Ví dụ về vi phạm hành chính 2023
Chắc hẳn chúng ta đã nghe nhiều đến cụm từ “vi phạm hành chính” nhưng không phải ai cũng hiểu rõ khi nào được coi là có hành vi vi phạm. Hình thức xử phạt ra sao? Vì vậy trong nội dung bài viết dưới đây, Luật Hoàng Phi sẽ giải đáp các thắc mắc trên qua Ví dụ về vi phạm hành chính 2023.
Vi phạm hành chính được hiểu là gì?
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Theo đó, một hành vi được xác định là vi phạm hành chính phải thỏa mãn các yếu tố: lỗi, chủ thể, nội dung vi phạm (vi phạm quản lý nhà nước như lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự….), không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự và lỗi này được quy định bị xử phạt vi phạm hành chính.
Từ việc làm rõ khái niệm vi phạm hành chính, chúng ta có cơ sở đưa ra ví dụ về vi phạm hành chính 2023.
Các yếu tố cấu thành vi phạm hành chính
Trong khoa học pháp lý, để có thể dễ dàng phân biệt vi phạm hành chính với các loại vi phạm khác chúng ta dựa vào các dấu hiệu cấu thành. Theo đó, yếu tố cấu thành vi phạm hành chính bao gồm: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể.
1/ Về mặt khách quan
Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của vi phạm hành chính bao gồm hành vi vi phạm hành chính, hậu quả và mối quan hệ nhân quả, thời gian thực hiện hành vi vi phạm, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm, công cụ phương tiện vi phạm.
Hành vi vi phạm hành chính là hành vi xâm phạm đến các quy tắc quản lý nhà nước và đã bị pháp luật hành chính ngăn cấm. Việc bị ngăn cấm được quy định trong các văn bản pháp luật về xử phạt hành chính.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hành chính và hậu quả nó gây ra thể hiện ở chỗ sự thiệt hại của xã hội, các quy tắc quản lý nhà nước bị xâm hại là do chính hành vi vi phạm hành chính gây ra, cũng có nghĩa là những thiệt hại của xã hội, xâm hại quy tắc quản lý nhà nước là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm hành chính.
Ngoài ra trong một số trường hợp, mặt khách quan còn được thể hiện ở yếu tố thời gian, địa điểm, cách thức, phương tiện vi phạm hành chính.
2/ Về mặt chủ quan
Mặt chủ quan là những biểu hiện tâm lý bên trong của chủ thể vi phạm hành chính. Trong mặt chủ quan, lỗi là dấu hiệu bắt buộc của vi phạm hành chính, thể hiện dưới hình thức lỗi cố ý và lỗi vô ý, ngoài ra còn dấu hiệu khác là mục đích.
Lỗi vô ý tức là người thực hiện hành vi trong trạng thái có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng vì vô tình, thiếu thận trọng mà không nhận thức được những nguy hiểm mà hành vi của mình gây ra cho xã hội, quy tắc quản lý nhà nước.
Lỗi cố ý là người thực hiện trong trạng thái đầy đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi đó nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Tuy nhiên nếu có đầy đủ căn cứ cho rằng người thực hiện không có đầy đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì người đó sẽ không bị coi là vi phạm hành chính.
Mục đích là kết quả cuối cùng trong suy nghĩ của chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Mục đích cũng thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi, trong một số trường hợp đây còn là dấu hiệu bắt buộc.
3/ Về chủ thể
Chủ thể vi phạm hành chính là các tổ chức, cá nhân có năng lực chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật.
4/ Khách thể của vi phạm hành chính
Khách thể là những quan hệ xã hội, quy tắc quản lý nhà nước được pháp luật hành chính bảo vệ nhưng bị hành vi vi phạm hành chính xâm hại. Dấu hiệu nhận biết là hành vi vi phạm hành chính đã xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước được pháp luật hành chính quy định, bảo vệ.
Phân tích ví dụ về vi phạm hành chính 2023
Để hiểu rõ hơn về hành vi vi phạm hành chính, chúng ta sẽ cùng phân tích Ví dụ về vi phạm hành chính 2023.
Ví dụ: Doanh nghiệp A sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng
Các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm của Doanh nghiệp A như sau:
– Hành vi có lỗi: Căn cứ theo các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì tổ chức kinh doanh có trách nhiệm cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc đối với sản phẩm đưa ra thị trường. Vì vậy, hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng là hành vi có lỗi (lỗi cố ý).
– Hành vi vi phạm này gây ra những thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội.
– Hành vi trên vi phạm quy định quản lý nhà nước về hoạt động thương mại (buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng).
– Thuộc trường hợp bị xử phạt hành chính: Hành vi này được quy định tại Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào giá trị tài sản vi phạm.
Trên đây là tư vấn Ví dụ về vi phạm hành chính 2023 để Quý vị tham khảo. Nếu Quý khách còn thắc mắc gì vấn đề này hoặc muốn biết thêm thông tin chi tiết thì vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6557.