Vì sao xác nhận Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú?
Như đã biết, việc xác nhận Sơ yếu lý lịch có thể thực hiện ở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn bất kỳ, không căn cứ vào nơi thường trú hay tạm trú. Vậy lý do vì sao xác nhận Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú?
Xác nhận Sơ yếu lý lịch chỉ là xác nhận chữ ký
Theo hướng dẫn tại Công văn số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/03/2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch, người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.
Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai Sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng.
Do đó, trước đây các UBND cấp xã khi xác nhận sơ yếu lý lịch phần lớn đều thực hiện xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch.
Tuy nhiên, từ ngày 10/4/2015 – Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực thì xác nhận sơ yếu lý lịch chỉ là xác nhận chữ ký của người yêu cầu.
Cụ thể, tại điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định này, thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân.
Mà chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
Thêm vào đó, Công văn số 873/HTQHCT-CT ngày 25/8/2017 về chứng thực Sơ yếu lý lịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhấn mạnh:
Tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch.
Như vậy, hiện nay, chứng thực Sơ yếu lý lịch cá nhân chỉ chứng thực chữ ký, không còn chứng thực nội dung.
Vì sao xác nhận Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú? (Ảnh minh họa)
Xin xác nhận Sơ yếu lý lịch ở đâu?
Căn cứ vào các quy định nêu trên, chứng thực Sơ yếu lý lịch là thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký – chứng thực chữ ký là của người khai sơ yếu lý lịch. Do đó, người có yêu cầu chứng thực Sơ yếu lý lịch có thể thực hiện tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký sau:
1. UBND cấp xã bất kỳ không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú hay nơi đăng ký tạm trú.
UBND cấp xã đều có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản (trừ chứng thực chữ ký người dịch) nên đều có thể chứng thực việc người khai lý lịch đã ký trước mặt họ và chữ ký đó là của người khai lý lịch.
2. Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng;
3. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Như vậy, khi chứng thực Sơ yếu lý lịch, mọi người có thể lựa chọn 1 trong các cơ quan, tổ chức nêu trên để làm thủ tục mà không cần phải về nơi thường trú miễn là thuận tiện.
Nguồn luatvietnam