Về hệ thống giáo dục mở
(GDVN) – Hệ thống mở không có mục đích tự thân. Mục đích của hệ thống này là để tạo ra chất lượng và tăng động lực của giáo dục.
LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) bày tỏ quan điểm của ông về hệ thống giáo dục mở.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
1. Xây dựng cho được một nền giáo dục tốt là công việc quan trọng nhất đối với quốc gia và hệ thống chính trị, vì sản phẩm của nó tạo ra là một dân tộc ở đẳng cấp cao hơn, và đó cũng là nền tảng và điều kiện quan trọng nhất đối với mọi sự phát triển của đất nước.
Nhà nước và toàn dân cần phải ý thức đầy đủ về quốc sách hàng đầu. Nhà trường, gia đình và xã hội đều nâng cao trách nhiệm đối với chất lượng giáo dục.
Lâu nay ta đã nói nhiều rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng đó mới là nói, là khẩu hiệu, còn trên công việc thực tế thì chưa thể hiện rõ điều này.
Lãnh đạo chung chưa quan tâm đúng mức đến những vấn đề mấu chốt của giáo dục, mà phần nhiều chỉ mới là thăm hỏi, nghe báo cáo một chiều.
Đến nay tư duy về giáo dục vẫn còn nhiều lạc hậu và tình hình tiêu cực trong giáo dục đã có không ít dấu hiệu báo động sự nghiêm trọng.
2. Thế nào là mở và mở để làm gì?
Khái niệm mở trước nhất theo tôi hiểu là không đóng kín, không tự cô lập mình với cuộc sống bên ngoài xã hội và thế giới đông-tây, mà cần tiếp biến thường xuyên với các nền giáo dục và văn hóa khác, với các tư tưởng và cách tư duy đa dạng, khác mình.
Để từ đó mà bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện mình. Thế giới và cuộc sống luôn biến đổi, không đứng yên, không ngưng đọng. Sự vận động và biến đổi đó chính là phương thức tồn tại và phát triển.
Ngày nay sự biến đổi ấy càng xảy ra nhanh chóng, vì sự tích lũy về lượng kiến thức cũng như kinh nghiệm sống và làm việc đã đủ nhiều để có thể chuyển sang những bước nhảy vọt nối tiếp nhau về chất.
Một hệ thống đóng kín nhất định sẽ thoái hóa và lạc hậu. Chỉ có một hệ thống mở mới đững vững và phát triển được. Khoa học về lý thuyết hệ thống đã chứng minh và khẳng định như vậy.
Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng theo hướng tốt. Cần phải nắm vững tính mục đích của việc xây dựng hệ thống giáo dục mở.
Hệ thống mở không có mục đích tự thân. Mục đích của hệ thống này là để tạo ra chất lượng và tăng động lực của giáo dục.
Chất lượng là sản phẩm con người: trung thực, nhân ái, tự chủ và sáng tạo; đó là những con người tự do, con người mục đích chứ không phải là con người công cụ, ý thức được giá trị của dân chủ; vừa là công dân Việt Nam vừa là công dân toàn cầu trong thời hội nhập.
Động lực cho sự phát triển giáo dục là khuyến khích tăng thêm nguồn lực vật chất và tinh thần, sự nổ lực và chất xám, từ nhà nước và của toàn xã hội, sử dụng các nguồn lực ấy một cách hiệu quả hơn, nâng cao trách nhiệm, tâm huyết, sự năng động sáng tạo của các cơ sở đào tạo, của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Để tạo ra những con người với các đặc điểm nói trên, phải là một nền giáo dục đổi mới, thực học, nhân bản, khai sáng và một hệ thống giáo dục mở.
Nền giáo dục nước ta có nhiều mặt còn rất lạc hậu, từ đó dẫn đến kìm hãm sự phát triển tư duy và năng lực của con người, làm cho dân tộc không đủ sức để tiến vượt lên.
Cần phải có một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện như Nghị quyết 29 của Trung ương khóa XI đã nói, nói cách khác là một cuộc cải cách sâu rộng.
Trước tiên phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy theo hướng tư duy mở. Với tính chất thực học, phải khắc phục bệnh thành tích, hư học, học tủ, học lệch, học chủ yếu để ứng thí, tiêu cực về mua bán điểm số, bằng cấp và công danh.
Với tính chất nhân bản, trước hết là dạy làm người, để học sinh khi ra trường, hòa nhập với xã hội, trước tiên phải biết làm người và sau đó tiếp tục làm người trong khi làm nghề.
Khai sáng được hiểu ở đây là khai phóng và sáng tạo, đó cũng chính là khai hóa văn minh. Trong hệ thống ấy, mọi hoạt động đều hướng đến sự khai mở về tư duy, tri thức và năng lực.
Như vậy, hệ thống giáo dục mở là nhằm đáp ứng nhu cầu cho việc hình thành một nền giáo dục với đặc điểm như đã nói để từ đó tạo ra những con người với chất lượng cao hơn – cũng tức là nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài mục tiêu ấy, việc tổ chức một nền giáo dục theo kiểu nào đó với mục tiêu nào khác sẽ đều không có ý nghĩa.
3. Cách dạy phải phát huy tối đa năng lực tư duy độc lập của người học
Khuyến khích học sinh có chính kiến riêng, có thể khác thầy, khác sách giáo khoa, không bị quy chụp, đánh giá là kém vì lẽ ấy (ngược lại được đánh giá tốt về bản lĩnh khoa học).
Thầy giáo là người bạn lớn đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý, chứ không phải người nắm giữ độc quyền chân lý, ban phát, áp đặt chân lý.
Không phải chuẩn bị cho học sinh phải luôn giống thầy, giống sách, mà cần chuẩn bị để học sinh có thể vượt thầy, vượt sách nếu có đủ khả năng và có tinh thần học tập không mệt mỏi.
Tập trung dạy nhiều về cách học, hơn là truyền thụ kiến thức sách vở.
Theo đó, thầy giáo đặt vấn đề, có thể giới thiệu rất cô đọng giá trị cốt lõi, và hướng dẫn cho học sinh cách tiếp cận đa chiều, tự tìm tư liệu, biết cách phân tích và tổng hợp.
Nói gọn hơn là hướng dẫn cho học sinh cách tự học. Chú ý: tự học, độc lập tư duy và tiếp cận thông tin nhiều chiều không áp đặt là một đặc điểm quan trọng của hệ thống giáo dục mở.
Trước đây chủ yếu ta thực hiện một chương trình và một bộ sách giáo khoa trong giáo dục phổ thông. Cách đây hơn 5 năm đã có chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Đó là một chủ trương đúng, mở, chống độc quyền về sách giáo khoa, nhằm khuyến khích sự ra đời của những bộ sách giáo khoa có chất lượng cao.
Đáng lẽ chủ trương đó phải được thực hiện khẩn trương, đầy đủ và nghiêm túc, để sau một thời gian có thể rút kinh nghiệm và tiếp tục mở theo hướng nhiều chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa ở phổ thông trung học.
Nhưng rất tiếc, những người có trách nhiệm thực thi chủ trương đã tìm cách lái chệch đi theo hướng khác.
Họ đề xuất và đưa ra chủ trương trong khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo soạn thảo một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước với hàng nghìn tỷ đồng.
Cứ cho là trong sáng, không có động cơ tiêu cực gì trong việc xin cấp tiền ngân sách để sử dụng. Nhưng đó là một kiểu đổi mới nửa vời, đổi mới “như cũ”.
Ai lại đi tổ chức một sân chơi “bình đẳng” theo kiểu có một đội bóng nhà – đội bóng mà có trọng tài trực tiếp tham gia.
Cách làm này vừa tốn nhiều tiền ngân sách lại vừa không đạt sách chất lượng như dự định.
Mãi đến nay, không thể khác được, nên mới chịu từ bỏ ý định Bộ Giáo dục trực tiếp chỉ đạo một bộ sách giáo khoa.
Nói thế không có nghĩa là Bộ không cần chỉ đạo hoặc hướng dẫn gì trong việc làm sách giáo khoa. Đừng ngã từ cực này sang cực khác.
Nhưng Bộ chỉ đạo (nêu yêu cầu, hướng dẫn) là chỉ đạo chung, cho tất cả mọi người ở các nhóm làm sách, minh bạch và bình đẳng về sân chơi chung.
Đến một lúc nữa, không xa, có thể dùng tài liệu học tập thay cho sách giáo khoa, và thầy giáo sẽ là người tự chuẩn bị giáo trình theo các yêu cầu chung và phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
4. Tự chủ đại học và tự do học thuật
Đây là đặc điểm của một nền giáo dục đại học trưởng thành, thực chất, đúng nghĩa. Nếu không được tự chủ, nhất là tự chủ về chương trình, và không có tự do học thuật thì đại học chưa phải là đại học.
Ở nước ta, cho đến nay, vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ của vấn đề này. Và cùng với đó, vấn đề tự do học thuật cũng bị hạn chế rất nhiều.
Nguyên nhân của tình trạng không tự chủ đầy đủ về chương trình và không có tự do đầy đủ về học thuật là do sự “hành chính hóa”, “chính trị hóa” khoa học và giáo dục.
Chính trị là một vấn đề rất quan trọng trong đời sống xã hội. Trong giáo dục rất cần thiết phải giúp cho người học tiếp cận với vấn đề chính trị.
Nhưng đó là học khoa học chính trị chứ không phải là học chính trị, càng không phải là sự áp đặt chính trị vào trường học theo kiểu “chính trị hóa”.
Các nghị quyết của Trung ương và luật pháp do Quốc hội ban hành cũng có thể cần thiết giới thiệu cho sinh viên biết về lý do ban hành và nội dung chủ yếu, nhưng đó là công việc ngoại khóa, có tính chất “học chính trị”, chứ không phải là học khoa học chính trị như chương trình chính khóa của các ngành liên quan.
Đối với các môn lý luận chính trị Mac-Lenin cần được trình bày theo cách học khoa học, chứ không phải áp đặt chính trị, giới thiệu cho học sinh biết các giá trị nhân văn và giá trị khoa học của vấn đề, dạy và học với tư cách là một bộ phận hợp thành của khoa học nói chung về lĩnh vực đó, không khu trú biệt lập Mac-Lenin với các trường phái khác, bình đẳng về mặt khoa học như các bộ phận khác, không nên ưu tiên về quan điểm chính trị.
Có ý kiến lo ngại rằng nếu bình đẳng như vậy thì sẽ làm giảm vai trò của lý luận Mac-Lenin. Không phải ngại như thế đâu.
Với tư cách là học thuyết khoa học thì giá trị của nó bao nhiêu là do tính khoa học và tính nhân văn của nó quy định.
Không thể ai tự ý tăng lên hoặc giảm đi. Khi làm rõ giá trị nhân văn và khoa học trong đó, tiếp tục bổ sung các giá trị mới sáng tạo hợp thời đại, thì đó là cách làm “sống mãi” bằng nội lực của học thuyết.
Sinh thời, Marx chẳng được ai ưu tiên thứ gì, ông không có quyền lực, không áp đặt cho ai tư tưởng của mình, ông chỉ có tranh luận bình đẳng với các trường phái khác, đến nay ông đã mất hơn trăm năm rồi, nhưng tư tưởng của ông vẫn còn được nhiều người ủng hộ, vậy nó phải có những giá trị nhất định chứ không thể là sự đánh lừa dư luận.
Đồng thời với tự chủ đại học, cần thiết phải có vai trò của một hội đồng trường thực chất là cơ quan quyền lực của nhà trường, chứ không phải là một tập thể hình thức để nói theo.
Hội đồng trường bao gồm những người đại diện cho các tổ chức, tập thể bên trong trường, đồng thời có đại diện của cộng đồng địa phương và mời một số nhà khoa học, quản lý giáo dục độc lập tham gia.
Hội đồng trường là cơ quan quyết định chức danh quản lý chủ chốt (hiệu trưởng) của trường, chứ không phải là một tập thể do hiệu trưởng quyết định.
5. Tăng mạnh tỷ lệ của khu vực ngoài công lập (cả tư thục và dân lập), trước nhất là cao đẳng và đại học.
Công lập tập trung hơn cho giáo dục phổ thông và cho vùng khó khăn ở nông thôn, miền núi.
Trong giáo dục phổ thông, khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao và không tổ chức hệ thống trường chuyên trong công lập, nhằm tạo bình đẳng về suất đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Việc bồi dưỡng học sinh giỏi nên thực hiện theo hình thức câu lạc bộ môn học ở các trường học.
Đối với những học sinh cấp phổ thông trung học xuất sắc có triển vọng trở thành nhân tài, chuyên gia đầu ngành thì có thể chuyển về học tiếp những năm cuối phổ thông tại trường chuyên thuộc các trường đại học nghiên cứu lớn theo khu vực.
Đối với khu vực ngoài công lập đặc biệt khuyến khích trường không vì mục đích lợi nhuận.
Tại nhiều nước phát triển, trong cơ cấu của khu vực đại học và cao đẳng, số trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ phần lớn, còn số trường công lập chiếm tỷ lệ ít hơn nhiều.
Ở Việt Nam thì ngược lại, công lập trên 80% học sinh. Ngân sách nhà nước không đủ cung cấp cho yêu cầu nâng cao chất lượng.
Không khả thi khi ta mong muốn có một hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao với giá đầu tư rẻ.
Tốt nhất là nên chuyển một bộ phận đáng kể các trường công lập hiện nay sang dân lập. Có thể bán, khoán, cho tư nhân thuê, mở cho các nhà đầu tư mua cổ phần để đầu tư vào và tham gia quản lý, có thể áp dụng phương thức sở hữu công và quản lý tư.
6. Bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập
Cần có một sân chơi chung, bình đẳng và minh bạch. Hiện tại chưa có sự bình đẳng giữa 2 khu vực này, công lập đang có ưu thế hơn về việc được nhà nước cung cấp các nguồn lực, còn khu vực ngoài công lập thì được ưu thế hơn về cơ chế tự chủ và năng động.
Để khắc phục tình trạng này, tạo ra một sân chơi bình đẳng thì cần phải tạo điều kiện cho khối công lập về cơ chế tự chủ tương tự như khối ngoài công lập.
Đồng thời tạo điều kiện cho khối ngoài công lập được tiếp cận và được sử dụng các nguồn lực của nhà nước tương tự như khối công lập.
Theo đó, các cơ sở ngoài công lập được vay vốn vay ưu đãi để xây dựng hạ tầng (và trường công lập cũng theo cơ chế vay này thay cho việc cấp vốn như lâu nay), được thuê đất sạch của nhà nước với chính sách miễn tiền thuê đất để xây trường học.
Nguồn ngân sách lâu nay nhà nước cấp phát cho các trường công lập để chi thường xuyên nay sẽ thôi không cấp như thế nữa mà chuyển sang cấp học bổng cho học sinh trong diện được cấp học bổng (như học sinh giỏi, con gia đình có công với nước, nhà nghèo không đủ điều kiện theo học…).
Các học sinh đó đang học ở cơ sở giáo dục nào thì kinh phí này chuyển về cơ sở ấy, không kể công lập hay ngoài công lập.
Tất cả các trường tự hạch toán, chi thường xuyên chủ yếu từ nguồn học phí, công lập hay ngoài công lập đều vậy, như nhau.
Khi tình hình cân đối ngân sách khá hơn thì nhà nước có thể tài trợ 100% học phí cho đối tượng học sinh cấp nào đó (từ dưới lên) bất kể học ở trường công hay trường tư.
Và theo đó, chế độ hưu trí, trợ cấp xã hội, khen thưởng, vinh danh, tuyển dụng đều không phân biệt công lập và ngoài công lập.
7. Bảo đảm tính liên thông trong hệ thống giáo dục
Đó là sự liên thông giữa phổ thông, trung cấp, cao đẳng và đại học để cho những người học xong cấp nào đó nếu muốn hoặc vì hoàn cảnh thì có thể ra tìm công việc làm và sau đó một thời gian trở lại trường để học tiếp lên một cách thuận lợi (không giống như trường hợp trước đây giữa trường chính trị và trường hành chính quốc gia khi đã nhập thành một rồi mà vẫn không công nhận kết quả của nhau, bắt người học phải học lại từ đầu).
Đó là sự liên thông giữa các trường và các ngành học để khi thay đổi ngành nghề được thuận lợi (tình hình ở nhiều nước cho thấy, bình quân mỗi người sau khi ra trường cho đến cuối đời làm việc thường thay đổi nghề nghiệp đến trên 5 lần).
Khi ấy, cần học thêm, bổ túc kiến thức thuận tiện nhất để có thể nhanh chóng tiếp cận với ngành nghề mới.
Để thiết kế liên thông về chương trình học giữa các cấp, các bậc học, rất cần một đầu mối thống nhất quản lý công việc này. Tức là cần kiến trúc sư trưởng.
Hiện tại ở Việt Nam rất nhiều bộ thực hiện. Trong đó, Bộ Giáo Dục và Bộ Lao Động được phân chia hệ thống giáo dục ra thành 3 khúc, khúc đầu và khúc cuối do Bộ Giáo dục quản lý, khúc giữa do Bộ Lao Động quản lý, đó là chưa kể các Ban, Bộ chủ quản khác.
Vậy thì thiết kế liên thông theo cách nào đây? Hoặc là thống nhất đầu mối về một Bộ Giáo Dục, hoặc là các Bộ ấy phải cử người tham gia thường xuyên vào một Ban chung có tính chất liên ngành.
Giải quyết việc này phải trên cơ sở khoa học, chứ không thể vì lý do tài chính bởi nguồn lực của các chương trình mục tiêu chi phối.
Theo đó, cần xóa bỏ hẳn cơ chế bộ chủ quản, chỉ trừ trường hợp một số ít trường do tính chất đặc thù như trường của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công An.
Về công việc đào tạo đại học, rất cần sự gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo.
Thông qua công việc nghiên cứu mà đào tạo sinh viên. Không nhất thiết cứ phải quy định trường này là đại học nghiên cứu, còn trường kia không là như thế.
Trường nào cũng có quyền nghiên cứu, vừa để có sản phẩm khoa học vừa để đào tạo sinh viên.
Còn bên đặt hàng giao công trình nghiên cứu này cho trường nào và cuối cùng trường nào nghiên cứu được nhiều hơn, chất lượng tốt hơn là chuyện khác, do năng lực thực tế của cơ sở đào tạo, chứ không phải do ai quy định.
8. Thoáng mở đầu vào và quản lý chặt chẽ đầu ra, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục đúng thực chất
Đối với học sinh phổ thông, nói chung, nếu không có kiểm tra, thi cuối môn, cuối kỳ thì sẽ không học. Đó là một thực tế mà mọi lý thuyết “lý tưởng” đều không dễ dàng vượt qua.
Thậm chí người lớn đi học cũng có phổ biến tâm lý thích nghỉ học.
Tất nhiên vẫn có trường hợp những học sinh đam mê học tập, không cần thi hay kiểm tra vẫn học, rất chủ động và tự giác. Nhưng đó là số ít, và còn lâu nữa vẫn là số ít, còn phần đông thì không thế, mà phải thi và kiểm tra thì mới tích cực học.
Cuộc thi kết thúc phổ thông là quản lý đầu ra, vẫn còn cần thiết khá lâu nữa, không nên vội bỏ cuộc thi này.
Tất nhiên có thể thực hiện một cách nhẹ nhàng hơn, không nặng nề như lâu nay. Học ở đâu thì thi ở đó, không cần đi tập trung tốn kém.
Bộ chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi theo hướng mở để kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ kiến thức sách vở, và có thể giao có các địa phương tổ chức thi theo quy chế thống nhất chung.
Khi đã ra đề thi mở, kiểu mới, để kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ, thì người đi thi có thể tự do mang theo tài liệu nếu muốn.
Cần phải dành sức lực của người học cho việc tư duy độc lập và năng động sáng tạo thay cho việc hao tổn nhiều năng lượng để nhớ một cách máy móc các kiến thức sách vở.
Nhiều thế hệ học sinh của chúng ta đã từng vất vả bao nhiêu để nhớ các công thức toán học và vật lý, nhớ các tư liệu về lịch sử và địa lý, mà sau này khi tốt nghiệp ra trường thì làm việc cả đời không dùng đến các công thức và tư liệu ấy.
Mọi học sinh đã tốt nghiệp phổ thông đều có quyền đăng ký học tiếp đại học, còn việc có tuyển sinh hay không và tuyển sinh theo cách nào là chuyện của các cơ sở đào tạo, do cơ sở đào tạo quyết định.
Cơ quan quản lý nhà nước không ôm việc làm thay, mà mở ra cho các trường chủ động.
Song song với việc thoáng mở đầu vào thì nhất thiết phải có các tổ chức kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục (của nhà nước, của các hiệp hội và tổ chức độc lập của tư nhân); có các quy định pháp lý về tính trung thực của việc đánh giá; các kết quả đánh giá cần được công khai minh bạch.
9. Đa dạng về phương thức đào tạo và phát huy vai trò của công nghệ thông tin
Phương thức đào tạo là một vấn đề khoa học và rất thực tiễn. Phương thức nào là tốt nhất sẽ phụ thuộc đặc điểm của đối tượng học sinh, của yêu cầu xã hội và điều kiện hoàn cảnh.
Bản thân cuộc sống rất đa dạng. Cần có tư duy mở về phương thức đào tạo để giải phóng năng lực xã hội. Chỉ cần tập trung quản lý chất lượng đầu ra như phần trên đã nói.
Công nghệ thông tin đang từng bước thay thế dần chức năng truyền thụ kiến thức mà trước đây người thầy giáo trực tiếp làm.
Từ nay người thầy sẽ có nhiều thì giờ và điều kiện hơn để dạy cách học, hướng dẫn cách tìm kiến thức, cách phân tích, tổng hợp và luận giải một vấn đề, cùng trải nghiệm thực tế, khảo cứu và truyền cảm hứng tư duy sáng tạo cho học sinh.
Công nghệ thông tin đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tới đây, công nghệ thông tin sẽ tham gia trực tiếp vào công việc giáo dục. Những trường học mà lâu nay nhiều người gọi là “trường ảo” trên mạng sẽ là thật chứ không phải ảo nữa, sẽ ngày càng nhiều, và tương lai xa hơn sẽ là một phương thức phổ biến.
Sách giáo khoa điện tử, với một thiết bị mỏng và nhẹ có thể chứa nội dung nhiều bằng mấy nghìn cuốn sách in sẽ ra đời, cập nhật rất nhanh những thông tin mới nhất để thay thế cho các thông tin đã cũ.
Các quan niệm về trường học, địa điểm, phòng học, giảng đường, thư viện, giao tiếp, đi thực tế…có thể khác nhiều so với cách hiểu truyền thống trước đến nay.
Một thầy giáo giỏi cộng với công nghệ thông tin sẽ thay thế cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thầy giáo trước đó.
Học sinh có thể ở nhà tại nhiều nước khác nhau để nghe thầy giảng và ở xa vẫn tương tác được với nhau.
Công việc giáo dục cần chuẩn bị cho học sinh biết sử dụng thành thạo các phương tiện về công nghệ thông tin và ngôn ngữ để thuận tiện cho việc học và làm việc sau này.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương)