Về những cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh

NGUYỄN MẠNH TƯỜNG(*)

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc thống nhất với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi, xuyên suốt tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Nội dung đó được thể hiện không chỉ ở tư tưởng của Người về dân tộc, về quan hệ dân tộc – giai cấp và cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; về đại đoàn kết dân tộc; về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về Đảng Cộng sản và xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà còn ở tư tưởng đạo đức và văn hoá Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6 – 1991) Đảng Cộng sản Việt Nam đã trịnh trọng ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1). Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4 – 2001), một lần nữa, điều đó lại được Đảng ta khẳng định. Sự khẳng định này đã thể hiện bước phát triển mới trong nhận thức và tư duy lý luận, tư duy chính trị của Đảng ta. Chúng ta có thể coi đó là một quyết định có tầm lịch sử quan trọng, đáp ứng được những nhiệm vụ của thực tiễn đổi mới đất nước đang đặt ra, cũng như tình cảm, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân. Và, trên thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của xã hội ta, trở thành một bộ môn khoa học được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức, trước hết là trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Vì thế, việc học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách một khoa học, có hệ thống để vận dụng và phát triển sáng tạo vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay là rất cần thiết và cấp bách.

Nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam và cách mạng giải phóng dân tộc. Do vậy, trong khuôn khổ của bài báo này, chúng tôi không thể làm sáng tỏ tất cả, mà chỉ tập trung luận chứng cho những tiêu chí cần có để khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học.

Trước hết, chúng ta có thể khẳng định rằng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác – Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác – Lênin mà hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nhờ có thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tiếp thu và chuyển hoá được những nhân tố tích cực, tiến bộ của truyền thống dân tộc và của nhân loại để tạo nên hệ thống tư tưởng của mình. Không có chủ nghĩa Mác – Lênin thì cũng không có tư tưởng Hồ Chí Minh sánh ngang tầm thời đại và có khả năng giải quyết được những nhiệm vụ thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin từ chủ nghĩa yêu nước được hình thành với một vốn học vấn uyên thâm, một năng lực trí tuệ sắc sảo nhờ phân tích, tổng kết các phong trào yêu nước chống Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; với khả năng tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo mà nhờ đó, trong suốt thời gian bôn ba tìm tòi, khảo nghiệm, Người đã hoàn thiện trí tuệ của mình bằng vốn hiểu biết văn hoá, chính trị và thực tiễn cuộc sống phong phú của nhân loại. Khác với các trí thức tư sản phương Tây đến với chủ nghĩa Mác – Lênin chủ yếu như đến với một học thuyết nhằm giải quyết những vấn đề về tư duy hơn là hành động, Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình và giải phóng tất cả các dân tộc khác. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin theo phương pháp nhận thức mácxít và theo lối “đắc ý vong ngôn” của phương Đông, nghĩa là cốt nắm lấy cái tinh thần, cái cốt yếu, cái bản chất. Người vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin để tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp cho cách mạng Việt Nam.

 “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,…

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(2).

“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người”(3). Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam, đem lại thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa và cách mạng Việt Nam suốt hơn 70 năm qua và đang soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta ngày nay.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là nhằm làm rõ những nội dung chủ yếu của tư tưởng ấy, khẳng định giá trị khoa học, ý nghĩa cách mạng của những luận điểm chủ yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là nghiên cứu cách thức Người kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại trong suốt tiến trình của cách mạng Việt Nam để trên cơ sở đó, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay. Điều đó cho thấy việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không thể chỉ là sự mô tả giản đơn các sự kiện, các biến cố lịch sử cụ thể, rời rạc về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Người, mà cần phải làm rõ lôgíc tư tưởng về quá trình ấy, nghĩa là nghiên cứu nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển từng nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ ra những giá trị hiện thời của tư tưởng ấy.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải dựa trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của triết học Mác – Lênin và phải nắm vững đối tượng nghiên cứu nhằm phản ánh chân thực quá trình hình thành và phát triển tư tưởng ở Người. Trong quá trình nghiên cứu cần phải nắm vững những quan điểm phương pháp luận của Hồ Chí Minh, như lý luận gắn liền với thực tiễn, quan điểm thống nhất biện chứng giữa lập trường dân tộc với lập trường giai cấp, quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thống nhất tính đảng với tính khoa học, toàn diện và phát triển. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, còn cần phải kết hợp phương pháp lịch sử với lôgíc, đồng thời sử dụng các phương pháp khác, như phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, điều tra xã hội học, tiếp xúc nhân chứng lịch sử,…

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết cần làm rõ nội dung cốt lõi, chủ yếu, hay vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời là mục tiêu của cách mạng Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai – độc lập dân tộc thống nhất với chủ nghĩa xã hội. Đây là vấn đề xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, của Đảng ta và của dân tộc Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến nay. Trong sự thống nhất ấy, học thuyết về chủ nghĩa xã hội được bổ sung thêm cách nhìn từ phía một dân tộc thuộc địa ở phương Đông bị áp bức, bóc lột nhưng tư tưởng về độc lập dân tộc đã vươn lên ngang tầm thời đại, được soi rọi bởi ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và lập trường của giai cấp vô sản. Nếu chủ nghĩa Mác – Lênin lấy mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng con người làm điểm trung tâm, làm động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì tư tưởng Hồ Chí Minh đặt vấn đề giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người và lấy đó làm nguồn lực của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Người đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc thực dân, phong kiến lên hàng đầu và xác định trước hết phải giành cho được độc lập dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh xác định, muốn cách mạng thành công thì dân chúng (công nông) là gốc, đồng thời phải có Đảng vững bền, phải đoàn kết và đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin, dân tộc cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với thế giới cách mạng. Nói tóm lại, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội và người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, có lòng khoan dung, độ lượng, có khí phách kiên cường, không hề run sợ trước sức mạnh của kẻ thù, không sợ phải hy sinh, gian khổ, có niềm tin vững chắc vào sự lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội không chỉ có giá trị đối với cách mạng Việt Nam, mà còn đối với cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Độc lập dân tộc thống nhất với chủ nghĩa xã hội đã và đang thấm sâu vào đời sống xã hội; trở thành động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay; đồng thời khẳng định quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn là xu hướng của thời đại hiện nay, thể hiện khát vọng độc lập trong hòa bình và tự do cũng như sức mạnh trường tồn của dân tộc ta và nhiều dân tộc khác trên thế giới.

Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội đã hàm chứa cả một hệ thống tư tưởng về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng theo con đường cách mạng vô sản.

Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một số tư tưởng cơ bản trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Tư tưởng về vấn đề dân tộc, mối quan hệ dân tộc – giai cấp và cách mạng giải phóng dân tộc. Vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, về thực chất, là vấn đề dân tộc thuộc địa trong thời đại cách mạng vô sản và độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Ở đó, có sự kết hợp nhuần nhuyễn lập trường dân tộc với lập trường giai cấp vô sản trong bản chất và tổng thể. Nhưng trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, lợi ích giai cấp thống nhất với lợi ích dân tộc, nhiệm vụ giải phóng giai cấp gắn liền với nhiệm vụ giải phóng dân tộc và do vậy, lợi ích và nhiệm vụ giải phóng giai cấp phải gắn liền với lợi ích và nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Xét đến cùng và trong toàn cục thì cách đặt vấn đề như vậy về dân tộc cũng là vì giai cấp công nhân. Từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp vô sản là bước nhảy vọt căn bản về nhận thức mà Hồ Chí Minh là người đầu tiên thực hiện trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nhờ giác ngộ giai cấp mà Người hiểu sâu hơn vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đồng thời càng sâu sắc hơn trong giác ngộ dân tộc, xác định và kiên trì lý tưởng phục vụ lợi ích giai cấp công nhân và dân tộc. Với Người, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản, phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, phải xây dựng được khối đoàn kết toàn dân trên nền tảng của liên minh công nông, phải được tiến hành chủ động, sáng tạo và phải được thực hiện bằng con đường bạo lực cách mạng.

2. Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, nhiều nhà tư tưởng đã không nhận thức được tính tất yếu và sự cần thiết của việc thay đổi xã hội. Thế hệ các nhà yêu nước mà hai cụ Phan là tiêu biểu đã nhận thức được điều đó, song cái ý thức hệ tư sản mà các cụ tiếp thu đã trở nên lạc hậu ở phương Tây. Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức được tính tất yếu và sự cần thiết của việc thay đổi xã hội, mà còn tiếp thu được hệ tư tưởng vô sản làm nền tảng cho việc xây dựng một xã hội mới của dân, do dân, vì dân và mang một nội dung nhân văn sâu sắc. Đó là xã hội xã hội chủ nghĩa, vì theo Người, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo vững chắc cho một nền độc lập thật sự và đưa lại hạnh phúc, tự do thật sự cho nhân dân.

 Hồ Chí Minh còn nêu lên cách hiểu của mình về chủ nghĩa xã hội, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, một cách hiểu thật giản dị, phổ cập, nhưng lại rất sâu sắc và thiết thực: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giầu nước mạnh”; “chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”(4). Người còn nêu ra tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội phù hợp với từng đối tượng xã hội, như “việc làm cho mọi người”, “ốm đau có thuốc chữa”, “già yếu thì được nghỉ”, “ai cũng được học hành”, “những phong tục tập quán không tốt dần dần được  xóa bỏ”,…

Người khẳng định: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta”. Do vậy, “không thể làm mau được mà phải làm dần dần”(5). Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam, từ những thập niên đầu thế kỷ XX cho đến nay, đã chứng tỏ sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đó là hoàn toàn đúng đắn.

3. Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc. Từ nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn trong phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành  công, đại thành công”. Tư tưởng về đại đoàn kết của Người đã được phát huy cao độ trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ trong nội bộ Đảng đến toàn thể dân tộc. Người chỉ rõ: Nếu chỉ đoàn kết trong Đảng thì chưa đủ, mà Đảng còn phải đoàn kết xung quanh mình toàn thể dân tộc thì cách mạng mới thành công. Người chủ trương mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân mà cốt lõi là liên minh công – nông, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không phân biệt ai, miễn là người Việt Nam yêu nước, chống đế quốc, tán thành xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người viết: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân…, phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tiến bộ…, phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc…, phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”(6). Hồ Chí Minh hiểu rõ đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau.

4. Tư tưởng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và trên lập trường giai cấp vô sản, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố liên minh chiến đấu giữa phong trào công nhân chính quốc với phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa nhằm phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Với Người, “Quan sơn muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”. Mở rộng khối đại đoàn kết quốc tế trên cơ sở của tình hữu ái vô sản, có lý, có tình, Người đã thực hiện quan điểm thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Theo Người, mở rộng khối đoàn kết là tìm thấy những người bạn quốc tế dân chủ và tiến bộ của dân tộc. Có thể nói, tư tưởng về sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân đã trở thành một trong những đặc điểm mới của tư tưởng Hồ Chí Minh, bổ sung cho tư tưởng về độc lập dân tộc của Người và đưa tư tưởng ấy lên ngang tầm thời đại.

5. Tư tưởng về Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng cách mạng chân chính, bộ tham mưu sáng suốt và kiên cường của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Người khẳng định Đảng là nhân tố quyết định hàng đầu để lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, là Đảng của giai cấp công nhân cũng đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt” và phải được xây dựng theo những nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người “đầy tớ” thật trung thành của nhân dân và do vậy, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới về chính trị, tư tưởng và tổ chức để xứng đáng là “Đảng của đạo đức và văn minh”.

6. Tư tưởng về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Theo Hồ Chí Minh, nếu vấn đề cơ bản của một cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ, nó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai. Chính vì vậy mà trên hành trình đi tìm một mô hình nhà nước tiến bộ cho dân tộc sau khi giành được độc lập, Người đã khảo sát những mô hình nhà nước ở các châu lục trên thế giới, vận dụng sáng tạo học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác – Lênin và đi đến quyết định lựa chọn mô hình nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong nhà nước ấy, mọi lợi ích, quyền hạn, lực lượng đều ở nơi dân và có sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc.

7. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu và xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Người không những đã để lại những tác phẩm lý luận về đạo đức, mà còn là hiện thân mẫu mực của những hành vi đạo đức. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, những giá trị của tư tưởng đạo đức phương Đông và phương Tây, đặc biệt quan trọng là những tư tưởng đạo đức của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin. Hồ Chí Minh đã thực sự làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam. Nền đạo đức mới mang bản chất của giai cấp công nhân được gọi là đạo đức cách mạng. Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi người cách mạng phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp. Đức là gốc, nhưng đức và tài phải kết hợp, phải đi đôi với nhau. Điều đó cho thấy, theo Hồ Chí Minh, đạo đức là vấn đề mang tính toàn diện ở mọi con người, biểu hiện tập trung thông qua ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với công việc. Người thường xuyên nhắc nhở chúng ta cần nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

8. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Với Hồ Chí Minh, “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng; Cay đắng chi bằng mất tự do”. Từ nhận thức đó, Người quyết tâm ra đi tìm một hệ tư tưởng mới đủ sức giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội Việt Nam. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ sự kế thừa một cách sáng tạo những giá trị nhân văn truyền thống, những giá trị nhân văn trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là tinh thần khoa học, cách mạng của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản ở các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin. Với lòng yêu thương vô hạn và sự cảm thông sâu sắc đối với mọi nỗi đau khổ của con người, Người kiên quyết đấu tranh, tố cáo những tội ác gây ra cho con người và đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh, phẩm giá, vào khát vọng vươn tới Chân, Thiện, Mỹ của con người. Theo Hồ Chí Minh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Trên cơ sở của niềm tin mãnh liệt vào con người, Hồ Chí Minh nguyện phấn đấu suốt đời cho hạnh phúc của con người trong một xã hội công bằng và coi chiến lược trồng người là chiến lược hàng đầu của cách mạng.

9. Tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh. Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra những phương tiện và công cụ cho sinh hoạt hàng ngày nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống của họ. “Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”(7). Chính vì vậy, theo Người, văn hoá có vị trí, vai trò, tính chất và chức năng quan trọng, to lớn trong đời sống xã hội; văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi, phải làm cho ai cũng có lý tưởng độc lập, tự chủ và có ý thức đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Người chỉ rõ ba lĩnh vực chính của văn hoá là văn hoá giáo dục, văn hoá văn nghệ và văn hoá đời sống. Mỗi lĩnh vực của văn hoá lại có vị trí, chức năng và nhiệm vụ riêng, song việc cải tạo, sửa đổi cái cũ và việc xây dựng, sáng tạo, phát minh cái mới luôn là những vấn đề bức thiết, vấn đề thời sự của cuộc sống.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng ta khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đồng thời là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, – đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh là mẫu mực của tinh thần độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo. Bài học này đòi hỏi phải luôn xuất phát từ thực tế khách quan, phải tìm ra những hình thức, bước đi, cách làm phù hợp, phải luôn luôn biết gắn lý luận với thực tiễn, từ tổng kết thực tiễn mà bổ sung, làm phong phú thêm lý luận.

 

(*) Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.127.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83-84.

(3) Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học  Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, .2003, tr.19 .

(4) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.226; t.10, tr.556; t.9, tr. 447.

(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.493, 226.

(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.605 – 606.

(7) Hồ Chí Minh. Sđd., t.3,  tr. 431

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 5 (168) – 2005