Về ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”

* Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được sáng tác trước hay sau thời điểm 30-4-1975 và sức lan tỏa của ca khúc này như thế nào? (Trần Miên, Hải Châu, Đà Nẵng)

– “Đất nước trọn niềm vui” là ca khúc do nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác và thu âm trong cùng một ngày, 26-4-1975; ngay ngày hôm sau, được phát đi khắp cả nước lần đầu tiên trên sóng truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ca của NSND Trung Kiên.

Nhạc sĩ Hoàng Hà (1929-2013)

Nhạc sĩ Hoàng Hà (1929-2013)

Vào những ngày cuối tháng 4-1975, khi đang công tác ở Phòng nhạc thiếu nhi tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Hà được tiếp xúc với những thông tin nóng nhất về tình hình chiến sự tại miền Nam. Trước tin vui đến từng ngày từng giờ, người nhạc sĩ làm công tác biên tập nhạc canh cánh bên lòng rằng phải viết ca khúc về niềm vui dâng cao đó.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 4-1975, ông đã viết hàng chục ca khúc đã được phát đi trên hai làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng như Sục sôi cách mạng, Hát trên đường phố giải phóng, Hội toàn thắng…

Khi có thông tin nhanh rằng quân cách mạng sau khi giải phóng liên tục các tỉnh Nam Trung Bộ đang tiến đến gần Nha Trang thì ông cho ra đời ca khúc Chào Nha Trang giải phóng (về sau này được lấy làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa).

Đến ngày 26-4-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên bố về việc quân giải phóng miền Nam đang ồ ạt tiến về Sài Gòn, thời điểm cuối cùng kết thúc vẻ vang chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thì nhạc sĩ Hoàng Hà đã trào dâng hạnh phúc và xúc cảm.

Ngay trong đêm đó, ông đã viết xong bài Đất nước trọn niềm vui và cùng con trai lớn của mình là NSƯT Hoàng Lương hát say sưa suốt đêm. Nhạc sĩ kể rằng, ông viết bài hát đó từ đêm 26-4 có nghĩa là chưa có rừng cờ chiến thắng, niềm vui “đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay” là niềm vui trong tâm hồn, trong mơ ước khi nghĩ về ngày vui trọn vẹn. Nhạc sĩ đã viết bằng dự cảm nhưng cũng bằng niềm tin tuyệt đối của mọi người dân Việt Nam sống trong thời kỳ lịch sử ấy.

Sáng hôm sau, nhạc sĩ Hoàng Hà đem bài hát qua Ban biên tập Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông nhớ lại: “Nhạc sĩ Nguyễn An lúc đó là Tổ trưởng Tổ Biên tập nhạc đọc và duyệt, rồi giao ngay cho Nhà hát Giao hưởng. Anh Trung Kiên nhận bài xem ngay tại chỗ, còn anh Đỗ Dũng thì kê tập giấy nhạc lên mặt trống Tem-ban phối khí ngay trong phòng thu, các anh chị trong tốp nhạc xúm lại chép liền.

Tôi dự buổi thu thanh, nghe mà cảm phục anh Trung Kiên sao lại có sự đồng cảm đến thế. Giọng hát của anh đã thực sự chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất”…

Tư liệu từ TTXVN: “Nhạc sĩ Hoàng Hà với ca khúc Đất nước trọn niềm vui” đăng trên thethaovanhoa.vn ngày 5-9-2013 dẫn lời nhạc sĩ Hoàng Hà rằng: “Tôi viết Đất nước trọn niềm vui trong đúng một đêm (26-4-1975) tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội.

Khi ấy, cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!”.

Khi viết ca khúc để đời này, ông chưa từng một lần đặt chân vào đất Sài Gòn: “Mãi đến năm 1977, tôi mới tận mắt trông thấy Sài Gòn. Hồi đó, từ giữa tháng 4 năm 1975, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động.

Trong cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Đường phố cũng như vậy, tràn ngập một không khí phấn khởi, rộn ràng”… “Nhiều hôm, sau giờ làm việc tôi không về nhà mà ở lại cơ quan để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Nhưng nếu chỉ có cảm xúc trong bối cảnh ở Hà Nội, thì chắc bài hát đã có một hình dạng khác. Viết được Đất nước trọn niềm vui cũng là cả một quá trình”.

Nhạc sĩ Hoàng Hà qua đời ngày 4-9-2013 nhưng tác phẩm của ông còn mãi với thời gian.

ĐNCT