Vì dân hay là… dân túy?
“Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Đó là câu trích từ bài viết gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Và soi chiếu vào đội ngũ cán bộ hiện nay, chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi “Vì dân hay dân túy” trên từng hành động của họ.
Dân túy, bóng ma mơ hồ
Tôi có một người bạn từng chơi bóng giao hữu với một cựu quan chức nọ. Anh bạn tôi cho biết ông là con người hào sảng, quảng giao và rất gần gũi với mọi người, tóm lại là một con người “chơi được”.
Cho đến khi vị quan chức vướng vòng lao lý, giữa tôi và người bạn nổ ra tranh luận. Với bạn tôi thì ông là một người anh tốt, tử tế với những người em. Với tôi, ông đơn giản là một tội phạm tham nhũng, một loại tội phạm đáng phải loại trừ nhất, vì nó tước đi nhiều thứ của số đông, đặc biệt là cơ hội để vươn lên trong một hệ thống bình đẳng.
Vị quan chức ấy đã giúp cho một gã tay trắng trúng gói thầu có giá trị hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để… phẫn nộ trước con số 2.000 tỉ đồng. Ngược lại là đằng khác. Có hẳn một Fanpage ngưỡng mộ quan chức này, mà vào thời điểm ông ta bị bắt, có đến 250 nghìn người theo dõi với tương tác cực lớn. Đa số bày tỏ sự tiếc nuối với một quan chức đã ngã ngựa vì… cố làm quá nhiều. Bài viết được ghim cao nhất trên trang, với gần 6.000 lượt thích (like) và 500 lượt chia sẻ (share), là tập hợp những bức ảnh vị quan chức đứng vui vẻ, hòa lẫn vào đám đông người dân vỗ tay.
Hình ảnh này dường như nhất quán với các phát ngôn và hành động của ông: vì nhân dân. Như là công bố số điện thoại để người dân có thể “gọi điện trực tiếp cho tôi”. Như là những quyết định trảm tướng hay kỷ luật người dưới quyền vì “chậm tiến độ” hoặc “vô cảm”.
Ảnh: L.G
Cho đến khi những vụ việc vỡ lở, quan chức này đã tạo được một ấn tượng quá mạnh mẽ về ý chí tiến thủ trong sự nghiệp “vì dân” của mình. Mạnh đến nỗi những bằng chứng về tội phạm của ông là rõ như ban ngày, thì nó vẫn có thể được kéo vào bóng đêm của thời kỳ hậu sự thật: người ta chỉ tin vào những gì muốn tin. Nhưng ảo giác này không phải một hiện tượng quá khó hiểu: dân túy là một khái niệm mơ hồ như cách nó tạo ảnh hưởng, và để nhận diện là không hề dễ dàng.
Năm ngoái, một nghiên cứu đầy ấn tượng về chủ nghĩa dân túy được công bố, là sự kết hợp của báo Guardian (Anh) và Nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa dân túy (Team Populism), mạng lưới toàn cầu bao gồm các nhà khoa học chính trị đi tiên phong trong việc sử dụng “phân tích văn bản” trong các nghiên cứu về dân túy.
Nghiên cứu dựa trên việc phân tích các bài phát biểu trước công chúng của các thủ tướng, tổng thống và chính trị gia nói chung ở 40 quốc gia. Mỗi nhà lãnh đạo được chấm một điểm trung bình, dựa trên mức độ của các ý tưởng dân túy trong bài phát biểu của họ, theo thang điểm từ 0-2, tương ứng không theo chủ nghĩa dân túy cho đến rất dân túy. Kết quả họ thu được là điểm số trung bình của chủ nghĩa dân túy đã tăng gấp đôi, kể từ con số 0,2 vào năm 2000, cho đến 0,4 hiện nay. Số lượng các quốc gia có các nhà lãnh đạo được xếp vào loại thấp nhất trong thang dân túy cũng đã tăng gấp đôi, từ 7 lên 14 từ đó đến nay.
Phát hiện này đặc biệt ấn tượng vì lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có một điểm tựa lượng hóa để nghiên cứu chủ nghĩa dân túy. Trước đó, cụm từ này giống như một bóng ma: nó xuất hiện với tần suất tương đối nhiều trên các phương tiện truyền thông, thậm chí tăng vọt trên kết quả tìm kiếm Google kể từ năm 2016, thời điểm diễn ra cú sốc kép là Brexit và ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ. Nhưng nó thường được trình bày dưới dạng một khái niệm không cần giải thích, như thể mọi người đã hoàn toàn hiểu dân túy là gì.
Không thiếu những tiếng nói nổi bật cảnh báo chủ nghĩa dân túy nguy hiểm như thế nào và cổ vũ chúng ta phải hành động ngay để chống lại nó. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lập ra Viện nghiên cứu đổi thay toàn cầu (IGC), với tôn chỉ được ghi ngay trên đầu website của nó là “đẩy lùi cách tiếp cận có tính phá hoại của chủ nghĩa dân túy”. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong một bài phát biểu vào mùa Hè 2018, tuyên bố rằng sự trỗi dậy của các “phong trào dân túy” đã trợ giúp cho sự bùng nổ toàn cầu của “nền chính trị tạo nên từ nỗi sợ hãi và sự phẫn uất và buông xuôi từ bỏ”.
Hai trong số các chính trị gia nổi bật bị đánh bại với các phong trào dân túy, là Hillary Clinton và Matteo Renzi, đã đưa ra lời khuyên rằng nên đề phòng và ngăn chặn những lãnh đạo theo trường phái dân túy. Ngay cả Giáo hoàng Francis cũng lên án rằng “chủ nghĩa dân túy là quỷ dữ và đem đến kết cục tồi tệ”.
Nhưng trong nhiều năm, chủ nghĩa dân túy tồn tại mơ hồ đến mức có một làn sóng tranh luận đối lập cho rằng nó đơn giản chỉ là một sự tưởng tượng, một khái niệm hư vô được dựng lên để khuấy động nỗi sợ hãi. Năm 1967, khi các nhà lý luận chính trị trên khắp thế giới đến Trường Kinh tế London để tham dự hội nghị học thuật đầu tiên trong lịch sử về dân túy, họ đã gặp khó khăn khi cố định nghĩa khái niệm này. Từ này được sử dụng lần đầu tại Mỹ vào năm 1890, trong phong trào cổ vũ người nông dân Mỹ chống lại tầng lớp tư bản đô thị. Nhưng trong nhiều năm sau đó, nó được nhắc đến trong hầu hết các hiện tượng chính trị nổi bật, mà không ai rõ được hình hài.
Trong khuôn khổ hội nghị ấy, vấn đề khái niệm này hoàn toàn không được giải quyết: “Hiện tại, có thể là chẳng còn nghi ngờ gì về tầm quan trọng của chủ nghĩa dân túy” – Báo cáo tóm tắt viết. “Nhưng KHÔNG AI RÕ nó là gì”.
Vào tháng Bảy năm ngoái, cây bút nổi tiếng của tờ New York Times là Roger Cohen thậm chí còn viết về dân túy với thái độ rất cực đoan: “Hãy loại bỏ từ dân túy đi. Nó trở nên cẩu thả đến mức vô nghĩa, một tính ngữ bị lạm dụng quá mức để biểu thị nhiều dạng khác nhau của sự tức giận chính trị”.
Trước khi được lượng hóa bằng báo cáo chi tiết đăng trên báo Guardian, có một nhà khoa học chính trị trẻ tuổi người Hà Lan tên Cas Mudde đã trở thành người đầu tiên đề ra được các ý tưởng cốt lõi cho khái niệm này, và được thừa nhận rộng rãi. Cas Mudde công bố một tiểu luận có tên The Populist Zeitgeist, đề xuất một định nghĩa mới và ngắn gọn về chủ nghĩa dân túy. Trước đó, dân túy được hiểu với ấn tượng đơn giản là “kiểu như dân chủ, nhưng được thực hiện theo cách gây khó chịu” (trích mô tả trong tiểu luận), với hai khẳng định trực giác phổ biến: cách diễn thuyết “có độ cảm tính cao và đơn giản”; mang tính “cơ hội” và nhắm chủ yếu vào mục đích “mua” sự ủng hộ của cử tri.
Mudde cho rằng dân túy không chỉ đơn giản là mị dân, và cũng không phải một ý thức hệ chính trị được hình thành đầy đủ như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tự do. Thay vào đó, nó là một ý thức hệ “mỏng”, được tạo thành bởi vài niềm tin cốt lõi: Thứ nhất, nó coi rằng xã hội bị tách ra bởi hai phe đối kháng, là tầng lớp “dân chúng trong sạch” đối đầu với “giới tinh hoa thối nát”; thứ hai, tất cả những người theo chủ nghĩa dân túy đều tin rằng chính trị phải là sự thể hiện của “ý chí chung”, một tập hợp những mong muốn được cho là thuộc về lẽ thường của “những người bình dân”. Và vì là ý thức hệ mỏng, nó có thể được sử dụng làm phương tiện của bất kỳ chính trị gia nào, thuộc bất kỳ vị trí nào trên phổ ý thức hệ, từ cực tả đến cực hữu.
Khi tiểu luận mới được công bố, dân túy không phải là một chủ đề nóng: trong cả năm 2005, bài luận của Mudde chỉ được trích dẫn… 9 lần. Nhưng trong một thập niên qua, khi thế giới phải trải qua hàng loạt những cơn khủng hoảng đau đớn và khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng lên, thì dân túy là liều giảm đau hiệu quả: nó cần ai đó phải chịu trách nhiệm cho hiện trạng này, và mục tiêu đơn giản nhất là “giới tinh hoa thối nát”.
Hãy quay lại câu chuyện thể thao của vị quan chức ở đầu bài viết. Ngoài chuyện nổi tiếng là mê bóng đá, ông còn nổi tiếng với công văn cấm lãnh đạo một bộ chơi golf, với lý do là vì có thể khiến xử lý công việc… chậm lại.
Tất nhiên là một lần nữa, ông lại được hoan hô nhiệt liệt. Đa số người dân chắc chắn không đủ thời gian và kinh tế để chơi golf, nhưng hành động cấm đoán này dựa trên một tiền giả định nguy hiểm và phi lô-gích: dường như chơi golf đương nhiên là xấu và nên bị cấm hơn (còn chơi bóng đá là tốt?).
Tư duy nhị nguyên này đơn giản là dễ hiểu đến mức ai cũng có thể tiếp cận và đồng tình. Trong quá trình vận hành xã hội, nó có vẻ là liều thuốc giảm đau cho cảm giác bất công, bị bỏ rơi, yếu thế…, và mang lại tưởng tượng rằng sự bất bình đẳng sẽ được giải quyết bằng quan tâm hình thức.
Nhưng thử nghĩ về những tổn thương xã hội bởi một chính trị gia dân túy tự ru ngủ mình, dù vô tình hay cố ý, rằng mình đã làm đủ tốt chỉ bằng thái độ hùa theo có được nhờ những lời nói và hành động dễ nghe, dựa trên một thế giới quan đơn giản: sự hủy hoại có thể là quá tàn khốc so với liều giảm đau!
(Phạm An)
Nói vì dân, làm vì ai?
Ứng xử giữa quan chức và người dân, luôn là một quan hệ nhạy cảm và phức tạp. Nhất là trong thời đại internet, những tin tức được lan truyền rộng rãi hơn và những đánh giá cũng khắt khe hơn. Theo chiết tự chữ Hán, chữ “quan” có hai chữ “khẩu”, nghĩa là quan chức thì bao giờ cũng nói hay hơn người dân. Tuy nhiên, cũng theo chiết tự chữ Hán, chữ “phẩm” có ba chữ “khẩu”, nghĩa là người có phẩm giá thì lời nói mới thuyết phục được người khác. Từ chữ “quan” đến chữ “phẩm” chỉ cách nhau một chữ “khẩu” nhưng thể hiện đầy đủ giá trị vì dân.
Khi hiệu quả truyền thông được sử dụng hiệu quả như một công cụ đắc lực, thì nhiều người phải bận tâm về khái niệm “dân túy”. Kích hoạt đám đông, chiêu mộ đám đông, lôi kéo đám đông chỉ mang tính nhất thời, nếu quan chức thực dạ phụng sự đám đông. Cụ thể hơn, “dân túy” không thể bền vững, nếu nói không đi đôi với làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo. Vì sao cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được người dân ủng hộ như vậy? Vì đó không phải là tuyên bố chót lưỡi đầu môi, mà là một thái độ quyết liệt bài trừ tham nhũng. Hàng chục quan chức cấp cao có hành vi tiêu cực, đã bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự, đã chứng minh cuộc “đốt lò” dung hòa hai yếu tố nói vì dân và làm vì dân.
Cổ nhân đúc kết “quan nhất thời, dân vạn đại” nhằm nhắc nhở lối sống sao cho phù hợp với lẽ đời và lòng người. Oái oăm thay, nhiều vị quan chức nghĩ rằng “quan nhất thời” nên tranh thủ mọi biện pháp để ba hoa và để vơ vét. Họ hứa hẹn ngọt ngào, họ cam kết đúng đắn nhưng lại hành động dối trá, làm việc bậy bạ. Người nghe ngôn từ thơm phức hôm trước thì hôm sau cay đắng vì bị lừa gạt, bị xem thường. Đó là cảm giác bị phản bội, rất khó chịu và rất ê chề. Chủ nghĩa “dân túy” có thể chấp nhận nói 10 làm 8, nhưng không thể chấp nhận nói 10 làm 1, hoặc nói 10 mà không làm gì. Niềm tin của công chúng không phải nồi cơm Thạch Sanh, để cán bộ ăn mãi không bao giờ vơi cạn.
Công khai và minh bạch đang là mệnh lệnh của xã hội văn minh. Không có chuyện “lời nói gió bay” và càng không có chuyện “áo gấm đi đêm”. Tốt và xấu, hay và dở, chân thành và lật lọng, giản dị và xa hoa, đều hiện ra hết. Người dân biết nhìn vào mỗi biểu hiện cụ thể để hiểu quan chức, cái vẻ bề ngoài diêm dúa không thể che đậy cái sơ sài bên trong. Và càng không có chuyện thấy đỏ ngỡ chín. Vì vậy, đừng nghĩ “dân túy” có đất dụng võ trong cái nhìn ngày càng kỹ lưỡng và thấu đáo của quần chúng.
Ảnh: L.G.
Có phải hình ảnh quan chức trong mắt người dân đang xấu đi không? Không phải. Phải thừa nhận rằng, hình ảnh quan chức đang được định tính và định lượng rõ ràng hơn trong mắt người dân. Quan chức nào tự tin về khả năng trình diễn và khoa trương của bản thân, thì quả là sai lầm. Quan chức được tôn trọng khi bảo đảm hai sự ủy nhiệm của người dân, thứ nhất là ủy nhiệm sự quản lý, thứ hai là ủy nhiệm sự gương mẫu. Hai sự ủy nhiệm ấy luôn song song tồn tại, không thể có bên nọ mà không có bên kia. Hai sự ủy nhiệm ấy, buộc quan chức phải biết hy sinh lợi ích cá nhân và phải biết cống hiến cho cộng đồng. Nếu nhận sự ủy nhiệm quản lý chỉ để thụ hưởng vinh quang mà không chăm chút sự ủy nhiệm gương mẫu thì quan chức sẽ lộ nguyên hình những kẻ ích kỷ và tư lợi.
Quan chức chưa bao giờ là một nghề đơn giản. Nếu không đủ bản lĩnh gánh vác sứ mệnh vì dân thì đừng bước chân vào quan trường. Không thể nói vì dân mà làm vì mình. Không thể nhân danh những điều tốt đẹp để làm những việc khuất tất. Không thể rao giảng tiến bộ chung mà lén lút giành giật nồi canh niêu cơm cho cá nhân và gia đình. Thời nào cũng nhan nhản những quan chức có biệt tài khua môi múa mép, nhưng thời nào cũng hiếm hoi những quan chức đau đáu với sự bình yên và sự thịnh vượng của người dân. Do đó, lạm dụng “dân túy” đôi lúc sẽ trở thành một trò lố bịch và kệch cỡm. Và hầu như vai hề nào của vở kịch “dân túy” cũng tẽn tò khi khán giả ngán ngẩm rời khỏi rạp hát.
Quan chức gần gũi người dân là một tín hiệu tích cực. Thế nhưng, quan chức đi vớt lục bình để chụp ảnh, quay phim có phải đáng mừng không? Xin thưa, không. Quan chức càng cao càng phải lo các vấn đề hệ trọng. Thay vì đi vớt lục bình, quan chức hãy hành động thiết thực hơn để có chính sách hiệu quả và biện pháp cụ thể cải thiện môi trường. Những tiếng vỗ tay và những câu tán tụng dành cho quan chức đi vớt lục bình, nghe chừng nửa hoan hỉ nửa buồn thương.
Ở đời, đã là ánh sáng thì nhất định sẽ rực rỡ. Quan chức tử tế thì không cần đến chủ nghĩa dân túy. Quan chức đàng hoàng không cần dùng ngôn từ hoa mỹ để đánh động dư luận. Quan chức đứng đắn không cần dùng tiểu xảo để tô vẽ bản thân. Quan chức thực sự vì dân, bắt đầu bằng tinh thần nghĩ cho dân, để làm cho dân. Quan chức tính kế lâu dài cho dân bằng chính sự lương thiện của mình, không cậy quyền, không tranh đoạt, không lãng phí.
Nói cho cùng, chủ nghĩa “dân túy” giống như một phép thử của ý thức cá nhân và ý thức xã hội. Biết vượt qua sự hạn hẹp cá nhân thì mới chạm đến được sự rộng lớn của xã hội. Nói nhiều làm ít, nói trắng làm đen… không chỉ làm rạn nứt quan hệ quan chức và người dân, mà còn làm sạt lở nền tảng đạo đức và lương tri.
(Lê Thiếu Nhơn)
Khi nhân dân bị lợi dụng…
Khi thông tin ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính thống, tôi cũng bắt đầu đọc được cả những dòng trạng thái đánh giá về ông Chung trong mạng lưới bạn bè của mình trên mạng xã hội. Một bộ phận không nhỏ trong số họ dành những lời có cánh cho ông về những thành tựu trong thời kỳ ông là Chủ tịch Hà Nội, với dẫn chứng đưa ra là chương trình 1 triệu cây xanh cho Hà Nội, các hoạt động văn hoá xã hội như phố đi bộ Hồ Gươm, mời dàn nhạc giao hưởng London đến trình diễn vv và vv…
Tôi khá ngạc nhiên trước những lập luận ấy của họ, dù tự hiểu rằng, chuyện một cá nhân có cảm tình đặc biệt với một nhân vật nào đó là quyền riêng của họ, là cảm xúc riêng của họ. Nhưng có những thứ không thể nói bằng cảm xúc được.
Cụ thể, trong chuyện của ông Nguyễn Đức Chung, việc làm Hà Nội thay đổi tích cực là nhiệm vụ mà bất kỳ một ông Chủ tịch nào cũng phải thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Còn việc sai phạm thì chắc chắn phải bị xử lý trước pháp luật. Không thể có chuyện nhập nhèm coi cái trách nhiệm phải thực hiện là một thứ “công trạng” để có thể mang ra bào chữa cho những vi phạm.
Ảnh: L.G
Và cái thứ cảm xúc kể trên để lại thông điệp gì? Nó đã, đang và vẫn là một công cụ bị lợi dụng của rất nhiều cán bộ, quan chức. Mà khi đã lợi dụng điều gì đó, chắc chắn không thể nào nói họ đang cống hiến toàn tâm vì nó. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói thẳng, khi lợi dụng cảm xúc nhân dân, điều đó có nghĩa là người cán bộ, quan chức không vì dân mà thực ra họ chỉ vì mình.
Nếu lục lọi lại tất cả các trường hợp quan chức tham nhũng, vi phạm pháp luật đã bị mang ra ánh sáng pháp luật trong suốt mấy năm rồi, chúng ta sẽ nhận thấy có không ít trong số họ trước đó từng xuất hiện rầm rộ trên truyền thông trong vai những “người hùng” của quần chúng. Có những cán bộ có thẩm quyền, mỗi lần thực hiện một công vụ nào đó, dù nhỏ thôi, đều kéo theo một equipe truyền thông riêng mạnh mẽ để làm hình ảnh. Thậm chí, có trường hợp, một quan chức (đã bị xử lý pháp luật gần đây), từng công bố số điện thoại đường dây nóng của mình để người dân có thể phản ảnh 24/24. Tôi đã thử liên lạc vào đường dây nóng ấy đôi lần, và đều không thành công. Thậm chí, để lại tin nhắn cũng không có phản hồi. Và tôi tự rút ra kết luận riêng của mình.
Kể từ sau năm 2008, với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ nghĩa dân túy càng lên ngôi mạnh mẽ hơn. Môi trường của chủ nghĩa dân túy luôn luôn lý tưởng khi số lượng người dân cảm thấy mất mát, thiệt thòi hơn, tụt hậu hơn so với mặt bằng chung của xã hội chiếm đa số. Lúc ấy, tâm lý chung là kỳ vọng vào một thay đổi nào đó, như một phép màu, để họ có thể có một đời sống tốt hơn, với tiếng nói được tôn trọng hơn. Các chính trị gia dân túy nắm bắt thời cơ ấy và thực hiện các kế hoạch để xây dựng và củng cố địa vị chính trường của mình. Và trong làn sóng bùng nổ của mạng xã hội khoảng 10 năm trở lại đây, chủ nghĩa dân túy đã có thêm những chiếc vòi bạch tuộc để phát huy sức mạnh hủy diệt của mình.
Nếu chúng ta để ý kỹ, trong số những người gọi là KOLs chính trị-xã hội trên mạng xã hội hiện thời, sẽ có những người đặc biệt có những bài viết ca ngợi dành riêng cho một nhân vật quan chức nào đó, xem họ như tấm gương vì dân, vì nước. Cuộc chơi dao này đã khiến không ít KOLs việt vị khi thân chủ của mình phải ra hầu toà. Tiếng nói của sự thật luôn đến chậm, đến sau, đến nhỏ nhẹ nhưng tồn tại bền vững bởi đó là sự thật. Còn tiếng nói của vụ lợi chính trị thì có thể ồ ạt đấy, nhưng tàn cũng nhanh và gây ra thêm những thất vọng mới cho chính những người dân từng bị lấy “cảm xúc của mình” ra làm con tin cho một chiêu bài.
Như vậy, cái chủ nghĩa dân túy thời hiện đại đã bắt đầu trở nên tinh vi hơn rất nhiều, khi được hỗ trợ đắc lực bởi truyền thông cá nhân. Nó đi đúng xu hướng của thời đại nên bởi thế, nó tạo được gốc rễ rất sâu trong xã hội. Xu hướng của thời đại là kinh nghiệm chia sẻ cá nhân bởi người (tiêu) dùng thắng thế mọi quảng bá tuyên truyền.
Ví như một sản phẩm bán ra chẳng hạn. Người mua mới sẽ tin vào nó hơn nếu được truyền kinh nghiệm từ một cá nhân nào đó mà họ biết hoặc tin tưởng thay vì chỉ từ một quảng cáo đơn thuần. Và những nhân vật dân túy cũng chẳng khác gì những người bán hàng trong trường hợp này. Họ biết tận dụng cái gọi là “kinh nghiệm chia sẻ cá nhân” từ truyền thông cá nhân của mạng xã hội một cách triệt để. Bởi thế, cũng bắt đầu hình thành những lực lượng cung cấp thứ dịch vụ méo mó này. Và chính điều đó tạo ra những mâu thuẫn xã hội lớn hơn, những tranh cãi lớn hơn, những đứt gãy không thể hàn gắn.
Quay trở lại với tôn chỉ của Đảng và Chính phủ vẫn đặt ra từ nhiều thập kỷ nay là “do dân, vì dân”, chúng ta mới so sánh nó với thứ dân túy đang như một trào lưu để hiểu thực sự tôn chỉ vì dân có còn được coi trọng. Nếu vì dân thực sự, cán bộ, quan chức sẽ hành động theo lẽ phải, theo chân lý mà không cần công bố cho bất kỳ ai phải biết cụ thể việc mình làm là gì. Họ coi đó là một sứ mệnh mà họ cần cặm cụi thực thi. Việc tìm hiểu những điều dân cần, dân mong mỏi cũng được thực hiện trên cơ sở của luân lý, pháp luật và tính công chính chứ không phải coi đó như một nguồn “tài nguyên” để khai thác cho mình.
Trong khi đó, với những cán bộ, quan chức theo chủ nghĩa dân túy, việc cơ bản nhất họ cần làm là vuốt ve đám đông, nuông chiều đám đông bất chấp có thể những thứ đám đông muốn là sai trái hoàn toàn. Thậm chí, có những người có những tuyên bố hơi đi ngược lại lợi ích chung của Nhà nước nhưng lại nuông chiều được một bộ phận đám đông không hiểu biết, và sử dụng sự tung hô, thậm chí tôn thờ ấy để xác lập một vị thế và hình ảnh trong lòng công chúng để làm bàn đạp chính trị.
Vấn đề cốt lõi của sự khác biệt giữa vì dân và dân túy nằm ở cái quyền lợi chính đáng của người dân. Cụ thể, trong bài viết chuẩn bị Đại hội Đảng XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có câu “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”.
Ở đây, hai chữ chính đáng là vô cùng quan trọng. Chính đáng, trước hết phải là phù hợp với hoàn cảnh pháp lý cái đã. Một cán bộ, quan chức tập trung hành động vì nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân mới thực sự là một cán bộ, quan chức vì dân. Còn nếu họ chỉ hành động dựa theo nguyện vọng và lợi ích (không chính đáng) của một bộ phận quần chúng, họ đã dùng chính tiếng nói của bộ phận dân chúng ấy để đáp ứng chính cái nguyện vọng cá nhân của mình, mang lại quyền lực và lợi ích tư hữu cho mình.
Có một điều chúng ta vẫn nói với nhau suốt hơn hai mươi năm nay là tài sản của quan chức. Nhiều quan chức ở thời đại hiện đại này có tài sản riêng thể hiện bên ngoài (dinh thự, phương tiện, công ty riêng của người thân ruột thịt) lên tới hàng chục triệu USD. Câu hỏi dễ nhất để hỏi mà khó nhất để trả lời là câu hỏi về nguồn gốc. Nhưng khi xuất hiện trước quần chúng, họ luôn đóng rất tròn vai một cá nhân tận tụy, biết lắng nghe nhân dân, cần kiệm, liêm chính.
Khó có thể tin rằng một cán bộ, quan chức toàn thời gian chỉ vì dân mà vẫn có khả năng lao động thêm ở lĩnh vực khác để kiếm về một gia tài đồ sộ. Và mâu thuẫn này vẫn cứ tồn tại một cách nghiễm nhiên. Đa số quần chúng hiểu điều đó nhưng họ không nói ra. Còn những quần chúng trong phạm vi được “ve vuốt” thì bị sử dụng như công cụ để làm dẫn chứng cho các tuyên truyền sặc mùi dân túy từ các kênh truyền thông mà quan chức có thể chi phối được.
Chủ nghĩa dân túy là một mối nguy trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi nó gây ra rất nhiều tác động kinh khủng từ Bắc Mỹ, châu Mỹ Latin cho tới châu Âu, châu Á. Thậm chí, có những nhà hoạt động tiên tiến ở Mỹ còn đánh giá rằng nếu mạng xã hội tiếp tục phát tác như hiện thời trong vai trò tuyên truyền chính trị, khả năng trong 20 năm tới nước Mỹ có nội chiến là không thể bị gạch bỏ. Chính vì thế, đã bắt đầu có những yêu sách từ nhiều chính phủ đòi hỏi mạng xã hội phải thắt chặt hơn nữa, thậm chí là loại bỏ các quảng bá chính trị trên các bài đăng cá nhân.
Để kết thúc chuyên đề ngắn về một vấn đề quá sâu và rộng này, sẽ không có gì hợp lý hơn câu hỏi dành cho tất cả những ai từng ngưỡng mộ những nhân vật cấp cao ở Việt Nam mới bị bắt ra hầu toà trong mấy năm qua. Câu hỏi ấy là “Tại sao bạn đã tin họ và bây giờ, niềm tin ấy trở nên như thế nào?”. Trả lời câu hỏi ấy thật kỹ lưỡng, để biết họ có thực sự đã vì bạn, trong vai trò bạn là một người dân, là trọng tâm của cả bộ máy.
(Hà Quang Minh)