[:vi]Thông Tin Mới Nhất Về Kỳ Thi THPT Quốc Gia 2019 – Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo[:]
Mục Lục
Ngày 11/05/2019 đã diễn ra chương trình Gặp gỡ, cung cấp thông tin cho các phóng viên phụ trách lĩnh vực giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào Tạo. Những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã được thông báo tại đây.
Trường đại học, cao đẳng: trách nhiệm sẽ nặng hơn
Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho dù giải pháp kỹ thuật, quy trình tổ chức thi có chặt chẽ đến đâu thì việc đảm bảo an toàn, khách quan cho kỳ thi vẫn lệ thuộc vào yếu tố con người. Cũng vì thế nên ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, sẽ tăng cường vai trò của trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ được tăng cường và quy định cụ thể hơn.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, quy định về tập huấn, thanh tra, giám sát năm nay được quan tâm. Trong đó Bộ GD-ĐT sẽ mời cơ quan công an tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận công nghệ cao.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường theo hướng người làm công tác này phải hiểu rõ quy chế, quy trình, gắn với trách nhiệm cụ thể; tăng cường sự tham gia của cán bộ am hiểu, có nghiệp vụ về công tác thanh tra, có tinh thần trách nhiệm đến từ các trường ĐH, CĐ.
Bốc thăm phân cán bộ coi thi, bốc thăm phương án phát đề thi trắc nghiệm
Theo quy định, các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan, phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi.
Ngoài ra, việc cách thức phát đề thi trắc nghiệm cũng sẽ được bốc thăm để chọn 1 trong 2 phương án.
Bộ GD-ĐT cũng quy định thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi. Cụ thể là sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng 01 lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi là cán bộ của ĐH, CĐ. Sau khi dán nhãn thì dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.
“Bốc thăm để phân giám thị vào phòng thi, bốc thăm để chọn phương án phát đề thi trắc nghiệm là điểm mới rất quan trọng nhằm ngăn ngừa gian lận có thể xảy ra ở khâu coi thi”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Để tránh việc gian lận ở đối tượng thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên, năm nay, hai đối tượng thí sinh này sẽ không được xếp phòng thi riêng mà phải trộn với 60% thí sinh là học sinh lớp 12 THPT trong mỗi phòng thi.
Theo ông Trinh, phương án sắp xếp phòng thi, phòng chờ tại các điểm thi được tối ưu hóa với sự trợ giúp của phần mềm nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn tại điểm thi.
Quy định mới việc trực đêm ở phòng lưu trữ đề thi, bài thi
Việc in sao, vận chuyển, quản lý đề thi, bài thi sẽ được siết chặt. Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát 24/24 giờ, có lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ.
Quy định chặt chẽ hơn cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi. Đặc biệt, việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do Phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của ĐH, CĐ thực hiện.
Quy trình chấm thi có nhiều điều chỉnh
Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Hiện Bộ GD-ĐT đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi (bao gồm cả dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và kết quả chấm thi cuối cùng).
Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng tiến hành “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh. Việc điều chỉnh phần mềm chấm thi cũng nhằm tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng.
Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi. Năm nay Bộ GD-ĐT cũng tiến hành đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để ngăn ngừa việc can thiệp, gian lận.
Về chấm tự luận (bài thi Ngữ văn), theo ông Mai Văn Trinh thì phải giao cho sở GD-ĐT vì hầu hết các trường ĐH, CĐ không đủ điều kiện về giám khảo chấm thi. Nhưng quy định của Bộ GD-ĐT cũng chặt chẽ.
Cụ thể sẽ bốc thăm giao túi bài thi, giám khảo chấm hai vòng độc lập. Khâu làm phách được cách ly trong suốt quá trình chấm thi để bảo mật số phách. Việc chấm kiểm tra 5% số bài thi ngẫu nhiên, nhưng có thêm điểm mới là sẽ chấm kiểm tra tất cả các bài thi tự luận có điểm cao trong hội đồng chấm thi.
Việc nhập điểm thi tự luận cũng thực hiện quy trình 2 vòng độc lập, sau khi khớp mới đưa lên hệ thống để tránh sai sót.
Chủ động phân tích kết quả thi, phát hiện dấu hiệu bất thường
Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ chủ động tiến hành phân tích, đánh giá các chỉ số thống kê kết quả thi của các Hội đồng thi và của cả nước để kịp thời phát hiện và chủ động có phương án xử lý các sai sót hay gian lận (nếu có) trước khi công bố kết quả thi.
Ông Mai Văn Trinh cũng nhấn mạnh, căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi.
Đề thi tăng cường câu hỏi mở
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Bộ tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây) để tăng ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia.
Theo Tuoitre.vn
—————
Trường Đại học Công nghệ Đông Á
Tòa nhà Polyco Group, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 024 6262 7797
Email: [email protected]
NỘP HỒ SƠ
–
NỘP HỒ SƠ