Về mức lương hưu của 13 giáo viên mầm non ở huyện Thường Tín: Có thiếu lý, nhạt tình?
(HNM) – Trước mắt chúng tôi là những người phụ nữ lam lũ, vất vả, phần lớn cả cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mầm non. Vậy nhưng, sau hơn 30, 40 năm công tác, khi hết tuổi lao động về nghỉ hưu họ chỉ nhận được mức lương “còm cõi” không bằng tiền trợ cấp cho một số đối tượng xã hội…
Trong đơn gửi đường dây nóng Báo Hànộimới, 13 giáo viên mầm non hưu trí ở các xã Vạn Điểm, Thống Nhất, Chương Dương, Minh Cường, Văn Bình (Thường Tín) đồng loạt đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại mức lương mà họ được nhận từ tháng 1-2015 do Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội ban hành. Trong số 13 giáo viên hưu trí này, người vào ngành sớm nhất là năm 1972, người vào ngành muộn nhất là năm 1983. Như vậy, các giáo viên này có số năm công tác dao động từ 32 đến 43 năm và đây là khoảng thời gian không hề ngắn. Đổi lại, khi nghỉ hưu, họ được nhận mức lương “hẩm hiu” khiến nhiều người giật mình. Cụ thể là bà Đặng Thị Dung 540.000 đồng/tháng; bà Đỗ Thị Hòa 537.000 đồng/tháng; bà Lê Thị Toan 699.928 đồng/tháng… Người được nhận mức lương cao nhất trong số này là bà Nguyễn Thị Hoa với mức 1.150.000 đồng, vừa bằng mức lương tối thiểu. Bà Lê Thị Toan, xã Chương Dương đại diện 13 giáo viên nhận lương hưu từ tháng 1-2015 chua xót nói: Theo chính sách của Nhà nước, năm 2003 chúng tôi phải nộp truy thu bảo hiểm từ tháng 1-1995, thậm chí chúng tôi còn phải trả cả tiền lãi. Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhưng khi nghỉ hưu chỉ được nhận mức lương không bằng mức trợ cấp cho người tàn tật. Chúng tôi tủi phận, chua xót và mất niềm tin vì không ngờ với bằng ấy năm lao động, giờ đây được nhận mức lương không sống đủ nửa tháng.
Theo phản ánh của các giáo viên này thì họ đều có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó một số người đến khi nghỉ hưu vẫn chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc nên được đóng tiếp bảo hiểm tự nguyện để đủ 20 năm. Theo cách tính lương hưu cho các giáo viên này thì toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm được tính gộp lại, chia bình quân cho các tháng đóng bảo hiểm nên mới có mức lương thấp như vậy. Trước thực tế nêu trên, Báo Hànộimới đã trao đổi với cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội. Theo đó, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội khẳng định cách tính lương cho 13 giáo viên hưu trí nói trên là đúng chính sách hiện hành. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 79 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006 thì “Người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó đóng bảo hiểm tự nguyện thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí”. Và tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định 190/2007/NĐ-CP ngày 28-12-2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội tự nguyện quy định: “Khi tính mức lương hưu hằng tháng đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, mà mức lương hưu hằng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung”. Tuy nhiên, 13 trường hợp hưu trí nói trên đều không đủ thời gian đóng 20 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu.
Theo hồ sơ, trong số 13 giáo viên hưu trí nói trên có 3 người tham gia trong quân đội nhưng vẫn không được tính vào thời gian tham gia bảo hiểm, đó là các bà Lê Thị Toan, Đặng Thị Dung, Nguyễn Thị Hoa khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Một số giáo viên hưu trí này cho rằng, số tiền đóng bảo hiểm tự nguyện của họ không hề nhỏ, có người đóng đến hơn 40 triệu cho 24 tháng, nay nhận được mức lương hơn 700.000 đồng/tháng, trong khi đó phần lớn họ đều là những người có hoàn cảnh rất khó khăn? Với mức lương quá thấp không thể bảo đảm một phần cuộc sống, chúng tôi xin được gửi đến các cơ quan chức năng để cùng xem xét, nhìn nhận về thực trạng lương của một bộ phận giáo viên mầm non hưu trí, hy vọng các cơ quan chức năng có giải pháp hợp lý, hợp tình cho những lao động này.