Vì sao phim xã hội đen luôn được yêu thích ở Hong Kong?

Dù đã gần 40 năm sau thời kỳ hoàng kim, điện ảnh Hong Kong vẫn giậm chân mãi với các tác phẩm lấy đề tài xã hội đen, cảnh sát điều tra và thiếu đi những tác phẩm đột phá, mới mẻ.

Tiếp tục khai thác thế mạnh vốn có là các chất liệu xã hội đen, giang hồ, cảnh sát hình sự để duy trì thương hiệu nhận diện hay bứt phá, đổi mới và tạo nên những bộ phim khác biệt, hợp thời đại là sự lựa chọn đặt ra cho các nhà làm phim xứ Cảng thơm.

Xã hội đen – thương hiệu nhận diện của điện ảnh Hong Kong

Nhắc tới điện ảnh Hong Kong, các phim hành động lấy đề tài trinh sát, xã hội đen sẽ là thứ mà nhiều khán giả sẽ nghĩ đến đầu tiên. Những tác phẩm xoay quanh cuộc chiến giữa giới giang hồ, xã hội đen và cảnh sát hình sự đã được xem là “thương hiệu nhận diện” của điện ảnh Hong Kong từ những năm 1970 đến nay.

Các bộ phim hình sự, truy lùng tội phạm, đấu đá giữa các băng nhóm xã hội đen luôn là quân bài chủ chốt, giúp định hình phong cách và tạo nên bộ mặt không thể lẫn vào đâu được của điện ảnh xứ Cảng Thơm thời kỳ hoàng kim.

Trong thập niên 1980 -1990, có thể kể đến một số bộ phim xã hội đen đã trở thành kinh điển như Anh hùng bản sắc (1986), Long hổ phong vân (1987), Điệp huyết song hùng (1989), Lạt thủ thần thám (1992), Người trong giang hồ (1996), Ám hoa (1998).

Vi sao phim xa hoi den luon duoc yeu thich o Hong Kong? hinh anh 1

Anh hùng bản sắc là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hong Kong.

Từ đó, cụm từ “xã hội đen Hong Kong” còn dùng để gọi vắn tắt cho nền điện ảnh Hong Kong một thời. Hay việc chỉ cần đó là một bộ phim dán mác “phim giang hồ Hong Kong” thì lập tức trở nên ăn khách. Câu hỏi vì sao Hong Kong lại chuộng phim đề tài này đến vậy chắc chắn là thắc mắc của không ít người.

Thậm chí, thời điểm những năm 1980, 1990, gu thưởng thức phim ảnh của khán giả châu Á hoàn toàn bị định hướng bởi các phim xã hội đen Hong Kong.

Ngay cả các nhà làm phim Trung Quốc cũng cố gắng bắt chước Hong Kong nhưng sự thật rằng không có nền điện ảnh nào, kể cả phương Tây có thể cạnh tranh với xứ Cảng Thơm về mảng đề tài xã hội đen.

Hong Kong làm phim xã hội đen hay vì vùng đất này là nơi trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hỗn loạn. Nguồn tư liệu phong phú lấy từ thực tế là gia vị quan trọng nhất làm nên các bộ phim hấp dẫn về đề tài giang hồ.

Từ những năm 1970, thế lực “hắc bang” ở Hong Kong vô cùng lớn mạnh. Giới giang hồ đã nảy mầm và phát triển lớn mạnh trong hoàn cảnh này. Giao dịch ma túy ở Hong Kong thời bấy giờ cũng thuộc loại “khủng” ở Đông Á, gần như không ai có thể kiểm soát nổi.

Đó là thời kỳ mà các băng đảng xã hội đen xuất hiện ở khắp các ngóc ngách ở Hong Kong. Chính vì vậy, làm phim về giới giang hồ cũng là cách mà Hong Kong tận dụng ưu thế khác biệt của mình.

Vi sao phim xa hoi den luon duoc yeu thich o Hong Kong? hinh anh 2

Xã hội đen Hong Kong đã trở thành một thương hiệu nhận diện của nền điện ảnh xứ Cảng thơm.

Tổng thể, từ nguồn chất liệu thực tế phong phú, đạo diễn tài năng, diễn viên xuất chúng cùng sự yêu thích của rất đông khán giả, phim về xã hội đen, hình sự của đã trở thành “tấm danh thiếp” của điện ảnh Hong Kong cho đến tận ngày hôm nay.

Bám víu thời vàng son?

Sau hơn 40 năm, khi thời kỳ hoàng kim đã không còn, điện ảnh Hong Kong vẫn mãi dậm chân ở thể loại phim giang hồ hay cảnh sát điều tra tội phạm thì liệu có nên đặt dấu hỏi? Liệu các nhà làm phim trẻ ở thành phố này có đang cố bám víu thời vàng son đã qua?

Trước sự lấn át ngày càng mạnh mẽ của “con rồng” Trung Quốc và sự tấn công của thị trường phim ảnh Hollywood, Đông Nam Á, điện ảnh Hong Kong khó lòng duy trì sự huy hoàng năm xưa bởi phương pháp làm phim đã cũ.

Câu hỏi đặt ra là sự sáng tạo của nhà làm phim Hong Kong hiện nay không đủ để đưa ra những tác phẩm bứt phá hơn hay chất xám của những tài năng hầu như đều đã chảy về Đại lục?

Vi sao phim xa hoi den luon duoc yeu thich o Hong Kong? hinh anh 3

Vô gian đạo là một trong số tác phẩm hiếm hoi về xã hội đen Hong Kong xuất sắc từ sau thập niên 2000.

Dù đã hơn 30 năm trôi qua nhưng thị trường điện ảnh Hong Kong vẫn phủ ngập các bộ phim hình sự, tội phạm, xã hội đen được đều đặn ra mắt mỗi năm, vẫn là ngần ấy cái tên ngôi sao được nhắc đi nhắc lại suốt hàng chục năm.

Điểm lại những gương mặt được chọn đóng chính trong những bộ phim điện ảnh hiện nay vẫn là những cái tên như Châu Nhuận Phát, Lương Gia Huy, Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa, Cổ Thiên Lạc…Họ đều đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn là cái tên thu hút khách của điện ảnh Hong Kong chứ không phải là các tài năng trẻ khác.

Đạo diễn 28 tuổi Hoàng Tiến, người nhận giải Đạo diễn mới xuất sắc tại Kim Tượng năm 2017 nhận định: “So với 20 năm trước, phim Hong Kong bây giờ đã thiếu đi sự đa dạng, sáng tạo và lôi cuốn”.

Hoàng Tiến trăn trở về tương lai điện ảnh xứ Cảng thơm rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ Hong Kong đang ở đâu trong bản đồ điện ảnh? Đã đến lúc chúng ta cần phải tìm lại chính mình”.

Khi giang hồ không còn bao trùm Hong Kong, điện ảnh có gì?

Từ thập niên 2000 trở đi, các nhà điện ảnh Hong Kong đã nỗ lực tìm cách thoát ra khỏi khó khăn bằng các bộ phim sử dụng nhiều kĩ xảo, các phim hài kiểu mới hoặc các phim kinh dị, né tránh các yếu tố chính trị, xã hội gay gắt.

Một hãng phim mới mang tên Milkyway Image của đạo diễn Đỗ Kì Phong được thành lập và gặt hái thành công với các bộ phim xã hội đen mang phong cách hài hước.

Vi sao phim xa hoi den luon duoc yeu thich o Hong Kong? hinh anh 4

Hắc xã hội được xây dựng trên công thức làm phim ăn khách hơn khi kết hợp với yếu tố hài hước.

Trong thập niên 2000, sự trở lại của phim hình sự Hong Kong được đánh dấu bằng thành công vang dội cả về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu của Vô gian đạo (2002).

Tiếp nối đó là hai bộ phim võ thuật – hài Đội bóng Thiếu Lâm (2001) và Tuyệt đỉnh công phu (2004) đều do Châu Tinh Trì viết kịch bản, đạo diễn và thủ vai chính. Hãng phim của Đỗ Kì Phong cũng mang lại màu sắc tươi mới cho các phim xã hội đen truyền thống với hai phần phim Hắc xã hội (2005-2006).

Hơn 5 năm trở lại đây, điện ảnh Hong Kong có những bước khởi sắc khi cho ra đời những bộ phim trinh sát, điều tra tội phạm được đầu tư công phu về kỹ xảo, võ thuật.

Trong đó có thể kể đến là Sát Phá Lang (2005 – 2017), Thủ lĩnh cuối cùng (2012), Thân phận đặc biệt (2013), Điệp vụ đối đầu 1 & 2 (2012 – 2016), loạt phim Đội chống tham những (2014 – 2019), Bão trắng 1 & 2 (2013 – 2019), , Phi vụ tiền giả (2018), Sứ mệnh nội gián 1 & 2 (2016 – 2019). 

Năm 2018, cái tên nổi bật nhất là Phi vụ tiền giả – tác phẩm hành động tội phạm của đạo diễn Trang Văn Cường với sự hợp tác của hai cái tên lừng danh là Châu Nhuận Phát và Quách Phú Thành. Đây đã trở thành phim có nhiều đề cử nhất lịch sử của Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong với 17 đề cử.

Vi sao phim xa hoi den luon duoc yeu thich o Hong Kong? hinh anh 5

Đã gần 70 tuổi, Châu Nhuận Phát vẫn là cái tên hút khách cho bom tấn hình sự Phi vụ tiền giả.

Thậm chí, bộ phim còn được xem là “vị cứu tinh” giúp vực dậy nền điện ảnh Hong Kong đang thoái trào, đưa xứ sở điện ảnh xứ Hương cảng trở lại với thế mạnh vốn có của mình là võ thuật, trinh sát, xã hội đen.

Bộ phim mang nhiều dấu ấn hoài niệm của các tác phẩm trong thời hoàng kim của điện ảnh xứ Hương cảng. Trong đó có những pha hành động đặc trưng của Châu Nhuận Phát từ những bộ phim của đạo diễn Ngô Vũ Sâm mà anh đã đóng trước đó.

Hay với hai phần phim Bão trắng, bộ phim không chỉ gây ấn tượng với phần hành động kịch tính, điều tra tội phạm ly kỳ mà còn bởi sự tái xuất của bộ ba “ông chú TVB” một thời – Cổ Thiên Lạc, Trịnh Gia Dĩnh và Trương Trí Lâm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội nghệ sĩ Hong Kong Cổ Thiên Lạc cũng nhìn nhận rằng, để vực dậy điện ảnh quê nhà không thể chỉ trông chờ ở mỗi thể loại hình sự, võ thuật. Đó chỉ có thể là một phần tất yếu chứ không thể là tất cả hình ảnh của điện ảnh Hong Kong.

Các nhà làm phim cần mạo hiểm, dấn thân hơn nữa ở các đề tài gai góc hơn về đời sống của người dân. Bởi vốn dĩ, xã hội của thành phố này đã không còn bị bao trùm bởi giang hồ, xã hội đen như 30,40 năm trước mà thay vào đó là câu chuyện chính trị nhạy cảm, nhức nhối với những số phận con người đang phải đối diện với những sự kiện, thời khắc mang tính lịch sử ở Hong Kong.

Vi sao phim xa hoi den luon duoc yeu thich o Hong Kong? hinh anh 6

Cổ Thiên Lạc là một trong những tài tử chăm chỉ đóng phim nhất Hong Kong hiện tại.

Vài tia sáng khác biệt lẻ loi

Bên cạnh các tác phẩm hành động, võ thuật hay cảnh sát điều tra tội phạm, đã lâu lắm rồi, khán giả không còn được chứng kiến nhiều những thước phim tâm lý, tình cảm mang tính đột phá, khác biệt, đậm dấu ấn của Hong Kong như thời kỳ vàng son.

Năm nay, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trần Tiểu Quyên – Still Human là một trong những dấu ấn đáng nhớ nhất của điện ảnh Hong Kong trong suốt nhiều năm trở lại đây khi thoát khỏi guồng quay phim hình sự, phản ánh đời sống tâm lý bình dị của con người.

Phim giành được hơn 20 triệu HKD cùng hàng loạt giải thưởng danh giá bao gồm 3 giải Kim Tượng 2019: Đạo diễn mới xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Diễn viên mới xuất sắc. Phim cũng giành được giải thưởng do khán giả và nhà phê bình lựa chọn tại Liên hoan phim Viễn Đông ở Udine, Italy vào tháng 5.

Tiếp nối Still Human là thành công của bộ phim kinh phí thấp khác là Men on the Dragon, thu về hơn 15 triệu HKD và nhận được 11 đề cử ở giải thưởng Điện ảnh Hong Kong năm nay.

Vi sao phim xa hoi den luon duoc yeu thich o Hong Kong? hinh anh 7

Still Human là điểm sáng khác biệt và thành công của điện ảnh Hong Kong vài năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, gần đây dòng phim thanh xuân, ngôn tình từng rất thịnh hành ở Hong Kong vào thập niên 1980 cũng được các khởi tạo lại bởi không ít nỗ lực của nhà làm phim. Tuy nhiên, các bộ phim như Ngày tháng nào đó, Những người anh em (2018) còn rất manh mún và chưa đủ sức lan tỏa.

Nhìn chung, trong vòng 5 năm qua, đã có những vệt sáng khác biệt hiếm hoi, nhưng không nhiều trong số các bộ phim ấy vươn xa khỏi lãnh thổ của xứ Cảng Thơm và chinh phục các khán giả quốc tế.

(Theo Zing)

Những phim truyền hình nổi tiếng phải dán nhãn vì loạn luân, khỏa thân

Những phim truyền hình nổi tiếng phải dán nhãn vì loạn luân, khỏa thân

Nhiều nước trên thế giới có hệ thống dán nhãn phim truyền hình của riêng họ. Mức giới hạn cao nhất ở Mỹ là “TV-MA”- không thích hợp với người dưới 17 tuổi và ở Anh là “18”.