của nhiều bộ – ngành, địa phương nên các nghị định về xử lý liên quan rất nhiều văn bản pháp luật. Trong khi nếu các văn bản làm căn cứ ban hành sửa đổi, bổ sung thì những nghị định về XLVPHC cũng phải sửa đổi tương ứng. Thế nhưng, nhiều văn bản không thay đổi đồng thời, gây khó cho việc áp dụng. Bên cạnh đó, đối với việc xác định đối tượng vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt, thẩm quyền xử lý… cũng đang tồn tại nhiều bất cập.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM kiểm tra, xử lý đối với xe khách hoạt động trên địa bàn. Ảnh: GIANG ANH
Trước thực tế nêu trên, phía Sở GTVT TP kiến nghị cấp có thẩm quyền cần cập nhật, sửa đổi các quy định phù hợp. Đồng thời, với việc xử phạt nguội – được xem là công tác hữu hiệu nâng cao tính tự giác và hiệu quả trong việc xử lý các vi phạm, Sở GTVT kiến nghị trong việc xây dựng, sửa đổi Luật XLVPHC cần luật hóa xử phạt nguội để nâng cao tính pháp lý và đồng bộ trong sự phối hợp. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện nay, xử phạt nguội có nhiều hạn chế, ngoài việc do thiếu trang thiết bị thì chưa có hành lang pháp lý quy định cụ thể… Vì vậy, TP đang làm các thủ tục liên quan và dự kiến quý III năm nay sẽ thí điểm cơ chế xử phạt nguội, phối hợp ngành đăng kiểm treo bảng không đăng kiểm các trường hợp vi phạm mà không chấp hành xử phạt…
Trước những vấn đề trên, phía Đoàn ĐBQH TP HCM đề nghị Sở GTVT tiếp tục rà soát và phân tích lại một vi phạm cụ thể ở lĩnh vực giao thông. Đồng thời, từ thực tế quản lý, xác định có những hành vi vi phạm nào cần bổ sung, đưa vào quy định xử phạt hoặc theo đặc thù của TP, có thể nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, sửa đổi trong các hành vi, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt… để phù hợp hơn.
G.Minh