Văn minh sinh thái: Lý luận và thực tiễn (Phần I)
Văn minh sinh thái: Lý luận và thực tiễn (Phần I)
Từ sản xuất, tiêu dùng bền vững
Trên thế giới, khái niệm về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio năm 1992 và được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của nhân loại.
Theo UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc – United Nations Environment Programme), thuật ngữ SXTDBV được hiểu là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm có liên quan để đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại một cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vật liệu độc hại cũng như giảm thiểu phát thải các chất thải và các chất ô nhiễm trong suốt vòng đời sản phẩm, sao cho không gây nguy hại đến các nhu cầu của các thế hệ tương lai (UNEP, 2012).
Mặc dù khái niệm SXTDBV được ra đời từ năm 1992, tuy nhiên 10 năm sau, tại Rio 2002, các nhà lãnh đạo thế giới mới thống nhất rằng, nếu các quốc gia chỉ tiến hành hoạt động riêng lẻ và SXTDBV không được xây dựng thành một khung chương trình quốc gia để tập trung nguồn lực tài chính và kỹ thuật, cũng như chia sẻ và áp dụng kinh nghiệm của các nước khác thì tiến trình SXTDBV sẽ rất chậm và không mang lại kết quả. Chính vì vậy, tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký “Kế hoạch hành động Johannesburg”(JPOI) với việc xác định SXTDBV là một trong 3 mục tiêu, bên cạnh giảm nghèo và quản lý tài nguyên thiên nhiên để đạt được sự phát triển bền vững với việc thay đổi nền tảng cơ bản về sản xuất và tiêu dùng của xã hội. JPOI kêu gọi các quốc gia tham gia hành động, với việc các nước phát triển sẽ đóng vai trò đầu tàu và các nước đang phát triển sẽ tham gia và hưởng lợi cho việc phát triển khuyến khích và thúc đẩy phát triển chương trình khung 10 năm (10 YFP) để hỗ trợ các sáng kiến SXTDBV cấp vùng và quốc gia và đẩy mạnh sự dịch chuyển theo hướng SXTDBV, với nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt, đã được đưa ra trong nguyên tắc 7 tại Rio 1992, tuyên bố về Môi trường và Phát triển.
Tiến trình Marrakech đã được xây dựng vào năm 2003 để thúc đẩy xây dựng 10 YFP dựa trên tính chất và phương thức tiếp cận thực hành của SXTDBV, việc xây dựng chương trình khung 10 YFP cho SXTDBV toàn cầu sử dụng phương pháp phối hợp tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên”. Đây là một nền tảng toàn cầu với sự tham gia của nhiều bên liên quan được thiết lập vào năm 2003 để hưởng ứng và hỗ trợ kêu gọi của JPOI về 10 YFP cho SXTDBV ở cấp quốc tế, vùng và quốc gia; thúc đẩy đối thoại và hợp tác, cung cấp đầu vào cho việc xây dựng 10 YFP. Tiến trình Marrakech với sự phối hợp điều hành của UNDESA và UNEP đã hỗ trợ việc xây dựng các chương trình và chiến lược SXTDBV cấp vùng ở hầu hết các vùng trên thế giới, cũng như thực hiện 33 dự án trình diễn thông qua các công việc của 7 Task Force cùng với việc phát triển hơn 30 công cụ và phương pháp luận về SXTDBV, thuận lợi hóa việc tiếp cận mạng lưới và quỹ, cũng như đẩy mạnh hợp tác về cơ chế thực hiện giữa các vùng và quốc gia.
Các hoạt động hỗ trợ xây dựng sản xuất và tiêu dùng bền vững trong khuôn khổ Tiến trình Marrakech
TT
Khu vực ưu tiên
Các hoạt động
1
Hợp tác với Châu Phi
Hỗ trợ quá trình SXTDBV vùng: xây dựng và thực hiện 10 YFP Châu Phi cũng như Hội nghị bàn tròn Châu phi về SXTDBV;
Hỗ trợ phát triển Kế hoạch hành động SXTDBV cấp quốc gia, thành phố;
Hỗ trợ phát triển cơ chế dán nhãn sinh thái rộng rãi cho Nam Phi;
Phát triển báo cáo về cơ hội và thách thức của thúc đẩy SXTDBV thông qua việc đi tắt đón đầu ở Châu Phi;
Báo cáo phát triển về thực hành tốt nhất về SXTDBV ở các quốc gia Châu Phi.
2
Sản phẩm bền vững
Hỗ trợ hợp tác thực hành về sáng kiến đối với các thiết kế sản phẩm sinh thái;
Thành lập mạng lưới sản phẩm bền vững toàn cầu trên nhiều lĩnh vực như chiếu sáng, các thiết bị điện tử;
Hỗ trợ dịch chuyển hợp tác quốc tế mang tính chính thức để thực hiện các cam kết, ví dụ: Cơ quan năng lượng quốc tế, để thực hiện các cam kết cho Chương trình hợp tác về các thiết bị cuối đường ống sử dụng điện hiệu quả (“4E”).
3
Lối sống bền vững
Phát triển các dự án trình diễn với sự tập trung vào làm thế nào để hướng dẫn và thực hiện lối sống bền vững trong các sáng tạo xã hội, truyền thông, giáo dục, quảng bá và kinh doanh;
Phát triển các công cụ xây dựng năng lực và thông tin cho các chuyên gia/các nhà thực hành về truyền thông, quảng bá và kinh doanh bền vững và các cơ hội kinh doanh, triển khai các nghiên cứu và hỗ trợ phát triển các nghiên cứu về sáng tạo xã hội;
Thực hiện khảo sát toàn cầu về lối sống bền vững cho 8000 người trưởng thành tại 20 quốc gia khác nhau;
Xây dựng hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức liên quan khác.
4
Mua sắm công bền vững
Phát triển cách tiếp cận toàn diện đối với mua sắm công bền vững;
Phát triển và thực hiện dự án ”Xây dựng năng lực cho mua sắm công bền vững tại các nước đang phát triển” với việc triển khai thí điểm tại 11 quốc gia.
5
Tòa nhà bền vững và xây dựng
Nâng cao nhận thức để khuyến khích phát triển các chính sách công về xây dựng, sử dụng, duy tu và cải tạo các tòa nhà;
Xuất bản 03 báo cáo: Tòa nhà và biến đổi khí hâu: hiện trạng, thách thức và cơ hội; Các chính sách thực hành tốt nhất đối với xây dựng tòa nhà cho tương lai tốt hơn; Sáng kiến cho phát triển bền vững liên quan đến các tòa nhà bền vững và xây dựng.
6
Phát triển du lịch bền vững
Triển khai chiến lược truyền thông về kỳ nghỉ bền vững, hộ chiếu xanh;
Thành lập Mạng lưới đầu tư và tài chính du lịch bền vững đối du lịch (SIFT);
Xuất bản sách hướng dẫn du lịch bền vững: nâng cao nhận thức về du lịch và BDKH; Thúc đẩy di sản thiên nhiên và văn hóa như là tài sản cho phát triển du lịch bền vững; xây dựng năng lực quản lý môi trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực khách sạn; Du lịch biển bền vững; Quản lý thổng hợp vùng ven biển;
Hỗ trợ thành lập Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu.
7
Giáo dục về tiêu dùng bền vững (ESC)
Giáo dục tiêu dùng bền vững: Các hướng dẫn và đề xuất cho các nhà làm chính sách và giáo dục: Tập hợp các thực hành tốt và cơ sở dữ liệu;
Hướng dẫn giới thiệu về giáo dục tiêu dùng bền vững vào trong trường học;
Tổng quan các tài liệu liên quan về ESC và các tài liệu giảng dạy, từ lý thuyết đến thực hành và cả các trang webs.
Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu
Tiến trình này được điều hành ở cấp quốc tế bởi UNEP với sự tham gia của các bên liên quan, nhưng nội dung hoạt động lại ở cấp vùng và quốc gia. Dựa trên các đặc điểm cụ thể của mỗi nước, mỗi vùng mà SXTDBV có sự tập trung vào các lĩnh vực khác nhau và cách thức tổ chức SXTDBV khác nhau. Kết quả hoạt động của các SXTDBV này sẽ được UNEP tập hợp lại và phát triển thành các module hợp thành các nội dung cơ bản của 10 YFP SXTDBV toàn cầu.
Chương trình 10 YFP toàn cầu đã được ra đời vào năm 2012 tại Rio + 20, được xem như là kết quả của nỗ lực toàn cầu và đóng góp sáng kiến của các nước, vùng với các kinh nghiệm thực hành thành công cần được nhân rộng, đồng thời là căn cứ, hướng dẫn các ưu tiên và lĩnh vực cần tập trung để các vùng và quốc gia xây dựng chương trình SXTDBV của đất nước mình.
Cho tới nay, các hoạt động thúc đẩy SXTDBV đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở cấp toàn cầu, khu vực cũng như tại mỗi quốc gia.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững khuyến khích phát triển quá trình mà theo đó sẽ sử dụng ít nguyên liệu thô và chất nguy hại, thải ra ít chất thải và mang đến các lợi ích môi trường. Những quá trình như vậy cũng có thể cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua làm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư, do đó chuyển dịch các thách thức về môi trường và xã hội vào các cơ hội kinh doanh và việc làm. SXTDBV cũng có vai trò trong việc khuyến khích tái sử dụng và tái chế chất thải.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một tiếp cận mang tính tổng thể để tối thiểu hóa các tác động tiêu cực tới môi trường từ hệ thống sản xuất và tiêu dùng, trong khi thúc đẩy chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Thông qua tiếp cận vòng đời sản phẩm, SXTDBV làm tăng tính bền vững và hiệu quả quản lý tài nguyên trong tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Do đó, SXTDBV thúc đẩy lối sống bền vững, đóng góp quan trọng cho giảm nghèo, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh, nền kinh tế các bon thấp.
Tiếp cận SXTDBV là một chiến lược thực hiện mang tính thực hành để đạt được sự phát triển bền vững thông qua xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường trên cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Là vấn đề mang tính liên ngành/lĩnh vực, SXTDBV cần sự hành động tham gia của tất cả các bên liên quan và việc áp dụng rộng rãi các chính sách tương ứng của các quốc gia riêng biệt. Chính vì vậy, SXTDBV đòi hỏi phối hợp các chính sách công, các hành động từ khu vực tư nhân và đầu tư có ảnh hưởng đến cung và cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. Nhìn chung, SXTDBV là một tiếp cận tổng thề về sự thay đổi mang tính hệ thống. Để đạt được SXTDBV đòi hỏi một sự dịch chuyển mạnh mẽ về mô hình sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội và cần thiết phải có sự hợp tác và khuyến khích sự tham gia các thành phần trong xã hội, từ các nhà làm chính sách, nhà kinh doanh, bán lẻ, người tiêu dùng, công nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức dân sự xã hội, các cơ quan phát triển.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững thường được xây dựng trên 03 mục tiêu/nguyên tắc chủ yếu sau:
i) Tách rời suy giảm môi trường khỏi vấn đề tăng trưởng kinh tế: thông qua việc tăng lên phúc lợi ròng của xã hội từ các hoạt động kinh tế bằng việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm qua toàn bộ vòng đời, đồng thời làm gia tăng chất lượng cuộc sống. Sản xuất và tiêu dùng bền vữngcũng đồng nghĩa với việc sản xuất ra ngày càng nhiều và tốt hơn hàng hóa và dịch vụ trong khi giảm thiểu tới mức tối đa tài nguyên sử dụng, suy thoái môi trường, chất thải và ô nhiễm.
ii) Áp dụng tư duy về vòng đời sản phẩm: thông qua việc gia tăng quản lý bền vững tài nguyên và đạt được năng lượng hiệu quả trong các giai đoạn sản xuất và tiêu dùng của vòng đời sản phẩm, bao gồm từ khi khai thác tài nguyên, sản xuất các đầu vào trung gian, phân phối, marketing, sử dụng, thải bỏ chất thải, tái sử dụng hàng hóa và dịch vụ
iii) Định hình cơ hội cho các nước đang phát triển với việc “đi tắt đón đầu”: SXTDBV đóng góp vai trò cho giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đối với các nước đang phát triển, SXTDBV mang đến các cơ hội như: tạo ra thị trường mới, các cơ hội việc làm cũng như quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả thông qua các công nghệ thân thiện môi trường, bỏ qua giai đoạn phát triển kém hiệu quả, ô nhiễm và không tối ưu hiệu quả chi phí thông qua việc học hỏi và được chia sẻ kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Theo đó, các phương pháp chính để đạt được SXTDBVcó thể tóm tắt như sau:
i) Tiêu thụ ít hơn: giảm tổng chi phí cho tiêu dùng, dẫn đến kết quả cuối cùng là chi tiêu kinh tế ít hơn.
ii) Lựa chọn tiêu dùng tốt hơn: tổng mức tiêu thụ không giảm, nhưng thay đổi lối sống có thể thúc đẩy thay đổi trong mô hình tiêu thụ theo hướng bền vững hơn.
iii) Sản xuất và tiêu dùng hiệu quả hơn: mẫu hình tiêu dùng cơ bản là không thay đổi, nhưng các sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ được sản xuất với công nghệ làm giảm lượng sử dụng tài nguyên và giảm phát thải trên mỗi đơn vị tiêu thụ, kể cả bằng cách kéo dài tuổi thọ của sản phẩm và dịch vụ.
Tiếp cận “cầu kéo” và “cung đẩy” đối với SXTDBV
Nguồn: European Topic Centre on Sustainable Consumption and Production
Đến văn minh sinh thái và kinh tế xanh
Tờ New Yorker đặt vấn đề: Liệu chúng ta có được thịnh vượng mà không cần tăng trưởng chăng? Giorgos Kallis, một nhà kinh tế học tại đại học Barcelona viết trên tuyên ngôn“Dừng tăng trưởng” rằng:“Chúng ta càng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhanh chừng nào thì càng gây hại cho môi trường chừng đó. Nếu loài người không muốn hủy diệt các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh này thì nền kinh tế toàn cầu phải chạy chậm trở lại”.
Trong quá trình xây dựng một xã hội khá giả toàn diện, Chính phủ Trung Quốc đã đề cập đến “văn minh sinh thái”. Khái niệm này đã được đưa vào báo cáo chính trị Đại hội lần thứ 17, Đảng Cộng sản Trung Quốc, do nguyên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đọc trong lễ khai mạc Đại hội ngày 15-10-2007. Theo đó: “Xây dựng văn minh sinh thái là phải xây dựng các thói quen tiêu dùng, các phương thức tăng trưởng kinh tế, các nhà máy công nghiệp có hình thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái”. Khái niệm này đã được các đại biểu tranh luận sôi nổi. Giáo sư Hàn Khánh Tường – phó chủ nhiệm ngành triết học, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc – cho rằng nội hàm của khái niệm “văn minh sinh thái” là: không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội theo mô hình môi trường thân thiện và tiết kiệm năng lượng, tăng cường bảo vệ phát triển và duy trì lâu dài nguồn năng lượng.
Nhìn chung thuật ngữ “văn minh sinh thái” được nêu trong báo cáo và các tranh luận đã nhấn mạnh tính chủ động, tích cực bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong tiến trình phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc đối với vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Với lần đầu tiên khái niệm “văn minh sinh thái” được đưa vào báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng sản lần 17 của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của báo chí nước ngoài.
Thật ra từ thập niên 1990, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đề cập đến khái niệm “văn minh sinh thái”, nhưng vì lý do khách quan mà khái niệm này đã không được thực hiện một cách đồng bộ trong thực tiễn. Từ những năm đó, ông Ôn Gia Bảo khi còn là Phó Thủ tướng đã khẳng định “thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của văn minh sinh thái”.
Giữa văn minh sinh thái và văn minh vật chất, tinh thần có tác động qua lại lẫn nhau. Văn minh vật chất và tinh thần là cơ sở và tiền đề để thực hiện văn minh sinh thái, văn minh sinh thái thúc đẩy hai kiểu văn minh trên phát triển.
Báo cáo Hành tinh sống (LPR) do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), Tổ chức Động vật học London (ZSL) và Mạng lưới dấu chân toàn cầu (GFN) thực hiện vừa công bố một nghiên cứu độc lập khẳng định Trái đất đang đứng trước cuộc “sụp đổ tín dụng sinh thái” nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện tại do tình trạng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên. Theo báo cáo, ước tính con người đang sử dụng lượng tài nguyên tự nhiên nhiều gấp 1/3 khả năng tái bổ sung của Trái đất mỗi năm. Tốc độ tiêu thụ “nguồn vốn tự nhiên” quá mức đang đe dọa tương lai của thế giới, với những tác động dễ nhận thấy là giá thực phẩm, nước và năng lượng đang tăng vọt. LPR cho biết sự tham lam, sử dụng tài nguyên bất chấp hậu quả của con người đang dẫn đến tình trạng diện tích rừng bị thu hẹp, đất bị thoái hóa, nguồn nước và không khí ô nhiễm, số lượng cá cùng nhiều loài sinh vật khác sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính mỗi năm thiệt hại về kinh tế do suy thoái môi trường gây ra lên đến 4.500 tỉ USD, gấp đôi con số thiệt hại của các tổ chức tài chính quốc tế trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra. “Thế giới đang vật lộn với hậu quả các cuộc khủng hoảng – AFP dẫn lời giám đốc WWF James Leape – Nhưng có một cuộc khủng hoảng to lớn hơn đang đến gần, một cuộc sụp đổ tín dụng sinh thái xảy ra do sự coi nhẹ tài nguyên tự nhiên vốn là nền tảng của mọi sự sống và sự thịnh vượng”. LPR cho biết hiện có hơn 3/4 dân số thế giới sống tại các quốc gia có tốc độ tiêu thụ tài nguyên vượt quá khả năng tái tạo của Trái đất. Họ trở thành những “con nợ sinh thái”, có nghĩa là thường xuyên “vay vốn” quá mức từ đất nông nghiệp, rừng, biển và tài nguyên tự nhiên. “Chúng ta ứng xử với môi trường theo cách mà các tổ chức tài chính quốc tế hoạt động thời gian qua: tìm kiếm món lợi tức thì mà không tính đến hậu quả” – Reuters dẫn đánh giá của chuyên gia Jonathan Loh thuộc ZSL.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do dân số thế giới và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng nhanh. LPR dự báo đến năm 2030 nếu tình trạng hiện tại vẫn tiếp diễn, loài người sẽ cần có hai Trái đất để tiếp tục cuộc sống như hiện tại. Báo cáo viết: “Chúng ta chỉ có một Trái đất. Khả năng duy trì sự đa dạng về chủng loài của Trái đất là lớn nhưng cũng chỉ có hạn. Khi nhu cầu của con người vượt quá khả năng này, hệ sinh thái của Trái đất bị hủy hoại, đe dọa sự sống của con người”.
Báo cáo cũng đề cập đến chỉ số “dấu chân sinh thái” – diện tích đất và biển trên Trái đất cần thiết – để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của con người.Theo báo cáo, chỉ số “dấu chân sinh thái” trung bình hiện nay đã lên đến 2,7ha/người, cao hơn nhiều so với mức giới hạn 2,1ha/người tính theo dân số thế giới. Con số này ở các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait, Đan Mạch… lên đến hơn 20ha/người. Mỹ và Trung Quốc là hai nước chiếm tới 40% tổng số lượng “dấu chân sinh thái” toàn cầu.
Hoạt động của con người là nguyên nhân chính làm mất đi 1/3 số lượng các loài sinh vật sống trên trái đất trong 35 năm qua. Ước tính, 1/4 động vật có vú, 1/8 loài chim, 1/3 động vật lưỡng cư và 70% loài thực vật trên toàn cầu đang đứng trên bờ hiểm họa.Kết quả này dựa trên Sách Đỏ – Red List về các loài đang bị đe dọa do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (World Conservation Union – IUCN) cập nhật. Các chuyên gia cảnh báo, cuộc sống của con người gắn liền mật thiết với đa dạng sinh học. Các loài động – thực vật biến mất là dấu hiệu báo động cho cuộc sống của loài người.
“Nền kinh tế xanh” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế… xác định các yếu tố chính bao gồm: i) đầu tư vào vốn tài nguyên; ii) tạo việc làm và công bằng xã hội; iii) thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và công nghệ ít các-bon; iv) khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn; v) đô thị bền vững và giao thông ít các-bon; vi) cơ chế tài chính, tài khóa; vii) hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ. Đồng thời xác định mô hình kinh tế xanh sẽ cần chuyển đổi cơ bản cấu trúc kinh tế truyền thống, giải quyết hiệu quả các thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội của khu vực, qua tiếp cận hiệu quả sinh thái.
Mối liên hệ giữa phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh
Trong khi tài nguyên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng bộ những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế Xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn…
Hiện nay, mô hình phát triển xanh đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để giải quyết một cách hiệu quả các thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội qua hướng tiếp cận hiệu quả sinh thái, tập trung chủ yếu vào một số các công cụ như: công nghiệp xanh, việc làm xanh, thị trường xanh, thuế xanh, cùng các cơ chế tài chính các-bon… Học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm này, Việt Nam cũng đang áp dụng tăng trưởng xanh với 3 nội dung chính, bao gồm: tăng trưởng kinh tế tập trung vào các ngành sản xuất thân thiện môi trường; giảm suy thoái môi trường và chiến lược giảm thiểu, thích ứng kịp thời với các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, thực thi chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam đang gặp phải một số rào cản do chính sách, năng lực đầu tư, công nghệ, hợp tác quốc tế, mạng lưới đối tác đều hạn chế. (Còn tiếp)
Vũ Huy Hùng
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT