VẤN NẠN TIẾNG ỒN VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA

Cập nhật: 14:26, 7/5/2021 Lượt đọc: 610

VẤN NẠN TIẾNG ỒN VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA

Trên thế
giới, tiếng ồn được xem một vấn nạn tại các đô thị, gây ảnh hưởng tiêu cực đến
sức khỏe, năng suất lao động và học tập, chất lượng cuộc sống của người dân và ảnh
hưởng xấu đến các mối quan hệ cộng đồng.

Cũng như các đô thị lớn trên thế giới, cùng với
các thành tựu về kinh tế – xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với
nhiều thách thức về môi trường, văn hóa, xã hội từ chính quá trình phát triển
kinh tế, đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh chóng. Gần đây, vấn nạn tiếng ồn tại
các khu dân cư, đặc biệt là tiếng ồn từ các hoạt động sinh hoạt và hoạt động
kinh doanh dịch vụ (phát nhạc, hát karaoke âm thanh lớn.. ) ngày càng gia tăng
và gây nhiều bức xúc trong Nhân dân.

Để giải quyết vấn đề tiếng ồn, giữ gìn sự yên
tĩnh, môi trường sống yên lành tại các khu dân cư, đảm bảo chất lượng cuộc sống
của nhân dân thành phố, bên cạnh sự kiên quyết của chính quyền trong xử lý các
trường hợp vi phạm, mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ cần hiểu rõ các tác hại và vấn đề liên quan đến tiếng ồn và
nghiêm túc chấp hành các quy định của Pháp luật và quy ước, quy định của khu
dân cư về tiếng ồn.

I.
THÔNG TIN CHUNG VỀ TIẾNG ỒN VÀ TÁC HẠI CỦA TIẾNG ỒN

1.
Khái niệm về tiếng ồn:

Tiếng ồn (noise) là những âm thanh không mong muốn, gây khó chịu cho người
nghe. Hai đặc tính quan trọng của âm thanh
hay tiếng ồn tác động đến con người là cường độ âm thanh (dB: decibel, là đơn
vị đo độ ồn âm thanh/tiếng ồn)
và tần số âm thanh (Hz: hertz, là đơn vị tần số âm thanh).

Ô nhiễm tiếng ồn (noise pollution hay noise disturbance) xảy ra
khi tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc
động vật.

2. Các nguồn gây ồn trong khu dân cư:

Tiếng ồn
trong khu dân cư phát sinh từ nhiều nguồn: từ các phương tiện giao thông, từ hoạt
động sản xuất – kinh doanh – dịch vụ trong khu dân cư, từ hoạt động xây dựng và
từ hoạt động sinh hoạt của các cá nhân, hộ gia đình.

Trong thời
gian gần đây, nguồn gây ồn nhận được nhiều phản ánh từ người dân, gâybức xúc trong
Nhân dân thành phố chủ yếu là từ các hoạt động sử dụng thiết bị âm thanh cường
độ lớn mà không có biện pháp cách âm, kiểm soát tiếng ồn phù hợp, cụ thể
như: 

– Các cơ sở
kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar…

– Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng loa di
động hát karaoke, phát nhạc (trong nhà hoặc ngoài trời)…

– Hoạt động kinh doanh có sử dụng loa phát thanh, phát nhạc
để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm…

– Hoạt động sinh hoạt của người dân trong khu dân cư (phát
nhạc, hát karaoke trong nhà hoặc ngoài trời)…

3.
Tác hại của tiếng ồn:

Tổ chức Y tế Thới giới đánh giá ô nhiễm tiếng ồn là một
trong những vấn đề môi trường hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh
thần, chất lượng cuộc sống của cư dân các thành phố lớn.

Tùy theo cường độ ồn, tần suất và thời
gian tiếp xúc, ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ra các ảnh hưởng tức thời và lâu
dài đến sức khỏe bao gồm giảm thính lực, ảnh hưởng đến giao tiếp, ảnh hưởng đến
sự nghỉ ngơi, giấc ngủ; ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý; ảnh
hưởng đến hành
vi cá nhân, năng suất lao động và khả năng học tập; và từ đó ảnh hưởng xấu đến
các quan hệ cộng đồng, an ninh trật tự tại các khu dân cư. 

Giảm thính lực và mất thính lực

Những
người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn liên tục có thể dẫn đến suy
giảm thính lực, khả năng nghe dần kém đi trước khi bị mất hoàn toàn thính lực
và điếc tai.

Sự
tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn có độ lớn trên 80 decibel có thể làm giảm thính lực. Cơ chế gây giảm thính
lực do tiếp xúc với tiếng ồn là cơ chế thần kinh và cơ học. Tiếng ồn gây nên
những thương tổn ở bộ phận thần kinh của cơ quan thính giác, những nghiên cứu
đã quan sát thấy ở những người tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên, ngưỡng đáp
ứng của thần kinh thính giác tăng, dẫn đến mất khả năng nhạy cảm thông thường,
dần dần không cảm ứng được với âm tần có cường độ thấp. 

Căng thẳng
tinh thần, rối loạn giấc ngủ và các bệnh về tim mạch, tiêu hóa

Một
số nghiên cứu ghi nhận, những người thường xuyên sống trong môi trường có tiếng
ồn thường có sức khỏe kém hơn những người ở các nơi không bị ảnh hưởng bởi
tiếng ồn.

Tiếng
ồn khiến cơ thể tăng tiết catecholamin, cortisol – là những chất tham gia vào quá
trình điều hòa và kiểm soát các hoạt động trong cơ thể, bao gồm cả hệ tim mạch.
Vì vậy khiến nhịp tim và huyết áp tăng lên. Ngoài ra tiếng ồn cũng khiến người
ta cảm thấy căng thẳng và mất ngủ, dẫn đến tăng huyết áp và rối loạn hoạt động
của tim.

Những
nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nếu âm lượng trên 50 decibel vào ban đêm cũng có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim do
cơ thể sản xuất quá nhiều và liên tục cortisol. Tiếng ồn tác động đến cơ thể
qua hệ thần kinh thực vật (thần kinh giao cảm) và hệ nội tiết (tuyến yên và
tuyến thượng thận). Những tác động này kéo dài gây nên các nguy cơ như huyết áp
tăng, mỡ máu tăng, độ nhớt của máu tăng, tăng nhịp tim, tăng lượng đường trong
máu, ảnh hưởng các yếu tố đông máu. Từ đó gây nên bệnh cao huyết áp, bệnh tim
thiếu máu cục bộ và nghiêm trọng hơn là đột quỵ.

Tiếng
ồn còn làm cho mất ngủ, suy sụp tinh thần và thường bị căng thẳng thần kinh.
Việc mất ngủ kéo dài cũng là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp,
nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường…

Đối
với hệ tiêu hóa, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn liên tục ảnh hưởng đến sự tiêu hóa
của cơ thể con người như làm giảm co bóp dạ dày, giảm tiết dịch vị dạ dày, giảm
tiết dịch nước bọt ở miệng…

Ảnh hưởng đến năng
suất lao động, học tập

Từ
các ảnh hưởng đối với sức khỏe, thần kinh, tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài gây
mệt mỏi, giảm khả năng tập trung chú ý, ảnh hưởng đến năng suất chất lượng công
việc, học tập giảm sút.

Ô nhiễm
tiếng ồn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển và
tâm sinh lý của trẻ. Từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả học tập.
Trí nhớcon người cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn, khả năng nhận thức của
trẻ cũng sẽ bị suy giảm đáng kể.

Ảnh hưởng đến quan hệ cộng đồng, an ninh trật tự khu dân cư

Cùng
với những ảnh hưởng đến sức khỏe, các rối loạn về giấc ngủ, người tiếp xúc lâu và
thường xuyên với tiếng ồn có thể dẫn đến thay đổi hành vi, tâm lý căng thẳng,
dễ cáu gắt, bực bội… Quan hệ giữa các cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng dân
cư từ đó dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột liên quan tới tiếng ồn. Một số trường
hợp gây bức xúc kéo dài có thể gây mất an ninh trật tự khu dân cư.

II.
CÁC GIẢI PHÁP CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, XỬ LÝ TIẾNG ỒN
KHU DÂN CƯ

Cũng như các thành phố lớn trên thế giới, Thành phố Hồ Chí
Minh đang phải đối mặt với vấn nạn về tiếng ồn. Mặc dù ô nhiễm tiếng ồn đô thị
không phải là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết triệt để và nhanh chóng, Thành
phố Hồ Chí Minh quyết tâm và nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm
soát tiếng ồn khu dân cư, đảm bảo môi trường sống của Nhân dân thành phố.

Trong
thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa
phương triển khai nhiều giải pháp để xử lý vi phạm về tiếng ồn tại các văn bản:
Công văn số 16475/VP-NCPC ngày 15/12/2017; Công văn số 2635/UBND-NCPC ngày
02/7/2019; Công văn số 2901/UBND-ĐT ngày 17/7/2019; Công văn số 195/VP-NCPC
ngày 09/01/2020 và Công văn số 560/UBND-NCPC ngày 26/02/2021.

Để
tiếp tục quản lý hiệu quả các hoạt động, kinh doanh dịch vụ gây tiếng ồn vượt quy
chuẩn kỹ thuật, tăng cường kiểm soát ô nhiễm về tiếng ồn, giữ gìn an ninh trật
tự, đảm bảo sự bình yên cho Nhân dân, ngày 19/3/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố
tiếp tục có Công văn số 560/UBND-NCPC
chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển
khai đồng bộ các nhóm giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các
hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

1.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, các
doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người dân ký cam kết thực hiện nghiêm túc
các quy định pháp luật có liên quan

Thời gian thực hiện từ
25 tháng 3 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021 với chủ đề “Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta”.

Yêu
cầu thực hiện trong giai đoạn này:

– Nâng cao nhận thức, ý thức của
cộng đồng dân cư thành phố thông qua đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền,
phổ biến pháp luật để người dân biết, hiểu, cam kết thực hiện đúng các quy định
pháp luật; vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cộng đồng dân cư chấp hành
các quy định về tiếng ồn, hạn chế, tiến tới chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh
doanh, sinh hoạt gia đình gây tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân
cư.

– Triển khai thống nhất và đồng loạt
trên toàn địa bàn Thành phố với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt
là vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương.  

– Ở các cấp cơ sở lồng ghép việc
kiểm tra, giám sát và xử lý các hoạt động làm phát sinh tiếng ồn trong khu dân
cư thông qua hình thức tuyên truyền, nhắc nhở (của các lực lượng: Cảnh sát khu
vực, công chức cấp xã, trật tự đô thị, tổ dân phố, khu phố, tổ chức chính trị –
xã hội …) để tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục và chuyển biến nhận
thức.

Hình
thức triển khai:

– Truyền thông qua báo đài, phương
tiện thông tin điện tử;

– Tuyên truyền, vận động tại địa
phương;

– Tuyên truyền vận động tại các cơ
quan, trường học;

– Vận hành các kênh tiếp nhận thông
tin phản ánh về tiếng ồn.

2.
Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp
luật có liên quan đến tiếng ồn

Tập trung kiểm tra cao điểm từ ngày 30 tháng 6 năm 2021 để chấn chỉnh tình trạng gây ồn trong
khu dân cư. Sau đó, Thành phố sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện
trong năm 2021 để rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện thường
xuyên.

– Các cấp (thành phố, huyện, xã) và
các Sở ngành liên quan thành lập các tổ công tác liên ngành, xây dựng kế hoạch
kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách để giải quyết dứt điểm
hành vi gây ồn trong khu dân cư; việc tổ chức kiểm tra phải có trọng tâm, trọng
điểm, khoanh vùng khu vực thường xuyên có hoạt động gây ra tiếng ồn bị phản
ánh.

– Xác định trách nhiệm của người
đứng đầu của mỗi địa phương nếu để tái vi phạm các điểm, khu vực gây ồn.

– Việc kiểm tra, xử lý về tiếng ồn
phải được thực hiện đồng bộ, có sự phối hợp, vận dụng nhiều giải pháp, quy định
xử phạt trong các lĩnh vực khác nhau. 

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, vận động chú trọng phổ biến thông tin về các trường hợp vi phạm đã bị
xử phạt.

3.
Tiếp
tục nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm
hoàn thiện pháp luật

– Công an thành phố tổ chức rà soát,
tham mưu kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm
hành chí đối với hành vi gây ồn trong khu dân cư theo Nghị định
số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định Xử phạt vi phạm hành
chínhtrong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội;
phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

– Sở Tài nguyên và Môi trường tổ
chức rà soát, tham mưu kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về xử
phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây ồn theo Nghị định
số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về Xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

– Sở Giao thông Vận tải tổ chức rà soát, tham mưu kiến nghị sửa đổi,
hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi
liên quan theo Nghị định số 100/2019/ NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định
về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ và đường
sắt, Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 10/3/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường
công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ thị số
22/CT-UBND ngày 29/12/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện công tác
quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.

– Sở Kế hoạch và Đầu tư:
nghiên cứu, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm trong đầu tư kinh doanh, đăng ký
kinh doanh, ngành nghề kinh doanh theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày
01/6/2016 của Chính phủ quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

– Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì,
phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân
Thành phố ban hành quy chuẩn địa phương về mức ồn vượt chuẩn.

– Sở Tư pháp phối hợp Sở ngành
nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật xử lý
tiếng ồn.

– Sở Thông tin và Truyền thông phối
hợp với các cơ quan báo chí tiếp tục công tác tuyên truyền, hiến kế các giải
pháp để Thành phố triển khai hiệu quả, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm
về tiếng ồn.

Thủ trưởng các Sở ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm, phối
hợp triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố;
thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổ chức sơ kết vào ngày
30/5/2021; tổ chức đánh giá chuyên đề vào tháng 12/2021, làm cơ sở để triển
khai thực hiện nhiệm vụ trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

III.
TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI TIẾNG ỒN

1.  Trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ:

– Tôn trọng sự yên tĩnh chung, không
gây ồn ào, huyên náo dẫn đến mất trật tự và làm ảnh hưởng xấu đến nhu cầu sinh
hoạt và nghỉ ngơi của cộng đồng dân cư xung quanh;

– Chấp hành các quy định của Pháp
luật và các hương ước, quy ước, cam kết của khu dân cư về tiếng ồn;

– Trong trường hợp có các hoạt động gây
tiếng ồn, phải có các biện pháp giảm thiểu, kiểm soát tiếng ồn theo quy định,
đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;

– Các tổ chức, cơ sở kinh doanh dịch
vụ có trách nhiệm nhắc nhở khách hàng và các cá nhân có liên quan không gây ồn
làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực, phạm vi kinh doanh của đơn vị;

– Chủ động giảm thiểu tác động của
tiếng ồn (có giải pháp hạn chế tiếng ồn xâm nhập vào không gian sống bằng cách
trang bị kính cách âm, vách ngăn, thêm mảng xanh quanh nhà…);

– Phản ảnh với chính quyền địa
phương các trường hợp vi phạm về tiếng ồn qua các kênh tiếp nhận thông tin
chính thức.

2.
Chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, khu dân cư mới:

– Có trách nhiệm đưa nội dung về
chấp hành các quy định liên quan đến tiếng ồn vào Nội quy quản lý và sử dụng
nhà chung cư;

– Phối hợp chặt chẽ với địa phương
trong công tác ngăn ngừa, giám sát, xử lý tiếng ồn trong phạm vi quản lý.

V. kênh tiẾp nhẬn thông tin phẢn ánh vỀ tiẾng Ồn

1. Cổng thông tin 1022:

Tiếp nhận 24/7 các phản ánh của người dân qua các hình
thức tương tác:  

– Tổng đài 1022: Cung cấp thông tin
sự cố qua hình thức gọi điện thoại đến số tổng đài 1022.

– Mobile App “Tổng đài 1022” (phiên
bản trên Android và trên iOS), cho phép chụp hình và chọn địa điểm xảy ra sự cố
trên bản đồ để phản ánh.

– Cổng thông tin điện tử: Truy cập
https://1022.tphcm.gov.vn

– Hộp thư điện tử (email): Gửi thông
tin phản ánh đến hộp thư điện tử [email protected]

– Mạng xã hội Fanpage:  https://www.facebook.com/1022.tphcm.gov.vn

2. Các kênh tiếp nhận thông tin của quận/huyện,
phường/xã/thị trấn:

Đề nghị Ủy ban nhân dân quận huyện, phường, xã, thị
trấn cung cấp đầy đủ thông tin về kênh tiếp nhận thông tin phản ánh tại điện
phương và số điện thoại của công an khu vực để phản ảnh về tiếng ồn đến từng hộ
gia đình trên địa bàn. 

Phòng VHTT