Vì sao nguồn thì thừa, điện vẫn thiếu?

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, nếu như ngày 12/5/2021, công suất đỉnh là 41.208 MW, thì đến ngày 31/5/2021 đã tăng lên 41.549 MW.

Chỉ vài ngày sau (2/6/2021) công suất tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới với 41.558 MW, cao hơn tới hơn 3.200 MW, tức là tương đương với mức tổng công suất của hai nhà máy thủy điện Sơn La (2.400 MW) và thủy điện Lai Châu (1.200 MW).

NGUỒN THÌ THỪA, ĐIỆN VẪN THIẾU

Theo số liệu của Viện Năng lượng, đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn khoảng 69.000 MW. Trong đó, nhiệt điện than có khoảng 21.000 MW; thủy điện khoảng 21.000 MW; tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu có khoảng 9.000 MW, các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430 MW…

Vì sao nguồn thì thừa, điện vẫn thiếu? - Ảnh 1

Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa công suất lắp đặt và công suất phát điện thực tế. Mặc dù công suất lắp đặt lên tới 69.000 MW, nhưng công suất phát điện khả dụng chỉ đạt cao nhất là 41.558MW. Điều đó có nghĩa là một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện.

Vì sao vô lý như vậy? Nguyên nhân là do các dự án điện gió và điện mặt trời phát triển quá mạnh trong thời gian vừa qua đã gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng công suất điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW (chiếm 24,1% tổng công suất), tổng công suất điện gió là 567 MW (chiếm khoảng 0,86% tổng công suất).

Tuy vậy, các nguồn điện này phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có nhiều tiềm năng tại miền Trung và miền Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An…

Đáng lo ngại, các loại hình năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng có thời gian đầu tư xây dựng ngắn (khoảng 6 tháng), trong khi việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất 2 – 3 năm (lưới điện 220kV) và 5 năm (lưới điện 500 kV).

Do đó, sự gia tăng đột biến của loại hình năng lượng tái tạo dẫn đến nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện. Một trong những hệ quả trực tiếp chính là việc giảm phát các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh.

 

Theo dự kiến của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN), trong năm 2021, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên, đạt khoảng 1,68 tỷ kWh. Trong đó, dự kiến tiết giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7-9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này.

Trong các báo cáo về tình hình phát triển điện gió và vận hành hệ thống điện năm 2021, EVN cho biết, đến cuối năm 2021 tổng công suất điện gió có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 5.400 MW, điện mặt trời tập trung vận hành thêm khoảng 300 MW, nhiệt điện than khoảng 3.000 MW (Hải Dương 2 là 600 MW, Sông Hậu 1 là 1.200 MW, Duyên Hải 2 là 1.200 MW).

Tổng công suất đặt của hệ thống điện cuối năm 2021 vào khoảng gần 80.000 MW. Như vậy, điện gió và điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời áp mái) sẽ chiếm lần lượt khoảng 7% và 22% tổng công suất đặt của hệ thống. Sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, hệ thống điện Việt Nam sẽ tiếp tục tiết giảm. Nguyên nhân là do sự quá tải lưới nội vùng 220/110 kV Trung, Nam (khu vực các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An); quá giới hạn truyền tải cung đoạn Nho Quan – Nghi Sơn – Hà Tĩnh.

Theo TS. Nguyễn Huy Hoạch, thành viên Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), xây dựng nguồn điện từ năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu. Song, việc phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh và quá nóng điện mặt trời như năm 2020 (vượt quá yêu cầu mà Quy hoạch điện VII điều chỉnh đề ra) đã dẫn đến một số vấn đề bất cập về mặt kỹ thuật, ảnh hưởng đến hệ thống an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời do giảm phát năng lượng mặt trời dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như nguồn lực của xã hội.

Báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN cho thấy, nếu các nguồn điện có thể đưa vào vận hành với tiến độ như dự kiến, nguồn năng lượng tái tạo triển khai theo quy hoạch, hệ thống có thể đáp ứng đủ cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, trong trường hợp các nguồn điện chậm tiến độ, nguồn năng lượng tái tạo ngừng triển khai sau mốc tháng 10/2021 thì hệ thống sẽ bị thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh điện năm 2025.

 NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VẪN “PHẬP PHÙ”

Phát triển năng lượng tái tạo được cho là giải pháp nhanh chóng và thích hợp nhất để giải quyết vấn đề thiếu điện. Vì thế, trong dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đặt mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (gió và mặt trời) có tỷ trọng đạt 24% năm 2020; 24-27% năm 2030 và 38-42% năm 2045 tùy theo kịch bản phụ tải.

Thế nhưng, trong khi quy hoạch còn đang chờ phê duyệt thì đã nổi lên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, từ năm 2019 đến hết năm 2020 xuất hiện sự bùng nổ năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió kéo theo nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện.

Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW, nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.

Năng lượng tái tạo là một trong các giải pháp quan trọng để bảo đảm cung ứng điện cho đất nước. Theo ông Vũ Đức Quang, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu phát triển thuộc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2), không thể phủ nhận, năng lượng tái tạo là xu hướng tốt mang tính bền vững. Song, tình trạng phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh, quá nóng so với cơ cấu nguồn điện quốc gia sẽ dẫn đến một số vấn đề bất cập, từ đó cũng ảnh hưởng đến việc khai thác không hiệu quả, cũng như sự phát triển các nguồn điện khác và hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.

Thực tế đã chứng minh, đợt nắng nóng diễn ra cuối tháng 5 và đầu tháng 6 này đã bộc lộ rõ điểm yếu này. Đáng chú ý nhất trong lần lập đỉnh ngày 31/5/2021 ở mức công suất 41.549 MW xảy ra vào lúc 22h, tức là gần nửa đêm, nhờ sự đóng góp từ điện sinh hoạt.

 

Trong khi quy hoạch còn đang chờ phê duyệt thì đã nổi lên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. Tình trạng phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh, quá nóng so với cơ cấu nguồn điện quốc gia khiến khai thác không hiệu quả, cũng như ảnh hưởng sự phát triển các nguồn điện khác và hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.

Theo thống kê của Trung tâm Hệ thống điều độ điện quốc gia, công suất lắp đặt của hệ thống là gần 70.000 MW, trong đó có khoảng 17.000 MW điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà. Như vậy, khi mặt trời tắt nắng sau  17h và không có pin lưu trữ, thì công suất nguồn điện cả nước giảm mạnh, chỉ còn 53.000 MW.

Trong khi đó, hệ thống điện cần những nguồn điện ổn định. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của điện mặt trời, mà là để tính toán cơ cấu nguồn điện trong hệ thống cho hợp lý, thay vì “ảo tưởng” rằng điện tái tạo có thể “gánh vác” được cả hệ thống điện. Thực tế, nhiệt điện và thủy điện vẫn đang đảm đương việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện.

Trong cơ cấu điện năng sản xuất toàn quốc năm 2020, nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn nhất 50% với 123 tỷ kWh. Đứng thứ hai thuộc về thủy điện với 73 tỷ kWh chiếm 29,5%. Thứ ba là nhiệt điện khí chiếm 14% với 35 tỷ kWh, điện mặt trời chiếm 4,4%, nhập khẩu chiếm 1,2%, phần còn lại 1% là từ dầu và năng lượng tái tạo khác.

Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng khoảng 8,9%/năm, tương đương nhu cầu cung cấp điện phải tăng từ 23,6 – 30,5 tỷ kWh/năm mới đáp ứng được nhu cầu điện. Dẫu vậy, sản lượng các nguồn mới bổ sung chỉ đạt khoảng 6,1 – 16,7 tỷ kWh/năm, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu.

Nguyên nhân do nhiều nguồn điện chậm tiến độ như Nhiệt điện Quảng Trạch 1 bắt đầu xây dựng, còn Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa thể triển khai. Trong ba năm sắp tới, miền Bắc chỉ có thêm Nhiệt điện BOT Hải Dương đang hoàn tất đầu tư và Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Như vậy, vấn đề đảm bảo điện sẽ gặp nhiều thách thức.