Về nơi nông dân thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày
TP – Thông tin có nhiều hộ nông dân xã miền núi Phú Định có thu nhập ổn định mỗi ngày trên 1 triệu đồng khiến cho không ít người bán tín bán nghi.
Trong ký ức họ, Phú Định-miền Tây Bố Trạch, Quảng Bình cái xứ sở “chó ăn đá, gà ăn sỏi” làm gì có chuyện “cổ tích” thời nay như thế. Họa có chăng họ đào được vàng hoặc “nhặt nhầm” đá đỏ mới có cơ phất lên nhanh như thế.
Phú Định mà vẫn bần hàn
Ông Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Định hồi tưởng: Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Phú Định là vùng đất cằn xác đầy sim mua, lau lách. Đi lại khó khăn, giao đất giao rừng cho dân ai cũng lắc đầu, lè lưỡi. Bao cuộc di dân lên đây làm kinh tế mới có mấy ai bám trụ được nơi hoang vắng và khắc nghiệt này.
Người ta lên, người giỏi lắm thì “ngắc ngoải” được vài ba năm. Còn không, cứ thế âm thầm lặng lẽ rút về đi làm thuê, làm mướn, vào rừng khai thác lâm sản để mưu sinh. Họ thờ ơ với rừng, với đất rừng. Người ta đua nhau khai thác những gì mà rừng đang có sẵn để đắp đổi cho miếng cơm manh áo hàng ngày.
Cho đến khi có chương trình 327, người dân nơi đây đã nhìn rừng với con mắt khác. Nhưng, nghèo quá họ không đủ sức đầu tư cho “nên tấm, nên món”. Có bao mô hình chọn nơi đây làm thí điểm như: trồng bạch đàn, thông nhựa, trẫu, cà phê, cao su…
Phong trào triển khai thì rầm rộ lắm, nhưng được một thời gian lại thấy oải. Thế là “xôi hỏng bỏng không”. Người ta gọi nhau ời ời sang chuyển lại đất đồi, vườn đồi cho các “đại gia” dưới xuôi có nhu cầu mua làm trang trại. Người ta đốn hạ các vườn cây không thương tiếc để trồng lấy cây ngắn ngày cầm cự “tháng ba ngày tám”. Cái không khí “rã đám” ngày đó buồn và nản lắm…
Khi có dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, những người tâm huyết với nghiệp rừng đầy ắp hy vọng và họ quay trở lại để đầu tư đón đầu. Đó là những năm 1997-1999. Nhiều hộ gia đình có chút vốn đã nghĩ ngay đến việc trồng cây cao su.
Cây cao su thời đó có mỹ danh là Nữ hoàng vùng đồi. Vì là nữ hoàng nên tính khí của nó cũng thất thường và đỏng đảnh. “Nữ hoàng” đòi hỏi được đầu tư đúng và đủ. Còn không thì gầy nhẳng, còng queo trên vùng đồi trông đến thảm. Khi đường Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng, giao thông thuận lợi vô cùng.
Nhà dân Phú Định trở thành nhà mặt tiền. Đến lúc đó, người ta ào ào tiến lên vùng đồi mà chẳng cần vận động. Sản vật trong rừng ngày càng cạn kiệt. Và người ta phải nghĩ đến cách trồng rừng. Những hécta cao su đầu tiên đã khép tán tạo động lực cho những ai còn hoài nghi về tính hiệu quả của nó.
Nhưng để có được rừng cao su gần 700 ha như bây giờ, người dân Phú Định cũng đã bao phen bầm dập, thấp thỏm lo âu với thời tiết khắc nghiệt của vùng đất này.
Anh Phạm Văn Phê Anh Trần Văn Du
Khổ tận cam lai
Đến lúc này ông Lê Thanh Khuyến, Chủ tịch xã Phú Định đã có thể tự hào để nói rằng, người dân xã ông tiên phong đưa cao su lên vùng đồi với mô hình cao su tiểu điền thành công. Nếu cứ tính bình quân 624 hộ dân trong xã với gần 700ha cao su thì mỗi hộ có hơn 1ha.
Hiện, toàn xã chỉ mới đưa vào khai thác chừng 230ha thôi, nhưng chỉ dăm năm nữa toàn bộ diện tích này được đưa vào khai thác thì Phú Định “muốn nghèo” cũng không được nữa rồi. Ông Khuyến sơ bộ tính: Thời điểm được giá nhất, 1kg mủ cao su có giá 15.000 đồng. Cứ 10 cây cao su khai thác được 1 kg mủ. 1 ha cao su bình quân từ 500-550 cây.
Như thế mỗi hécta một ngày cho thu nhập từ 600-800 ngàn đồng. Vốn đầu tư cho 1 ha cao su từ khi khai hoang cho đến khi khai thác (khoảng 7 năm) ước chừng 40 triệu đồng… Một bài toán lời lãi rất rõ, nhưng không phải dễ thực hiện ở xã vùng núi còn nghèo và quá khó khăn như Phú Định.
Ông Khuyến đọc vanh vách tên những hộ có thu nhập từ cây cao su mỗi ngày từ 1 triệu đồng trở lên gồm: Phan Thanh Noi, Trần Văn Du, Phạm Văn Phê, Trần Xuân Cương, Nguyễn Văn Tam… và cho người dẫn chúng tôi tìm đến nhà của họ.
Chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Du. Anh đang là Bí thư chi bộ thôn 8 của Phú Định. Một ngôi nhà xây khang trang, thoáng mát giữa bạt ngàn cây xanh. Trời mưa không thể đi cạo mủ nên anh Du ở nhà cùng vợ và con. Sinh năm 1953, là bệnh binh trở về quê năm 1978, anh đã chọn vùng đồi này làm đất cắm chốt lập nghiệp.
Bao khó khăn ban đầu không thể tính hết. Đã từng khai hoang trồng 3 ha cà phê, qua 3 năm thấy không hiệu quả anh đã phải tự tay chặt bỏ. Năm 1998 bắt tay vào trồng cao su. Toàn bộ vốn anh vay mượn và chắt chiu. Để cầm cự, anh đã lấy ngắn nuôi dài bằng những cây ngắn ngày và chăn nuôi.
Cứ thế, anh trung thành với Nữ hoàng vùng đồi, nâng niu, chăm bẵm nó cho đến tận bây giờ. Anh Du bảo: Dù đã đi vào khai thác gần 4 năm nay, nhưng vẫn chưa thể giàu được bởi còn phải tái đầu tư để mở rộng thêm diện tích. Anh cười: “Chừng 3-4 năm nữa thì việc mua ô tô chắc chắn không còn là chuyện quá khó”.
Chúng tôi tìm đến gia đình anh Phạm Văn Phê, ông trưởng thôn 9 này còn khá trẻ. Sinh năm 1964, nhưng đã có con trai đầu 22 tuổi, đang trong quân đội. Đứa con thứ hai đã tốt nghiệp THPT. Cô gái út đang học lớp 8. Người thấp đậm, săn chắc và quyết đoán. Cơ bắp cuồn cuộn lộ rõ dưới lớp áo sơ mi. Điển hình của một nông dân dám nghĩ, dám làm và tham công tiếc việc.
Hiện gia đình anh đã có 2 ha cao su khai thác đã 3 năm nay. Anh đang khai hoang và trồng mới thêm 2 ha cao su nữa. Anh nói: Hiệu quả mà cây cao su mang lại đã thấy rõ rồi. Giờ không dốc sức đầu tư thì sau này không còn cơ hội nữa.
Mà đúng thế thật. Quỹ đất của Phú Định giờ đã không còn mét vuông nào. Nếu muốn phát triển cây cao su chỉ còn cách chuyển đổi diện tích các loại rừng khác sang trồng cây cao su mà thôi. Ngoài 4 ha cao su mà anh đang có, anh còn làm thêm nửa hécta ruộng lúa.
Như anh nói thì, đến thời điểm này anh chưa thuê thêm người làm. Và toàn bộ thu nhập có được từ cây cao su, anh cân nhắc, toan tính để đầu tư vào cây và con gì cho hiệu quả cao nhất.
Và những cảnh báo
Một điều rất chung là khi ngồi cùng ông Lê Thanh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Phú Định, gia đình ông có 1,4ha cao su đi vào khai thác, cũng như khi nói chuyện với ông Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã, gia đình cũng có 1,2 ha cao su đang khai thác, cả hai ông đều lo lắng một điều: Nếu không cảnh tỉnh người dân có diện tích cao su thì không khéo, chính họ sẽ giết chết vườn cao su mà họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo dựng nên. Anh Du và anh Phê cùng chung một nỗi lo như thế.
Cái cơ sở của nỗi lo đó được họ lý giải rằng, hầu hết người dân Phú Định đều còn nghèo khó. Bao vốn liếng đã dành dụm, chắt bóp đầu tư vào cây cao su cả. Thăm thẳm chờ ngần ấy năm đến khi cao su cho mủ có thu nhập thì người dân đâm…ham.
Để có tiền chi phí cho đời sống thường nhật luôn thúc ép, họ đã khai thác bỏ qua quy trình quy phạm. Nếu theo quy trình cứ một ngày cạo mủ thì có một ngày cho cây cao su nghỉ dưỡng sức. Nhưng người dân ở đây lại “đặt ra” lệ riêng, cứ 2 ngày khai thác thì mới cho cao su nghỉ 1 ngày. Họ tiết giảm đầu vào để bớt chi phí.
Theo quy trình, mỗi tháng cây cao su phải được bón phân 2 lần. Nhưng, người dân vùng này đã mấy ai tuân thủ theo quy trình ấy. Cơm áo gạo tiền cứ sát sàn sạt thúc bên hông. Và cứu cánh thu nhập từ cây cao su đã khiến cho nó bị vắt kiệt mà người trồng nó không hề hay biết.
Theo những người có kinh nghiệm về cây cao su thì tuổi thọ trung bình của cây cao su từ 40-45 năm với điều kiện chăm sóc và khai thác chuẩn. Còn nếu như áp dụng kiểu chăm sóc và khai thác đang phổ biến của người dân ở đây thì tuổi thọ của nó chỉ còn một nửa. Lời cảnh báo đó lúc này đang nóng ở vùng đất Nữ hoàng vùng đồi đang ngự trị và cho vàng trắng.