Văn hóa đọc và Thư viện
Thứ hai, 15/09/2014 – 10:46
Văn hóa đọc và Thư viện
Văn hoá đọc” trong thời gian gần đây được báo chí trên giấy và trên mạng bàn luận khá nhiều. Mỗi người có cách nhìn khác nhau, tầm nhìn không đồng nhất, góc nhìn không giống nhau, điểm nhìn cách biệt nhau, thậm chí còn có ý kiến cho rằng khái niệm văn hóa đọc chưa hình thành. Nên nhận định không trùng nhau, lệch nhau, trái ngược nhau cũng là điều bình thường, không khó hiểu, sự đa dạng này cũng có ý nghĩa tích cực, giúp cho nhìn nhận về văn hoá đọc được cởi mở hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn và cũng hướng tới đúng đối tượng hơn, một điểm không nhỏ để dẫn tới đồng thuận.
Ở đây chúng tôi xin nêu một quan niệm, văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà quản lý, các thành viên trong xã hội. ứng xử đọc, giá trị đọc, chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước là chính sách, đường lối, kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm phát triển nền văn hoá đọc quốc gia. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy, phát triển tài liệu đọc có giá trị, chất lượng, phong phú, đa dạng và lành mạnh, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn đọc chúng cho mọi người đọc khác nhau, không phân biệt giàu nghèo, trình độ cao hay thấp, ở đô thị hay vùng nông thôn hẻo lánh đều có khả năng ngang nhau tiếp cận chúng (thông qua sự phát triển các loại hình thư viện, các loại cửa hàng sách).
Ứng xử đọc, giá trị đọc, chuẩn mực đọc của cộng đồng phải kể tới truyền thống văn hóa đọc của cha ông, các hoạt động đa dạng, phong phú và thường xuyên của các tổ chức văn hóa, xã hội, giáo dục tổ chức thi đọc sách, tìm hiểu một vấn đề nào đó (hội phụ nữ, đoàn thanh niên, công đoàn…); sự phát triển và hoạt động của các hội nghề nghiệp liên quan tới đọc như hội nhà văn, hội nhà báo, hội thư viện…; dư luận xã hội thông qua các cơ quan truyền thông tuyêg truyền, định hướng, giới thiệu sách báo có giá trị, chất lượng, phê phán sách báo không lành mạnh, lệch iạc, kém chất lượng; tôn vint\.người viết sách báo, người đọc sách báo, tôn vinh các bậc tha mẹ, ông bà đọc cho con, cháu ở độ tuổi trước khi đến trường nghe thường xuyên.
Ở nghĩa hẹp, đó là văn hoá đọc của mỗi cá nhân trong xã hội, được thể hiện thành thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của họ. Thói quen đọc được gây dựng, nuôi dưỡng và định hình trong suốt cuộc đời. Nếu không được nuôi dưỡng chu đáo, hoặc bị áp lực xã hội như công việc căng thẳng, chiếm hết thời gian trong ngày, bị các phương tiện nghe nhìn cuốn hút…, thói quen đọc cũng có thể bị suy thoái, lụi tàn.
Sở thích đọc được hình thành trên nền tảng giáo dục (trình độ văn hoá) và những phẩm chất của từng cá nhân, thậm chí còn phụ thuộc cả vào nghề nghiệp của từng người. Sở thích đọc của mỗi người không giống nhau, người thích đọc tiểu thuyết, người thích đọc thơ, người thích đọc sách báo phổ biến khoa học kỹ thuật, người chỉ thích đọc sách báo nghiên cứu… tạo ra sự phong phú, đa dạng, giàu màu sắc cho văn hoá đọc. Nhưng cũng có những sở thích đọc không tích cực, thiếu lành mạnh, cần được uốn nắn, như nhiều trẻ em ngày nay chi thích đọc và chi đọc truyện tranh.
Còn kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy thành thói quen trong ứng xử đọc với tinh thần đọc có phê phán và sáng tạo. Đó là:
1. Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc (tài liệu nghiên cứu, tài liệu phổ cập, tài liệu giải trí…).
2. Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân, trước hết trong các thư mục, mục lục thư viện, cơ sở dữ liệu, các nguồn tra cứu như bách khoa thư, từ điển các loại, cẩm nang, trên Internet…
3. Thể hiện tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình chọn lựa tài liệu đọc. Đọc tài liệu theo chủ đề có nội dung từ đơn giản đến phức tạp, từ trình độ thấp lên trình độ cao.
4. Biết cách tiếp nhận tối đa, sâu sắc nội dung tài liệu đã đọc, kể cả vệ sinh khi đọc tài liệu như cách ngồi, khoảng cách giữa mắt và tài liệu đọc…
5. Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc, như ghi chép, viết chú giải, soạn tóm tắt, lập hộp phiếu thư mục, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp…
6. Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.
Do độ phức tạp của kỹ năng đọc như vậy, kỹ năng đọc cần được giáo dục phù hợp với từng trình độ, từng cấp học.
Như vậy văn hoá đọc của mỗi cá nhân phải có đủ ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc và là nền tảng của văn hóa đọc quốc gia. Nhưng ở mỗi cá nhân người ta quan tâm đặc biệt tới kỹ năng đọc, đôi khi nói văn hoá đọc của một người nào đó, người ta muốn nói tới sự am hiểu, mức độ nắm vững, sự thành thạo kỹ năng đọc của họ.
Trong kỹ năng đọc yếu tố nào cũng quan trọng, không được coi nhẹ một yếu tố nào. ví dụ, nếu không biết vận dụng các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc, đọc tài liệu nghiên cứu cũng như đọc tài liệu giải trí, không thể tiếp nhận được nội dung sâu sắc của tài liệu nghiên cứu. Nhưng yếu tố thứ sáu, biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc, được xem là cơ bản, chứng tỏ người đọc đã thấu hiểu được nội dung cốt lõi của tài liệu đọc, là mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc cá nhân và cũng là mục đích cuối cùng của văn hóa đọc xã hội. Đọc nhiều nhưng không biết vận dụng được gì vào cuộc sống sẽ trở thành con mọt sách, con vẹt. Chính vì vậy đọc ở đây gần sát với học.
Để phát triển văn hóa đọc, cần nhìn nhận văn hóa đọc như một hệ thống gồm nhiều thành phần tác động lẫn nhau, ràng buộc lẫn nhau, chế ngự lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau, sự phát triển hoặc lụi tàn của một thành phần sẽ kéo theo sự phát triển hoặc lụi tàn của các thành phần khác và ngược lại. Đồng thời văn hoá đọc lại là một thành phần (không thể thiếu) trong hệ thống lớn hơn, phức tạp hơn là hệ thống văn hóa Việt Nam. và tất nhiên văn hoá đọc cũng chịu sự tác động của các thành phần khác trong hệ thống văn hoá Việt Nam, nhưng không được đề cập ở đây.
Có thể xác định ba thành phần cơ bản, cốt lõi của hệ thống văn hoá đọc như sau:
– Tài liệu đọc (sách, báo, tạp chí trên giấy và trên mạng), bao gồm từ người viết sách tới khi sách, báo được xuất bản và sẵn sàng tới tay người đọc.
– Người đọc.
– Thư viện, cửa hàng sách, phương tiện truyền thông đại chúng tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tài liệu đọc, văn hóa đọc, kể cả các hội chợ triển lãm sách, nhằm đưa tài liệu đọc đến đúng người đọc. Đây là thành phần thứ ba, rất quan trọng nếu không muốn nói quyết định trong hệ thống, kết nối giữa tài liệu đọc và người đọc.
Thư viện muốn hoạt động tốt, có hiệu quả và thu hút được ngày càng nhiều người đọc, ngoài những yêu cầu khác như cán bộ, trụ sở, trang thiết bị…, đầu tiên và cơ bản phải có tài liệu đọc có chất lượng, có giá trị khoa học, văn học, nghệ thuật…, lại phải phù hợp và thoả mãn được mọi yêu cầu, nhu cầu đa dạng của từng loại người đọc khác nhau, ở những trình độ khác nhau trong xã hội (nông dân, công nhân, trí thức, trẻ em, phụ nữ…), sinh sống tại những vùng miền khác nhau trên đất nước.
Nhờ phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên, liên tục và có hệ thống tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh sách báo, giá trị của sách báo, giá trị của thông tin, giá trị của tri thức đối với cuộc sống của mỗi người, người đọc tìm đến với thư viện nhiều hơn, tỉm đến với cửa hàng sách nhiều hơn. sự phát triển đó ảnh hưởng, tác động và kích thích không nhỏ tới người viết sách báo, tạo động lực không nhỏ cho họ sáng tạo, đôi khi quyết định sức sáng tạo của họ. Hệ quả là tài liệu đọc được phát triển nhiều hơn về số lượng, đa dạng, phong phú và chất lượng về nội dung, phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của nhiều loại người đọc khác nhau, ở trình độ thấp lẫn trình độ cao, ở cả thành thị lẫn nông thôn. Chúng ta thường hay than phiền, đôi khi văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt, chèn ép văn hóa đọc, nên đã vô tình bỏ quên, hoặc coi nhẹ tác động lợi hại (không chỉ có hại mà còn có lợi) cuả văn hóa nghe nhìn lên văn hoá đọc, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, vấn đề là con người có ý thức và chủ động sử dụng phương tiện nghe nhìn phát triển văn hoá đọc hay không.
Để có được người thường xuyên đọc sách báo, thường xuyên sử dụng thư viện, người đọc cũng phải được đào tạo từ nhỏ. Đó là gây dựng thói quen đọc sách báo và nuôi dưỡng nó trong suốt cuộc đời người đọc. Các bậc cha mẹ, ông bà đọc cho con, cháu nghe trước tuổi đến trường, gây men, tạo cho các em biết quý trọng và yêu sách (biết quý trọng và yêu quý thông tin, tri thức), nhà trường tiếp tục gây dựng và nuôi dưỡng thói quen đọc sách, giúp hình thành sở thích đọc tích cực, lành mạnh, từng bước hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho các em từ lớp vỡ lòng cho đến bậc đại học. Đó sẽ là những người đọc thường xuyên, trung thành cuả thư viện, khách hàng thường xuyên, trung thành của các cửa hàng sách, đó là nhân tố cơ bản quyết định sự tõn tại và phát triển của hệ thống thư viện và các cửa hàng sách trong cả nước.
Tuy nhiên giữa thư viện và cửa hàng sách có những khác biệt cơ bản. Cửa hàng sách hoạt động theo lợi nhuận, hết lợi nhuận, cửa hàng sách sẽ phải đóng cửa, nếu không muốn dùng chữ chết. Còn thư viện hoạt động phi lợi nhuận, là nơi sử dụng sách báo có tính chất xã hội, là một thể chế văn hoá đã tồn tại và được thử thách hàng ngàn năm trong tiến trình phát triển của nhân loại, hầu như không bao giờ lụi tàn, cho nên tác động rất mạnh đến quá trình phát triển văn hoá đọc trong xã hội.
Sự tác động mạnh mẽ của thư viện đến văn hoá đọc được thể hiện ở một số mặt cơ bản sau đây:
Thư viện là một mạng lưới gồm nhiều loại hình khác nhau, thư viện công cộng, thư viện trường đại học, thư viện trường học, thư viện của các cơ quan khoa học, thư viện thiếu nhi, thư viện quân đội, thư viện cho người khiếm thị, thư viện cho tù nhân… Mỗi loại hình thư viện phục vụ chuyên sâu cho một loại người đọc xác định trong xã hội và có mục đích, yêu cầu, nội dung hoạt động không giống nhau. Thư viện quầti đội phục vụ bộ đội, thư viện’của các cơ quan khoa học phục vụ cho các nhà khoa học, thư viện thiếu nhi phục vụ thiếu nhi, thư viện cho người khiếm thị phục vụ người khiếm thị, thư viện cho tù nhân giúp họ cải tạo được tốt hơn và giữ cho họ không bị suy thoái thói quen đọc trong thời gian cải tạo, giúp họ dễ hoà nhập với đời khi ra tù… Thư viện công cộng phục vụ mọi loại người đọc, phân bố theo đơn vị hành chính trên mọi miền đất nước.
Với sự đa dạng đối tượng phục vụ và trải rộng theo các vùng miền khác nhau của đất nước, các loại hình thư viện có khả năng thu hút người đọc thật sâu rộng thuộc mọi trình độ khác nhau, mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi góp phần không nhỏ phát triển văn hóa đọc cá nhân, nếu không muốn nói là chủ lực quân phát triển nền văn hoá đọc của quốc giạ, đáp ứng các yêu cầu xây dựng đất nước.
Đồng thời thư viện cũng có những loại hình gắn bó suốt một đời người. Từ khi một con người bắt đầu cắp sách tới trường đã có thể sử dụng thư viện trường học. Cho tới khi em đó bước vào trường đại học, thư viện trường đại học phục vụ các em học tập có kết quả hơn. Thư viện trường học, thư viện trường đại học trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn các em đọc sách, hướng dẫn các em sử dụng thư viện trong học tập đã gây dựng, nuôi dưỡng và định hình thói quen đọc, giúp hình thành sở thích đọc tích cực, lành mạnh, uốn nắn những sở thích đọc lệch lạc và góp phần từng bước giáo dục kỹ năng đọc cho các em. Quan trọng hơn là tạo ra thói quen sử dụng thư viện trong học tập. Đó là một trong những hành trang quí giá nhất các em mang vào đời, các em biết sử dụng thư viện công cộng hoặc cốc thư viện khác cho yêu cầu học suốt đời của các em sau này trong xã hội hiện đại, trong nền kinh tế tri thức. Tiếc rằng cho đến nay, nền giáo dục nước nhà, chưa coi trọng đúng mức loại tri thức này, tri thức chức năng trong học sinh.
Mối quan hệ qua lại, tính mạng lưới của thư viện tác động đến quá trình phát triển văn hoá đọc, trong thời gian qua, đã bị xem nhẹ, nên văn hoá đọc phát triển không đều, chừa bền vững. Hơn nữa các thành phần của hệ thống văn hoá đọc hiện nay lại chịu sự quản lý của nhiều bộ khác nhau, nên quá trình phối hợp, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau gặp nhiều trở ngại, nếu không muốn nói đôi khi ngăn cản nhau, trở nên rời rạc, làm cho hệ thống văn hoá đọc hoạt động chưa có hiệu quả cao.
Thí dụ thư viện trường học chưa được phát triển ở tất cả các trường học, nhiều thư viện trường học chưa thực sự là một thư viện. Hiện tượng đó ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục, nhưng quan trọng hơn là ảnh hưởng tới sự hình thành thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc trong học sinh, những công dân tương lai của đất nước. Thậm chí gần đây có trường đại học, khi được mở ra, không có thư viện. Thư viện công cộng chưa định hướng rõ nét trong hoạt động, cũng như chưa được nhà nước đầu tư đúng mức để trở ttiành cơ quan giáo dục ngoài nhà trường (nơi tự học của mọi công dân). Nhiều cuộc hội thảo quốc tế gần đây đã xác nhận thư viện công cộng là nơi học tập suốt đời của công dân và đó cũng là yêu cầu của thời đại bùng nổ tri thức ngày nay.
Vấn đề hiện nay là phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ của cả ba thành phần cơ bản của hệ thống văn hoá đọc đã được nêu ở trên. Trong phát triển sự nghiệp thư viện, cũng phải phát triển đồng đều các loại hình thư viện, chúng bổ sung cho nhau, không được xem nhẹ một loại hình thư viện nào, nhằm phát triển văn hoá đọc quốc gia. Trong các loại hỉnh thư viện nên phát triển chế độ cho mượn giữa các thư viện, nhằm nâng cao thỏa mãn nhu cầu đọc, yêu cầu đọc cuả xã hội, nhất là vùng nông thôn, nơi kho sách báo của thư viện xã còn quá nghèo nàn. Mức độ nghèo nàn của thư viện xã hiện nay thể hiện ở hai khía cạnh: kinh phí được cấp mua sách báo hàng năm quá ít, nhiều khi không có; các loại sách được xuất bản giành cho người dân ở nông thôn chưa được chú trọng.
Tất cả các loại hình thư viện hoạt động đều phải nhằm mục đích nâng dần tỳ lệ dân chúng sử dụng thư viện ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Tỷ lệ dân chúng sử dụng thư viện phải trở thành một chỉ tiêu pháp lệnh phát triển sự nghiệp thư viện cuả nhà nước và được kiểm điểm thẳng thắn hàng năm, nhằm kịp thời tìm ra các yếu kém để khắc phục, công tác thống kê hoạt động cuả thư viện phải được kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, trung thực.
Những nội dung trên có thể là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển văn hoá đọc hiện nay.
Nguyễn Hữu Viêm