Việc làm là gì? Quyền làm việc của người lao động như thế nào?
Việc làm là một khái niệm không còn xa lạ gì đối với người lao động, người sử dụng lao động. Chúng ta đều biết việc làm là vấn đề quan trọng ảnh hưởng không chỉ tới từng cá nhân mà còn cả xã hội và nền kinh tế. Một quốc gia có phát triển được hay không phụ thuộc vào sự phát triển về việc làm của quốc gia đó. Vậy việc làm là gì? Quyền làm việc của người lao động được thể hiện như thế nào trong Bộ luật lao động năm 2019? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
I. Khái niệm việc làm
Theo Điều 9 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Điều 9. Việc làm, giải quyết việc làm
1. Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm.
2. Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm.”
Theo quy định trên, có hai yếu tố để một hoạt động trở thành việc làm:
– Hoạt động đó tạo ra thu nhập: Thu nhập ở đây có thể là tiền lương, sản phẩm nhưng phục vụ cho cuộc sống của người lao động.
– Hoạt động đó không bị pháp luật cấm: Các công việc bị pháp luật cấm có thể là các công việc phải thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, như mua bán người, bộ phận cơ thể người, kinh doanh mại dâm, mua bán ma túy, mua bán động thực vật hoang dã, kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính,…
Việc làm là hoạt động quan trọng trong xã hội loài người nói chung. Vì có việc làm thì người lao động mới có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống còn người sử dụng lao động mới có người thực hiện các công việc đáp ứng nhu cầu của mình. Ngược lại, nếu không có việc làm, người lao động có thể phạm tội để kiếm tiền, sa vào tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cho cộng đồng và người sử dụng lao động không thể phát triển trên những gì đã có. Càng có nhiều việc làm, thị trường lao động và nền kinh tế càng phát triển, vì vậy Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội đều có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, đảm bảo cho những người lao động có khả năng lao động đều có cơ hội việc làm.
II. Quyền làm việc của người lao động
Theo Điều 10 Bộ luật lao động năm 2019:
“Điều 10. Quyền làm việc của người lao động
1. Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.”
Theo quy định trên, người lao động có 02 quyền làm việc cơ bản:
– Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm: Đây là quyền được tự do lựa chọn người sử dụng lao động và địa điểm thực hiện công việc của người lao động. Người lao động khi làm việc không bị ràng buộc phải làm cho bất kỳ đối tượng nào, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không muốn làm việc cho người sử dụng lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng không được phép ép buộc người lao động làm những công việc họ không tự nguyện làm (được quy định tại Điều 8 Bộ luật lao động 2019). Tương tự như vậy đối với địa điểm lao động, khi thỏa thuận hợp đồng lao động, người lao động thỏa thuận với người sử dụng về địa điểm lao động, nơi làm việc, nếu người lao động không muốn làm việc tại địa điểm mà người sử dụng lao động chỉ định, người lao động có thể không giao kết hợp đồng. Trong quá trình làm việc, nếu người sử dụng lao động không bố trí nơi làm việc như trong hợp đồng lao động, thay đổi nơi làm việc không không phù hợp, người lao động cũng có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với người làm việc không trong quan hệ lao động, cũng có quyền lựa chọn người sử dụng lao động cho mình và thỏa thuận về địa điểm làm việc trước khi bắt đầu làm việc.
– Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình: Người lao động có thể liên kết với người sử dụng lao động qua hai hình thức là trực tiếp hoặc qua tổ chức dịch vụ việc làm. Người lao động không bị giới hạn các phương thức tìm kiếm việc làm, miễn là việc làm phù hợp với nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình. Đồng thời, người lao động khi khoong nắm vững được công việc nào phù hợp với bản thân có thể thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, tư vấn về công việc phù hợp.
Như vậy, việc làm và quyền làm việc của người lao động, người làm việc không trong quan hệ lao động cũng được ghi nhận trong Bộ luật lao động năm 2019. Các quy định này tương đối đơn giản và dễ hiểu, nêu đầy đủ các điều kiện cấu thành việc làm và các quyền cơ bản khi một người lao động lựa chọn việc làm, thực hiện làm việc.
Luật Hoàng Anh