Vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra, thực trạng và kiến nghị hướng đổi mới trong Luật Thanh tra (sửa đổi)

Vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra, thực trạng và kiến nghị hướng đổi mới trong Luật Thanh tra (sửa đổi)

(ThanhtraVietNam) – Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thời gian qua đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội… Bên cạnh những thành tựu đó, thực tiễn công tác quản lý nhà nước cũng cho thấy, có nhiều vụ việc vi phạm, tiêu cực, tham nhũng đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Theo số liệu tổng kết thì trong nhiệm kỳ của Đại hội XII: “Riêng ngành Thanh tra phát hiện tham nhũng với tài sản 477 nghìn tỷ đồng và hơn 8.600 ha đất, kiến nghị xử lý 8.700 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 451 vụ, 648 đối tượng” (1).

Mặc dù cơ quan thanh tra, kiểm tra ở các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng các vi phạm, tiêu cực vẫn diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai, quản lý dự án đầu tư xây dựng, tài chính công, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước… Nguy hiểm hơn là các biểu hiện vi phạm, tiêu cực ngày càng trở nên tinh vi, khó phát hiện.

Để xảy ra những hậu quả xấu nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, như: Hệ thống chính sách, pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, đã tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng vi phạm; cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát của Nhà nước ta chưa chặt chẽ, hiệu quả. Bên cạnh đó, do tác động của cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ, công chức chạy theo những lợi ích vật chất tầm thường, bất chấp pháp luật, đạo đức, suy thoái về tư tưởng chính trị để thực hiện hành vi trục lợi… Trong nhiều nguyên nhân nói trên, có một nguyên nhân quan trọng, đó là hoạt động của các cơ quan Thanh tra Nhà nước nhìn chung vẫn chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao hơn của công tác quản lý nhà nước, chưa đáp ứng hết những đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của Nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả công tác của ngành Thanh tra còn có mặt hạn chế.

Thực trạng này cho thấy vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra chưa phù hợp; tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra còn thiếu tính hệ thống, chưa tạo ra sự chủ động, độc lập cần thiết để đảm bảo tính khách quan, kịp thời trong quá trình hoạt động; quyền hạn của các cơ quan thanh tra chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; chưa có cơ chế phù hợp để bảo đảm thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị về thanh tra…

Thiết nghĩ, để các cơ quan thanh tra thực sự trở thành một thiết chế hành chính, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm, cần phải có nhận thức mới về vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra.

leftcenterrightdel

TS. Nguyễn Huy Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra phát biểu khai giảng một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên chính, tháng 2/2021. Ảnh: K. Dung

1. Bất cập về vị trí, vai trò của các cơ quan Thanh tra Nhà nước trong Luật Thanh tra năm 2010

Theo Luật Thanh tra năm 2010, tổ chức của các cơ quan có chức năng thanh tra được thiết kế theo mô hình gắn liền với cấp hành chính, đồng thời hình thành các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực như cục, tổng cục, chi cục… Các cơ quan Thanh tra Nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về tổ chức, biên chế, kinh phí, phương tiện làm việc, chương trình, kế hoạch công tác thanh tra… đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức, nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra Nhà nước cấp trên. Với việc thiết kế mô hình tổ chức như trên, cho thấy dường như có sự mâu thuẫn trong việc xác định vị trí, vai trò của các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Một mặt, Luật Thanh tra yêu cầu hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật, nhưng mặt khác lại đặt cơ quan thanh tra phụ thuộc quá nhiều vào thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. Từ đó dẫn đến tình trạng mất tính khách quan trong hoạt động, giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Đồng thời, cũng chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hoạt động thanh tra của Nhà nước với hoạt động kiểm tra của chính người quản lý trong bộ máy nhà nước.

Ngoài ra, cũng do chưa có sự phân biệt rành mạch giữa hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành với hoạt động kiểm tra chuyên ngành để thực hiện chức năng kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, khiến cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành trở nên dày đặc, gây bức xúc cho các tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra kiểm tra. Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi cũng đã nêu rõ thực trạng: “Tổ chức, bộ máy các cơ quan Thanh tra Nhà nước hiện nay hết sức dàn trải, phân tán và thiếu tính thống nhất. Sự phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giữa thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý nhà nước”. (2)

Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra cũng cho thấy chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra. Đó chính là sự chồng chéo, trùng lắp giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, thể hiện qua phạm vi thanh tra giữa thanh tra tỉnh với thanh tra sở; giữa thanh tra bộ, ngành với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, làm giảm trách nhiệm của các ngành trong chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, bản chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên, chủ yếu là nhiệm vụ phát hiện và xử lý vi phạm với đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong đời sống kinh tế – xã hội để bảo đảm trật tự quản lý với nhiều hình thức, phương pháp kiểm tra đa dạng, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực, nhưng Luật Thanh tra 2010 đã đưa các hình thức, phương pháp thanh tra chuyên ngành “cứng nhắc” như thanh tra hành chính là khó thực hiện.

Việc thực hiện các quyền của những người tiến hành thanh tra đã được quy định trong Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra. Tuy nhiên, bên cạnh những quyền đã được pháp luật quy định thì thực tiễn cũng cho thấy việc trao quyền cho các cơ quan thanh tra khi phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm rất hạn chế, điều này dẫn đến hạn chế hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra.

2. Một số đề xuất, kiến nghị hướng đổi mới về vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra

Nhìn lại lịch sử hơn 75 năm qua của ngành Thanh tra Việt Nam cho thấy, vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra chịu ảnh hưởng, chi phối lớn từ quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đổi mới hệ thống chính trị, việc nghiên cứu, tìm tòi để xác lập vị trí, vai trò mới của thanh tra, sao cho đáp ứng với yêu cầu của công tác quản lý trong điều kiện mới càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hoạt động của các cơ quan thanh tra một mặt vẫn phải tiếp tục phát huy được vai trò nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mặt khác, phải thực sự là một thiết chế góp phần phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm, góp phần giữ kỷ cương, kỷ luật về hành chính.

Đồng thời, việc nghiên cứu, đổi mới về vai trò của các cơ quan thanh tra cũng phải gắn với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, gắn với công cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật. Đặc biệt là phải gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải gắn với đổi mới hệ thống chính trị” (3). Điều này đặt ra yêu cầu đổi mới về vị trí, vai trò của thanh tra phải gắn với việc đổi mới về hệ thống chính trị, đổi mới tổng thể cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Trước hết, cần phải nhắc lại, để xác định vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra, chúng ta phải tiếp tục quán triệt quan điểm Lê nin, rằng: Thanh tra với quản lý là một, chứ không phải là hai. Như vậy, vị trí của cơ quan thanh tra vẫn phải đặt ở các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp, nhưng thanh tra phải là thiết chế để kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp. Tuy nhiên, cần phải định hình rõ vị trí, vai trò của thanh tra trên cơ sở phân biệt rành mạch 2 khái niệm “thanh tra” và “kiểm tra”. Đây chính là điểm hạn chế cả về mặt lý luận và thực tiễn trong các văn bản pháp luật trước đây, cũng như từ kết quả nghiên cứu của một số đề tài, công trình nghiên cứu khoa học.

Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước “Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước” do Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) tổ chức nghiên cứu năm 2002 chỉ ra rằng: “Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì kiểm tra bao hàm thanh tra, hay nói cách khác thanh tra là một loại hình đặc biệt của kiểm tra mà ở đó nó luôn luôn do một loại chủ thể là Nhà nước tiến hành và luôn luôn mang tính quyền lực nhà nước, với sự độc lập tương đối. Ngược lại, nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì thanh tra cũng bao hàm kiểm tra. Các hoạt động, các thao tác nghiệp vụ trong một cuộc thanh tra thường chính là kiểm tra”. (4)

Như vậy, với phân tích nêu trên cho thấy chưa duy danh định nghĩa về hoạt động thanh tra hoặc hoạt động kiểm tra để có sự phân biệt rành mạch giữa 2 loại hoạt động này. Nếu giải quyết thấu đáo được sự phân biệt giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra thì sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong việc thiết kế về mô hình tổ chức, vị trí, vai trò của thanh tra phù hợp với yêu cầu công tác quản lý hiện nay.

Trong Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi (ngày 22/8/2021) đã từng bước làm rõ hai khái niệm thanh tra với kiểm tra. Theo đó, tại khoản 1 Điều 2 giải thích về khái niệm thanh tra là “hoạt động của cơ quan thanh tra có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định để xem xét, đánh giá, xử lý việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”. Bên cạnh đó, mặc dù chưa duy danh định nghĩa khái niệm kiểm tra, nhưng tại Điều 4 Dự thảo có quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước các cấp trong việc thực hiện hoạt động kiểm tra… Như vậy, việc phân biệt hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra trong Dự thảo lần này dựa trên tiêu chí chủ thể tiến hành hoạt động là chưa phù hợp, bởi lẽ nguyên tắc để xác định vai trò của thanh tra, kiểm tra đều là gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước. Vì vậy ngay cả thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể tiến hành thanh tra, chứ không chỉ tiến hành hoạt động kiểm tra như Dự thảo đã đưa ra.

Trước hết, cần phải làm rõ vì sao chưa có sự phân biệt rành mạch giữa 2 khái niệm thanh tra, kiểm tra nói trên. Có lẽ là bởi vì, khi đem ra so sánh hai khái niệm này như so sánh hai phân số thì lại chưa có sự quy đồng về cùng một mẫu số đối với tử số là hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra. Nếu hoạt động thanh tra chỉ có thể là của cơ quan nhà nước tiến hành như quy định: “Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành (5)”, thì khái niệm kiểm tra rất đa dạng, đó có thể là hoạt động kiểm tra Đảng, hoạt động kiểm tra của Nhà nước, kiểm tra của xã hội… Vì vậy, nên chăng khi so sánh giữa hai khái niệm này cần quy đồng về cùng mẫu số là Nhà nước.

Kết quả nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ năm 2002 cũng chỉ ra rằng: “Hoạt động kiểm tra là công tác thường xuyên, liên tục của cấp trên đối với cấp dưới, do các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ tiến hành phù hợp với nội dung, mục đích của kiểm tra (không có thủ tục cứng cho tất cả các loại hình kiểm tra). Ở đây, kiểm tra được hiểu là hoạt động xem xét, đánh giá việc thực hiện các công việc trong hoạt động quản lý nhà nước; được thực hiện bởi chính các chủ thể quản lý hoặc bởi các bộ phận tham mưu, giúp việc theo ủy quyền quản lý (6)”. Như vậy, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, chúng ta nhận thấy hoạt động kiểm tra là do người quản lý thực hiện. Khi đưa ra một quyết định quản lý, người quản lý cần triển khai việc kiểm tra, nắm bắt tình hình việc thực hiện quyết định quản lý đó như thế nào, trên cơ sở đó đưa ra các quyết định tiếp tục, điều chỉnh, thay đổi quyết định hành chính ban đầu. Như vậy, có thể khẳng định hoạt động kiểm tra như một phương thức hoạt động của người quản lý.

Còn với khái niệm thanh tra, cần phải có sự nghiên cứu về mặt lý luận để làm rõ nội hàm của thuật ngữ này, mà trước hết phải từ giải thích trong từ điển:

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, thanh tra là “kiểm soát, xem xét tại chỗ việc làm của địa phương, cơ quan, xí nghiệp” (7). Với ý nghĩa, thanh tra bao hàm nghĩa kiểm soát nhằm: “Xem xét, phát hiện và ngăn chặn những gì trái với quy định”.

Trong khi đó, Từ điển Pháp luật Anh – Việt, thanh tra “là sự kiểm soát, kiểm kê đối với đối tượng bị thanh tra” (8).

Từ điển Luật học (tiếng Đức) giải thích “thanh tra là sự tác động của chủ thể đến đối tượng đã và đang thực hiện thẩm quyền được giao nhằm đạt được mục đích nhất định – sự tác động có tính trực thuộc” (9).

Thanh tra (động từ trong tiếng Anh là Inspect), xuất phát từ gốc Latinh (Inspectare) có nghĩa là “nhìn vào bên trong”, chỉ một sự kiểm tra, xem xét từ bên ngoài đối với hoạt động của một đối tượng nhất định.

Như vậy, có lẽ thanh tra khác với hoạt động kiểm tra ở chỗ, nếu hoạt động kiểm tra là một phương thức của quản lý, một khâu trong một chu trình quản lý của chính bản thân người quản lý thì hoạt động thanh tra đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn hoạt động kiểm tra. Mặt khác, nó phải có tính độc lập khách quan, được đứng từ bên ngoài của quản lý để nhìn nhận, đánh giá trở lại với công tác quản lý ở các cấp, các ngành. Như kết quả nghiên cứu khoa học của Thanh tra Nhà nước năm 2002: “Hoạt động thanh tra chỉ tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm các chuẩn mực quản lý hoặc theo yêu cầu bức xúc của quản lý, do một bộ phận chuyên trách thực hiện theo một trình tự, thủ tục được pháp luật quy định chặt chẽ. Mục đích của hoạt động thanh tra không chỉ nhằm chấn chỉnh quản lý mà còn có tính chất tài phán làm rõ đúng, sai, xác định nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp sửa chữa hữu hiệu (10)”.

Với những phân tích, luận giải ở trên, cho thấy rất cần phải làm rõ nội hàm, hình thức, phương thức của 3 loại hình thanh tra, kiểm tra sau:

Thứ nhất, với hoạt động kiểm tra của người quản lý (i), trong bộ máy hành chính nhà nước, nó được nhìn nhận như một khâu, một chức năng tự xem xét lại các quyết định quản lý của mình để có biện pháp tác động, phục vụ cho công tác quản lý của mình. Với hoạt động kiểm tra này, chính là hoạt động kiểm tra mang tính tự thân của người quản lý, nên nó là hoạt động diễn ra bất cứ lúc nào trong quá trình quản lý, nó có thể là hoạt động kiểm tra thường xuyên, cũng là hoạt động kiểm tra đột xuất khi phát hiện có vấn đề trong công tác quản lý.

Người quản lý có thể là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, giám đốc sở… có thể tổ chức một đơn vị (bộ phận) được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đề xuất với người quản lý chấn chỉnh công tác quản lý ở ngành, địa phương mình. Phương thức hoạt động kiểm tra sẽ phải đơn giản, thuận tiện để kịp thời phục vụ cho hoạt động quản lý của người thủ trưởng.

Thứ hai, hoạt động thanh tra (ii), đây cũng là một hình thức để xem xét lại công tác quản lý, nhưng ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, nó được thiết kế như một thiết chế hành chính để có tính phán quyết đúng, sai đối với hoạt động quản lý, vì vậy đòi hỏi thanh tra phải có tính độc lập trong hoạt động, như nội hàm của từ thanh tra xuất phát từ gốc Latinh (Inspectare) có nghĩa là “nhìn vào bên trong”, đó là các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Các cơ quan này sẽ qua công tác nắm tình hình, từ dư luận xã hội quan tâm… để tiến hành thanh tra với tính chất như “hậu kiểm”. Với yêu cầu là một thiết chế hành chính thì cán bộ, thanh tra viên ở các cơ quan thanh tra phải có nghiệp vụ thanh tra một cách chuyên nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật.

Các cơ quan thanh tra tổ chức theo hệ thống dọc với biên chế thật tinh gọn:

– Ở Trung ương: Có cơ quan Thanh tra Chính phủ trực thuộc Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Chính phủ tiến hành nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý của Chính phủ.

– Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Có thể tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp tỉnh hoặc theo khu vực (một số tỉnh, thành phố có sự phù hợp về điều kiện địa lý…), trực thuộc và chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện từ Thanh tra Chính phủ về công tác, tổ chức, nghiệp vụ, tiến hành các nhiệm vụ thanh tra theo phân cấp quản lý ở địa bàn cấp tỉnh.

– Ở cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Có thể tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp huyện hoặc theo khu vực (một số huyện có sự phù hợp về điều kiện địa lý…), trực thuộc và chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện từ thanh tra ở cấp tỉnh về công tác, tổ chức, nghiệp vụ, tiến hành các nhiệm vụ thanh tra theo phân cấp quản lý ở địa bàn cấp huyện.

Một vấn đề nữa, cũng cần phải nhắc đến khi thiết kế mô hình tổ chức, hoạt động thanh tra, đó là cần phải nghiên cứu, đề xuất quy định để nâng cao vị thế của người đứng đầu cơ quan thanh tra. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Từ thực tiễn khảo sát mô hình tổ chức thanh tra, kiểm tra của một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia; Trung Quốc… Với đặc thù của Việt Nam, có một Đảng cầm quyền được xác lập trong Hiến pháp năm 2013, đối tượng của hoạt động thanh tra là cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng chính những người đó lại là đảng viên trong thực hiện chức trách của đảng viên ở cơ quan, đơn vị. Để tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra Đảng, nên chăng nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan thanh tra với lãnh đạo của ủy ban kiểm tra cùng cấp (11).

– Phương thức tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, nên vị trí của thanh tra chuyên ngành sẽ là các tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Mô hình tổ chức, hoạt động của hình thức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành này sẽ do Chính phủ quy định.

Với cách xác định 3 hình thức thanh tra, kiểm tra nêu trên có ưu điểm sẽ phân biệt rạch ròi giữa hoạt động tự kiểm tra của người quản lý với hoạt động thanh tra – một thiết chế phát hiện và xử lý vi phạm của bộ máy hành chính, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về tính độc lập trong tổ chức, hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2010 hiện nay.

Riêng với hoạt động thanh tra (ii), từ việc xác định vị trí của nó đặt tại hành pháp, nhưng là thiết chế để phát hiện và xử lý vi phạm nên cần bổ sung cho các cơ quan thanh tra những quyền hạn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm như quyền về đình chỉ hành vi vi phạm, đình chỉ công tác đối với những cán bộ mà qua thanh tra cho thấy có căn cứ rõ ràng về việc xác định hành vi vi phạm; quyền tham gia vào quá trình xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân như thanh tra phải là thành viên bắt buộc của hội đồng kỷ luật…

TS. Nguyễn Huy Hoàng – Giảng viên Cao cấp

Phó Hiệu trưởng, Trường CBTT – TTCP

Chú thích:

(1) PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Kết quả nổi bật của Đại hội XII về xây dựng Đảng; Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1/2021;

(2) Tờ trình 2434/TTr-TTCP ngày 26/12/2019 của Thanh tra Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi;

(3) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII;

(4), (6), (10) Trần Đức Lượng, Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước”, năm 2002;

(5) Khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010 về giải thích từ ngữ :”Thanh tra Nhà nước”;

(7) Viện Ngôn ngữ học, “Từ điển Tiếng Việt”, NXB Từ điển Bách Khoa, (năm 1998);

(8) Từ điển Pháp luật Anh – Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1994, trang 203;

(9) Từ điển Luật học, NXB Orbis Bonn, (năm 1990), Tiếng Đức, trang 528;

(11) Đoàn Cán bộ cấp cao của Thanh tra Chính phủ, “Báo cáo kết quả khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa dân chủ Lào và Vương quốc Campuchia”, (năm 2016);

(12) Sách “Tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của một số nước trên thế giới:, NXB Chính trị quốc gia, (năm 2001), trang 10.